Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thông tin ngành - khoa
Khoa Kinh tế và Luật

GIỚI THIỆU KHOA KINH TẾ VÀ LUẬT

 

I. THÔNG TIN GIỚI THIỆU KHOA KINH TẾ VÀ LUẬT

Khoa được thành lập tại Quyết định số 30/QĐ - ĐHMBC vào ngày 17 tháng 01 năm 2007 của Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Tp.HCM trên cơ sở tách khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh (thành lập năm 1990) thành khoa Kinh tế và khoa Quản trị Kinh doanh.

Đến ngày 18 tháng 08 năm 2010, theo đề nghị của Hội đồng khoa học và đào tạo, Hiệu trưởng ban hành quyết định số 764/QĐ - ĐHM đổi tên khoa Kinh tế thành Khoa Kinh tế và Luật.

Khoa Kinh tế và Luật luôn chú trọng vào chất lượng giảng dạy và học tập. Hiện có 1874 sinh viên đang theo học Đại học chính quy, 450 sinh viên Đại học bằng thứ 2 và hơn 13.000 sinh viên Đại học không chính quy (vừa làm vừa học và đào tạo từ xa) tại Khoa Kinh Tế và Luật trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh. 

Hội đồng khoa học - đào tạo khoa Kinh tế và Luật bao gồm 20 thành viên, trong đó có 03 phó giáo sư - tiến sĩ, 12 tiến sĩ và 05 thạc sĩ. Ngoài các thành viên là Ban Giám hiệu, Ban Chủ nhiệm và giảng viên Khoa, tất cả các thành viên còn lại trong Hội đồng đều là các chuyên gia trong lĩnh vực Kinh tế và Luật đến từ các trường đại học, các tổ chức có uy tín như Vụ Kinh tế (văn phòng TW Đảng), Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM, Trường Đại học Kinh tế - Luật – Đại học Quốc Gia Tp.HCM, Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam…

Đội ngũ Giảng viên: Đội ngũ Giảng viên cơ hữu tại khoa gồm 02 Phó Giáo sư, 12 Tiến sĩ và 30 thạc sĩ tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước, đại học nước ngoài và một số chương trình liên kết như chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Cao học Việt Nam - Hà Lan, Việt - Bỉ,... Ngoài ra đội ngũ giảng viên thỉnh giảng gồm 110 Giảng viên cộng tác thường xuyên với Khoa đến từ các Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, Trường Đại học Luật Tp.HCM, Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Đại học Quốc gia Tp.HCM, Công ty Kiểm toán và Thuế, Sở Tài nguyên môi trường, Công ty Luật...

II. CÁC NGÀNH - CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO

2.1. Ngành Kinh tế  (Mã ngành: D310101)

Mục tiêu đào tạo:

Kinh tế học nghiên cứu cách thức cá nhân và xã hội đưa ra các quyết định lựa chọn, sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong bối cảnh nguồn lực khan hiếm. Liên quan đến cách thức đưa ra quyết định đó, kinh tế học quan tâm đến hành vi và sự tương tác giữa các cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức khác và các cơ quan chính phủ.

Những nguyên lý của Kinh tế học rất hữu ích trong việc giúp các chủ thể trong nền kinh tế đưa ra các quyết định lựa chọn ở nhiều cấp độ khác nhau. Kinh tế học cung cấp khung kiến thức vững chắc để phân tích và hiểu được những vấn đề kinh tế quan trọng như lạm phát, thất nghiệp, cải cách thuế, những biến động trong tỷ giá hối đoái, năng suất lao động, khủng hoảng kinh tế, chu kỳ kinh doanh, thị trường chứng khoán…

Chương trình Kinh tế học bao gồm rất nhiều môn học của nhiều lĩnh vực như kinh tế quốc tế, kinh tế môi trường, tài chính, kinh tế học của khu vực công, kinh tế lao động, kinh tế phát triển, lịch sử kinh tế, kinh tế học của các tổ chức công nghiệp...

Dựa trên nền tảng kiến thức của Kinh tế học, những người tốt nghiệp ngành Kinh tế sẽ rất quan tâm đến việc ứng dụng nó trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Những người này có thể sử dụng những kiến thức về các mối quan hệ kinh tế để tư vấn cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức khác, bao gồm các công ty bảo hiểm, ngân hàng, các công ty chứng khoán, các công ty tư vấn quản lý, các công ty nghiên cứu, các hiệp hội thương mại và công nghiệp hay các cơ quan của chính phủ… Ngoài việc có thể làm việc tại các doanh nghiệp, những người tốt nghiệp ngành Kinh tế có thể làm việc cho chính phủ, các công ty nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức giáo dục hay sinh viên cũng có thể tiếp tục học tập ở bậc sau đại học.

