Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thông tin ngành - khoa
Khoa Kế toán - Kiểm toán

GIỚI THIỆU KHOA KẾ TOÁN – KIỂM TOÁN

 

Khoa Kế toán – Kiểm toán đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực kế toán, tài chính, kiểm toán và tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ, các doanh nghiệp kiểm toán và tư vấn cũng như các cơ quan hành chính, sự nghiệp, phục vụ cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Khoa tích cực tham gia các hoạt động nghề nghiệp thông qua phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp như Hội Kế toán TP. HCM (HAA), hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA), hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA). Ngoài ra, Khoa cũng triển khai những hoạt động nghiên cứu trong khôn khổ các chương trình nghiên cứu khoa học của Nhà trường và các đơn vị liên kết.

YÊU CẦU TUYỂN SINH

Khoa tuyển sinh trong hệ thống tuyển sinh đại học chung của Nhà trường, thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các khối dự thi là khối A, A1 và khối D1. Mã ngành: D340301

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Đào tạo cử nhân ngành kế toán:

  • Có phẩm chất chính trị, có tư cách đạo đức và sức khoẻ tốt, có trách nhiệm với  xã hội.
  • Nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội, những kiến thức chuyên sâu về ngành và chuyên ngành. 
  • Có những kỹ năng cần thiết để tiếp tục tự học, tự phát triển, nghiên cứu độc lập cũng như khả năng thích nghi với sự thay đổi của môi trường làm việc.

Với những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp và chuyên môn kế  toán được trang bị, khi ra trường sinh viên có khả năng tổ chức điều hành công tác kế toán- kiểm toán và tài chính ở mọi loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế. 

CƠ HỘI VIỆC LÀM

  • Sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty kiểm toán và các cơ quan sự nghiệp như cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện.
  • Phần lớn các sinh viên ra trường có việc làm sau khi ra trường. Một khảo sát do Khoa thực hiện đàu năm 2011, cho thấy 94% sinh viên khóa 2005 (ra trường vào năm 2009) có việc làm, trong đó có 78% làm việc trong lĩnh vực tài chính – kế toán – ngân hàng.

VĂN BẰNG TỐT NGHIỆP

  • Sau khi hoàn thành các yêu cầu của chương trình đào tạo, sinh viên được cấp bằng Đại học chính quy tập trung, ngành kế toán hoặc chuyên ngành Kiểm toán.
  • Theo học chế tín chỉ, từ khóa 2009, sinh viên không còn thi tốt nghiệp mà chỉ cần hoàn thành các môn học theo quy định của chương trình.

CƠ HỘI HỌC TẬP Ở CÁC BẬC CAO HƠN

  • Sinh viên tốt nghiệp có thể học tiếp các bậc học cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ thuộc ngành kế toán - kiểm toán, tài chính, quản trị kinh doanh.
  • Ngoài ra, sinh viên có thể chọn hướng theo các chứng chỉ nghề nghiệp của Việt Nam (Kiểm toán viên hành nghề, Kế toán viên hành nghề, Kế toán trưởng) hoặc quốc tế (ACCA, CPA Australia…)

ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN

  • Đội ngũ giảng viên của Khoa hiện nay có 28 giảng viên cơ hữu và bán cơ hữu; trong đó có 1 phó giáo sư, 4 tiến sĩ và 5 nghiên cứu sinh tiến sĩ và 15 Thạc sĩ, tốt nghiệp trong nước và ngoài nước (Úc, Nhật, Hoa Kỳ…)
  • Các giảng viên của Khoa ngoài học vị còn có các chứng chỉ nghề nghiệp về kiểm toán, kế toán, thẩm định giá và thuế và là thành viên của các tổ chức nghề nghiệp như VACPA, ACCA.

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Chương trình đào tạo gồm 131 - 140 tín chỉ với thời gian thông thường là 4 năm. Sinh viên có thể tốt nghiệp sớm hơn hoặc dài hơn thời gian trên tùy theo kế hoạch và năng lực học tập.

Chương trình đào tạo gồm hai khối kiến thức chính:

  • Khối kiến thức giáo dục đại cương bao gồm các môn học về xã hội (xã hội học, quản trị học, tâm lý học…), các môn học công cụ như toán, tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất và quốc phòng…
  • Khối kiến thức chuyên nghiệp bao gồm các môn học cơ sở ngành và khối ngành kinh tế (kinh tế học, luật kinh tế…), các môn học ngành và chuyên ngành (kế toán, tài chính, kiểm toán…)

Khi vào giai đoạn chuyên ngành, sinh viên được chọn một trong hai chuyên ngành kế toán hoặc kiểm toán. Với mỗi chuyên ngành, sinh viên sẽ chọn những môn học phù hợp để sau khi ra trường có thể thích ứng nhanh chóng với môi trường làm việc.

