Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Gương sáng
Từ Lý Tự Trọng đến những trang sử Đoàn - Kỳ 2

Đoàn làm phim chúng tôi đi lại con đường từ VN, băng rừng Lào, vượt sông Mekong để đến với Bản Mạy, Nakhon Phanom, nơi sinh thành của anh hùng Lý Tự Trọng.


Bản Mạy của miền quá khứ

Cậu bé Lý Tự Trọng (tên thật là Lê Văn Trọng) của năm 1914, chào đời trên đất làng Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan, trong cuộc sống đầy bươn bả và bất trắc của người mẹ Nguyễn Thị Sờm và cha Lê Hữu Đạt.

Làng Bản Mạy, trong ký ức của em trai Lý Tự Trọng, ông Lê Văn Đại: “Những Việt kiều ở ven thị xã làm ăn bấp bênh, họ đi vào hồ Noỏng - Nhạt tìm đất khai hoang làm ruộng, bám trụ bằng nghề nông sinh sống lâu dài. Điều kiện đất đai thiên nhiên thuận lợi của vùng hồ Noỏng - Nhạt giúp họ ổn định cuộc sống. Để đảm bảo an toàn cho người và gia súc, những hộ dân cùng nhau lập một trại cày tập thể để giúp nhau khai khẩn đất làm ruộng vườn”.

Làng Bản Mạy cách thị xã Nakhon Phanom vài cây số. Những ngôi nhà sàn kiểu Thái lọt thỏm trong những khu vườn yên tĩnh và tinh tươm mùi hoa cỏ mới. Thỉnh thoảng, tiếng những người đứng trên nhà sàn cao nói xuống với người phía dưới vang lên là tiếng Hà Tĩnh, Nghệ An. Chúng tôi chào bằng tiếng Việt, những gương mặt nông dân già nua mỉm cười đáp lời hồ hởi: “Từ VN qua bao giờ thế?”. Đã cả trăm năm trôi qua, làng Bản Mạy vẫn tiếng Việt, cuộc đời Việt như thế.

Trong câu chuyện xoay quanh vùng đất đã sinh ra người anh hùng rất trẻ như Lý Tự Trọng, những người già trong làng bảo chúng tôi hãy đến viếng nghĩa trang người Việt. Ở đó, nơi những người cũ an nghỉ, người ta vẫn có thể tường tận chỉ khách lạ đến thắp nhang cho ngôi mộ của ông bà Cựu Tuấn. Hai ngôi mộ xây cùng kiểu giản dị, không hình ảnh, chỉ những từ đơn giản: “Ông Cựu Tuấn”, “Bà Cựu Tuấn”.

Hai con người đã trở thành ký ức đó ngay từ những ngày xa xưa đã gửi gắm cả bốn người con của mình: Ngô Chính Quốc, Ngô Hậu Đức, Ngô Trí Thông và Lê Văn Trọng (tức Lý Tự Trọng) cho con đường học tập để đấu tranh vì tương lai đất nước. Trong tác phẩm Lý Tự Trọng - sống mãi tên anh (Văn Tùng, NXB Thanh Niên, 2009), nhà sử học Văn Tùng đã viết về hai con người trong ký ức làng Bản Mạy như sau: Ông Cựu Tuấn vẫn luôn cho rằng mình là “Lý trưởng của vua nước Nam chứ không phải là tay sai của giặc ngoại bang”. Sinh thời ông mang theo tâm thức của cha mình, một người theo vua Hàm Nghi nổi lên đánh Pháp tại kinh thành Huế từ mùa hè 1885, không bao giờ quên rằng vua nước mình bị Pháp bắt, dân nước mình bị xâm lăng. Cái chết của người cha trong tay giặc Pháp trở thành ngọn lửa ghìm xuống trong lòng ông, để rồi bùng lên lại khi gặp người đồng chí hướng Lê Hữu Đạt - cha đẻ của Lý Tự Trọng sau này.

Ông Cựu Tuấn đã nhận nuôi cậu bé Lê Văn Trọng từ khi cậu bé tròn 3 tuổi, đỡ đần cho cha mẹ Trọng trong những ngày quá nghèo khó và nguy nan khi vừa phải nuôi con, vừa tham gia đấu tranh cách mạng. Ngọn mầm kiên cường đầu tiên của Đoàn Thanh niên cộng sản sau này được sinh ra bởi hai cha mẹ đầy nhiệt huyết cách mạng, được nuôi lớn bởi người cha nuôi đã gìn giữ và gói ghém quá lâu những tình yêu quê hương trong ký ức về người cha, giặc Pháp và cả sự hoài nhớ quê hương...

Làng Bản Mạy đã đi qua cả trăm năm. Những ngôi mộ trong nghĩa trang làng cứ tiếp nối xuất hiện, thế hệ mới đến, thế hệ cũ ra đi. Ở đâu trong vùng an nghỉ ấy người khách lạ cũng có thể bắt gặp những câu viết bằng tiếng Việt rành mạch: “Yên giấc ngàn thu nơi hải ngoại/ Thỏa lòng mơ ước chốn quê hương”, hay như “Dạy con đạo đức đã thành công/ Tưởng nhớ tình quê an giấc mộng” trên mộ. Sự đồng vọng từ những con người yêu nước đến sắt son và quay quắt như ông Đạt, bà Sờm hay ông bà Cựu Tuấn đã in vết trên tất cả những vùng tinh thần của những người Việt xứ này. Dường như phận người xa xứ càng long đong bao nhiêu thì lòng hoài nhớ và kiên trì hướng về đất nước càng nồng cháy như vậy...