Điểm khác biệt của chương trình đào tạo

Chương trình Kinh tế học hướng đến việc đào tạo, trang bị cho sinh viên ba nhóm kiến thức, kỹ năng và thái độ như sau:

a. Kiến thức: Trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng Kinh tế học cũng như những kiến thức cơ bản về nền kinh tế Việt Nam để sinh viên có thể vận dụng lý thuyết kinh tế trong phân tích, giải thích những tình huống cụ thể trong thực tế.

b. Kỹ năng: Chương trình kinh tế học nhằm phát triển tư duy phê phán, khả năng làm việc độc lập cũng như kỹ năng phân tích của sinh viên để sinh viên có thể phân tích, đánh giá các hiện tượng kinh tế về mặt định tính và định lượng. Sinh viên ngành Kinh tế sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có trình độ tiếng Anh tối thiểu là chuẩn đầu ra tiếng Anh không chuyên của Trường. Đồng thời, chương trình cũng cố gắng trang bị cho sinh viên những kỹ năng mềm cần thiết để nâng cao năng lực cá nhân của sinh viên.

c. Thái độ: Sinh viên chương trình Kinh tế là những người có đạo đức tốt, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời, sinh viên chương trình này là người có khả năng tự học, sáng tạo, có định hướng nghề nghiệp tốt.

Đầu vào/ yêu cầu tuyển sinh

Tuyển sinh tại các kỳ tuyển sinh Đại học - Cao đẳng hằng năm do Bộ GD&ĐT tổ chức gồm Khối A và Khối D1 dành cho các ứng viên có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học và tương đương theo quy định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.

Đầu ra/ cơ hội việc làm

Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc tại các đơn vị và học tập ở bậc cao hơn, cụ thể như sau:

-   Làm việc tại các Doanh nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có thể làm việc ở nhiều vị trí trong doanh nghiệp mà không hề có những bất lợi so với ngành Quản trị kinh doanh. Trong doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có thể trở thành nhà phân tích số liệu, chuyên viên nghiên cứu thị trường, giám đốc nghiên cứu, nhà tư vấn doanh nghiệp, nhà tư vấn tài chính, nhà phân tích tài chính, nhà phân tích đầu tư, nhà quản lý dự án đầu tư, nhà thống kê… Những vị trí thuộc về lĩnh vực phân tích, dự báo, kế hoạch và nghiên cứu là những lĩnh vực đặc biệt mà doanh nghiệp thường chỉ tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế.

Việc sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế được trang bị tốt về tư duy logic, tư duy phê phán, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề … cũng giúp sinh viên có thể nắm bắt nhanh trong những chương trình huấn luyện của doanh nghiệp để từ đó có những bước phát triển vượt bậc trong nghề nghiệp.

-   Làm việc tại các cơ quan Chính phủ

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế đặc biệt thích hợp với các vị trí công việc trong khu vực công. Rất nhiều vị trí công việc có liên quan đến các lĩnh vực thuộc Kinh tế học như kinh tế học quản lý, kinh tế quốc tế, kinh tế lao động, tài chính, kinh tế nông nghiệp… Thông thường, những người tốt nghiệp ngành Kinh tế sẽ phân tích, đánh giá dựa trên những số liệu thống kê, viết báo cáo nhận định tình hình kinh tế - xã hội nói chung hay những vấn đề kinh tế cụ thể và đưa ra những khuyến nghị cho chính phủ. Các cơ quan chính phủ mà sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có thể làm là các Ủy Ban Nhân Dân, Sở Tài Chính, Sở Kế Hoạch và Đầu Tư, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương…

-   Làm việc tại các tổ chức quốc tế

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế học với kết quả xuất sắc có thể làm việc tại các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB) hay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF)… Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế cũng rất thích hợp để làm việc tại một số tổ chức phi chính phủ (NGOs).

-   Làm việc tại các tổ chức nghiên cứu

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế học còn có thể tham gia làm việc tại các viện nghiên cứu như Viện Nghiên Cứu Kinh Tế (ERI), Viện Nghiên Cứu Môi Trường và Phát Triển Bền Vững (IESD), Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh tế Trung Ương (CIEM), Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS)…

-   Làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo

Những người tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế với kết quả xuất sắc có thể tham gia công tác giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, nếu muốn theo đuổi con đường giảng dạy và nghiên cứu thì sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên nên tiếp tục học tập ở bậc sau đại học.

