Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Phim tư liệu
  GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN KIẾN THỨC XÃ HỘI MÔI TRƯỜNG QUA PHIM ẢNH  

Chương trình này là một dự án phi lợi nhuận đã được trung tâm thực hiện từ năm 2010. Mục tiêu của chương trình là nhằm phổ biến các thước phim tư liệu nổi tiếng về nhiều vấn đề mà thế giới đang quan tâm. Với mục tiêu đó, Trung tâm đã xin bản quyền và tiến hành chuyển ngữ các phim trong bộ “La Terre Vue du ciel” (Trái đất nhìn từ không trung) do nhà làm phim người Pháp Yann Arthus-Bertrand thực hiện. Cho đến nay, Trung tâm đã khởi chiếu 3 trong số 6 phim trong bộ “vue du ciel” là “Trái đất ngôi nhà chung của chúng ta” và “Nông nghiệp nào để nuôi 6 tỷ người trên trái đất?”, “Bảo vệ nước là bảo vệ sự sống”. Ngoài ra, 2 bộ phim khoa học khác là “Kế hoạch đào thải non sản phẩm” và “Thời đại nhôm: Tiện nghi và hiểm họa” cũng đã được lần lượt công chiếu đến cán bộ nhân viên, sinh viên nhà trường.

_________________________________________________

LIÊN LẠC:

CÔ VŨ VIỆT HẰNG Email: vuviethang@yahoo.com

CÔ CAO XUÂN DUNG Email: cao.xdung@gmail.com

________________________________________________________

GIỚI THIỆU CÁC PHIM TƯ LIỆU ĐÃ CÔNG CHIẾU

 "HOME" đã được đồng chiếu tại 134 quốc gia trên thế giới năm 2009 (và tại Đại học Mở năm 2011 với tựa đề “Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta”)

 

Home là bộ phim tài liệu của đạo diễn Yann Arthus-Bertrand ra mắt vào ngày 5/6/2009 vừa qua nhân Ngày môi trường thế giới. Bộ phim được quay trong vòng 18 tháng với một chiếc máy quay Cineplex & tốn chi phí 12 triệu USD. Phim đã lập kỷ lục công chiếu trên hơn 50 quốc gia, trên TV, DVD và Youtube.

Nếu những ai đã từng mê những bộ phim khoa học về môi trường thì không thể bỏ qua phim này. Đó là câu chuyện về một Trái Đất sơ khai, một Trái Đất – mái nhà chung của muôn loài, và một Trái Đất đứng trước biết bao thảm họa do con người gây ra. Chúng ta là ai mà dám cướp đi những gì thiên nhiên ban tặng cho mọi loài? Những cảnh quay hoành tráng trong phim đẹp đến nghẹt thở, mở ra trước mặt ra một hòn đảo giữa vũ trụ bao la, một thiên đường của muôn loài chứ không riêng gì con người.

         “Kế hoạch đào thải non sản phẩm” (tựa gốc tiếng Pháp: Obsolescence programmée, được chiếu trên đài truyền hình Arté của Pháp năm 2010). Nội dung phim liên quan với tất cả mọi người, từ nhà làm chính sách đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Phim dài 75 phút, có nhiều tư liệu từ năm 1920, 1930, v.v … rất bất ngờ và thú vị.

    

Nông nghiệp nào để nuôi 6 tỷ người trên Trái đất?”.

Cuốn phim dài 90 phút, đặt ra nhiều vấn đề thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại và gợi mở ý tưởng cho tương lai. Đây là cuốn phim nằm trong tập “Trái Đất nhìn từ bầu trời” (Vu du ciel) của Yann Arthus-Bertrand. Trung tâm Nghiên cứu phát triển Trường Đại học Mở Tp.HCM đã xin phép nhà xuất bản quyền chuyển ngữ và công chiếu trên tinh thần phi lợi nhuận.