Di sản anh hùng

Buổi sáng cuối tuần ở nhà hữu nghị Thái Lan - VN đặt lọt thỏm giữa Bản Mạy, một lớp học tiếng Việt với những em học trò người Việt tập trung đến với những bài tập đọc. Cô giáo dạy các em thêm tiếng Việt ngoài giờ học chính của chương trình tiểu học Thái Lan. Nhiều em từ sớm đã làm quen với tiếng Thái nên không rành tiếng Việt. Lớp học là nơi được gầy dựng tự nguyện từ những phụ nữ biết chữ, yêu nghề giáo trong làng. Thời gian học chỉ ngắn và ít buổi trong tuần, nhưng nhờ thế các em phần nào không quên cái chữ của người quê Việt.

Cô giáo Vũ Thị Thư (65 tuổi) bế đứa cháu ngoại đi lại nhìn mấy đứa trẻ học với cô giáo mới ở làng. Bà Thư nhớ lại: “Ngày xưa tôi làm cô giáo ở Bản Mạy, cho các em đi học khổ lắm. Ví dụ hai nhà thông với nhau thì tôi gom 3-4 em lại học chữ Việt mình. Các em đi học phải giấu sách vở vào bụng. Người ta đàn áp cách mạng, không cho người Việt mình tụ tập đi học đông”. Lớp của cô giáo Thư ngày xưa không có phòng và sân khang trang như bây giờ. Đó là những căn phòng kín trên nhà sàn, nhìn thấy được người đi ngoài đường bên dưới, là những buổi cô dạy một lần cả mấy lớp, mấy trình độ khác nhau. Mấy chục năm trước đã là như thế, người Việt ở xứ người nuôi tình yêu nước bằng cái chữ, lời nói không thể nào mai một.

Câu chuyện cô Thư kể có thể nhắc người ở Bản Mạy về cả cái thời của những tên tuổi như thầy giáo Đặng Thúc Hứa, cụ Tú Ngọ, ông cố Khôi... Họ đã vượt qua tất cả những ngăn trở để soạn giáo trình tiểu học, soạn những bài giảng thơ Phan Bội Châu, tổ chức những lò võ ngay ở trại cày để cả trẻ em và thanh niên trong Bản Mạy chăm chỉ luyện tập, nuôi dưỡng tinh thần hướng về Tổ quốc. Anh Lý Tự Trọng hồi xưa đã trốn đi xem học võ và nghe chuyện kể đánh Tây của những người già say mê kể.

Anh Nguyễn Văn Minh, lý trưởng quản lý 100 hộ dân với hơn 600 người của Bản Mạy bây giờ, kể lại rành mạch: “Ngày xưa tụi tôi còn bé, cứ ngồi trên nhà sàn thế này bày trò chơi này nọ rồi canh lính Thái đi qua. Cha mẹ, cô chú trong làng có khi đang ngồi ở phòng trong họp bàn công việc. Mỗi nhà chúng tôi hồi ấy đóng góp 300 baht mỗi tháng để nuôi một chiến sĩ cách mạng”. Anh Minh kể ở làng ai cũng tự nguyện làm vậy.

Lâu lắm rồi, Bản Mạy tiếng Việt vẫn ê a vang lên trong ngôi trường làng hữu nghị. Câu chuyện về anh Trọng trẻ tuổi anh hùng vẫn sáng lên trong đôi mắt người làng. Ấy là câu chuyện về một người cha và người mẹ phải bỏ Thạch Hà, Hà Tĩnh, cay đắng lê bước trên những núi đồi cách trở thời loạn ly. Tài sản mà họ mang theo là một tình yêu quê cha đất tổ, là một nỗi đau của quốc gia bị giày xéo dưới gót quân thù. Bản Mạy đã hình thành nên mầm mống ngọn lửa trong tâm hồn người trai trẻ như anh Trọng...

Untitled 1
THÔNG BÁO NHANH
  • Triển khai hệ thống Hành chính nội bộ
    Từ ngày 01/10/2014 tất cả các Văn bản triển khai của Đoàn - Hội sẽ được chuyển về hệ thống hành chính nội bộ của Đoàn trường và HSV trường. Mục Văn bản trên website là các biểu mẫu phục vụ công tác.
  • THÔNG TIN RÚT SỔ ĐOÀN VIÊN
    Ban tổ chức Đoàn trường thông tin đến các bạn Đoàn viên - sinh viên hệ Đại học khóa 2011  nhanh chóng liên hệ văn phòng Đoàn trường P106 - cơ sở 97 Võ Văn Tần ( trong giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6) để làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đoàn và rút sổ Đoàn từ hôm nay đến hết 30/12/2016.
    Trân trọng!
  • Mời bạn đến nhận thư
    Hiện nay thư của tất cả các bạn sinh viên trường nếu để địa chỉ là 97 Võ Văn Tần. Đều được chuyển về P.106 tại lầu 01. Các bạn chú ý đến nhận thư nhé !
    
LIÊN KẾT VÀ QUẢNG BÁ