Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
Một số giải pháp thúc đẩy các TCTD tham gia vào thị trường tài chính nông thôn
Để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nông thôn, thị trường tài chính nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, các tổ chức tài chính nông thôn (trong đó có các tổ chức tín dụng) đã phần nào phát huy vai trò tích cực đối với phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Khu vực kinh tế nông nghiệp – nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển. Phần lớn dân số và lao động đều sống ở khu vực nông thôn, kinh tế nông thôn tạo điều kiện cung cấp hàng hoá để trợ giúp khu vực đô thị phát triển. Trong khủng hoảng vừa qua, nông nghiệp, nông thôn đã góp phần chặn đà suy thoái của các ngành, các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Tại Việt Nam, điều này được khẳng định thông qua hàng loạt chính sách và định hướng của Đảng và Chính phủ đối với kinh tế khu vực nông nghiệp – nông thôn, trong đó Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Bộ Chính trị về phát triển tam nông đã nêu rõ: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.

Để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nông thôn, thị trường tài chính nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, các tổ chức tài chính nông thôn (trong đó có các tổ chức tín dụng) đã phần nào phát huy vai trò tích cực đối với phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Hiện nay, trong quá trình hội nhập quốc tế, nhu cầu về dịch vụ tài chính đối với kinh tế nông thôn nói riêng ngày càng đa dạng,  phong phú về số lượng và yêu cầu cao về chất lượng. Hơn nữa, sự cạnh tranh trong nội bộ các tổ chức tài chính vi mô nông thôn ngày càng mạnh mẽ. Nếu không phát triển hoạt động của các tổ chức tài chính nông thôn Việt Nam cùng với các tổ chức tài chính khác trong hệ thống tài chính, nền kinh tế Việt Nam nói chung, kinh tế nông thôn nói riêng sẽ khó có thể thành công trong tiến trình hội nhập.

Thực trạng hệ thống TCTD tham gia vào thị trường tài chính nông thôn Việt Nam

Mặc dù đã có bước phát triển lớn, song hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu vẫn tập trung ở các thành phố lớn, chưa đạt được tính hiệu quả cũng như mở rộng sự tiếp cận đến các khu vực nông thôn (trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam). Theo số liệu thống kê sơ bộ, cung cấp sản phẩm trên thị trường tài chính nông thôn hiện nay chủ yếu vẫn do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ tín dụng nhân dân thực hiện, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiếm 80% thị phần. Trong khi đó, thực tế tại Việt Nam hiện nay, khu vực nông thôn là một thị trường có tiềm năng lớn, nơi sinh sống của trên 74,8% dân số cả nước, song Việt Nam còn thiếu một hệ thống tài chính nông thôn thật sự bền vững để phục vụ cho khu vực này. Mới chỉ có khoảng 32% người nghèo ở nông thôn được tiếp cận tới nguồn vốn của các định chế tài chính chính thức. Các doanh nghiệp thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp vi mô và nhỏ đã tạo ra 2/3 số công ăn việc làm song vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để phục vụ nhu cầu đầu tư,…Sự khó khăn về tiếp cận vốn để đầu tư đã làm hạn chế quy mô phát triển và khả năng mở rộng thị trường của các doanh nghiệp tại khu vực nông thôn. Như vậy, trong điều kiện hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu vốn cho khu vực nông nghiệp và nông thôn vấn đang là đòi hỏi rất lớn, cần có sự tham gia rộng rãi hơn của các đối tượng khác, đặc biệt là khối các Ngân hàng thương mại cổ phần.

 

Một số nhân tố cản trở quá trình tham gia của các TCTD vào thị trường tài chính nông thôn

Có nhiều nhân tố tác động đến quá trình tham gia của các TCTD vào thị trường tài chính nông thôn Việt Nam. Nhân tố đầu tiên có thể kể đến là hiện nay nhiều TCTD còn thiếu một chiến lược cụ thể hướng đến thị trường tài chính nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu làm cho các TCTD chưa tích cực mở rộng tại khu vực nông thôn là do những hạn chế của kinh tế nông nghiệp nông thôn Việt Nam như: Chi phí đầu tư vốn vào khu vực nông nghiệp và nông thôn cao hơn nhiều khu vực thành thị, các rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, các rủi ro bất khả kháng khác luôn rình rập khu vực nông nghiệp, nông thôn, bên cạnh đó trình độ dân trí của khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế nên việc tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cũng khó khăn hơn. Một nguyên nhân nữa cũng có thể tác động đến khả năng mở rộng của các TCTD là việc thiếu nguồn vốn do khả năng huy động vốn chưa cao, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn. Mặt khác, việc các TCTD hiện nay vẫn đang áp dụng quy định về tài sản thế chấp để phòng ngừa rủi ro cùng những hạn chế từ phía nội tại các doanh nghiệp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, như chuẩn bị kế hoạch kinh doanh yếu kém, thiếu tài sản đảm bảo,…là những trở ngại lớn cho các doanh nghiệp nông thôn khi tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.