Trước khi ra trường, sinh viên phải trải qua một kỳ thực tập tại các doanh nghiệp, cơ quan, công ty kiểm toán, ngân hàng … nhằm thực hành việc vận dụng lý thuyết vào thực tế. Sinh viên cũng chủ động lựa chọn đơn vị thực tập phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường.    

Ngoài ra, Khoa có chương trình thực tập kết hợp với doanh nghiệp kế toán, kiểm toán và chương trình thực tập mô phỏng tại trường.

GIỚI THIỆU CHUYÊN NGÀNH

Chuyên ngành kế toán

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kế toán được trang bị các kiến thức và kỹ năng chuyên sâu cần thiết cho công việc kế toán tại các loại hình tổ chức khác nhau bao gồm:

  • Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ.
  • Các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán.
  • Các đơn vị sự nghiệp như trường học, bệnh viện.
  • Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể làm việc tại các công ty chuyên cung cấp dịch vụ kế toán, thuế cho doanh nghiệp và các tổ chức khác.

Chuyên ngành kiểm toán

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kiểm toán bên cạnh các kiến thức nền tảng kế toán vững chắc còn được trang bị các kiến thức và kỹ năng chuyên sâu cho việc trở thành kiểm toán viên tại:

  • Các công ty kiểm toán Việt Nam và quốc tế.
  • Bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp, ngân hàng và các loại hình tổ chức khác.
  • Cơ quan kiểm toán nhà nước Việt Nam.

SỰ KHÁC BIỆT CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Chương trình đào tạo của Khoa được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tính ứng dụng, tính thực hành và tính linh hoạt.

Tính ứng dụng: Các môn học được lựa chọn để cung cấp đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cho sinh viên có thể làm việc tốt ngay khi ra trường.

  • Đối với chuyên ngành kế toán, sinh viên được trang bị kiến thức về các hệ thống kế toán doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị hành chính sự nghiệp cùng với sự hiểu biết về đặc điểm tổ chức, quản lý của mỗi loại hình tổ chức.
  • Đối với chuyên ngành kiểm toán, sinh viên được cung cấp kiến thức sâu về kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán nội bộ cũng như hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế.
  • Trong cả hai chuyên ngành, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng làm việc trong môi trường ứng dụng công nghệ thông tin ở những cấp độ khác nhau như sử dụng bảng tính, phần mềm kế toán và hệ thống hoạch định nguồn nhân lực doanh nghiệp (ERP).

Tính thực hành: Quá trình thiết kế và triển khai giảng dạy luôn nhằm tới khả năng làm việc thành thạo và hiệu quả của sinh viên, thông qua:

  • Tích hợp việc thực hành kế toán trên bảng tính và trên phần mềm ngay trong quá trình học các môn chuyên ngành.
  • Chương trình thực tập kết hợp với doanh nghiệp, bao gồm tham quan và thực tập thực tế tại các công ty dịch vụ kế toán, công ty kiểm toán có quan hệ với Khoa.
  • Chương trình thực tập mô phỏng tại trường, giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc thực tế qua hệ thống sổ sách, chứng từ cũng như hồ sơ kiểm toán mô phỏng.

Tính linh hoạt: Chương trình được thiết kế theo học chế tín chỉ, có nhiều lựa chọn cho sinh viên để xây dựng kế hoạch học tập của mình phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp khi ra trường:

  • Lựa chọn chuyên ngành phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
  • Lựa chọn các môn học bổ sung để tăng cường kiến thức và kỹ năng khi ra trường với các môn học anh văn chuyên ngành, các môn học để lấy chứng chỉ của Hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA).

HOẠT ĐỘNG SINH VIÊN

  • Sinh viên Khoa có các hoạt động ngoại khóa sôi nổi và thiết thực để phát triển toàn diện bản thân và nâng cao tính năng động, kỹ năng sống và nghề nghiệp. Bên cạnh các hoạt động Đoàn Hội và văn thể mỹ, Khoa còn có các câu lạc bộ kế toán – kiểm toán với các hoạt động học thuật, hoạt động thiện nguyện, thực hành tiếng Anh và kỹ năng mềm.
  • Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên phát triển mạnh và đạt thành tích cao:
  • Giải thưởng tài năng Khoa học trẻ toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức: Giải ba năm 2012 và năm 2013.
  • Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka do Thành đoàn tổ chức: Giải nhất năm 2012, giải nhì năm 2013.