Ở thị trường Việt Nam, dù luật về ngoại hối đã có quy định cấm niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng đô la Mỹ (USD) nhưng tại nhiều nơi vẫn công khai lấy USD làm phương tiện thanh toán hoặc làm chuẩn giá niêm yết. Đây chính là một trong những dạng thức phổ biến nhất của tình trạng đô la hóa hiện nay.
Cụ thể, việc sử dụng USD là phương tiện thanh toán phổ biến ở nước ta như từ tiền đóng học phí cho con ở các trường quốc tế, tiền mua nhà, tiền mua điện thoại, ô tô, đi ăn ở nhà hàng, khách sạn... Trong khi ngân hàng không có nguồn USD bán cho cá nhân thì hàng loạt nhu cầu của người dân như nêu trên (dù muốn hay không) vẫn phải sử dụng đồng USD để giao dịch càng khiến tình trạng đô la hóa trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh đó còn là tình trạng tại các điểm kinh doanh ngoại tệ trên thị trường tự do, việc mua bán USD và các ngoại tệ khác diễn ra công khai…
Do ngày càng nhiều giao dịch sử dụng đồng USD làm phương tiện thanh toán khiến giá của ngoại tệ này trên thị trường tự do liên tục tăng cao.
Thạc sĩ Lê Đạt Chí, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM, đánh giá khi ngoại tệ được chú trọng thì nội tệ sẽ bị sụt giảm về giá trị, kéo theo giá cả hàng hóa lương thực tăng, lạm phát cao... Trong khi đó, thời gian qua vấn đề chống đô la hóa ở nước ta chưa được đẩy mạnh, cũng chưa có biện pháp cụ thể, điều đó đã khiến áp lực thiếu USD ngày càng tăng cao.
Cần xử lý triệt để, đồng bộ
Thực trạng trên cho thấy để chống đô la hóa, trước mắt cần ngăn chặn và xử lý tình trạng giao dịch bằng USD thật triệt để, đồng bộ.
Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cần khẳng định chủ trương chống đô la hóa của nước ta là đúng đắn. Tuy nhiên, chống đô la hóa cần phải đi liền với chống vàng hóa bởi hai loại này đều là ngoại tệ. Về lâu dài, chống đô la hóa bằng cách làm mạnh VND lên, ổn định tiền đồng để người dân yên tâm thì đô la hóa sẽ biến mất. Muốn làm được điều này, phải ổn định vĩ mô để giá cả hàng hóa không biến động lớn. Ngoài ra, cần có cơ chế lãi suất rõ ràng để người dân hiểu giữ USD không có lợi. Rất nhiều thời kỳ, người dân thấy lãi suất tiền đồng hợp lý hơn và họ bán USD để chuyển qua gửi tiết kiệm tiền đồng.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM cho rằng, để kiểm soát lạm phát, cơ quan quản lý nhà nước cần phải có thông điệp mạnh mẽ nhằm cắt ngay “cơn sốt” USD trên thị trường, kéo giá USD chợ đen xuống.
Riêng về lãi suất USD, cần sử dụng trần lãi suất tiền gửi theo mức thấp và nâng dự trữ bắt buộc USD ở mức cao. Điều này giúp lãi suất cho vay USD cao mà lãi suất huy động thấp sẽ làm người dân không có nhu cầu gửi USD góp phần giảm tình trạng đô la hóa trên thị trường hiện nay.
Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 4/3, các ngân hàng thương mại phải báo cáo số dư tiền gửi ngoại tệ, ký quỹ ngoại tệ đến thời điểm hết tháng 2 của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các thành viên (tạm gọi chung là tập đoàn) theo danh sách xác định. Mục đích của việc này là thực hiện chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu các đơn vị này phải bán lại ngoại tệ cho Nhà nước. Khi cần sử dụng, họ sẽ được NH cung ứng lại theo đúng giá niêm yết.
Việc yêu cầu các tập đoàn kinh tế Nhà nước bán ngoại tệ cho Nhà nước là cần thiết nhưng đi liền theo đó cần phải có các giải pháp đồng bộ và đủ mạnh để buộc cả thị trường phải sử dụng một đồng tiền trong thanh toán - đó là tiền đồng. Việc điều hành thị trường ngoại tệ cần phải tôn trọng nguyên tắc, kỷ cương quản lý tiền tệ để trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam.
Công Trí