CHÀO MỪNG CÁC BẠN SINH VIÊN ĐẾN VỚI
KHOA XÃ HỘI HỌC- CÔNG TÁC XÃ HỘI- ĐÔNG NAM Á
Khoa Xã hội học- Công tác xã hội- Đông Nam Á là một trong những khoa đầu tiên ở Việt Nam đào tạo cử nhân Xã hội học (bắt đầu năm 1992), Công tác xã hội (bắt đầu năm 2005) và Đông Nam Á (bắt đầu năm 1991).
1.LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á được hình thành dựa trên sự sáp nhập của hai khoa: Khoa Đông Nam Á học và Khoa Xã hội học và Công tác xã hội vào tháng 6/2011. (Khoa Xã hội học và Công tác xã hội được thành lập vào tháng 5 năm 1992 với tên gọi Khoa Phụ nữ học. Năm 2003 được đổi tên thành Khoa Xã hội học, đến tháng 3/2010 đổi tên là Khoa Xã hội học & Công tác xã hội; Khoa Đông Nam Á học được thành lập vào năm 1991). Sau đây gọi tắt là Khoa XHH-CTXH-ĐNAH.
2.ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN
Các giảng viên được đào tạo từ nhiều trường ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Philippines, Anh, Đức, Nhật, Thái Lan tạo nên phong cách giảng dạy đa dạng và có nhiều hoạt động thực tiễn trong các chương trình, dự án xã hội, phát triển cộng đồng, tham vấn tâm lý, nghiên cứu xã hội học, và các mối quan hệ tốt với Lãnh sự quán các nước Đông Nam Á tại TP.HCM…
3.SỨ MẠNG
Khoa XHH-CTXH-ĐNAH đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực xã hội học, công tác xã hội, và Đông Nam Á cho các cơ quan, viện, trường, tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội trong nước và tổ chức quốc tế.
4.CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO
Khoa có 3 ngành đào tạo:
1. Ngành Xã hội học (Sociology); Mã ngành: D310301
2. Ngành Công tác xã hội (Social Work); Mã ngành: D760101
3. Ngành Đông Nam Á học (Southeast Asian Studies); Mã ngành: D220214
Cùng với quá trình phát triển 25 năm của Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh Khoa XHH-CTXH-ĐNÁ đã góp phần tạo nên mô hình trường đa ngành. Trong những năm đầu thành lập, với sự hợp tác với các tổ chức như ENDA, World Vision, Save the Children Fund, UNICEF, Ford Foundation…, các lãnh sự quán các nước Đông Nam Á, Khoa đã xây dựng được một nền tảng vững chắc với nhiều đầu sách và nghiên cứu ứng dụng. Tập thể giảng viên và sinh viên của Khoa luôn nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, áp dụng phương pháp giáo dục chủ động, chú trọng rèn luyện kỹ năng mềm trong quá trình giảng dạy và học tập. Liên tục nhiều năm liền, nhiều sinh viên của Khoa đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp Bộ và Thành phố (Eureka),
5.GIỚI THIỆU NGÀNH – CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO
5.1 Về kiến thức
5.1.1 Ngành Xã hội học:
Xã hội học là một ngành khoa học xã hội mô tả và phân tích đời sống xã hội, hành vi xã hội, các mối quan hệ xã hội. Lĩnh vực nghiên cứu của xã hội học khá rộng: Kinh tế và lao động; mối liên kết giữa sinh học và xã hội: gia đình và giới; Văn hóa, lối sống; Môi trường xã hội ở nông thôn, đô thị; Tác động của truyền thông đại chúng; Tâm lý xã hội…
Học Xã hội học sẽ giúp sinh viên có kiến thức, quan điểm xã hội học và nắm vững các phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính để nhận diện, phân tích và giải thích các hiện tượng xã hội, các hành vi xã hội từ tình yêu, bản sắc giới, xung đột gia đình, hành vi tội phạm, tuổi già, quyền lực, nghèo đói và giàu có, những định kiến xã hội, … và vận dụng vào các lĩnh vực việc làm như: nghiên cứu, các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội, các doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ, các cơ sở đào tạo, các cơ quan truyền thông, quan hệ công chúng, tham vấn… Ngoài ra, sinh viên sẽ có kiến thức chuyên sâu theo hướng “Xã hội học tổ chức và quản lý nhân sự”: quản lý nguồn nhân lực, luật lao động, quản trị hành chính văn phòng, quản trị tiền lương…