Văn bằng tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ được nhận bằng Cử nhân Kinh tế (thuộc hệ thống văn bằng quốc gia do Nhà nước quy định)

Cơ hội học tập ở những bậc học cao hơn

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế, sinh viên có thể tiếp tục theo học ở bậc sau đại học để lấy bằng Thạc sỹ hay Tiến sỹ về kinh tế học hoặc những ngành có liên quan đến kinh tế ở các chương trình trong và ngoài nước. Trong nước, sinh viên có thể học các chương trình cao học trong nước tại các trường đại học, học viện có đào tạo sau đại học ngành Kinh tế học, hay học tại các chương trình liên kết với nước ngoài như Chương trình Cao học Việt Nam - Hà Lan đào tạo cao học Kinh tế phát triển, Chương trình thạc sỹ chính sách công của chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright…

Việc tiếp tục học tập ở bậc học sau đại học cho phép người học có những cơ hội tiếp cận với những vị trí công việc thú vị khi làm việc tại các doanh nghiệp, các cơ quan khu vực công, giảng dạy hay nghiên cứu.

Nội dung chương trình đào tạo

Ngành kinh tế học được tổ chức đào tạo trong 4 năm (11 học kỳ) với khối lượng tích lũy toàn khóa là 123 tín chỉ và Giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng.

Chương trình đào tạo gồm hai khối kiến thức chính:

  • Khối kiến thức giáo dục đại cương bao gồm các môn về xã hội và các môn học công cụ như Quản trị  học, Toán, Tin học, Ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng...
  • Khối kiến thức chuyên nghiệp bao gồm các môn học cơ sở ngành và khối ngành (Kinh tế học, Luật Kinh tế, kế toán đại cương, ...), các môn học ngành và chuyên ngành (Kinh tế phát triển, Tài chính, Kinh tế đô thị, kinh tế nông nghiệp, thiết lập và thẩm định dự án đầu tư,...)

Khi học giai đoạn chuyên ngành, sinh viên có thể chọn học theo 03 chuyên ngành gồm:

  • Kinh tế học
  • Kinh tế Đầu tư
  • Kinh tế quốc tế

Với những chuyên ngành này, sinh viên chọn những môn học phù hợp để có kiến thức thích ứng với việc làm sau tốt nghiệp.

Học kỳ tốt nghiệp, sinh viên sẽ trải qua 12 tuần thực tập tốt nghiệp tại các Doanh nghiệp, cơ quan, công ty trong lĩnh vực kinh tế nhằm thực hành việc vận dụng lý thuyết vào thực tế phù hợp với hướng học tập của bản thân.

Đội ngũ giảng viên

Đội ngũ Giảng viên cơ hữu và bán cơ hữu ngành Kinh tế học của Khoa gồm 02 Phó Giáo sư, 09 Tiến sĩ và 14 thạc sĩ tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước, đại học nước ngoài và một số chương trình liên kết như chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Cao học Việt Nam - Hà Lan, Việt - Bỉ,... Ngoài ra đội ngũ giảng viên thỉnh giảng gồm 80 Giảng viên cộng tác thường xuyên với Khoa đến từ các Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Đại học Quốc gia Tp.HCM,...

2.2. Ngành Luật Kinh tế (Mã ngành: D380107)

Mục tiêu đào tạo

Chương trình đào tạo ngành Luật kinh tế tại Trường Đại Học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo cử nhân Luật kinh tế có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và sức khỏe tốt; có kiến thức cơ bản về pháp luật, thực tiễn pháp lý ở Việt Nam và những kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan đến lãnh vực pháp luật. Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật kinh tế có thể làm việc ở các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước hay các tổ chức nghiên cứu và tư vấn.

Điểm khác biệt của chương trình đào tạo

Chương trình Luật kinh tế hướng đến việc đào tạo, trang bị cho sinh viên ba nhóm kiến thức, kỹ năng và thái độ như sau:

a. Kiến thức: Trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng về kinh tế cũng như những kiến thức cơ bản về luật để sinh viên có thể vận dụng kiến thức luật trong các hoạt động kinh tế.

b. Kỹ năng: Chương trình đào tạo Luật kinh tế nhằm phát triển tư duy phê phán, khả năng làm việc độc lập cũng như khả năng ứng dụng các kiến thức luật trong các hoạt động kinh tế trong thực tế. Đồng thời, chương trình cũng cố gắng trang bị cho sinh viên những kỹ năng mềm cần thiết để nâng cao năng lực cá nhân của sinh viên.

c. Thái độ: Sinh viên chương trình Luật kinh tế là những người có đạo đức tốt, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời, sinh viên chương trình này là người có khả năng tự học, sáng tạo, có định hướng nghề nghiệp tốt.

