Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Dự án "Nông dân gia đình" thực hiện trên sản phẩm gạo an toàn

    CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM

DỰ ÁN NÔNG DÂN GIA ĐÌNH

Thực hiện trên sản phẩm gạo an toàn

Giới thiệu:

Cụm từ « nông dân gia đình » được vay mượn từ hình ảnh « bác sĩ gia đình », với ý tưởng người nông dân làm ra sản phẩm hữu cơ cho một số gia đình cam kết đặt mua sản phẩm với lượng và giá ấn định trước. Đây không là ý tưởng mới mẻ. Theo nhiều nguồn thông tin, dường như mô hình được khởi điểm tại Nhật Bản, sau đó lan sang Hoa Kỳ và châu Âu từ hơn một thập kỷ nay. Đặc điểm chính của mô hình nằm ở chỗ người nông dân trực tiếp bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Không đơn thuần là bài toán kinh tế, những người tham gia mô hình nông dân gia đình phát huy cả một triết lý sống trong một mối quan hệ trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa Con người và Thiên nhiên. Về phía người nông dân: không sản xuất dư thừa, biết mình đang sản xuất cụ thể cho ai, vì với danh sách cam kết mua sản phẩm, người tiêu dùng không còn là một nhân vật vô danh, một khái niệm trừu tượng được một công ty phân phối hay thương lái đại diện nữa mà là những cá nhân, những gia đình cụ thể. Về phía người tiêu dùng: chia sẻ rủi ro với nông dân, khi được mùa, rỗ rau quả của họ nhiều hơn, khi mất mùa thì họ chấp nhận rỗ rau quả của họ ít đi. Mô hình « nông dân gia đình » là mô hình nhỏ, đang được đánh giá tại các nước phát triển là giải pháp cho bài toán kinh tế của nông dân, giúp nông dân bám trụ lại ruộng vườn, góp phần gìn giữ nông thôn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ nền nông nghiệp bị công nghiệp hóa.

Với tinh thần đó, kể từ tháng 08/2016, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển đã cho thử nghiệm sản xuất gạo an toàn theo mô hìnhNông dân Gia đình tại gia đình anh Vương Mạnh Tuân ở xã Vĩnh An – Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, An Giang. Qua hơn 2 năm thực hiện thí điểm, Trung tâm nhận thấy những tác động tích cực về kinh tế, xã hội và môi trường của dự án. Hiện tại, diện tích mô hình đã lên đến hơn 10.000 m2 so với thời điểm khởi đầu là 1.300 m2. Thành phần khách hàng chủ yếu là người dân ở địa phương, các thầy cô ở Đại học Mở Tp.HCM và gia đình các thành viên trong dự án.

Kết quả bước đầu:

Khía cạnh kinh tế: vì bán gạo trực tiếp cho người tiêu dùng cuối nên người nông dân có thể bán gạo với giá cao hơn so với mô hình truyền thống (bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái). Kết quả theo dõi dữ liệu của vụ Thu Đông 2018 cho thấy lợi nhuận khoảng 1.300.000đ/1.000m2 so với 1.100.000đ/ 1.000m2 của mô hình thông thường. Ngoài ra, vì giá gạo đã được định trước nên người nông dân có thể bán gạo với mức giá ổn định, tránh được hiện tượng được mùa mất giá. Về lâu dài, thông qua việc phát triển thị trường địa phương người nông dân dần dần phát triển thị trường tiêu thụ cho mình, nâng cao tính tự chủ trong hoạt động sản xuất.

Khía cạnh môi trường: Sản phẩm gạo được sản xuất từ gia đình Anh Vương Mạnh Tuân đảm bảo:

-          - Không phun thuốc diệt cỏ (mô hình bình thường: 1 lần)

-          - Bón phân Đạm, DAP, Kali: 2 lần khi cây lúa dưới 60 ngày tuổi (mô hình bình thường: 3 lần)

-        - Không phun thuốc bảo vệ thực vật (chỉ sử dụng chế phẩm diệt ốc 1 lần trước khi sạ lúa, mô hình bình thường: phun xịt 6 lần, gồm thuốc diệt ốc, phòng đạo ôn + khuẩn: 4 lần, xịt bón lá: 1 lần)

-          - Không chất bảo quản (lúa khô, giữ nguyên hạt, không trữ lúa xay sẵn)

Khía cạnh nhận thức xã hội: điểm nổi bật nhất là gia đình anh Tuân và một số hộ xung quanh đã nhìn thấy những triển vọng tích cực của dự án lên môi trường sống, sức khỏe, kinh tế của họ và mong muốn gắn kết lâu dài với dự án. Hiện tại, có ít nhất 2 hộ khác sẵn sàng tham gia mở rộng mô hình này.

Khó khăn:

Do canh tác ở qui mô nhỏ nên người nông dân không thể chủ động ở nhiều công đoạn trong quá trình canh tác như giai đoạn gặt (qui mô nhỏ -> gặt tay->tăng chi phí), giai đoạn sấy (sản lượng thấp-> không thể đưa vào nhà máy sấy-> hạt gạo nhiều sạn do không chủ động sân phơi, chất lượng hạt ảnh hưởng do yếu tố thời tiết),. Ngoài ra, nông dân thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất so với mô hình thông thường như trữ lúa, tự tay giao gạo đến khách hàng. 

Ảnh minh họa hoạt động của dự án

   
 


   

Thành viên chính tham gia dự án:

  1. Ths. Lương Duy Quang – Trung tâm tâm Nghiên cứu Phát triển - Điều phối
  2. TS. Nguyễn Ngọc Bảo Châu – Khoa Công nghệ Sinh học - Đánh giá tiêu chí đa dạng sinh học                                                                       trên đồng ruộng.
  3. Ths. Lý Ngọc Linh – Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội.
  4. Anh Hồ Xuân Minh – Phụ trách tổ chức phân phối
  5. Anh Vương Mạnh Tuân – Phụ trách sản xuất

Nhóm xin gởi lời cảm ơn đến TS. Cao Xuân Dung và TS. Lê Thị Kính đã đồng hành và hỗ trợ cho dự án.

Để biết thêm chi tiết vui lòng liên hệ anh Lương Duy Quang. Email: quang.ld@ou.edu.vn


 


Trích dẫn
  • Thomas A. Edison
    "Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm thấy 10 000 lần không thành công"
  • Adam Smith
    "Khoa học là liều thuốc giải vô cùng hữu hiệu cho sự nhiệt tình và mê tính"
  • Thomas A. Edison
    “Tôi sẽ không đầu tư vào những thứ không thể bán bởi lẽ doanh thu là minh chứng cho sự thỏa dụng, và sự thỏa dụng là chìa khóa để thành công”
  • Thomas A. Edison
    "Thiên tài là 1 % đam mê và 99% là rèn luyện"
  • Victor Hugo
    "Một địa ngục thông minh còn hơn là một thiên đường ngu ngốc"