5.1.2 Ngành Công tác xã hội:
Công tác xã hội là một khoa học, một nghề chuyên nghiệp. Người làm công tác xã hội hay còn gọi là nhân viên xã hội làm việc với các đối tượng là các cá nhân, gia đình, các nhóm mà trong đó các thành viên có vấn đề giống nhau và cộng đồng dân cư- đây là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn- để giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống và giải quyết vấn đề của chính họ, không tạo ở họ sự lệ thuộc. Công cụ làm việc của nhân viên xã hội chính là các phương pháp và kỹ năng thực hành công tác xã hội, nghiên cứu, thực thi chính sách…
Học Công tác xã hội, sinh viên sẽ có kiến thức về xã hội, tâm lý, các lý thuyết công tác xã hội, nắm vững và thực hành các phương pháp công tác xã hội như Công tác xã hội với cá nhân, Công tác xã hội nhóm, Phát triển cộng đồng. Các lãnh vực của Công tác xã hội có thể kể ra sau đây: An sinh nhi đồng và gia đình; Thanh thiếu niên từ bình thường cho đến trẻ khó khăn; Người già; Người khuyết tật; Sức khỏe tâm thần; Cộng đồng dân cư; Những đối tượng xã hội như người nghiện, người lớn và trẻ em phạm pháp…
5.1.3 Ngành Đông Nam Á học:
Đông Nam Á học là một khoa học với cách tiếp cận khu vực học. Học Đông Nam Á học, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức nền tảng về địa lý, lịch sử hình thành và phát triển khu vực Đông Nam Á, kinh tế, chính trị- ngoại giao, văn hóa khu vực Đông Nam Á, tôn giáo, lối sống và bản sắc dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á, mối bang giao giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á… và nắm vững các phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng và phương pháp nghiên cứu thực địa để nhận diện, phân tích các hiện tượng văn hóa, chính trị, kinh tế… ở khu vực Đông Nam Á.
Sinh viên sẽ vận dụng kiến thức địa lý-lịch sử-kinh tế-chính trị-tôn giáo-văn hóa… về khu vực và các nước Đông Nam Á vào các lĩnh vực nghề nghiệp như du lịch, quan hệ quốc tế, kinh doanh, truyền thông… Ngoài tiếng Anh, sinh viên sẽ tiếp cận với 1 trong 4 ngôn ngữ sau: Hoa, Nhật, Thái hoặc Indonexia ở cấp độ giao tiếp.
5.2 Về kỹ năng:
5.2.1 Ngành Xã hội học:
Có khả năng vận dụng kiến thức xã hội học góp phần vào việc nghiên cứu các vấn đề lý thuyết, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội trong các lãnh vực của đời sống xã hội; có khả năng làm dự án xã hội. Ngoài ra, sinh viên được rèn luyện các kỹ năng mềm (tư duy phản biện, sáng tạo, giao tiếp…) để vận dụng vào thực tế công việc sau này.
5.2.2 Ngành Công tác xã hội:
Có khả năng vận dụng kiến thức Công tác xã hội góp phần vào việc nghiên cứu các vấn đề xã hội; có khả năng làm dự án xã hội; tổ chức và thực hiện các chuơng trình liên quan đến truyền thông, tập huấn tại cộng đồng; hỗ trợ cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng giải quyết vấn đề. Ngoài ra, sinh viên được rèn luyện các kỹ năng mềm để vận dụng vào thực tế công việc sau này.
5.2.3 Ngành Đông Nam Á học:
Sinh viên có thể vận dụng kiến thức chuyên môn để nhận định, đánh giá tình hình các quốc gia Đông Nam Á. Ngoài ra, sinh viên được rèn luyện các kỹ năng mềm để vận dụng vào thực tế công việc sau này.
5.3 Về thái độ
Chuẩn mực theo nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp; tinh thần trách nhiệm, làm việc tập thể; tính trung thực và sáng tạo của người trí thức; bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, hợp tác.
6. ĐIỂM MẠNH/ KHÁC BIỆT CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Chương trình đào tạo hướng đến hướng vận dụng kiến thức vào các lĩnh vực nghề nghiệp.
- Giáo trình, tài liệu về xã hội học, công tác xã hội được biên soạn tham khảo từ tài liệu nước ngoài và cập nhật tình hình, bối cảnh Việt Nam giúp sinh viên hiểu được lý thuyết, liên hệ ứng dụng được trên thực tế.
