Nhập siêu ở mức rất cao cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ
nhập siêu so với xuất khẩu (năm 2007 là 14,2 tỉ USD, bằng 29,2% xuất
khẩu; năm 2008 là 18 tỉ USD, bằng 28,8%; năm 2009 là 12,9 tỉ USD, bằng
22,5%; ước năm 2010 là 12,3 tỉ USD và bằng 17%; ước tháng 1/2011 là 1 tỉ
USD, bằng 16,7%). Tuy xuất siêu đối với các thị trường xa (châu Mỹ,
châu Âu, châu Đại Dương, châu Phi), nhưng nhập siêu còn lớn hơn đối với
thị trường gần (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore,
Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia…).
Nhập siêu do các yếu tố sau đây tác động.
Trước hết, do sản xuất trong nước chưa đủ sử dụng (gồm tích lũy và
tiêu dùng), mức thiếu hụt vẫn còn chiếm trên dưới 10% GDP. Tỷ lệ tiết
kiệm so với GDP năm 2006 đạt 36,3%, năm 2009 còn 29,2%, ước năm 2010 còn
28,5%, trong khi tỷ lệ đầu tư trên GDP lại cao hơn (năm 2006 là 41,5%,
năm 2007 là 46,5%, năm 2009 là 42,7%, năm 2010 là 41,9%) - vay nước
ngoài trên GDP tăng lên (nếu năm 2006 mới trên 15%, thì năm 2009 lên
trên 40%). Nhập siêu cũng theo đó mà lớn lên. Đáng chú ý, có những thiếu
hụt không đáng có, hoặc có từ lâu nhưng khắc phục chậm, như thức ăn gia
súc, sữa, đường, bột giấy, clinke, công nghiệp phụ trợ... hoặc thuộc
nhóm hàng “xa xỉ” như hóa mỹ phẩm, điện thoại di động, ô tô…
Thứ hai, do cơ cấu sản xuất, xuất khẩu chậm chuyển đổi, tính gia công
còn lớn, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển; sản xuất trong nước, kể
cả sản xuất hàng xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguyên nhiên vật liệu
nhập khẩu.
Do hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước thấp,
nên “thắng ít trên sân người” (đối với hàng xuất khẩu) và “thua nhiều
trên sân nhà” (đối với hàng nhập khẩu). Hiệu quả và sức cạnh tranh thấp
do hiệu quả đầu tư thấp (để GDP tăng 1% đòi hỏi tỷ lệ vốn đầu tư so với
GDP lên đến 5- 6%, trong khi các nước chỉ trên dưới 2,5%); do năng suất
lao động thấp (chưa được 2.000 USD/người); do chi phí vay vốn cao, chi
phí thuê mua mặt bằng sản xuất kinh doanh lớn, do các chi phí bất hợp
lý, bất hợp pháp còn cao…
Đặc biệt, trong khi các nước thường sử dụng hàng rào kỹ thuật đối với
hàng nhập khẩu từ VN, thì VN gần như chưa sử dụng hàng rào kỹ thuật với
hàng nhập khẩu từ các nước, nhất là tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an
toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó, trong tư duy một số cán bộ các ngành, các cấp vẫn cho
rằng nhập siêu đối với VN là tất yếu và còn lâu dài; trong khi trên thế
giới có xu hướng: các nước phát triển thường nhập siêu hàng hóa (để
hưởng giá nhân công rẻ, chi phí môi trường thấp), xuất siêu dịch vụ tài
chính, bảo hiểm, vận tải biển…để hưởng chênh lệch cánh kéo tỷ giá, lợi
thế tài chính…; còn các nước đang phát triển lại xuất siêu lớn (như
Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan…).
Nhập siêu không phải do tỷ giá VND/USD thấp. Bởi vì đồng tiền VN chưa
chuyển đổi được; cánh kéo tỷ giá hiện rất lớn (1 USD ở VN có sức mua
cao gấp trên 3 lần ở Mỹ, thể hiện ở chỗ tỷ giá sức mua tương đương thấp
hơn 3 lần tỷ giá hối đoái); tỷ giá hối đoái ở VN tăng cao trong mấy năm
nay.
Tỷ giá tăng có tác dụng kích thích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu,
nhưng quan trọng hơn cả trong việc kiềm chế nhập siêu là cần tác động
đến những yếu tố trên.
Ngọc Minh