Trong những ngày đầu Xuân 2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Chính phủ về các hoạt động của Bộ Tài chính trong năm 2011 nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Thưa Bộ trưởng, năm 2010 vừa qua là một năm thị trường tài chính Việt Nam đã phải đối phó với nhiều thách thức. Theo Bộ trưởng, trong năm 2011 này, thị trường tài chính Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào ?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh : Nhìn rộng ra một chút, trước hết bối cảnh quốc tế, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, tuy nhiên tốc độ chậm hơn năm 2010. Khu vực tài chính tiếp tục được củng cố, luồng vốn nóng có xu hướng dịch chuyển sang khu vực các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Mặc dù vậy, kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức: Nợ công của một số nước phát triển vẫn duy trì ở mức cao, lạm phát tại các nước đang phát triển có dấu hiệu quay trở lại. Tỷ lệ thất nghiệp không giảm mạnh như mong đợi, thậm chí giữ nguyên ở mức cao cho thấy nền kinh tế thế giới chưa thực sự phục hồi một cách bền vững.
Ở nước ta, kinh tế đã vượt qua khủng hoảng (tăng trưởng 2010 đạt 6,78%). Dự kiến năm 2011, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn năm 2010 (mục tiêu dự kiến là 7,5%). Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức trong ngắn hạn mà chúng ta cần vượt qua. Cụ thể: lạm phát có khả năng duy trì ở mức cao, gây bất ổn về kinh tế vĩ mô; nhập siêu vẫn ở mức cao, phân khúc thị trường ngoại tệ có thể sẽ tạo sức ép rất lớn lên tỷ giá.
Trong bối cảnh như trên, Chính phủ đã đặt mục tiêu ưu tiên trong năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô với trọng tâm trước mắt là kiềm chế lạm phát. Do đó, chính sách tài khóa trong năm 2011 sẽ thắt chặt hơn năm 2010. Đồng thời, chính sách tiền tệ năm 2011 sẽ tiếp tục theo hướng quản lý chặt chẽ cho đến khi lạm phát ổn định.
Theo nhận định của riêng tôi, thị trường tài chính sẽ có điều chỉnh về mức giá trị cân bằng, dần đi vào ổn định với ít biến động đột xuất hơn so với năm vừa qua. Nếu sự điều chỉnh này tạo được nền tảng ổn định trong năm 2011 thì đây sẽ là điều kiện cơ bản cho sự phát triển mạnh và bền vững của thị trường trong dài hạn.
Trong năm qua, để kiềm chế lạm phát nên một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, than... được điều tiết để giữ giá. Thưa Bộ trưởng, sang năm 2011, giá các mặt hàng này sẽ được điều hành như thế nào?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Năm 2010, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đà phục hồi, nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ và nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao; giá cả thị trường thế giới có những diễn biến phức tạp. Để kiềm chế lạm phát trong năm 2010, Nhà nước đã sử dụng các công cụ tài chính nhằm thực hiện bình ổn giá (không phải là ổn định giá) một số vật tư đầu vào cơ bản của nền kinh tế (như điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu,...), vì vậy, trong năm 2010 giá một số vật tư nói trên về cơ bản là không biến động nhiều
Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã bám sát diễn biến giá thị trường thế giới; linh hoạt, chủ động sử dụng đồng bộ các biện pháp về giá, thuế, Quỹ Bình ổn giá để điều hành giá xăng dầu trong nước, góp phần kiềm chế lạm phát. Cụ thể là về thuế nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức thấp nhằm hỗ trợ chi phí đầu vào, giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có điều kiện không tăng giá bán trong nước khi giá thế giới vẫn tăng. Bộ Tài chính đã thực hiện 5 lần điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu (từ 20% xuống còn 0% - 2%) tuỳ theo từng chủng loại xăng dầu.
Còn về sử dụng Quỹ Bình ổn giá, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã chủ động điều hành Quỹ Bình ổn giá đồng bộ với chính sách thuế phù hợp với diễn biến thực tế tình hình giá thế giới và trong nước. Trong năm 2010, để góp phần bình ổn giá và kiềm chế lạm phát trong những thời gian giá thế giới tăng cao, liên Bộ đã nhiều lần cho phép các doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn giá nhằm bù đắp chênh lệnh của giá cơ sở tăng cao hơn so với giá bán hiện hành.