Một số giải pháp thúc đẩy các TCTD tham gia vào thị trường tài chính nông thôn Việt Nam một cách hiệu quả và an toàn

Các nhân tố nêu trên đã làm cho các TCTD, các doanh nghiệp và hộ gia đình nông thôn khó gần nhau. Nói cách khác, để các TCTD có thể tham gia lành mạnh và hiệu quả vào thị trường tài chính nông thôn, những nhân tố trên cần được khắc phục, xử lý, cụ thể:

 

Các TCTD cần xây dựng một chiến lược cụ thể hướng đến khu vực nông thôn

Hiện nay, ở khu vực nông nghiệp, nông thôn dường như chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là có chiến lược phát triển rõ ràng. Để thực hiện mục tiêu của Đảng và Chính phủ hiện nay về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của hoạt động ngân hàng đòi hỏi các TCTD phải xây dựng một chiến lược phát triển rõ ràng phục vụ kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Chiến lược phát triển của các TCTD sẽ bao gồm cả chiến lược kinh doanh, kế hoạch phát triển mạng lưới chi nhánh hiệu quả với thời gian biểu cụ thể và kế hoạch tuyển dụng, đào tạo cán bộ để mở rộng mạng lưới hoạt động,…Ngoài ra, trong hoạt động cho vay của các TCTD ở khu vực nông nghiệp, nông thôn cần có những đặc thù riêng. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghiệp vụ tài chính nông thôn cho các cán bộ cũng cần được quan tâm đúng mức và đi kèm là phát triển hệ thống quản lý rủi ro, hệ thống kiểm soát chất lượng phù hợp với đặc thù mang tính thời vụ của sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.

 

Huy động vốn và phát triển những sản phẩm huy động vốn mới

Một trong những nguyên nhân làm hạn chế sự tham gia của các TCTD vào thị trường tài chính nông thôn là các TCTD còn thiếu vốn, đặc biệt là trong huy động các nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng cho vay đối với khu vực nông thôn. Để đáp ứng nhu cầu cho vay đầu tư, một phần nguồn vốn ngắn hạn đã được sử dụng tài trợ cho các khoản vay có kỳ hạn và tạo ra sự mất cân đối về kỳ hạn và rủi ro thanh khoản. Theo số liệu thống kê, tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến 70% tổng số tiền gửi tiết kiệm, song cũng sử dụng đến 52% tổng tín dụng của các ngân hàng. Từ đó có thể thấy là những khu vực ngoài 4 thành phố lớn này (60 tỉnh, thành phố còn lại) gặp khó khăn trong việc huy động vốn đáp ứng cho nhu cầu cho vay ở địa phương. Nguyên nhân là do các ngân hàng chủ yếu vẫn huy động vốn thông qua các sản phẩm truyền thống từ dân cư và doanh nghiệp, chưa có các sản phẩm tiết kiệm mới phù hợp cho huy động vốn ở khu vực nông thôn. Nhiệm vụ của hệ thống các TCTD hiện nay là phải có một chiến lược cụ thể trong việc thiết kế, tiếp thị những sản phẩm tiết kiệm dài hạn mới, đa dạng và hấp dẫn, có thể như cơ cấu các tài khoản tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi hay những sản phẩm khác như trái phiếu,…để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi từ khu vực nông thôn, mở rộng nguồn tại chỗ cho đầu tư phát triển.

 

Hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các doanh nghiệp nông thôn

Thực tế hiện nay, việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của người dân và các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế. Điều này một phần là do nguyên nhân yếu kém từ phía nội tại các doanh nghiệp như trong khâu chuẩn bị kế hoạch kinh doanh, thiếu báo cáo tài chính, kế toán lành mạnh,…Tất cả các vấn đề này đều có thể được khắc phục thông qua các phương án đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình, việc cần thiết là đào tạo, hướng dẫn cho hộ cách thức để xây dựng một kế hoạch kinh doanh gắn kết một cách tốt hơn với yêu cầu của các ngân hàng, thiết lập và duy trì một hệ thống kế toán, báo cáo tài chính lạnh mạnh, hay giải pháp để nâng cao tính hiệu quả và khả năng sinh lời,…Hướng dẫn có thể đến từ phía các TCTD, hay thông qua các chương trình hỗ trợ từ phía Nhà nước, Chính phủ,…thông qua các các lớp đào tạo hay hướng dẫn trực tiếp của cán bộ tín dụng của các TCTD khi tiếp cận hồ sơ vay của khách hàng.

Đẩy mạnh phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp

Một yếu tố quan trọng đòi hỏi phải có những bước tiếp cận một cách sáng tạo mới trong phát triển thị trường tài chính nông thôn chính là vấn đề giảm thiểu các rủi ro đối với các khoản vay của các TCTD trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Hơn 74,8% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn và nông nghiệp vẫn là nguồn sống chính của họ. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp ở Việt Nam lại bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những rủi ro về thời tiết (hạn hán, lũ lụt) và dịch bệnh. Rủi ro mất vốn cao do những đặc thù của sản xuất nông nghiệp, trong khi lại chưa có thị trường bảo hiểm nông nghiệp phát triển đã làm nản lòng các TCTD khi tham gia vào thị trường tài chính nông thôn.

Do đó, để các TCTD tham gia vào thị trường tài chính nông thôn an toàn, cần phải phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp. Để từng bước phát triển khu vực thị trường này, theo kinh nghiệm của một số nước, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ cho cả doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng như hỗ trợ phí bảo hiểm cho người dân. Về phía các TCTD, để giảm thiểu rủi ro cho bản thân, các TCTD cũng cần có chính sách hỗ trợ như miễn hay giảm lãi đối với khách hàng có tham gia bảo hiểm nông nghiệp để khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm. Ngoài ra, sự tham gia của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trong việc tuyên truyền vận động thu hút đông đảo người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ là rất cần thiết để xây dụng một thị trường bảo hiểm nông nghiệp phát triển.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc thực hiện những giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy các TCTD tham gia vào thị trường tài chính nông thôn Việt Nam. Cùng với những ưu tiên của Đảng và Chính phủ trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, những khó khăn mang tính chất vĩ mô chẵn chắn sẽ dần được khắc phục, tạo nhiều thuận lợi hơn cho việc phát triển thị trường tài chính nông thôn nói riêng, kinh tế nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói chung.