- Ngành Xã hội học có hướng chuyên sâu/ chuyên ngành: Xã hội học tổ chức và quản lý nhân sự (Sociology of organizations and personal management)
- Phương pháp đào tạo lấy học viên làm trung tâm, giáo dục chủ động như thuyết trình, thảo luận nhóm; sắm vai phân tích, giải quyết tình huống; nghiên cứu thực tế.
- Đội ngũ hướng dẫn thực tập Công tác xã hội gồm 40 Kiểm huấn viên chuyên nghiệp, với trên 20 năm kinh nghiệm trong nghề công tác xã hội.
7. ĐẦU VÀO/ YÊU CẦU TUYỂN SINH
- Người đã tốt nghiệp PTTH và tương đương
- Các khối tuyển sinh: A1 (Toán, Lý, Anh), C (Văn, Sử, Địa), D (Toán, Văn, Ngoại ngữ), 0 (Văn, Sử, Ngoại ngữ)
8. ĐẦU RA/ CƠ HỘI VIỆC LÀM
8.1 Sinh viên tốt nghiệp ngành Xã hội học có thể làm việc tại:
- Các cơ quan quản lý nhà nước: quản lý, chuyên viên tại các Ủy ban nhân dân các cấp.
- Các tổ chức, đoàn thể xã hội: hội phụ nữ, thanh niên, chữ thập đỏ…
- Chuyên viên tư vấn các lĩnh vực xã hội (hôn nhân và gia đình, trẻ em…)
- Các doanh nghiệp: bộ phận quản trị nhân lực, chuyên gia quan hệ lao động, người trung gian hòa giải các tranh chấp trong công việc, bộ phận quan hệ công chúng, nghiên cứu thị trường…
- Truyền thông: bộ phận quảng cáo, tổ chức sự kiện; các tòa soạn báo, đài truyền hình, đài phát thanh…
- Các tổ chức phi chính phủ, quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường, lĩnh vực công tác xã hội, tác viên phát triển cộng đồng trong các dự án phát triển (dự án giảm nghèo, nâng cao năng lực cho phụ nữ, cải thiện chất lượng cuộc sống…), cung cấp các dịch vụ xã hội...
- Nghiên cứu và giảng dạy tại các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học và các viện nghiên cứu.
8.2 Sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có thể làm việc tại : Các cơ sở xã hội, các tổ chức xã hội, các chương trình phát triển cộng đồng liên quan đến các lĩnh vực cụ thể sau đây:
- Cung ứng dịch vụ xã hội cho trẻ em, thanh niên và gia đình.
- Làm công tác xã hội, công tác tham vấn trong trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp, hay phụ trách chuyên môn về công tác xã hội tại Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội chữ thập đỏ; làm việc cho các cơ quan và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước.
- Quản lý, làm việc cho các dự án phát triển cộng đồng, phát triển xã hội, tham gia các dự án xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực phụ nữ, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên, tham gia xây dựng các chương trình tín dụng tiết kiệm.
- Huấn luyện và nghiên cứu về công tác xã hội, các vấn đề xã hội, chính sách xã hội, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, vấn đề giáo dục và đào tạo.
- Nghiên cứu và giảng dạy tại các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học và các viện nghiên cứu.
8.3 Sinh viên tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học tốt nghiệp có thể làm việc tại:
- Các cơ quan quản lý nhà nước: Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Bảo tàng, Phòng Văn hóa-Thông tin ở các quận huyện, Ban Dân tộc, Chuyên viên ở các Ủy ban Nhân dân các quận huyện, các công ty du lịch …
- Làm việc tại các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi Chính phủ có hợp tác, quan hệ đối ngoại với các nước Đông Nam Á …
- Có thể phụ trách công tác tư vấn, đối ngoại cho các doanh nghiệp của các nước Đông Nam Á tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam tại các nước Đông Nam Á.
- Các doanh nghiệp: bộ phận hành chính văn phòng, bộ phận quan hệ công chúng, bộ phận đối ngoại …
- Truyền thông: bộ phận quảng cáo, bộ phận biên tập các chương trình văn hóa, du lich, thời sự, tổ chức sự kiện; các tòa soạn báo, đài truyền hình, đài phát thanh…
- Nghiên cứu và giảng dạy tại các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học và các viện nghiên cứu.
9. VĂN BẰNG TỐT NGHIỆP
- Sinh viên ngành Xã hội học tốt nghiệp được nhận văn bằng Cử nhân Xã hội học.
- Sinh viên ngành Công tác xã hội tốt nghiệp được nhận văn bằng Cử nhân Công tác xã hội.
