Tôi theo đám bạn đạp xe từ Thành Cổ ra cầu Ái Tử để làm lò gạch, vào những cánh rừng ở La Vang để hốt lá thông, lá tràm và nhặt củi… Những ngày mưa của mùa hè, tôi lại theo bạn vào rừng hái nấm tràm cho mẹ mang ra chợ bán và bổ sung thêm nguồn thức ăn cho gia đình.
Ngày đó ba tôi là một thiếu tá quân đội, mẹ là một y tá ở Trường Sơn, sau ngày giải phóng về công tác tại một ngân hàng ở Bình Trị Thiên. Ba mẹ gặp nhau ở chiến trường miền Nam, gần 10 năm trời vào Nam ra Bắc, kỷ niệm mối tình của ba mẹ là một thùng to toàn những cánh thư chan chứa yêu thương. Cuối mùa hè 1972 mẹ sinh anh trai, năm năm sau anh thứ hai ra đời. Mẹ một mình vất vả nuôi hai con. Ba lúc ấy đang ở tận miền nam xa xôi. Nhọc nhằn nhưng mẹ luôn khao khát có một cô con gái.
Ngày tôi chào đời, mẹ bị cơ quan khiển trách vì vi phạm sinh con thứ ba. Mẹ về hưu non với đồng lương hưu trí ít ỏi nuôi ba đứa con thơ. Hành trang ba trở về với mẹ là chiếc ba lô trên vai và một chiếc vô tuyến cũ kỹ. Ba rời quân ngũ để cùng mẹ nuôi dạy chúng tôi nên người.
Nhà nghèo, tuổi thơ của anh em tôi là những tháng ngày cơ cực. Tôi thích thú chạy khoe khắp xóm những lần hiếm hoi khi mẹ đi chợ về trong giỏ có đôi dép hay cây kẹp tóc. Các anh tôi chỉ có vài viên bi là trò chơi làm bầu bạn quanh góc sân nhà. Lên tám tuổi, mùa hè tôi theo anh trai lang thang khắp đầu đường xó chợ, anh trai bán vé số, còn tôi bán kem dạo. Hình ảnh con bé đen nhẻm, gầy còm trở nên quen thuộc trong mắt của những người hàng xóm.
Tôi lớn lên trong sự lam lũ nơi mảnh đất khô cằn sỏi đá, "mùa đông buốt giá, mùa hạ nắng cháy da". Trận lũ này chưa kịp đi qua, trận lũ khác đã tràn về khốc liệt. Tôi một đứa con gái nhà quê chưa một lần chạm tay vào những chú thú nhồi bông hay những bộ váy áo rực rỡ.
Không biết bao nhiêu lần trong cuộc đời tôi đã chứng kiến nước mắt mẹ rơi sau mỗi trận lũ về. Đàn lợn mẹ oằn lưng chăm bẵm mong đến ngày xuất bán trong phút chốc lũ về cuốn trôi tất cả. Vườn rau ba trồng chỉ còn trơ sỏi đá khi lũ đi qua… Mùa lũ, tôi và các anh trai bì bõm giữa dòng nước mênh mông bắt cá, hái rau phụ gia đình qua cơn đói từng ngày. Tháng mười trở thành nỗi ám ảnh trong ký ức của tôi về con nước đục ngầu, sự đói khát và tang tóc trên quê hương.
Hè sang là những ngày nắng cháy da, gió Lào khô khốc khắc nghiệt. Ngoài những giờ đến trường, tôi ra đồng hái ớt thuê, hay bóc vỏ đậu phụng cho người ta xuất khẩu. Cuối năm lớp 4, tôi đựơc chọn vào đội tuyển học sinh chuyên văn của trường, sẽ đi học xa nhà. Tôi ao ước có một chiếc xe đạp…
Mùa hè năm ấy, sáng theo anh trai đi bán kem, chiều theo đám bạn đi nhặt ớt. Dành dụm suốt mùa hè cuối cùng tôi đã mua đựơc cho mình chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Tôi vẫn nhớ như in số tiền 780.000 đồng cho chiếc xe đạp ấy. Thời điểm đó, sở hữu một chiếc xe đạp Phượng Hoàng là sỡ hữu một món đồ xa xỉ.
Mùa hè của những năm sau đó, tôi theo đám bạn đạp xe từ Thành Cổ ra cầu Ái Tử để làm lò gạch, vào những cánh rừng ở La Vang để hốt lá thông, lá tràm và nhặt củi… Những ngày mưa của mùa hè, tôi lại theo bạn vào rừng hái nấm tràm cho mẹ mang ra chợ bán và bổ sung thêm nguồn thức ăn cho gia đình. Bữa cơm của nhà tôi bao giờ cũng độn đầy sắn khô…
Năm cuối cấp 2 cũng là lúc các anh trai của tôi bắt đầu vào đại học. Với đồng lương còm cõi của ba mẹ, các anh tôi đành gác lại ước mơ của mình để chọn học những trường ngoài sở thích. Anh trai đầu chọn học ngành sư phạm, anh trai thứ hai chọn ngành công an. Đó là những ngành học mà nhà nước sẽ trợ cấp một phần tương đối. Tôi còn nhớ mãi khi anh trai mình cầm hai tờ giấy báo đại học trên tay. Anh muốn vào học ngành quan hệ quốc tế nhưng cuối cùng phải từ bỏ ước mơ.
Ở độ tuổi trăng rằm, tôi vẫn còn mặc quần vá gối và vẫn theo mẹ ra chợ bán rau, bán quả. Trong cái khó, ló cái khôn. Mẹ tôi thường nghĩ ra đủ thứ để mua bán mưu sinh. Những ngày giáp Tết, mẹ làm bánh, mứt để tôi mang ra chợ bán.
