10 sự kiện, vấn đề nổi bật trong hoạt động ngân hàng 2010
01/01/2011
Một năm với những thay đổi pháp lý quan trọng, nhiều biến động trên thị trường, nhiều khó khăn đối với cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.
Từ quanh 12%/năm đầu năm, lãi suất vay vốn VND cuối năm vọt lên quanh 18%/năm. Tỷ giá USD/VND theo niêm yết chính thức chỉ tăng 5,53%, nhưng tỷ giá trên thị trường tự do chênh tới mức kỷ lục với khoảng 10%.
Chỉ hai thống kê tương đối trên cũng cho thấy các ngân hàng và doanh nghiệp đã trải qua năm 2010 nhiều sóng gió. Nhưng đây cũng là năm ghi nhận có những kết quả đạt được theo hướng hoàn thiện khung pháp lý, sự phát triển về quy mô của hệ thống.
VnEconomy điểm lại 10 sự kiện, vấn đề nổi bật trong hoạt động ngân hàng năm 2010 này.
1. Lãi suất đột ngột đảo chiều
Từ tháng 6, nhiều lần Chính phủ nhấn mạnh đến định hướng hạ lãi suất VND. Nỗ lực theo hướng này ghi nhận ở điểm đến 11%/năm của lãi suất huy động. Tuy nhiên, lạm phát gia tăng, cuộc đua lãi suất đột ngột bùng phát vào cuối năm và đỉnh điểm là sự kiện Techcombank “3 ngày vàng” khuyến mại, thị trường nhiều xáo trộn.
Đi cùng với diễn biến trên, lãi suất trong năm 2010 có sự song hành của các cam kết đồng thuận và sự mong manh của nó. “Phá trần”, “giao dịch ngầm”, “lãi suất chui”… là những cụm từ được một số phương tiện truyền thông dùng để phản ánh cho thực trạng của lãi suất những tháng cuối năm. Phải đến trung tuần tháng 12, Ngân hàng Nhà nước vào cuộc qua cam kết giữa các nhà băng, tình hình mới tương đối ổn định.
Hướng thắt chặt tiền tệ cũng thể hiện rõ vào cuối năm, khi Ngân hàng Nhà nước đồng loạt tăng các lãi suất chủ chốt, rút bớt kỳ hạn và nâng cao lãi suất chào mua trên thị mở.
2. Kỷ lục của chênh lệch tỷ giá
Khoảng 10% là chênh lệch kỷ lục giữa giá USD trên thị trường tự do so với giá niêm yết chính thống. Đây cũng là điểm nhấn của năm có nhiều biến động trên thị trường ngoại hối và sự điều chỉnh của chính sách, mà mức tăng chung cuộc 5,53% của tỷ giá USD/VND không thể phản ánh hết.
Ngay đầu năm là quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, tiếp đó là mở rộng đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, áp trần lãi suất tiền gửi USD tối đa 1%/năm đối với các tổ chức, thực hiện “kết hối” đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước, hai lần trực tiếp tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, triển khai loạt giải pháp nắn dòng tín dụng ngoại tệ… Phía sau loạt chính sách này là trạng thái khá ổn định của tỷ giá và cung - cầu ngoại tệ trong khoảng 7 tháng đầu năm.
Nhưng căng thẳng trên thị trường bắt đầu bùng phát từ trung tuần tháng 10 và trong tháng 11; chênh lệch khoảng 10% nói trên có trong thời điểm này. Bên cạnh những giải pháp kỹ thuật, một lần nữa quyết định bán ra ngoại tệ được công bố.
3. Bùng nổ tín dụng ngoại tệ
Năm 2010, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 29,81%; trong đó tín dụng VND tăng 25,3%; tín dụng ngoại tệ tăng 49,3%. Nếu trừ hư số do tỷ giá và giá vàng tăng thì tổng dư nợ tăng 27,6%; trong đó tín dụng VND tăng 25,3%, tín dụng ngoại tệ tăng 37,7%.
