Người biết yêu thương mình
03/08/2011
Bạn có thể rất cưng chiều bản thân, nhưng bạn có thể là người không biết yêu thương bản thân mình.
Trong bữa ăn, bạn ăn ngon miệng, nên đã đưa thức ăn vào trong người quá tải, làm cho thân thể của bạn sau bữa ăn bị mệt đừ; sự linh hoạt và sáng suốt của tự thân bị xuống cấp, như vậy là bạn đã không biết yêu thương mình.
Trong cuộc sống, bạn đã đưa các chất liệu bia, rượu, cá thịt,... vào trong thân thể của bạn quá nhiều, làm cho bản thân của bạn nặng nề, mồ hôi của bạn tiết ra làm người khác khó chịu, hoặc bạn đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng không còn điềm đạm, cũng như lịch sự và hiểu biết, như vậy là bạn không biết thương yêu mình.
Bạn xử sự với người khác bằng tâm ý cao ngạo, ỷ thị, hoặc bằng tâm ý vụt chạc, hời hợt, như vậy là bạn đã không biết yêu thương mình.
Bạn hành xử với người khác bằng tâm ý ích kỉ, hẹp hòi, ganh tỵ, tật đố là bạn đã không biết yêu thương mình.
Bạn xử sự với người khác bằng tâm ý không công bằng, không đoan chính, không chơn thật là bạn đã không biết thương yêu mình.
Một người biết yêu thương mình là người không có những hành xử như vừa nêu ra ở trên trong đời sống của họ.
Lại nữa, người biết yêu thương bản thân mình là người có những hành xử như sau:
1. Tập nhìn cuộc đời bằng đôi mắt yêu thương và hành xử yêu thương đối với cuộc đời.
2. Tập nhìn cuộc đời bằng đôi mắt công bằng và biết tôn trọng tư hữu của người.
3. Tập nhìn cuộc đời bằng đôi mắt đoan chính và biết gìn giữ khí tiết cho mình và
cho người.
4. Tập nhìn cuộc đời bằng đôi mắt chân thật và biết thể hiện sự sống chân thật giữa
mình và người.
5. Tập nhìn cuộc đời bằng đôi mắt tỉnh thức, không thành kiến, không cố chấp, không
mù quáng, không bảo thủ, và biết thể hiện cái nhìn thức tỉnh trong mọi hành xử, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, tiếp xúc đối với cuộc đời.
6- Tập sống cuộc đời ít ham muốn và biết phải chăng, đối với thế giới vật chất, để có thì giờ thực tập đời sống an lạc và thảnh thơi.
7-Tập nhìn sâu vào những nỗi đau của mình để thông cảm và chia sẻ niềm đau của người.
8-Tập nhìn sâu vào những điều kiện hạnh phúc của mình để có thể trang trải hạnh phúc đến với người.
9- Tập nhìn sâu vào những hoa trái khổ đau, để đoạn trừ những nhân duyên sinh khởi khổ đau cho mình và cho người.
10- Tập nhìn sâu vào những hoa trái giác ngộ, để gieo trồng, chăm sóc và tưới tẩm những hạt giống trọn lành cho mình và cho người.
11- Tập nhìn sâu vào sự vô thường của sinh mệnh để tinh chuyên trong việc diệt ác hành thiện.
12- Tập nhìn sâu vào cái nầy và cái kia, để thấy rõ mọi sự hỗ tương giữa mình và người, giữa mình và sự vật, nhằm loại trừ tính chấp ngã; và làm sinh khởi tâm hiếu thuận, tâm kính trọng lẫn nhau.
Trong cuộc sống, bạn biết thực tập và nuôi dưỡng mười hai chất liệu vừa nêu dẫn ở trên, tức bạn là người biết yêu thương và tôn trọng mình, không những đời nầy mà còn nhiều đời kiếp về sau nữa.