Làm gì khi áp lực công việc quá lớn?
14/09/2011
Vất vả lắm bạn mới xin được vào vị trí mong muốn trong một công ty lớn. Chưa quen người, quen việc, cái gì cũng lạ lẫm, khó khăn, khối lượng công việc không nhỏ... Gồng mình hết sức nhưng bạn vẫn cảm thấy quá đuối và mệt mỏi…
Công ty có một dự án mới, quan trọng và cũng rất khó khăn. Tất cả mọi người đều phải cố gắng hết sức mình để hoàn thành cho đúng tiến độ, đi sớm về muộn, họp hành, đánh giá, nghiên cứu công nghệ mới, phương án triển khai… Lại thêm những lo toan về cuộc sống gia đình, ăn ngủ không đủ khiến bạn thật sự mệt mỏi và thấy đầu óc lúc nào cũng căng như sợi dây đàn. Bạn dễ dàng cáu gắt với bất cứ ai, thường xuyên mang bộ mặt cau có và hình sự với mọi người, phải ở lại làm rất muộn nhưng vẫn bị sếp phàn nàn vì hiệu suất làm việc không cao. Rõ ràng bạn không thể để tình trạng này kéo dài được.
Áp lực công vịêc qúa nặng nề trong một thời gian dài sẽ khiến bạn bị stress nặng, suy giảm trí nhớ, năng suất làm việc thấp và bạn lúc nào cũng ở trong tâm trạng bất an và lo lắng vì khối lượng công việc còn tồn đọng. Mỗi ngày đến công ty khi đó thật sự sẽ trở thành địa ngục. Vậy cần phải làm gì?
Trước hết, dù công việc có đang bận rộn và gấp gáp đến đâu, hãy để mình thư giãn và thoải mái trong một vài giờ, nếu có thể thì một vài ngày. Khi không thể làm được việc và nghĩ nổi điểu gì cho ra hồn, thì hãy từ bỏ nó. Đi nghỉ, du lịch, dã ngoại, tránh xa những lo lắng đang chờ bạn. Chuẩn bị tinh thần thật tốt để bước vào một “chiến dịch mới”.
Nhìn tổng quát lại toàn bộ khối lượng công việc mà mình đang đảm nhận, lên kế hoạch cẩn thận và thực hiện tỉ mỉ theo kế hoạch đó. Có thể chia mức độ ưu tiên cho những việc cần phải làm, theo tầm quan trọng, theo tiến độ, khó hay dễ…
Không nên quá lo lắng và làm “hùng hục”. Từ từ giải quyết mọi việc, làm đến đâu chắc chắn là xong đến đó.
Xin trợ giúp của đồng nghiệp và sự hỗ trợ của những người có thể. Bạn được giao công việc quá khó khăn hay đang thiếu ý tưởng sáng tạo? “Không biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, bạn không thể cứ mò mẫm trong bóng tối, như vậy sẽ làm mất thời gian của cả những người khác đang làm việc trong cùng nhóm của bạn. Đôi khi chỉ một gợi ý nhỏ của đồng nghiệp lại giúp bạn giải quyết triệt để được vấn đề mà mình đang gặp phải.
Nếu không phải mang công việc về nhà, cố gắng đừng nghĩ đến nó khi trở về với gia đình. Một ngày vất vả đã là quá đủ và bạn cần được nghỉ ngơi.
Tuyệt đối không được bỏ bữa. Dù bận rộn đến đâu vẫn nên đảm bảo sức khỏe cho bản thân mình. Có thể dự trữ sẵn bánh ngọt, sữa, hoa quả… để ăn bổ sung giữa giờ.
Không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cũng như kiến thức.
Quan trọng là ai cũng có thể mắc lỗi và gặp thất bại, nên đừng tự hành hạ mình với sự lo lắng và sợ hãi. Thay vào đó nên ghi nhớ những lỗi lầm mà bạn mắc phải để rút kinh nghiệm cho những lần sau.
Cuối cùng, nếu bạn cảm thấy công việc không phù hợp và vượt quá sức cũng như năng lực của mình, áp lực công việc tồn tại trong thời gian dài, khi đó hãy mạnh dạn nêu ý kiến, đề xuất được giảm áp lực, nếu không được thì xin nghỉ việc. Bạn có thể thành công ở một vị trí khác tốt hơn với tinh thần làm việc tốt hơn. Thêm nữa, sức khỏe của bạn là điều quan trọng nhất, nên đừng tự mình hủy hoại nó.