- Sinh viên ngành Đông Nam Á học tốt nghiệp được nhận văn bằng Cử nhân Đông Nam Á học.
10. CƠ HỘI HỌC TẬP Ở BẬC CAO
- Với văn bằng Cử nhân Xã hội học, Cử nhân Công tác xã hội, Cử nhân Đông Nam Á học, nhiều sinh viên của Khoa đã theo học và tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ ở các trường trong nước và nước ngoài.
11. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Chương trình đào tạo ngành Xã hội học, ngành Công tác xã hội và ngành Đông Nam Á học gồm hai khối kiến thức chính:
11.1 Ngành Xã hội học:
Khối kiến thức giáo dục đại cương (30% số tín chỉ) gồm các môn Lý luận chính trị; Khoa học Xã hội Nhân văn như học: Công tác xã hội nhập môn; Phát triển cộng đồng; Tham vấn; Quản trị học; Tiếng Anh; Tin học;…
Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (60% số tín chỉ) gồm Kiến thức cơ sở của ngành (Nhập môn khoa học giao tiếp; Pháp luật đại cương; Kinh tế học đại cương; Tâm lý học đại cương; Nhân học đại cương; Thống kê xã hội) và ngành (Xã hội học đại cương; Các lý thuyết xã hội học hiện đại; Xã hội học về gia đình, văn hóa, lối sống, nông thôn, đô thị, di dân, kinh tế, tội phạm…, Phương pháp nghiên cứu xã hội).
Ngành Xã hội học có hướng chuyên sâu: Xã hội học tổ chức và quản lý nhân sự.
11.2 Ngành Công tác xã hội:
Khối kiến thức giáo dục đại cương (30% số tín chỉ) gồm các môn Lý luận chính trị; Khoa học Xã hội Nhân văn như Quản trị học; Xã hội học đại cương; Tâm lý học đại cương; Pháp luật đại cương; Giới và phát triển; Tin học; Tiếng Anh;…
Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (60% số tín chỉ) gồm Kiến thức cơ sở của ngành (Nhập môn công tác xã hội; Nhập môn khoa học giao tiếp; Hành vi con người và môi trường xã hội; An sinh xã hội; Chính sách xã hội) và ngành (Công tác xã hội cá nhân; Công tác xã hội nhóm; Phát triển cộng đồng; Lý thuyết công tác xã hội; Công tác xã hội với người cao tuổi, người khuyết tật…).
11.3 Ngành Đông Nam Á học:
Khối kiến thức giáo dục đại cương (30% số tín chỉ) gồm các môn Lý luận chính trị; Khoa học Xã hội Nhân văn như: Kinh tế học đại cương; Pháp luật đại cương; Quản trị học; Tiếng Việt thực hành; Xã hội học đại cương; Tin học; Tiếng Anh;…
Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (60% số tín chỉ) gồm Kiến thức cơ sở của ngành (Nhân học đại cương; Đại cương văn hóa Việt Nam; Phương pháp nghiên cứu định tính; Lịch sử văn minh thế giới; Thống kê xã hội) và ngành (Nhập môn Đông Nam Á học; Địa lý các nước Đông Nam Á; Kinh tế các nước Đông Nam Á; Quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á; Lịch sử Đông Nam Á; Thể chế chính trị ở các nước Đông Nam Á; Các tộc người ở Đông Nam Á; Phương pháp nghiên cứu thực địa; Nghi thức ngoại giao quốc tế…). Sinh viên ngành Đông Nam Á sẽ chọn học 1 trong các ngôn ngữ sau: Tiếng Thái, tiếng Indonesia, tiếng Nhật hoặc tiếng Hoa.
12. HOẠT ĐỘNG SINH VIÊN
Ngoài hoạt động Đoàn, Hội luôn nhận được danh hiệu đơn vị Xuất sắc hàng năm, sinh viên của Khoa hình thành và sinh hoạt trong các Câu Lạc bộ (CLB) Sinh viên Nghiên cứu Khoa học; CLB Sinh viên Công tác xã hội; CLB tiếng Melayu.
Đặc biệt, sinh viên của Khoa luôn chiếm nhiều nhất các giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp thành phố (giải Euréka), và cấp Bộ trong các năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014.
Một số lớn sinh viên tham gia tình nguyện trong các cơ sở xã hội, các chương trình, dự án, hoặc các tổ chức, cơ quan để trao dồi kiến thức và ứng dụng kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm thực tế, như nhóm sinh viên tình nguyện CTXH (Happier) tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.