Vai trò của lòng tin
Lòng tin cần được coi là nguyên nhân và có thể là giải pháp quan trọng nhất của công cuộc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đây là nhân tố phi kinh tế do không lượng hóa được nhưng về mức độ ảnh hưởng có thể lớn hơn một số yếu tố kinh tế.
Kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát gia tăng do nhiều nguyên nhân. Ngoài các nguyên nhân trực tiếp do mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa tiền và hàng, giữa thu và chi ngân sách, giữa cung và cầu ngoại tệ…, còn có nguyên nhân phi kinh tế là lòng tin. Tưởng rằng “phi kinh tế” thì tác động ít mà tưởng ít là do không “lượng hoá” được, nhưng về mức độ ảnh hưởng, có thể còn lớn hơn một, thậm chí một số yếu tố kinh tế nào đó.
Lạm phát là hậu quả trực tiếp của mất cân đối giữa tiền và hàng mà tiền và hàng ở Việt Nam lại khá đặc biệt. Ngoài tiền và hàng theo nghĩa thông thường, còn có loại tiền như hàng và có loại hàng như tiền (lưỡng tính), đó là ngoại tệ và vàng.
Hai thứ này là tiền khi được dùng để mua bán, thanh toán trực tiếp; là hàng hóa khi được mua bán, thanh toán bằng tiền đồng. Do vậy, tiền không chỉ là tiền đồng, mà còn là ngoại tệ, còn là vàng. Hàng không chỉ là hàng hoá, dịch vụ, mà còn là ngoại tệ, còn là vàng (thường được tích trữ đề phòng rủi ro); hàng không chỉ ở trong lưu thông mà còn được các doanh nghiệp và cá nhân giữ trong “kho”, quỹ của mình, hoặc nhờ ngân hàng giữ hộ (thông qua việc gửi tiết kiệm- tức là vẫn giữ quyền sở hữu- chứ không phải bán).
Khi ngoại tệ, vàng được đem ra mua/ bán (lưu thông), thì tiền đồng với hàng (theo nghĩa rộng hơn) mới cân đối; nếu không được đem ra mua/bán thì tiền lớn hơn hàng, gây ra lạm phát. Khi lạm phát xảy ra hoặc lo lắng về lạm phát, thì tình trạng trú ẩn vào ngoại tệ, vào vàng sẽ gia tăng, trong khi lượng tiền tiết kiệm, tiền chứng khoán,… sẽ được rút ra, làm cho trong lưu thông tiền càng lớn hơn hàng, lạm phá sẽ bị cộng hưởng.
Năm 2010, CPI đã tăng thấp tới 5 tháng liền (từ tháng 4 tới tháng 8), nhưng đã tăng sớm và khá bất ngờ từ tháng 9 và kéo dài cho tới nay, do có sự “cộng hưởng” của nhiều yếu tố như nhu cầu tăng cao vào cuối năm và vào Tết cổ truyền, việc điều chỉnh tỷ giá vào 18/8, việc tăng học phí vào đầu năm học.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng tuy cao lên so với các tháng trước, nhưng tính chung cả năm tăng thấp hơn 3 năm trước đó; có lẽ vì vậy mà không ít ý kiến cho rằng lạm phát cao của năm 2010 không do yếu tố tiền tệ. Song, chính sự “cộng hưởng” đó đã làm phát sinh tâm lý lo ngại lạm phát, tác động xấu đến lòng tin vào đồng tiền quốc gia, càng tạo sức ép đến lạm phát, làm cho lạm phát bị khuyếch đại lên. Khi lạm phát, đồng tiền giống như “cục than nóng”, ai cũng muốn đẩy khỏi tay để trữ hàng, trữ vàng, trữ ngoại tệ. Tiền và hàng có thể mất cân đối 1- cũng đã làm cho lạm phát tăng- thì yếu tố tâm lý, lòng tin có thể làm cho tiền và hàng mất cân đối 2 và đẩy lạm phát cao hơn, khuyếch đại lên.
Tỷ giá phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu ngoại tệ, vào sức mạnh dữ trữ ngoại hối. Các thông tin chính thống đều cho thấy, nguồn ngoại tệ vào Việt Nam tăng so với trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng 1,5 tỷ USD. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đạt và vượt kế hoạch. Nguồn vốn gián tiếp (FII) bao gồm cả 1 tỷ USD phát hành trái phiếu chính phủ đạt 2,43 tỷ USD, tăng 190% so với năm trước. Nguồn kiều hối ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 1,8 tỷ USD. Nguồn ngoại tệ từ khách quốc tế đến Việt Nam lên đến 4,45 tỷ USD, tăng 1,4 tỷ USD. Nhập siêu tuy còn lớn (12,6 tỷ USD), nhưng thấp hơn năm trước,… Tuy nhiên, do cán cân thanh toán tổng thể bị thâm hụt 4,6 tỷ USD (mặc dù đã thấp hơn mức 8,8 tỷ USD của năm ngoái), nên vẫn tạo sức ép tăng tỷ giá.
