Qualcomm: Tích hợp giải pháp bảo mật vào phần cứng thiết bị sẽ hiệu quả hơn
08/04/2016
Tại sự kiện Security World 2016 với chủ đề “An ninh, an toàn thông
tin và bảo mật dữ liệu: Nhu cầu bức thiết trong thời kỳ kỷ nguyên số”
vừa diễn ra, ông Patrick Tsie, Giám đốc cấp cao Khối Marketing Kỹ thuật
khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng Qualcomm đã khẳng định rằng
giải pháp bảo mật tích hợp vào phần cứng của thiết bị sẽ mang lại hiệu
quả cao hơn nhiều so với việc sử dụng các ứng dụng, phần mềm từ bên thứ
ba.
Theo ông Patrick Tsie, để giải quyết được vấn đề bảo mật trên thiết
bị di động, các nhà phát triển phải tiếp cận bằng cách “đặt” các tính
năng bảo mật vào ngay trên phần cứng. Sau đó, dựa trên nền tảng phẩn
cứng để hỗ trợ phần mềm. Hệ quả của sự kết hợp giữa hai bước này là năng
lực đảm bảo an toàn thông tin của thiết bị được tăng cường thông qua
quá trình nhận thức. Nói một cách đơn giản, thiết bị có thể nhận biết,
học hỏi được thói quen sử dụng của người dùng. Quá trình nhận diện, phân
tích hành vi này sẽ giúp nó xác định được mã độc hay tác động của người
lạ.
Trong phần trình bày của mình, ông Patrick Tsie nhấn mạnh đến khả
năng ngăn ngừa và loại trừ mã độc khi tích hợp giải pháp bảo mật thẳng
vào thiết bị. Trong đó, công nghệ bảo vệ phần cứng của Qualcomm có thể
cải biến các mã độc đã biết hay chưa biết để ngăn chặn trước khi chúng
gây hại. Hiện nay, không chỉ nhận diện trên chữ ký, các CPU và con chip
của Qualcomm có khả năng nhận biết được các hành vi bất thường.
|
(Theo ông Patrick Tsie, việc tích hợp giải pháp
bảo mật thẳng vào phần cứng thiết bị sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiều so
với dùng phần mềm.)
|
Khẳng định những ưu thế của việc tích hợp công nghệ bảo mật vào phần
cứng, ông Patrick Tsie đã giới thiệu một giải pháp tổng thể có tên
Qualcomm Haven Security Solution. Trong đó, nổi bật nhất là công nghệ
cảm biến nhận diện vân tay 3D, công nghệ SafeSwitch và tính năng mã hóa
nội dung số,....
Khác với các cảm biến bảo mật sinh trắc học được tích hợp cho các
thiết bị đang có mặt trên thị trường, công nghệ nhận diện vân tay của
Qualcomm sử dụng sóng siêu âm để khắc họa lại hình ảnh 3D của các mẫu
vân tay, bao gồm cả rãnh nổi và rãnh chìm. Cảm biến này có thể được tích
hợp ở các thiết bị với mọi chất liệu từ nhựa, kính đến kim loại và đọc
được vân tay của người dùng trong điều kiện bất thường như tay bị ướt,
phủ kem dưỡng da… Công nghệ cảm biến này cho tốc độ phản hồi nhanh và
nhạy hơn nhiều
Công nghệ SafeSwitch giúp cho người dùng có thể khóa thiết bị từ xa
trong trường hợp bị thất lạc hay trộm cắp. Mọi nỗ lực của kẻ gian nhằm
khởi động lại hay khôi phục cài đặt gốc của thiết bị đều vô hiệu.
Bên cạnh đó, Qualcomm còn có thể hỗ trợ các nhà cung cấp nội dung số
bảo vệ sản phẩm khỏi mã độc và nạn ăn cắp bản quyền bằng cách mã hóa các
bộ phim, bản nhạc…. Những nội dung đó sẽ được tự động giải mã khi tải
về các thiết bị của người dùng,
Chia sẻ về khả năng ứng dụng giải pháp này, ông Patrick Tsie cho
rằng, hiện nay, mọi hoạt động thanh toán điện tử, mua hàng trực tuyến
đều được thực hiện bằng thiết bị di động. Vì vậy, chúng ta có thể xây
dựng được một giải pháp chuẩn thông qua việc liên kết với các hiệp hội
hay liên minh về bảo mật mã nguồn mở trên Internet. Do đó, Qualcomm có
điều kiện để tích hợp giải pháp vào phần cứng dựa trên các nền tảng bảo
mật của hãng cũng như các nhà cung cấp giải pháp xác thực trên nền tảng
trực tuyến. Đồng thời, cung cấp thiết bị gốc cho các nhà cung cấp cũng
như đơn vị vận hành.
Tại sự kiện Hội thảo Security World 2016, các tổ chức, cơ quan, doanh
nghiệp nắm bắt và đánh giá được các hiểm họa an toàn thông tin hiện
hữu, đồng thời đề xuất nhiều phương án ứng phó kịp thời trước sự phát
triển nhanh chóng của các nguy cơ bảo mật trong thời gian tới.
(Nguồn: ictnews.vn)