Hạ dự trữ bắt buộc, mở rộng đối tượng được vay và đặc biệt là chênh lệch lớn về lãi suất là những yếu tố chính tạo nên một năm hiện tượng với sự bùng nổ của tín dụng bằng ngoại tệ. Đây được cho là một áp lực nổi bật đối với những biến động của thị trường ngoại hối.
Năm 2010 cũng ghi nhận sự khác biệt khi tốc độ tăng trưởng huy động luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng trong phần lớn thời gian của năm. Tuy nhiên, trong hai tháng cuối năm, huy động vốn tăng chậm và tín dụng tăng cao hơn. Tính chung, huy động vốn cả năm tăng 27,2%; nếu trừ hư số do tỷ giá và giá vàng tăng thì huy động vốn tăng 24,5%.
4. Tác động sâu rộng của Thông tư 13
Ngày 20/5/2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 13 quy định các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đây là văn bản đáng chú ý nhất trong những điều chỉnh chính sách năm 2010 của nhà điều hành, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của các ngân hàng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng - đặc biệt là giới đầu tư.
Thông tư này có độ trễ hơn 4 tháng để hiệu lực (từ 1/10/2010), nhưng phải đến đầu tháng 8 những tranh luận, phản ánh mới bắt đầu “bùng nổ”. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát và sửa đổi. Sát ngày hiệu lực, cơ quan ban hành mới chính thức có Thông tư 19 với một số điểm điều chỉnh và vẫn giữ nguyên thời điểm hiệu lực của Thông tư 13.
Về cơ bản, những quy định của Thông tư 13 được xây dựng theo hướng nâng cao hơn các tiêu chuẩn an toàn, siết chặt hơn việc sử dụng các nguồn vốn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
5. Công bố hai bộ luật mới
Tại kỳ họp thứ 7, khóa 12, Quốc hội chính thức thông qua hai bộ luật quan trọng: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 đã có nhiều điểm sửa đổi theo hướng xác định rõ hơn vị trí của Ngân hàng Nhà nước; điều chỉnh nhiều nội dung trong lĩnh vực hoạt động của cơ quan này như về lãi suất, kế toán, dự trữ ngoại hối, kiểm toán nội bộ… Nhiều nội dung mới của luật đã đi sâu quy định rõ về thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia, cụ thể hóa vai trò, vị trí của các cơ quan nhà nước trong việc quyết định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia.
Luật Các tổ chức tín dụng 2010 cũng có nhiều điểm mới, quy định cụ thể hơn, mở rộng phạm vi điều chỉnh về thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Hai bộ luật này bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2011.
6. Siết kinh doanh vàng
Năm 2010 ghi nhận sự can thiệp mạnh của nhà quản lý đối với hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước chính thức chỉ đạo đóng cửa các sàn giao dịch vàng, tất toán trạng thái kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.
Hoạt động huy động và cho vay vàng của các ngân hàng có nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối cũng bị thu hẹp, theo quy định của Thông tư số 22/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 29/10/2010 về huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Lãi suất huy động vàng sụt giảm mạnh trước tác động của chính sách này.
Thị trường vàng trong năm 2010 cũng chứng kiến nhiều biến động, trong đó có những thời điểm giá trong nước vượt trội so với giá thế giới. Biện pháp mà nhà điều hành thường đưa ra là cho phép nhập khẩu để bình ổn, trong khi vẫn còn những tranh cãi quanh con số khoảng 1.000 tấn vàng (?) nằm trong dân.
7. Giãn áp lực tăng vốn pháp định
Hơn 30.000 tỷ đồng là số vốn mà các ngân hàng cần phải gọi được để đảm bảo tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 3.000 tỷ đồng trong năm 2010, theo hạn cuối quy định tại Nghị định 141. Đây là áp lực trải dài suốt năm, không chỉ có trong các kế hoạch gọi vốn chật vật, mà còn ám ảnh giới đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh khó khăn và lợi ích trong gọi vốn, lo ngại mà giới phân tích đặt ra là năng lực quản trị, điều hành và khả năng đảm bảo hoạt động cân bằng ở những thành viên có bước tăng vốn đột biến như vậy. Để đáp ứng điều kiện trên, nhiều trường hợp buộc phải tăng vốn tới gấp 3 lần, trong khi vẫn đang quá độ từ sự chuyển đổi ngân hàng nông thôn lên đô thị.