Tôi khẳng định quan điểm chung là cần tiếp tục thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Cá biệt đối với giá điện cần có lộ trình điều chỉnh thích hợp để trong năm 2011 và một vài năm tới, giá điện cũng được chuyển sang cơ chế giá thị trường...
Theo tôi, thị trường hóa nhưng sẽ không có chuyện quản lý lỏng. Chính phủ cũng sẽ có các biện pháp để hạn chế tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Chính phủ luôn xác định ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu quan trọng nhất. Ngay từ đầu năm Chính phủ đã có Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 9/1/2011 về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán và bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Vậy, Bộ Tài chính sẽ có những biện pháp gì để thực hiện mục tiêu này?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Tôi cho rằng để giá cả trong nước không bị biến động mạnh và phấn đấu đạt mục tiêu CPI năm 2011 tăng không quá 7% như mục tiêu Quốc hội đặt ra là đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn.
Bên cạnh việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế vĩ mô như: thực hiện ngay các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất; điều hành bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; áp dụng tỷ giá, lãi suất phù hợp theo nguyên tắc thị trường; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng ở mức hợp lý; giảm bội chi ngân sách; kiểm soát nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp từ gốc để bình ổn giá như nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm; kiểm soát độc quyền, tăng khả năng cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống lưu thông phân phối…
Về phía Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ hơn nữa thông qua các biện pháp quản lý thu chi ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách; nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, phấn đấu giảm bội chi ngân sách theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Còn về quản lý, điều hành giá cả, Bộ cũng sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp.
Cụ thể là, thứ nhất, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường, tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, thông qua việc xây dựng Luật Giá thay cho Pháp lệnh Giá .
Thứ hai, chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước .
Thứ ba, chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế giá thị trường vào thời điểm thích hợp trong năm đối với giá cả một số hàng hoá, dịch vụ Nhà nước còn định giá, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá…
Thứ tư, tăng cường quản lý giá thông qua các biện pháp: Kiểm soát các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá; kiên quyết ngừng việc đăng ký giá có mức tăng giá không hợp lý; kiểm soát đối với một số hàng hoá, dịch vụ độc quyền, ngăn chặn và kiên quyết xử lý hành vi liên kết và lạm dụng vị thế thị trường để tăng giá bất hợp lý.
Và cuối cùng là thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật Nhà nước về giá. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chính sách, cơ chế điều hành giá của Nhà nước.
Năm 2010, việc phối hợp điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ còn nhiều khó khăn. Vậy Bộ Tài chính có kế hoạch gì để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc thực thi chính sách tài khoá, tiền tệ trong năm 2011?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Mục tiêu xuyên suốt và quan trọng nhất trong năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Vì vậy, việc phối hợp giữa các chính sách tài khoá, tiền tệ, thương mại,... là rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu chung.
Theo tôi, thực tế, thông qua nhiều cơ chế khác nhau, Bộ Tài chính đã và đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ.
Trước hết, đây là các cơ quan của Chính phủ, thành viên của Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia. Thông qua các kênh này, 2 cơ quan thường xuyên thông tin, trao đổi về các mục tiêu chính sách, định hướng điều hành trong ngắn hạn cũng như trong trung và dài hạn, từ đó từng cơ quan có sự phối hợp, điều chỉnh chính sách cho phù hợp nhằm thực hiện các mục tiêu chung theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ hai, là cơ quan được giao quản lý quỹ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo việc điều hành ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chi tiêu của các cơ quan Nhà nước cũng như của thị trường. Đồng thời, trong các hoạt động của mình, Bộ Tài chính từng bước đẩy mạnh việc thực hiện các giao dịch thu – chi ngân sách không dùng tiền mặt, như triển khai phối hợp thu thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại,...
Thứ ba, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước đối với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành các thị trường này, đặc biệt là trong việc xác định lãi suất trái phiếu Chính phủ linh hoạt, theo sát diễn biến thực tế của thị trường nhằm đảm bảo huy động vốn cho ngân sách và góp phần định hướng lãi suất cho thị trường.