NGOẠI THƯƠNG: TÁC ĐỘNG VÀ CHÍNH SÁCH
_________________________________________________________
|
Ngoại thương là một ngành được sự quan tâm đặc biệt của giới học thuật và của tất cả những nhà làm chính sách trên thế giới. Tầm trọng quan trọng ấy cũng nói lên rằng đây là cả một lĩnh vực phức tạp, có tác động lên nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của chúng ta. Ảnh hưởng của nó không chỉ gói gọn trong mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” giữa các quốc gia như mô tả trong các lý thuyết kinh điển của Adam Smith hay David Ricado, mà còn lan đến những vấn đề xã hội như đói nghèo, bất bình đẳng. Nhận định này cho chúng ta thấy rằng không lường trước được mặt trái của (chính sách) ngoại thương có thể mang lại hệ quả không mong đợi (trong tương lai).
|
Với mong muốn giúp bạn đọc tiếp cận vấn đề ngoại thương một cách dễ dàng và có hệ thống, ABC những vấn đề kinh tế thời đại xin trân trọng giới thiệu chuyên đề số hai: “NGOẠI THƯƠNG : TÁC ĐỘNG VÀ CHÍNH SÁCH”. Mở đầu trong số này, bài viết “Tự do ngoại thương có giúp giảm nghèo và bất bình đẳng thu nhập?” sẽ đi tìm nguồn gốc những cơ sở lý luận và tác động của chúng lên cách tiếp cận mới trong lý giải tác động của ngoại thương, để từ đó hiểu được mối quan hệ khăng khít giữa ngoại thương, nghèo đói và bất bình đẳng. Tiếp theo, bài viết “Tự do thương mại - tăng trưởng - công nghiệp hóa: đâu là cuộc tranh luận cần thiết?” sẽ làm rõ đâu là những vấn đề thực sự cần tranh luận qua các nghiên cứu trong hai thập niên qua, từ đó đưa ra những lý giải vì sao các nước đang phát triển khó xây dựng cho mình một chính sách công nghiệp hóa bằng ngoại thương một cách hiệu quả.
Và như chúng ta đã biết, phá giá đồng tiền thường được sử dụng để tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu và qua đó thúc đẩy tăng trưởng. Từ sau Đệ Nhất Thế Chiến đến nay, số lượng cuộc phá giá trên khắp thế giới được ghi nhận có thể ước chừng trên dưới 200. Tuy nhiên, không phải cuộc phá giá nào cũng thành công. Bài viết “Phá giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng: những điều ít được bàn cãi trong chính sách” sẽ thảo luận những mặt trái khi chính phủ tiến hành phá giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu, cũng như các điều kiện cần thiết cho cuộc phá giá thành công.
Ngoài ra, xu hướng nghiên cứu hiện nay không chỉ tập trung vào phân tích tác động của ngoại thương, mà còn tìm kiếm những yếu tố mới giải thích ngoại thương. Nếu như các mô hình cũ cho rằng sự khác biệt giữa các quốc gia thúc đẩy họ giao thương, thì thực tế ngày nay cho thấy rằng chính sự giống nhau giữa các quốc mới là yếu tố quan trọng thu hút họ giao thương với nhau. Phần cuối của số chuyên đề giới thiệu đến bạn đọc xu hướng nghiên cứu mới này. Bài viết “Phương trình lực hấp dẫn: một công cụ phân tích thương mại song phương” mang đến cho chúng ta nền tảng lý thuyết, phương pháp ước lượng, cũng như những trường hợp đã áp dụng phương trình lực hấp dẫn trong nghiên cứu ngoại thương. Cuối cùng, một yếu tố giống nhau cụ thể là đồng tiền chung: sử dụng đồng tiền chung thông qua sự hình thành của liên minh tiền tệ có tác động như thế nào đến ngoại thương sẽ được thảo luận cụ thể trong bài viết “Liên minh tiền tệ, thương mại và đầu tư quốc tế”.
Trong một thế giới liên tục đổi thay, tự bản thân của ngoại thương cũng không ngừng thay đổi và len lõi vào đời sống của chúng ta. Một điều chắc chắn rằng chúng ta không thể nhìn bức tranh ngoại thương một cách đầy đủ chỉ qua một số chuyên đề. Thế nhưng, chúng tôi hi vọng những đóng góp đầu tiên này sẽ mang đến cho độc giả phần nào một cái nhìn tổng thể, có hệ thống và chặt chẽ để từ đó chúng ta có thể đi xa hơn nữa.
ABC những vấn đề kinh tế thời đại
|
Các bài viết chính
Bài 1: Tự do Ngoại thương có giúp giảm nghèo và bất bình đẳng?
ABC nhưng vấn đề kinh tế thời đại
Bài 2: Tự do Thương mại - Tăng trưởng - Công nghiệp hóa: Đâu là cuộc tranh luận cần thiết?
Cao Xuân Dung, Nguyễn Văn Phúc
Bài 3: Phá giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng: những điều ít được bàn cãi trong chính sách.
Cao Xuân Dung
Bài 4: Phương trình lực hấp dẫn: Một công cụ phân tích thương mại song phương Olivier Lamotte
Bài 5: Liên minh tiền tệ, thương mại và đầu tư Quốc tế
Julie Lochard
|
Các Khung
-
Góc kỹ thuật: Một vài chỉ số cần thiết để phân tích ngoại thương
Huỳnh Đặng Bích Vy, Phi Vũ Yến Trình
-
Liên minh tiền tệ trong lý thuyết về các khu vực tiền tệ tối ưu [Zones Monétaires optimales](trong bài 5)
|