Tôi đã lớn lên cùng những năm tháng cơ cực như thế. Tuổi thơ tôi luôn khát khao có được những bộ quần áo đẹp như chúng bạn, luôn khát khao có một cuộc sống đầy đủ không còn cảnh mẹ tất bật sớm trưa ngược xuôi ngoài chợ. Ba khỏi những nhọc nhằn với những công việc trồng trọt, đan lát đến tươm máu đôi bàn tay.
Ba mẹ vất vả là thế, vậy mà tôi lại không đền đáp được công ơn đó. Tôi thi rớt đại học, mọi thứ dường như đổ sụp xuống. Gác lại giấc mơ vào đại học, tôi thi vào một trường trung cấp. Ngày tôi lên đường vào Nam ăn học đó là một ngày tháng 9 trời lất phất mưa. Ba mẹ tiễn tôi chẳng có gì ngoài những lời nhắn nhủ "phải gắng học, phải biết vượt qua những cám dỗ".
Trên chuyến tàu hôm ấy tôi chẳng thể nào quên đựơc hình ảnh ba mẹ giấu nước mắt đưa tiễn tôi. Tôi khóc, khóc suốt chặng đường từ Đông Hà vào đến hết đèo Hải Vân. Cuộc đời tôi bắt đầu một trang mới…
Đi học, mỗi tháng được ba mẹ chu cấp 300.000 đồng tiền học hành và ăn ở. Với số tiền ít ỏi lại không ổn định hàng tháng, tôi chi tiêu kham khổ, ăn uống thiếu thốn đến cùng cực... Tôi bắt gặp chính hình ảnh của mình trong những câu thơ của ai đó: "Con trưởng thành bằng nước mắt mồ hôi/Cơm nhà trọ không đủ no đêm lạnh/Tiền học phí vẫn hoài đeo canh cánh".
Rồi tôi may mắn được chọn làm thêm phục vụ các tiệc cưới, liên hoan ở khách sạn ngoài giờ học. Lần đầu tiên nhận được số tiền 50.000 đồng sau bốn tiếng phục vụ một tiệc cưới, đó là đồng tiền đẫm mồ hôi, nước mắt và cả sự tủi nhục… Tôi đã bị một người phụ nữ làm bếp ở khách sạn dùng một cái khay bê đồ ăn đánh vào đầu khi tôi đặt không đúng vị trí những thức ăn của buổi tiệc.
Những ngày sau đó, tôi chăm chỉ làm việc và được nhiều khách sạn, nhà hàng gọi đi làm. Qua một mùa cưới tôi gom góp được tiền đóng học phí, đỡ đần cho ba mẹ. Suốt những năm đi học tôi đã trải qua rất nhiều công việc: chạy bàn, tiếp thị sản phẩm, bán cà phê, dạy kèm…
Những tháng ngày xa quê hương tôi đã học được rất nhiều điều ở cuộc sống xung quanh mà ở trường thầy cô không dạy và chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi ra trường và xin được việc làm ở một công ty du lịch. Ở đấy tôi luôn bị cho làm một hướng dẫn viên phụ với đồng lương ít ỏi vì họ chê tôi không kinh nghiệm.
Thay đổi công việc, tôi được nhận vào làm tại Bộ Tư lệnh Hải quân chi nhánh phía Nam. Ở đây tôi từng nghĩ rằng sẽ an phận với một công việc rất phụ nữ trong môi trường của nhà nước. Nhưng sự nhiệt huyết và năng động của tuổi trẻ đã không cho phép tôi dừng lại ở đó. Tôi quyết định rời môi trường nhà nước ra ngoài. Ba mẹ can ngăn, cho rằng đó là một công việc ổn định khi tôi sống một mình ở nơi xa.
Tôi hòa nhập vào môi trường của những doanh nghiệp nước ngoài, tìm thấy sự thích thú với công việc. Và lúc này đây sự trỗi dậy trong tôi về hoài bảo muốn lên được chuyến xe của cuộc đời phải có trong tay tấm vé bằng đại học.
Chắt bóp, dành dụm đồng lương của mình để vừa trang trải cuộc sống vừa tự nuôi mình ăn học, tôi tìm đến những khóa học để bổ sung kiến thức cho công việc, thêm cho tôi những kỹ năng cần thiết và thi vào đại học. Học chẳng bao giờ là muộn và chẳng khi nào là kết thúc. Những kiến thức ở trường kết hợp với những kiến thức học được từ thực tế đã giúp tôi nhận ra nhiều giá trị trong cuộc sống.
Giờ đây tôi đang có một vị trí công việc khá thuận tiện và cuộc sống ổn định. Nhưng mọi thứ sẽ không dừng lại ở đó bởi cuộc sống là một guồng quay phát triển không ngừng, nếu ta dừng cuộc sống vẫn cứ trôi. Tôi vẫn luôn nhớ về những tháng ngày mà mình đã trải qua và xem đó như là một món quà mà cuộc sống ban tặng. Nhờ có những tháng ngày vất vả ngược xuôi tôi mới trở nên cứng cỏi và đứng vững trước cuộc đời đầy sóng gió.
Nhờ có một gia đình mà ba mẹ và các anh luôn bên cạnh, dành cho tôi tình thương, sự động viên để tôi không vấp ngã trước những cám dỗ của cuộc đời. Tôi đã đi lên từ những lam lũ trên chính đôi chân của mình, niềm mơ ước ngày thơ của tôi nay đã thành sự thật.
Trần Thị Thanh Tâm
Theo Vnexpress