Đầu vào/ yêu cầu tuyển sinh

Tuyển sinh tại các kỳ tuyển sinh Đại học - Cao đẳng hằng năm do Bộ GD&ĐT tổ chức gồm Khối A, Khối D1, Khối C dành cho các ứng viên có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học và tương đương theo quy định của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.

Đầu ra/ cơ hội việc làm

-   Làm việc tại các doanh nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật kinh tế sẽ thích hợp với công việc ở các doanh nghiệp với tư cách là chuyên viên pháp lý phụ trách những công việc liên quan đến đàm phán, sọan thảo, ký kết hợp đồng; đề xuất giải pháp xử lý tình huống pháp lý trong kinh doanh.

-   Làm việc tại các cơ quan nhà nước

Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật kinh tế, với kiến thức căn bản về kinh tế có thể làm việc trong khu vực công. Sinh viên có thể công tác ở tòa án các cấp, các cơ quan của Quốc hội, viện kiểm sát, công an, các bộ ngành của chính phủ, Ủy ban nhân dân, sở, phòng, ban ở địa phương…

-   Làm việc tại các tổ chức nghiên cứu và tư vấn

Sinh viên tốt nghiệp ngành luật kinh tế có thể tham gia làm việc tại các viện nghiên cứu và các trung tâm cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý (văn phòng, công ty luật). Ngoài ra các sinh viên cũng có thể tham gia các trung tâm trọng tài thương mại với tư cách là trọng tài viên giải quyết các tranh chấp thương mại.

Văn bằng tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ được nhận bằng Cử nhân Luật Kinh tế (thuộc hệ thống văn bằng quốc gia do Nhà nước quy định)

Cơ hội học tập ở những bậc học cao hơn

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tiếp tục học Sau đại học để nhận bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các trường trong nước và nước ngoài đào tạo trong lĩnh vực pháp luật.

Nội dung chương trình đào tạo

Ngành Luật kinh tế được tổ chức đào tạo cho trong 4 năm (11 học kỳ) với khối lượng tích lũy toàn khóa là 126 tín chỉ và Giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng.

Chương trình đào tạo gồm hai khối kiến thức chính:

  • Khối kiến thức giáo dục đại cương bao gồm các môn về xã hội và các môn học công cụ như tâm lý học đại cương, xã hội học đại cương, tư duy phản biện, tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng...
  • Khối kiến thức chuyên nghiệp bao gồm các môn học cơ sở ngành và khối ngành (Kinh tế học, Dân sự, Thương mại, Luật quốc tế, Luật thương mại quốc tế, Luật cạnh tranh ...)

Đội ngũ giảng viên

Đội ngũ Giảng viên cơ hữu và bán cơ hữu ngành Luật Kinh tế của khoa gồm 03 Tiến sĩ và 07 thạc sĩ tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước, đại học nước ngoài; ngoài ra đội ngũ giảng viên thỉnh giảng gồm 70 Giảng viên cộng tác thường xuyên với Khoa đến từ các Trường Đại học Luật Tp.HCM, Học viện Hành chính, Đại học Cảnh sát nhân dân, Đại học Quốc gia Tp.HCM, Sở Tài  nguyên môi trường, Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam...

III. HOẠT ĐỘNG SINH VIÊN, HỖ TRỢ SINH VIÊN

  • Ngoài việc học chính khóa theo chương trình đào tạo, sinh viên có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, ngoại khóa, các câu lạc bộ và cuộc thi học thuật chuyên ngành như: Mùa Hè Xanh, Xuân tình nguyện, hội trại, dã ngoại, du khảo trẻ, cuộc thi kiến thức kinh tế học, cuộc thi chuyên ngành Luật kinh tế, câu lạc bộ tuyên truyền phổ biến pháp luật, phiên tòa tập sự.
  • Có các hoạt động đào tạo và phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho sinh viên giúp sinh viên tự tin, năng động và hòa nhập tốt vào môi trường làm việc sau tốt nghiệp;
  • Sinh viên sẽ được hỗ trợ về học bổng, giới thiệu chỗ trọ, giới thiệu việc làm thêm, thực tập, được tư vấn học tập, được tạo điều kiện để tham gia tích cực các hoạt động tình nguyện, và các hoạt động nhằm hoàn thiện bản thân khác.

 

 

 

Liên hệ: Văn phòng Khoa Kinh tế và Luật

Phòng 203 (Lầu 2) - 97 Võ Văn Tần - P.6 - Q.3 - Tp.HCM

Điện thoại: 08.39307172 - Email: khoakinhtevaluat@gmail.com

Website: www.ou.edu.vn/ktl