Theo Báo cáo của Chính phủ, một số chỉ tiêu đã đạt mức cao hơn dự kiến. GDP cả năm 2010 tăng 6,78%, cao hơn con số đã báo cáo Quốc hội (6,7%) và cao hơn chỉ tiêu đề ra (6,5%). Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu lên đến 26,4% (ước hoàn thành là 19,1%), tăng 26,4% so với năm 2009 và gấp 4 lần chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 803,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2009 và bằng 41,9% GDP (kế hoạch là 39,5% GDP). Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm còn 9,45%, tạo việc làm cho trên 1,6 triệu người. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học công nghệ, môi trường tiếp tục có bước phát triển tích cực. Quốc phòng an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường.
Trong 21 chỉ tiêu đề ra của kế hoạch, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, tuy nhiên vào cuối năm 2010 vẫn xuất hiện một số diễn biến tác động không thuận đến kinh tế- xã hội cuả đất nước. Đó là chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 1,86% so với tháng 10, tháng 12 tăng 1,98% so với tháng 11 đã đưa chỉ số giá tiêu dùng cả năm lên 11,75%, thị trường ngoại tệ và thị trường vàng vẫn diễn biến phức tạp.
Đa số các ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém nội tại của nền kinh tế. Đó là mô hình tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào việc tăng vốn đầu tư và phát triển theo chiều rộng, việc phân bổ nguồn lực chưa hợp lý đã tác động lớn tới các cân đối lớn của nền kinh tế
Thu ngân sách nhà nước năm 2010 đạt 570.288 tỷ đồng, vượt 23,6% so với dự toán năm và tăng 8% so với số liệu đã báo cáo Quốc hội (42.188 tỷ đồng). Chi NSNN vượt 16,9% so với dự toán, trong đó tập trung tăng chi cho đầu tư phát triển, vượt 45,1%. Bội chi NSNN bằng 5,6% GDP, giảm 0,6% GDP so với dự toán đầu năm.
Theo Báo cáo Đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2010, tình hình triển khai thực hiện NSNN năm 2011, mức tăng trưởng thu chi năm 2010 đã góp phần tích cực vào hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ tài chính- NSNN của giai đoạn 2006-2010.
Còn theo Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đầu tư công những năm qua có xu hướng tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn so với tổng đầu tư toàn xã hội. Cụ thể, năm 2007 chiếm 37,2%, năm 2008 chiếm 33,9%, năm 2009 chiếm 40,6% và năm 2010 chiếm 46,2%
Theo báo cáo của Chính phủ, trong tháng đầu năm 2011, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nghiêm túc Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ổn định giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao, thu ngân sách Nhà nước ước đạt kết quả khá, giá cả thị trường được kiểm soát; lạm phát được kiềm chế; đời sống của người dân được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm và có sự phát triển tốt. Theo nhận định của Chính phủ, thời gian tới, tình hình thiên tai, hạn hán, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống nhân dân; sức ép tăng giá hàng hóa từ thị trường thế giới, khả năng thanh khoản của nền kinh tế cải thiện còn chậm, tỷ giá, lãi suất ngân hàng biến động có thể gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát trong nước thời gian tới. Chính phủ đã đề ra bảy nhóm giải pháp lớn trong năm 2011, trong đó trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Thảo luận và cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, đa số đại biểu đồng tình với các giải pháp Chính phủ đề ra trong năm 2011. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị giải pháp phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội.
Ðại biểu Vương Ðình Huệ, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, việc Chính phủ thực hiện quyết liệt ổn định phát triển kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát trong thời gian qua không chỉ giúp nâng cao đời sống của người dân mà còn khiến các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư, sản xuất. Ðại biểu Vương Ðình Huệ đề nghị, Chính phủ cần có sự kiểm soát chặt chẽ trong điều chỉnh lãi suất ngân hàng, tạo sự ổn định thị trường tài chính. Liên quan đến các biện pháp ổn định thị trường tài chính, đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, công tác quản lý thị trường ngoại tệ thời gian qua còn yếu kém, chưa linh hoạt.
Lo ngại mức lạm phát vẫn ở mức cao, các đại biểu K'Sor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng bày tỏ quan điểm, lạm phát trong tháng 1 và 2 - 2011 vẫn ở mức cao (riêng tháng 1 tăng 1,74%). Trong khi dự kiến giá điện, than, xăng, dầu có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới, khiến lạm phát có thể sẽ tiếp tục tăng. Nếu Chính phủ không có những biện pháp hữu hiệu trong điều hành kinh tế sẽ khó kiểm soát thị trường trong nước, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới có những dấu hiệu tiếp tục bất ổn.
Cùng với các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, các đại biểu cũng tập trung thảo luận và đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu bảo đảm an sinh xã hội. Ðại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cảnh báo, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng cần quan tâm, xem xét chất lượng của các con số tăng trưởng đó. Ðại biểu Nguyễn Văn Thuận đặt câu hỏi, việc tăng trưởng kinh tế thời gian qua có phải phụ thuộc phần lớn vào việc tăng giá, lạm phát? Nếu tăng trưởng do tăng giá thì đời sống của người dân vẫn không được cải thiện, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực bởi sự tăng trưởng đó, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp. Liên quan vấn đề nói trên, đại biểu Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, quản lý thị trường tài chính tiền tệ có sự liên quan rất chặt chẽ đến phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Do vậy, Chính phủ cần có biện pháp căn cơ để phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm ổn định xã hội. Ðiều này không chỉ bảo đảm các chỉ tiêu về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn trong bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.
CKH