Vào “phút cuối”, khi hạn đáp ứng vốn chỉ còn 15 ngày, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp gia hạn thời gian tăng vốn nói trên thêm một năm, đến 31/12/2011, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 141.
8. Lo ngại gánh nặng nợ nần Vinashin
Gánh nặng nợ nần và nguy cơ phá sản của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trở thành tâm điểm của các dòng chảy thời sự kinh tế trong năm 2010. Con số khoảng 86.000 tỷ đồng nợ của tập đoàn này gắn với mối lo ngại về khả năng thu hồi, khả năng gia tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Đến hết năm 2010, kết quả đàm phán của Vinashin về đợt thanh toán 60 triệu USD đầu tiên trong khoản vay nước ngoài trị giá 600 triệu USD vẫn còn để ngỏ, khi đã qua thời điểm ân hạn và chưa có khả năng trả nợ.
Giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, toàn bộ dư nợ của hệ thống ngân hàng đối với Vinashin chỉ dưới 26 nghìn tỷ đồng và hiện đang cơ cấu lại 16 nghìn tỷ đồng. Số này chưa đưa vào nợ xấu, và nếu tính vào cũng chỉ tăng 0,7%.
Hiện Chính phủ đã triển khai đề án tái cơ cấu hoạt động của Vinashin và đang cho thấy một số chuyển biến bước đầu.
9. Định mức tín nhiệm xấu đi
Trong năm 2010, các tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn trên thế giới như Fitch, Moody’s và Standard&Poor’s lần lượt hạ định mức tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam, trái phiếu Chính phủ Việt Nam và định mức tín nhiệm của nhiều ngân hàng thương mại lớn.
Từ những góc độ khác nhau, nhưng kết quả mà các tổ chức này đưa ra đều tập trung ở quan ngại về sự ổn định của kinh tế vĩ mô, trạng thái của cán cân thanh toán, lạm phát, vấn đề định giá đồng nội tệ…; hay với các ngân hàng thương mại là quan ngại ở tốc độ gia tăng tín dụng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn theo quy định mới…
Phía sau những đánh giá đó có thể là sự ảnh hưởng nhất định đến khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế của Việt Nam, hay với các ngân hàng thương mại là yêu cầu nỗ lực để cải thiện chất lượng trong hoạt động.
10. Quy mô các ngân hàng phát triển mạnh
Có nhiều khó khăn trong hoạt động nhưng năm 2010 tiếp tục ghi nhận sự phát triển mạnh về quy mô của các tổ chức tín dụng. Tổng tài sản có của hệ thống tăng tới 28%. Hầu hết các thành viên đều tăng cường mở rộng mạng lưới, đầu tư phát triển sản phẩm và dịch vụ. Khoảng cách quy mô giữa nhóm ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu với khối quốc doanh đã được rút ngắn, đi cùng với đó là sự dịch chuyển thị phần đáng chú ý.
Bên cạnh đó, năm 2010 đánh dấu sự hiện diện và hoạt động một cách toàn diện của các ngân hàng 100% vốn nước ngoài với sự mở rộng mạng lưới, sản phẩm dịch vụ một cách nhanh chóng. Vào thời điểm cuối năm, thị trường đón nhận loạt thông tin các ngân hàng ngoại tăng mạnh vốn được cấp. Sức cạnh tranh từ khối này chính thức bước vào giai đoạn mới.
Đi cùng với những chuyển động này là sự gia tăng lợi ích của khách hàng. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, năm 2010 ghi nhận sự mở rộng của các dịch vụ tiện ích như ngân hàng điện tử, đặc biệt là dịch vụ thẻ với việc triển khai kết nối mạng lưới ATM, POS thành một hệ thống thống nhất trên toàn quốc.