Click vào đây để tải phim

 

Thời đại Nhôm : Tiện nghi và hiểm họa 

 Ngày 12/3/2013 vừa qua đài truyền hình Pháp – Đức Arté đã lần đầu tiên công chiếu một phim tài liệu về Nhôm mang tên « Planète Alu ». Cuốn phim lập tức gây xôn xao dư luận tại châu Âu và Pháp nói riêng. Vài ngày sau đó, đài truyền hình quốc gia Pháp France 2 đã phải lập tức thông tin cảnh báo và trấn an về việc sử dụng mỹ phẩm và dược phẩm có chứa hợp chất Nhôm trong bản tin buổi tối 20h (giờ cao điểm) đến với người tiêu dùng.

Dưới nhiều dạng khác nhau, trơ hay hợp chất, Nhôm được sử dụng rộng rãi từ trong xây dựng, trong thiết bị, dụng cụ, bao bì, cho đến mỹ phẩm, thuốc uống, thuốc chích ngừa, khử trùng nước, v.v… Nhôm âm thầm len lõi vào tế bào của con người. Có thể nói rằng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khó mà tìm được ai trong chúng ta là không có « quan hệ » nào với Nhôm.

Cuốn phim mang đến những thông tin bằng hình ảnh sống động về Nhôm, từ công đoạn khai thác quặng bôxit, sản xuất hợp chất và kim loại thành phẩm, đến công dụng và những hệ lụy về sức khỏe, môi trường. Phim dài 90 phút.

 

"Bảo vệ nước là bảo vệ sự sống"

Dài 90 phút, « BẢO VỆ NƯỚC LÀ BẢO VỆ SỰ SỐNG» là một cuộc hành trình của những nghịch lý và tương phản trong việc sử dụng nước tại nhiều vùng miền trên Trái đất, dắt chúng ta từ nơi sa mạc khô cằn đến thành phố choáng ngợp xa hoa và hiện đại nhất như Las Vegas ở Mỹ. Cuốn phim cũng đồng hành với những con người dấn thân, những người đã đấu tranh buộc chính quyền phải lui bước trong các công trình thủy điện để gìn giữ thiên nhiên, những người đã nổ lực tìm tòi các phương pháp phân phối hoặc trồng trọt sử dụng hữu hiệu nước, đã báo động tình trạng ô nhiễm nước, đã tích cực để những dân tộc hận thù nhau có thể chung sống hòa bình vì nước ...

Click vào đây để tải phim


 

 "Trái đất không thuộc về Con người mà chính Con người thuộc về trái đất"

Tập phim dài 90 phút này sẽ đưa chúng ta đi chứng kiến từ kiểu phát triển vô chính sách tại một số quốc gia nghèo, cho tới hình thức phát triển bằng những công trình “vĩ đại” tại Hoa Kỳ, Trung Quốc, cùng với những hệ lụy về môi sinh “xứng tầm” với nó. Như tất cả các phim từ bộ “Trái Đất nhìn từ không trung” (Vu du ciel) của Yann Arthus-Bertrand (Pháp) đã từng công chiếu tại trường Đại học Mở, “Trái đất không thuộc về Con người mà chính Con người thuộc về Trái đất” là một tuyệt tác về hình ảnh nghệ thuật, không chỉ dừng lại ở việc nêu ra vấn đề, mà còn gợi mở những dự án thiết thực và khả thi trong nhiều lĩnh vực, tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Click vào đây để tải phim

 

 
"Động vật hoang dã có còn không?"

