Thời khắc trước pháp trường
Nhà sử học Văn Tùng bắt đầu câu chuyện bằng những chi tiết khiến nhiều người giật mình, đó là nhiều tài liệu ghi rằng anh Lý Tự Trọng nói thạo năm ngoại ngữ, đây là chuyện quá khó với một cậu học trò thiếu niên.
Có tài liệu lại ghi anh Trọng là hội viên của Thanh niên cách mạng đồng chí hội, mà năm 1929 khi anh 15 tuổi thì hội này đã không còn. Vậy làm sao anh Trọng lại được một hội người lớn như thế kết nạp được? “Anh Trọng trước sau vẫn là một người học trò, một người học trò chăm chỉ, thông minh và yêu nước. Cái tình yêu nước, rất yêu nước ấy đã tạo nên phút lóe sáng anh hùng” - nhà sử học Văn Tùng nhận định.
Và những giây phút lóe sáng ấy là gì? Ông Văn Tùng đã đi tìm lại chính những tư liệu mà người Pháp nói về anh Lý Tự Trọng để minh chứng một cách khách quan nhất.
Nguồn tài liệu chính thống nhất chính là bản án bằng tiếng Pháp xét xử vụ phản công của anh Lý Tự Trọng.
Bản án này đã ghi lại một câu nói bất hủ của anh Lý Tự Trọng, mà nguyên văn dịch từ tiếng Pháp là: “Đối với chúng tôi, chỉ có một con đường đó là cách mạng và nổi dậy”. Đây chính là nguyên mẫu của câu nói: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” mà nhiều tài liệu bằng tiếng Việt trích dẫn. Tuy không nguyên văn nhưng theo nhà sử học Văn Tùng là “chấp nhận được vì tinh thần không bị thay đổi”.
Nhà sử học Văn Tùng chia sẻ câu chuyện về sự miệt mài của ông dành để đi tìm sử liệu về anh Lý Tự Trọng rằng: “Nhiều tư liệu đã nói về những giây phút lóe sáng của anh Lý Tự Trọng. Nhưng tôi cứ băn khoăn rằng giây phút lóe sáng ấy từ đâu ra, điều gì đã hun đúc nên một Lý Tự Trọng tuyệt vời như vậy, và quyết tâm đi tìm điều đó”.
Để có những sử liệu về anh hùng Lý Tự Trọng, nhà sử học Văn Tùng đã tìm thông tin qua ba tuyến: tư liệu lưu trữ; thân nhân; lãnh đạo và đồng chí của anh Trọng. Hành trình ấy diễn ra miệt mài suốt gần 40 năm qua và nhiều tư liệu chưa biết về anh hùng Lý Tự Trọng đã được ông tìm thấy hoặc làm rõ.
Tất cả những sử liệu này đã giúp nhà sử học Văn Tùng hoàn thành cuốn sách Lý Tự Trọng - sống mãi tên anh.
|
Khi anh Trọng bị xử bắn, có ba tờ báo ở Sài Gòn là Đuốc Nhà Nam, Ngôn Luận và L’Impartial (tạm dịch là Công Bằng) đưa tin. Ông Văn Tùng đã đi tìm tờ L’Impartial, tờ báo viết bằng tiếng Pháp và phản động nhất vì đó là tờ báo của cơ quan bảo vệ quyền lợi của Pháp tại Đông Dương.
Với tựa đề “Một chiếc đầu rơi”, tờ L’Impartial số ra ngày 20-11-1931 đã dành một phần ba trang báo khổ A2 để tường thuật những giây phút trước và ngay tại pháp trường xử bắn anh Lý Tự Trọng, bắt đầu bằng dòng chữ đầy hả hê:
“Sáng nay, Hui (tên giả của anh Trọng khi vào làm tại sở Than, khi bị bắt do tên tay sai, nên từ Huy đã ghi thành Hui), người ám sát thanh tra mật thám Legrant đã trả giá cho xã hội (?). (...) 5 giờ 25 phút, đã đưa Hui ra hành quyết”.
Nhưng, những dòng chữ hung hăng ấy của một tờ báo thực dân đến giữa bài cũng đã phải khựng lại vì khó thể chối bỏ được những giây phút đanh thép của người thanh niên 17 tuổi trước pháp trường. “Nhân viên của phòng nhân sự hỏi: “Mày có ăn năn gì không?”. Hui đã trả lời: “Ta không ăn năn gì về những việc ta làm. Ta không hề sợ chết” (...). Trước đó, Hui còn muốn diễn thuyết nữa nhưng bị ngăn lại”.
