Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
Ông Lê Đức Thúy: 'Tỷ giá không tác động mạnh tới lạm phát'
Ông Lê Đức Thúy - Ảnh: Google.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy cho rằng, đợt điều chỉnh tỷ giá vừa rồi sẽ không gây đột biến về lạm phát. Bài phỏng vấn được đăng tải tại www.vnexpress.net.

- Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá liên ngân hàng tới 9,3% - mức mạnh nhất trong nhiều năm gần đây. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến lạm phát năm 2011?

 

- Trước đây, theo tính toán của chúng tôi (Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia), tỷ giá cứ điều chỉnh 1% thì sẽ tác động đến lạm phát 0,15-0,2%. Còn bây giờ thì tình hình có khác.

 

Về mặt tác động thì khi tỷ giá tăng, lạm phát sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tác động trong lần này không nhiều bởi mức tỷ giá được điều chỉnh thực chất đã tồn tại cách đây khá lâu rồi. Và mức tỷ giá đó đã được tính vào các yếu tố kinh doanh nên nó không gây đột biến gì về lạm phát. Sự điều chỉnh này chỉ là thừa nhận một thực tế của tỷ giá đã tồn tại trước đây mấy tháng.

- Còn tác động thực tế của việc điều chỉnh tỷ giá lần này đến hoạt động xuất nhập khẩu?

 

- Đương nhiên là giảm giá đồng nội tệ sẽ có lợi nhất định đối với xuất khẩu và trong chừng mực nhất định thì có tác dụng hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, để đánh giá những tác động thực tế của nó thì còn nhiều nhân tố tổng thể liên quan đến nhau chứ không đơn giản như vậy. Nếu không thì người ta cứ việc phá giá đồng tiền để khuyến khích xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu.

 

Thực tế là còn có những tác động ngược, có thể loại trừ những tác động tích cực từ việc giảm giá đồng tiền nên những ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu nhiều khi không thể chỉ tính riêng tác nhân tỷ giá.

 

Ví dụ như khi nói là xuất khẩu được lợi nhưng nguyên nhiên liệu đầu vào tăng lên do nhập khẩu. Kết quả, phần lợi có thể không nhiều trong khi những yếu tố nhập khẩu tăng lên thì còn mạnh hơn.

 

- Theo ông, việc điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm hiện nay có phù hợp không?

 

- Tôi cho là thích hợp bởi từ tháng 11/2010 Chính phủ đã tuyên bố không điều chỉnh tỷ giá cho đến Tết. Mà việc giữ cho đến nay vẫn không làm tỷ giá giảm xuống và người ta vẫn kỳ vọng sau Tết sẽ có điều chỉnh. Điều này tạo thêm những tác nhân tâm lý, khiến tỷ giá giao dịch ở mức cao hơn quân bình của thị trường. Điều chỉnh để chấm dứt cái kỳ vọng ấy sẽ tốt hơn là để người ta cứ kỳ vọng mãi.

 

- Đánh giá việc điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước trên cả 2 mặt lợi và hại, ông thấy thấy nhân tố nào trội hơn trong thời điểm hiện nay?

 

- Mọi chính sách khi được thực thi đều có tính hai mặt và chỉ khi có lợi hơn người ta mới quyết định. Trong lần điều chỉnh tỷ giá lần này, khách quan mà nói thì không thể không điều chỉnh và đây là việc buộc phải làm. Nếu giỏi điều tiết và quản lý thì tỷ giá năm nay sẽ ổn định quanh mức này và có thể giảm xuống nếu nguồn vốn nước ngoài vào nhiều hơn.

 

Sau lần điều chỉnh mạnh như thế này, những người lâu nay chỉ đi vay ngoại tệ sẽ thấy rằng mình thực ra không được lợi gì mấy. Cộng lãi suất cho vay ngoại tệ với điều chỉnh tỷ giá thì cũng gần tương ứng với việc đi vay bằng nội tệ mà lại luôn bị nỗi lo về tỷ giá nó ám ảnh. Điều này giúp việc dịch chuyển giữa 2 đồng tiền giảm bớt.

 

Điều chỉnh tỷ giá ở mức hợp lý, tránh méo mó với thị trường là một việc làm quan trọng, giúp người ta dự báo được chiều hướng của làm ăn, việc triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh sẽ thuận lợi hơn và cũng góp phần ổn định vĩ mô.

 

Còn để làm được tốt hơn việc ổn định vĩ mô thì cần phải làm rất nhiều việc khác liên quan đến cơ chế lãi suất, chi tiêu ngân sách, điều hành hoạt động thương mại để kiểm soát nhập siêu, thúc đẩy xuất khẩu…

 

Hoàng Ly