Thuộc bộ “Trái Đất nhìn từ không trung” (Vu du ciel) của Yann Arthus-Bertrand (Pháp), « Động vật hoang dã có còn không ?» là tập phim đậm nét về mối quan hệ sống còn đầy xung đột mà cũng đầy nhân bản giữa Người và Thú. Trong suốt gần 90 phút, những cảnh tượng độc đáo sẽ nối tiếp làm chúng ta ngạc nhiên và thêm hiểu biết. Đôi lúc phim cũng cho chúng ta có cảm giác nhà làm phim « thiên vị » động vật hoang dã khi tôn vinh những con người đã dành cả cuộc sống của mình để bảo vệ chúng. Tuy nhiên, bên cạnh những lý do hiển nhiên kinh tế và môi trường, vẻ « thiên vị » này sẽ nhanh chóng thêm được thấu hiểu nếu chúng ta đồng ý với Ian Mac Milan, khi cách đây 50 năm ông trả lời câu hỏi vì sao việc cứu lấy loài kền kền lại quan trọng đến như vậy: « Phải cứu chúng, vì để cứu chúng, người ta sẽ phải phát triển tính Người, mà tính người là cái phẩm chất mà chúng ta cần có để cứu lấy chính Con người, chính chúng ta ».

Click vào đây để tải phim


  

"Điều tra đặc biệt: Vì sao các bãi cát biến mất?"

Sống trong một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc và được bờ biển ôm dọc cả chiều dài đất nước, chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng quen thuộc với cát. Tuy nhiên có lẽ cũng vì chính sự quen thuôc ấy nên đa số chúng ta chưa bao giờ tìm hiểu và tôn trọng tài nguyên cát đúng như nó có. Với một nhu cầu khổng lồ lên đến 15 tỷ tấn cát một năm trên toàn thế giới, các công ty cát liên tục từ nhiều thập niên nay ngày đêm nạo vét lòng sông, bờ biển, đáy biển sâu. Những hệ lụy của việc khai thác cát cát bừa bãi tại nhiều quốc gia trên thế giới đã gần như quá muộn, không còn có thể cứu chữa.

Click vào đây để tải phim

"Cây trồng biến đổi gen: Thế giới của Monsanto"

« Cây trồng biến đổi gen: thế giới của Monsanto » là cuốn phim dài và công phu nhất mà chúng tôi giới thiệu đến quý thầy cô và bạn hữu cho đến nay. Cuốn phim đặt trọng tâm vào Monsanto – công ty đa quốc gia Mỹ dẫn đầu ngành công nghệ sinh học trên thế giới – và các sản phẩm biến đổi gen đang được sử dụng rộng rãi. Tác giả của nó, bà Marie-Monique Robin (người Pháp) đã cất công thu thập thông tin và điều tra trong suốt 3 năm khắp mọi ngõ ngách, từ những cơ quan chức năng, cá nhân có quyền lực tối cao, các nhà khoa học, các hội đoàn đến người nông dân, để làm rõ nhiều vấn đề quan trọng: bằng cách nào Monsanto đã thành công trong việc đưa hạt giống biến đổi gen ra thị trường? Cây trồng gây ảnh hưởng ra sao lên sức khỏe, môi trường, kinh tế?

Cuốn phim được ra mắt khán giả Pháp trên đài truyền hình Arté Pháp vào năm 2008, thu hút hơn 1,6 triệu người xem, được dịch sang 15 thứ tiếng, chiếu trên 20 quốc gia. Phim gây ra sự chống trả mạnh mẽ từ Monsanto, nhưng cùng lúc cũng được báo chí quốc tế ca ngợi, được trao nhiều giải thưởng danh giá như « Umwelt-Medienpreis » (Đức), Rachel Carson Prize (Norway), Ekofilm Festival of Cesky Kumlov (Czech Republic, 2009), …. 



"Dệt May: Thời trang độc hại"

Nếu áo quần là nhu cầu, thì thời trang là một trong những biểu tượng hàng đầu của xã hội tiêu thụ. Là người tiêu dùng, có lẽ một bộ phận trong chúng ta đã quan tâm muốn biết quần áo chúng ta mặc hàng ngày được sản xuất ra sao. Là một quốc gia xuất khẩu may mặc, Việt Nam cũng cần biết: người tiêu dùng ở châu Âu đã hiểu gì về ngành nghề này? Họ nghĩ gì, chờ đợi gì? Các cơ quan chức năng ở các nước phát triển đang có dự định gì về tiêu chuẩn nhập khẩu? Tập phóng sự điều tra dài 55 phút này đưa chúng ta đi tìm hiểu những vấn đề trọng yếu của ngành dệt may, góp phần giúp những cá nhân, tổ chức có liên quan có thể tự gợi mở ý tưởng tìm phân khúc thị trường, hướng tới phát triển phù hợp với Con người và Môi trường hơn.

