Nhìn lại năm Canh Dần để nghĩ kế sách lâu dài.
02/02/2011
Bước vào năm Tân Mão, điểm lại tình hình kinh tế năm canh dần không chỉ có ý nghĩa ngắn hạn mà còn gợi mở những vấn đề lâu dài.
Canh Dần là năm khá đặc biệt, đánh dấu kết thúc kế hoạch 5 năm 2006-2010, đồng thời chuẩn bị cho việc triển khai kế hoạch 5 năm mới với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới. Nhiều thành tựu nhưng không ít hạn chế
Nếu chỉ gói gọn một năm, đã có nhiều văn kiện đánh giá, gần đây nhất là Báo cáo của Chính phủ trước kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Điều dễ thấy là sau cơn suy giảm do tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế nước ta đang lấy lại phong độ với tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đưa nước ta vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình, tuy còn ở mức thấp nhưng đã đạt được mục tiêu đề ra trong chiến lược 10 năm - một thành tựu rất đáng ghi nhận - thể hiện nỗ lực vượt bậc của toàn dân và các doanh nghiệp.
Trong năm Canh Dần cũng hiện hình khá rõ nét những căn bệnh đã có từ lâu trong nền kinh tế nước ta, mà nếu không chữa chạy kịp thời sẽ để lại di chứng lâu dài và nghiêm trọng. Căn bệnh đầu tiên và bao trùm là tốc độ tăng trưởng tuy cao nhưng cái giá phải trả khá đắt. Sự tăng trưởng ấy chủ yếu dựa trên đồng vốn đổ ra ngày một cao đi đôi với việc huy động sức lao động giản đơn ngày một nhiều, suất tiêu hao năng lượng, tài nguyên cao, năng suất thấp... Vì vậy nó là tác nhân gây ra những bất ổn vĩ mô kéo dài: bội chi ngân sách thường xuyên, nợ nhà nước tăng nhanh, nhập siêu nặng nề, cán cân thanh toán bấp bênh, các cơn sốt lạm phát luôn rình rập.
Đi liền với căn bệnh trên là việc hình thành cơ cấu kinh tế - xã hội lạc hậu cả trong sản xuất lẫn xuất khẩu, tài nguyên thiên nhiên chiếm tỷ trọng cao; sản phẩm công nghệ cao, kinh tế tri thức, sản phẩm công nghiệp chế biến và chế tạo thấp, chủ yếu mới ở công đoạn gia công, công nghiệp phụ trợ hầu như không có. Đến nay nền kinh tế bộc lộ rõ kết cấu hạ tầng, điện nước không theo kịp yêu cầu sản xuất và đời sống; giáo dục, khoa học - công nghệ không hòa nhịp với tốc độ phát triển; thể chế quản lý kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường và hội nhập còn nhiều lúng túng, bất cập. Tính bền vững trong quá trình phát triển chưa được bảo đảm. Tuy đã có nhiều cố gắng và gặt hái được những thành tựu về xóa đói giảm nghèo, nhưng khoảng cách về thu nhập giữa các vùng miền, các tầng lớp dân cư vẫn có chiều hướng rộng ra. Môi trường sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng, nay càng bộc lộ rõ nét hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
Những năm qua nước ta rất coi trọng việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài đi đôi với việc không ngừng đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, về mặt này xuất hiện không ít điều bất ổn: Nợ nước ngoài tuy vẫn nằm trong ngưỡng an toàn song đã gần sát ngưỡng và có chiều hướng tăng nhanh. FDI tuy tăng khá về lượng, song về cơ cấu, hiệu quả có nhiều điều phải suy nghĩ. Nay trở thành nước có thu nhập trung bình, nước ta sẽ khó huy động vốn ODA hơn.
Nước ta xuất khẩu càng nhiều càng phải nhập siêu lớn do công nghiệp phụ trợ quá yếu kém; trong quá trình hội nhập càng thấy rõ năng lực cạnh tranh hạn chế. Vì thế đây là thời điểm mà định hướng phát triển không chuẩn xác sẽ khó thoát khỏi cái bẫy của một nước lạc hậu, nghĩa là thu nhập về số lượng có thể vẫn tăng nhưng phải trả giá rất đắt và chất lượng phát triển không cao.
Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã nêu lên hàng đầu quan điểm: Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững. Đây là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức... Phương châm ấy thể hiện rõ chủ trương chỉnh sửa những khuyết tật hiện hữu của nền kinh tế, thuận theo xu thế chung của thế giới.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện quan điểm ấy đòi hỏi phải xử lý nhiều mâu thuẫn trong một loạt cặp quan hệ. Đó là mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng cao và chất lượng, hiệu quả cũng như tính bền vững, trong đó có sự ổn định vĩ mô. Một mặt nước ta có yêu cầu và có tiềm năng đạt mức tăng trưởng tương đối cao vì tình trạng tụt hậu ngày một xa so với nhiều nước trong khu vực. Mặt khác phải phấn đấu để gia tăng hiệu quả và năng suất, giữ vững ổn định vĩ mô. Hai mặt này không phải lúc nào cũng ăn khớp. Điều hành làm sao, chọn lựa ưu tiên thế nào là điều không dễ, thậm chí có lúc sự chọn lựa ấy sẽ đau đớn.
Đó là mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với yêu cầu giải quyết các vấn đề xã hội, như thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền và các tầng lớp dân cư, giữa tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về trí lực (giáo dục, khoa học - công nghệ), thể lực (y tế, môi trường sinh thái) cùng nhiều vấn đề xã hội khác như nạn tham nhũng, quá trình đô thị hóa quá nhanh... Hai mặt này bổ sung cho nhau, mặt này là tiền đề của mặt kia. Đó là mối quan hệ giữa phát triển với yêu cầu sống còn là bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong hành trang, chúng ta đang có nguồn lực tích tụ của 25 năm đổi mới và một vị thế quốc tế thuận lợi chưa từng có. Nhưng trong 5-10 năm tới chúng ta vừa phải khắc phục những di chứng của tình trạng suy giảm do tác động của suy thoái toàn cầu đi đôi với việc chỉnh sửa những khuyết tật vốn có, vừa phải hình thành và thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Kinh tế thế giới tuy đang phục hồi nhưng vẫn còn nhiều trắc trở khi phải cấu trúc lại toàn diện cả về cơ cấu sản xuất lẫn hệ thống tài chính - tiền tệ, thị trường, quyền lực của các quốc gia và các nhóm nước. Trong bối cảnh đó nền kinh tế nước ta cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, mạnh dạn lột xác và hội nhập với môi trường quốc tế không mấy trong lành và đang biến đổi sâu sắc từng ngày, từng giờ.
Đó là mối quan hệ giữa yêu cầu phát huy tối đa nội lực, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu trong một thế giới biến đổi sâu sắc, cạnh tranh khốc liệt. Nguồn ODA sẽ giảm dần theo đà nước ta “lên đời” nước có thu nhập trung bình ngày càng cao, tức cao trào trả nợ sẽ rơi vào những năm tới. Chọn lựa thế nào mối quan hệ hợp lý giữa nội lực và ngoại lực là điều không đơn giản. Và đó là mối quan hệ giữa lòng mong muốn duy trì vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với yêu cầu phát huy cao nhất nguồn lực mọi thành phần kinh tế, kể cả kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với một mẫu số chung: nâng cao chất lượng và hiệu quả toàn bộ nền kinh tế. Đáp số của bài toán này nằm trong môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh sòng phẳng.
Các vấn đề đã được mổ xẻ, mục tiêu đã được xác định, quan điểm chỉ đạo đã được vạch ra, mô hình mới đã được chọn lựa. Khâu then chốt là các biện pháp và việc tổ chức thực hiện. Khi kinh tế nước ta đã chuyển sang thể chế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới, vận hành theo các quy luật khách quan nằm ngoài ý muốn chủ quan, thì những điều “cần”, “phải” chỉ là khởi điểm, những đòn bẩy kinh tế nào cần được vận dụng để hướng mọi người, mọi doanh nghiệp hành động đúng với phương hướng đã định mới là điều quyết định.