Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
Ngành ngân hàng: Hy sinh quyền lợi trong ngắn hạn
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP (NQ 11) và Chỉ thị 01/CT-NHNN do NHNN Việt Nam tổ chức ngày 3/3 tại Hà Nội và ngày 4/3 tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều TCTD tỏ ra khá băn khoăn về vấn đề tăng trưởng tín dụng năm 2011 ở mức dưới 20% và giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất xuống 16%. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2011 và ngành Ngân hàng phải đồng lòng làm cho được.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, cùng với việc ban hành Chỉ thị 01/CT - NHNN để triển khai NQ 11, NHNN sẽ ban hành theo một số văn bản chỉ đạo trong thời gian tới. Bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, NQ 11 của Chính phủ khá trọn vẹn, đầy đủ, toàn diện và đúng đắn, thể hiện quyết tâm của Chính phủ là kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, bà Dương Thu Hương băn khoăn, bằng cách nào để tăng trưởng tín dụng không quá 20% và tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15 - 16%? Vì, nhiều năm nay chưa bao giờ tăng trưởng tín dụng ở mức này, có chăng phải 25 - 28%. "Song, để kiểm soát lạm phát thì phải thực hiện tốt hai mục tiêu này. Nếu không, vào cuối năm lạm phát cao thì ngành Ngân hàng sẽ có lỗi" - bà Hương nói. Rõ ràng, giảm tăng trưởng tín dụng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tài chính, lợi nhuận của các TCTD. Vì, đến giờ, thu từ tín dụng vẫn chiếm tỷ lệ  lớn trong tổng nguồn thu của các TCTD. Nhưng bà Hương cho rằng, các thành viên phải nghiêm túc thực hiện, hy sinh quyền lợi của mình trong ngắn hạn để có lợi ích trong dài hạn. Đồng tình với quan điểm giữ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, ông Trần Anh Tuấn - Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, BIDV đã đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng là 19%. Song ông Tuấn cho rằng: quan trọng là cách thức thực hiện và kiểm soát, sự kiên quyết xử lý vi phạm của NHNN. Nếu chỉ công bố chỉ tiêu mà không có biện pháp tích cực thì các TCTD sẽ "lách".

 

Về vấn đề giảm tỷ lệ tín dụng của khu vực phi sản xuất (chứng khoán, tiêu dùng, bất động sản) xuống tối đa 16%, các TCTD cho rằng, cần cụ thể hóa danh mục trong cho vay lĩnh vực phi sản xuất. Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) nêu ví dụ: khái niệm và danh mục cho vay bất động sản cần phải rõ ràng. Chẳng hạn, thế nào là cho vay đầu tư bất động sản. Liệu việc cho vay dự án xây dựng hạ tầng hay cho vay mua nhà đúng với nhu cầu để ở thì xử lý như thế nào? Ngoài ra, lĩnh vực cho vay tiêu dùng vẫn là mảng kinh doanh quan trọng của các NHTM, và ở khía cạnh nào đó cũng hỗ trợ rất tốt cho người dân... - ông Vinh nói.

 

Giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất là điểm mới của NQ 11, nhưng không phải là khó thực hiện. Bởi, tính đến hết năm 2010, dư nợ cho vay phi sản xuất khoảng 431 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,7%/tổng dư nợ toàn ngành. Trong đó, 18 ngân hàng có dư nợ lĩnh vực này từ 25% trở xuống (tính trên tổng dư nợ của ngân hàng); còn là 24 ngân hàng có dư nợ từ 25% trở lên. Tuy nhiên, Thống đốc cũng thừa nhận, việc đưa tín dụng phi sản xuất xuống 16% sẽ là khó khăn đối với một số NHTMCP, nhất là các ngân hàng năm 2010 có tỷ lệ dư nợ trong lĩnh vực này cao, như NHTMCP Đông Nam Á 21%, NHTMCP Sài Gòn Hà Nội 47%, NHTMCP Nam Việt 41%, NHTMCP Phương Tây 52,2%… Nếu nhìn vào các con số trên, thì việc tính toán bình quân giảm tín dụng phi sản xuất từ 18,7% xuống còn 16% là hoàn toàn có cơ sở, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện.

 

Để đạt được mục tiêu này, tăng trưởng tín dụng năm 2011 phải dồn toàn bộ cho sản xuất, còn tăng trưởng khu vực phi sản xuất là bằng không. Chính vì vậy, nên tăng trưởng tín dụng ở con số 18% là "đẹp", tương đương khoảng 460 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20% không phân biệt ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ. Các TCTD sẽ phải xây dựng, lập lại kế hoạch kinh doanh, phải "thắt lưng buộc bụng", giảm chi phí để đạt mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận. Đây là thông điệp mà ngành đã đưa ra và quyết tâm thực hiện thời gian tới, NHNN sẽ tăng cường thanh tra, kiểm soát các TCTD về các vấn đề: chất lượng tín dụng; các chỉ tiêu đảm bảo an toàn hoạt động. Đặc biệt, NHNN sẽ thanh tra tại chỗ các công ty mua bán nợ, công ty chứng khoán trực thuộc các TCTD. Để thể hiện sự cương quyết, một khung xử phạt cao hơn đối với các TCTD có vi phạm đang được đề xuất.