Ghi chú: Phóng sự "Dệt may thời trang độc hại" được chiếu vào giờ vàng (20g30’) trong chương trình Envoyé Spécial (Điều tra đặc biệt), Đài truyền hình quốc gia Pháp France 2, vào ngày 19/09/2013


"Cá Nuôi: Kinh tế, Môi trường và Sức khỏe"

Cá là một trong những nguồn thức ăn hàng đầu của Con Người. Theo nguồn số liệu của FAO, mức tiêu thụ cá trên thế giới gia tăng nhanh chóng, từ 20 triệu tấn mỗi năm vào thập niên 1950 đến hơn 130 triệu tấn/năm ngày nay. Để bảo dưỡng nguồn cá thiên nhiên đang dần cạn kiệt, nhiều tổ chức quốc tế đã khuyến khích phát triển ngành cá nuôi. Người ta nuôi cá ra sao? Phóng sự dài 60 phút này là một cuộc điều tra toàn diện và sâu sắc từ quy trình sản xuất đến ảnh hưởng của nó lên môi trường cũng như sức khỏe của Con Người. Đặc biệt trong phóng sự này báo chí Pháp đã tìm hiểu ngành nuôi cá basa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người Việt Nam có thể biết cá basa xuất khẩu được nuôi ra sao, nhưng chưa biết người tiêu dùng nước ngoài đã biết gì, nghĩ gì về sản phẩm của chúng ta. Nếu như thông tin có được trong phóng sự này đã góp phần làm thay đổi ý thức của người tiêu dùng châu Âu, thì nó cũng có thể làm thay đổi chiến lược phát triển của những nhà sản xuất theo chiều hướng tích cực để đưa ngành cá lên một tầm cao mới, có khả năng đáp ứng thị trường một cách bền vững trong tương lai.

Ghi chú: Phóng sự "Cá nuôi: Kinh tế, Môi trường và Sức khỏe" được chiếu vào giờ vàng (20g30’) trong chương trình Envoyé Spécial (Điều tra đặc biệt), Đài truyền hình quốc gia Pháp France 2, vào ngày 07/11/2013


"Người nông dân sinh thái: Mắt xích cho một xã hội lành mạnh"

Xa hơn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái là phương thức trồng trọt cao nhất trong các dạng nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp sinh thái sử dụng những phương pháp cho phép cải tạo và giữ gìn hệ sinh thái như trồng rừng, không làm đất (cày bừa), trồng đa canh, thuận tự nhiên,v.v. Trong mô hình này, đất luôn được bồi đắp để luôn giàu dinh dưỡng mà không cần phân bón hóa học, người nông dân tự chủ, sông cùng hệ sinh thái và tận hưởng công dụng của nó một cách tự nhiên và bền vững nhất. Sản phẩm của họ được phân phối hoặc qua các kênh đặc biệt, hoặc thẳng đến các hộ gia đình, sao cho tránh áp lực từ vòng quay năng suất và giá cả của thị trường.
Vào link này để xem phim: 





Trích dẫn
  • Thomas A. Edison
    "Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm thấy 10 000 lần không thành công"
  • Adam Smith
    "Khoa học là liều thuốc giải vô cùng hữu hiệu cho sự nhiệt tình và mê tính"
  • Thomas A. Edison
    “Tôi sẽ không đầu tư vào những thứ không thể bán bởi lẽ doanh thu là minh chứng cho sự thỏa dụng, và sự thỏa dụng là chìa khóa để thành công”
  • Thomas A. Edison
    "Thiên tài là 1 % đam mê và 99% là rèn luyện"
  • Victor Hugo
    "Một địa ngục thông minh còn hơn là một thiên đường ngu ngốc"