Nhưng cán cân thanh toán tổng thể bị mất cân đối lại có một phần quan trọng do tình trạng đô la hoá còn cao, do tình trạng găm giữ ngoại tệ khá phổ biến ngay cả ở các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.
Các tình trạng này có một phần do ý thức chấp hành pháp luật về ngoại hối chưa nghiêm, do công tác quản lý còn chưa tốt, thiếu sự phối hợp chặt chữ giữa các ngành, các cấp,…, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là tâm lý, lòng tin đối với việc kiềm chế lạm phát, điều hành tỷ giá, chuyển tiền đồng sang vàng, sang USD, làm cho giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, phát sinh việc mua USD trên thị trường tự do để nhập lậu vàng, làm cho giá USD trên thị trường tự do cao hơn giá trên thị trường chính thức theo quy định khá lớn,…
Tỷ giá VND/USD gần đây được điều chỉnh mạnh, lúc đầu có làm cho tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên, nhưng đến nay đã cơ bản ổn định, chênh lệch tỷ giá đã giảm xuống, giá vàng đã sát hơn với giá vàng thế giới. Tình hình đó do nhiều giải pháp được đưa ra và tâm lý, lòng tin của các chủ thể trên thị trường đã được ổn định trở lại.
Thông tin dự báo tốt – biện pháp hữu hiệu nâng cao lòng tin
Lòng tin trước hết được tác động bởi sự nhanh nhạy, nhất quán về mục tiêu, sự đồng bộ giữa các chính sách, sự quyết liệt của các giải pháp.
Bài học của việc kiềm chế lạm phát năm 2008 là sự chuyển đổi mục tiêu ưu tiên từ ưu tiên tăng trưởng sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, với các giải pháp mạnh, phù hợp (tăng lãi suất cơ bản, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mua trái phiếu bắt buộc, giảm đầu tư công,…), nên CPI đã chậm lại (từ 2,86%/tháng trong 6 tháng đầu năm xuống còn 1,01%/tháng trong tháng 7, 8, 9 và lần đầu tiên đã giảm liền trong 3 tháng cuối năm (tháng 10 giảm 0,19%, tháng 11 giảm 0,76%, tháng 12 giảm 0,68%); tăng thấp trong 11 tháng của năm 2009 - tức là lạm phát đã được chặn đứng.
Lạm phát được chặn đứng là do Chính phủ đã đoán đúng bệnh, nhanh nhạy chuyển đổi mục tiêu ưu tiên, có giải pháp mạnh, phù hợp, được các doanh nghiệp và người dân tin tưởng, đồng thuận hưởng ứng.
Năm 2011, Chính phủ đã xác định ngay mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên số một. Các giải pháp đồng bộ hơn (cả về sản xuất kinh doanh, cả về xuất nhập khẩu và nhập siêu, cả về tiền tệ- tín dụng, cả về chính sách tài khoá như tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách, các biện pháp cụ thể về quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng).
Tuy nhiên, việc kiềm chế lạm phát năm nay có những khó khăn hơn (lạm phát thế giới tăng lên, việc điều chỉnh tỷ giá chẳng thể đặng đừng, việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng dầu đã được hãm lại từ cuối năm trước,…).
Nhưng với sự nhất quán, đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu năm, thậm chí có thể mạnh hơn trong thời gian tới, cùng với những tín hiệu tích cực trên thị trường ngoại hối, thị trường vàng, về xuất, nhập khẩu, nhập siêu trong 2 tháng đầu năm (xuất khẩu tăng 40,3%, nhập siêu 2 tháng liền ở mức dưới 1 tỷ USD,…), thì lòng tin đối với các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ được nâng lên.
Cùng với sự nhanh nhạy xác định mục tiêu ưu tiên và có giải pháp phù hợp, thì việc tạo nên sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc ổn định tâm lý, nâng cao lòng tin nói riêng và đối với việc thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nói chung.
Khi doanh nghiệp và người dân đồng thuận nhất trí với mục tiêu, hưởng ứng thực hiện nghiêm túc các giải pháp, hạn chế đến mức thấp nhất việc găm giữ vàng, găm giữ ngoại tệ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán USD cho Ngân hàng Nhà nước…, giảm thiểu tình trạng “té nước theo giá”, tình hình sẽ được cải thiện; khi tình hình được cải thiện sẽ có tác động tích cực đến tâm lý và lòng tin; đến lượt nó sẽ có tác động đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Để có sự đồng thuận và ổn định tâm lý, nâng cao lòng tin cho thị trường, cần làm tốt thông tin, dự báo. Cần tăng thông tin (cả về số lượng chỉ tiêu, cả về tính chính xác, cả về tính kịp thời) cung cấp cho thị trường và bảo đảm sự minh bạch của thông tin theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Cần tăng cường công tác dự báo của các cơ quan chức năng, dự báo trên cơ sở khoa học, bảo đảm xu hướng của diễn biến, tránh chủ quan, tránh lạc quan tếu, tránh bi quan.
Minh Ngọc