Mời xem phim "Uranium: Khi con rồng ngủ yên bị quấy phá"
18/11/2019
Kính thưa quý Thầy cô, quý anh chị,
Bước vào năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển kính mời quý vị dành thời gian đến tìm hiểu và suy ngẫm cùng chúng tôi chủ đề CON NGƯỜI, KHOA HỌC VÀ SỰ SỐNG
Sáng tạo là bản năng của con người, là ma lực, là chất xúc tác của sự tiến hóa. Hôm nay, xã hội loài người đang bước vào một cuộc cách mạng khoa học mới, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi nhiều định chế, trật tự, quan hệ xã hội và từng ngày từng giờ len lỏi vào cuộc sống riêng tư của chúng ta. Trước một chủ đề rộng lớn, chuyển động liên tục, không thể bàn thảo hết trong một năm, trước hết chúng tôi sẽ tập trung vào một số góc độ quan trọng như:
- Di truyền học và ý nghĩa của sự sống qua phim “Bò ơi, từ đâu mi tới?”
- Tác động kinh tế và xã hội từ công nghệ mới qua loạt phim “Smartphone, thuốc phiện thông minh dành cho trẻ?”; “Tín chỉ xã hội của công dân”; “Khi Robot chơi chứng khoán”; “Robot và thông minh nhân tạo, một thế giới hoàn hảo!”
- Giới hạn của sự hiểu biết qua các đoạn phim: “Fukushima dấu yêu” và “Cái giá của rác thải hạt nhân”
- Ngoài ra, liên quan đến Quản lý nghiên cứu khoa học, ảnh hưởng của nó đến hành vi và đời sống con người, quý vị có thể đề nghị chiếu lại hai phim “Muốn giảm béo hãy ăn chocolate !” và “Cholesterol, hành trình một cuộc lừa bịp siêu đẳng!” đã được tổ chức tọa đàm trong năm 2018.
Nhưng trước tiên chúng ta hãy bắt đầu bằng góc nhìn lịch sử trong mối tương quan giữa con Người và Khoa học, với thước phim dài 55 phút được thực hiện năm 2015 bởi TS. Derek Muller, nhà vật lý học người Úc:
URANIUM: KHI CON RỒNG ĐANG NGỦ YÊN BỊ QUẤY PHÁ
Thời gian: 15g30, ngày 22 tháng 11 năm 2019
Địa điểm: Phòng 601, Lầu 6, 97 Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Chúng ta đã biết: ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử đầu tiên đã được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản, nhằm kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II. Điều mà ít ai được biết là vì sao con người đã quyết định chế ra quả bom có sức hủy diệt ghê gớm ấy. TS. Derek Muller thu thập những tài liệu quan trọng để dựng lại từ bối cảnh châu Âu trước Chiến tranh, quá trình khám phá và nghiên cứu uranium của các nhà khoa học, cho đến quyết định chính trị trong câu chuyện chế tạo bom của chính quyền Mỹ đương thời. Tư liệu đã mở ra rằng tiền đề của quả bom hạt nhân đến từ một quyển tiểu thuyết khoa học giả tưởng chứ không phải từ những luận điểm có cơ sở đáng tin cậy! Cuốn phim không những phổ cập kiến thức về năng lượng hạt nhân và lịch sử một cách chặt chẽ, rất hấp dẫn, vô cùng dễ hiểu, mà còn giúp người xem tỉnh thức trước những quyết định liên quan đến sự sống còn của nhân loại.
Để thuận tiện cho công tác tổ chức, quý Thầy Cô, anh chị vui lòng xác nhận tham dự TẠI ĐÂY.
Kính nhờ Quý Thầy, Cô, Anh, Chị chuyển thông tin này đến những người quan tâm. Rất cám ơn!
Mọi thắc mắc xin liên hệ chị Lý Ngọc Linh (Email: linh.ln@ou.edu.vn)