“Một tờ báo của thực dân mà còn ghi lại như vậy thì chứng tỏ rằng giây phút trước pháp trường của anh Lý Tự Trọng quá đỗi anh hùng, đó là phút giây của lịch sử” - ông Văn Tùng trầm giọng, nhưng mắt thì sáng rỡ vì đã phát hiện và minh chứng được thông tin quý báu về anh Lý Tự Trọng.
Bản gốc của tờ L’Impartial số ra ngày 20-11-1931 ấy ông tìm được vào năm 2009, sau 34 năm đi tìm tư liệu về Lý Tự Trọng.
Giá trị của ngọn lửa...
Những giây phút lóe sáng được ghi lại từ chính tư liệu của thực dân Pháp đã quá đủ để minh chứng cho khí phách của người đoàn viên cộng sản Lý Tự Trọng. Và nói như cách của ông Văn Tùng: “Đó là những giây phút đã bảo bọc cho sinh mệnh nhiều con người và cho cả một tổ chức non trẻ vừa chào đời là Đảng Cộng sản VN”.
Ông Văn Tùng nhớ sau năm 1975 khi cùng với ông Ung Văn Khiêm (người từng hoạt động với anh Lý Tự Trọng tại Sài Gòn sau khi trở về từ Quảng Châu năm 1930) đi tìm tài liệu về Lý Tự Trọng, ông Ung Văn Khiêm đã nói rằng: “Lúc đó, chỉ cần Trọng hé răng thì thiệt hại khôn lường”.
Đó là thời điểm anh Lý Tự Trọng vừa làm việc tại sở Than (khu vực Tân Cảng bây giờ) với cái tên Huy tạo vỏ bọc hợp pháp để hoạt động. Với vai trò liên lạc của Đảng Cộng sản VN, anh Trọng chính là một trong những “con thoi” giữa hơn 20 cơ sở Đảng.
“Nếu anh Trọng khai thì đến Trần Phú cũng sẽ bị bắt. Bởi anh Trọng bị bắt trước hội nghị trung ương lần 2, toàn bộ cơ sở Đảng lúc này đang liên hệ mật thiết với nhau và anh đều biết rõ” - ông Văn Tùng nhận định.
Và giá trị về những giây phút lóe sáng đã thành lịch sử ấy có lẽ không có đánh giá nào chuẩn xác hơn chính hành động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc khi đã gửi thư cho Bộ Phương Đông của Quốc tế cộng sản, cho Đảng Cộng sản Pháp và đại diện của Đảng Cộng sản Pháp tại Quốc tế cộng sản yêu cầu can thiệp, tổ chức các cuộc biểu tình để đòi trả tự do cho một thanh niên chưa tròn 17 tuổi.
Và đó cũng chỉ là một trong những lần Bác Hồ nhắc đến anh Lý Tự Trọng, những năm tháng viết sử Đoàn sau này còn giúp ông Văn Tùng nhiều lần trực tiếp hoặc gián tiếp được nghe Bác nhắc đến Lý Tự Trọng.
Ông Tùng nói: “Theo ghi chép của tôi, Bác Hồ đã có sáu lần nhắc đến anh Lý Tự Trọng. Ngoài những bức thư đó, Bác còn nhắc đến anh Trọng trong hội nghị bàn về công tác lịch sử Đảng năm 1959; viết một bài báo dài về anh trên báo Nhân Dân năm 1964 hay trong lời phát biểu kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Đoàn năm 1966... Điều đó chứng tỏ Bác Hồ yêu quý người cháu, người học trò Lý Tự Trọng của mình đến mức nào...”.
Anh Lý Tự Trọng chỉ sống 17 năm tuổi đời, nhưng nhà sử học Văn Tùng bảo rằng gần 40 năm đi tìm tư liệu về anh ông vẫn thấy dường như là chưa đủ. Bởi “chừng ấy năm có sá gì với ngọn lửa nay vẫn rực sáng mà anh Trọng đã góp sức thắp từ 80 năm trước” - nhà sử học Văn Tùng bồi hồi