Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
KỶ NIỆM 31 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh thành lập vào ngày 15 tháng 06 năm 1990 với tên gọi đầu tiên là Viện Đào tạo mở rộng. Trải qua 31 năm hình thành và phát triển, nay Trường đã là trường Đại học công lập đa ngành với nhiều bậc, hệ đào tạo và đạt được nhiều dấu ấn tốt đẹp trong xã hội và cộng đồng học tập trong và ngoài nước.

Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 12 khoa và 26 ngành đào tạo bậc đại học và có 10 ngành đã thực hiện đào tạo chất lượng cao, 12 chuyên ngành thạc sĩ và 05 chuyên ngành tiến sĩ ở cả ba lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và xã hội nhân văn. Gần 31.000 người học đang theo học ở các bậc với 30.000 sinh viên bậc cử nhân (bao gồm chính quy tập trung, đào tạo từ xa, vừa làm vừa học), 970 học viên thạc sĩ và 59 học viên tiến sĩ. Phương thức đào tạo linh hoạt với các hình thức như: chính quy tập trung, học từ xa tại địa phương, học từ xa qua mạng và hệ vừa làm vừa học. Đó là sự phát triển mạnh mẽ qua thời gian đúng theo sứ mạng của trường. Nhất là hệ đào tạo từ xa khởi đầu từ việc phát thanh bài giảng từ năm 1993, thực hiện triển khai bài giảng thông qua cầu truyền hình từ năm 2009 và từ 2016 đến nay đã có một hệ thống đào tạo trực tuyến hiện đại xứng tầm quốc tế. Trường đã đạt được kiểm định cơ sở giáo dục đào tạo vào năm 2017.

 

Ngay từ đầu thành lập đến nay, Trường đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo như đối mới CTĐT, phương pháp giảng dạy, tài liệu giáo trình, phương pháp đánh giá người học; chú trọng đến kỹ năng thực hành; nhiều hoạt động ngoại khóa; và tăng cường kỹ năng và thái độ cho sinh viên trong quá trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Uy tín đào tạo của nhà trường được nâng cao. Số lượng thí sinh nộp hồ sơ và điểm chuẩn trúng tuyển ở mức khá và mức cao so với các trường ở phía Nam và ngày càng nhiều học sinh giỏi nộp hồ sơ vào trường. Tỷ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp trung bình là 95%. Nhà trường đã tạo ra một đội ngũ lao động chất lượng cao cho xã hội và nhiều cựu sinh viên và cựu học viên đã thành đạt ở nhiều lĩnh vực và đóng góp rất lớn đến cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 2020, trường là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách đề cử Chiến lược dạy và học của năm 2020 thuộc giải thưởng Giáo dục châu Á (THE Awards Asia 2020). Đây là giải thưởng vinh danh các trường ở mười hạng mục như Đội ngũ lãnh đạo xuất sắc, Chiến lược quốc tế của năm, Chiến lược dạy và học của năm, Đổi mới công nghệ của năm, Nơi làm việc của năm, Hỗ trợ xuất sắc cho sinh viên… Ngoài ra, Trường đứng vị trí 16 trong tổng số 178 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam trong bảng xếp hạng WEBOMETRICS tháng 1/2021; Và vào tháng 5/2021, Trường đạt thứ hạng 13 Việt Nam và 349 Châu Á trên bảng xếp hạng SCImago; 04 Chương trình đào tạo bậc thạc sĩ các chuyên ngành Kinh tế học, Tài chính – Ngân hàng, Quản trịnh Kinh doanh, và Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh  của Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh được tổ chức FIBAA (Châu Âu) trao chứng nhận kiểm định chất lượng, và nhà trường đang tiếp tục thực hiện kiểm định CTĐT bậc đại học và sau đại học theo chuẩn trong nước và quốc tế.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường luôn đạt thành tích cao. Đặc biệt là 5 năm trở lại đây, giảng viên và cả sinh viên khi tham dự các kỳ thi lớn, Trường luôn đứng trong top 10 các trường đạt thành tích nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số bài báo đăng ở các Tạp chí có uy tín trên thế giới của giảng viên và sinh viên đang ngày càng gia tăng. Tạp chí Khoa học của Trường được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận và đưa vào danh mục các tạp chí được tính điểm công trình khoa học (trong đó, có lĩnh vực kinh tế và giáo dục được tính điểm đến 0.75). Từ năm 2021, Tạp chí đã tham gia hệ thống dữ liệu quốc tế ACI (Asean Citation Index). Tháng 5/2021, Tạp chí khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mở TPHCM đạt các thứ hạng 13, 36, 40, 43, 54, 76 lần lượt của các Tạp chí chuyên ngành tiếng Anh, gồm lĩnh vực Kinh tế – Quản trị kinh doanh; Kỹ thuật và công nghệ; Khoa học xã hội; Tạp chí chuyên ngành tiếng Việt, gồm lĩnh vực Khoa học xã hội; lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, trên bảng công bố xếp hạng chỉ số ảnh hường của các Tạp chí khoa học ở Việt Nam.

Để đạt được thành quả đó, phải kể đến sự phát triển nhân sự có trình độ chuyên môn cao và chuyên nghiệp. Đến nay trường đã có 650 viên chức, công chức đảm nhận các công việc của Trường. Trong đó có 06 Giáo sư, 20 Phó giáo sư – Tiến sĩ, 130 Tiến sĩ, 302 Thạc sĩ đảm nhận các vị trí quan trọng trong giảng dạy và quản trị điều hành công việc của trường. Đa phần đội ngủ giảng viên của nhà trường được đào tạo và tốt nghiệp từ các trường ở các nước tiên tiến trên thế giới.

 

Bên cạnh thành tích nghiên cứu khoa học, với nhiều bài đăng trên các tạp chí quốc tế, nhà Trường cũng đã thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế và có những phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án hợp tác đào tạo như: Chương trình Việt – Bỉ (từ năm 1995 đến nay), Chương trình liên kết với ĐH USQ (Úc), Chương trình liên kết với Đại học ECU (Úc), Chương trình liên kết với ĐH Fresenius và liên kết với ĐH Kinh tế – Luật Berlin (Đức), Chương trình liên kết với Đại học Flinders và liên kết với Đại học Bonds (Úc) và Chương trình liên kết với Đại học ROENS (Pháp). Trường tiếp tục duy trì vai trò thành viên của các tổ chức quốc tế như AAOU (Asian Association of Open Universities), ICDE (International Council for Open and Distrance Education), SEAMEO SEAMOLEC (SEAMEO Regional Open Learning Centre – SEAMOLEC), SEAMEO SEPS (South East Asian Ministers of Education Organization Regional Centre for Sufficiency Economy Philosophy for Sustainability), QM (Quality Matters), AUN-QA (ASEAN University Network – Quality Assurance). Ngoài ra, còn hợp tác trao đổi giảng viên và sinh viên với nhiều trường trên thế giới.

Từ năm 2016, Trường bắt đầu tham gia các dự án Erasmus+, đã triển khai thành công dự án “Phát triển và nghiên cứu toàn cầu: Thúc đẩy mạng lưới kiến thức và phương pháp nghiên cứu xuyên ngành để ứng phó với những thách thức toàn cầu” (Development & Global Studies: Fostering multi-lateral knowledge networks of transdisciplinary studies to tackle global changes – KNOTS) và tiếp tục được tài trợ 02 dự án là RECOASIA (Regional cooperation in the field of recognition among Asian countries) và TRUST (Financial technology and digital innovation to modernise and develop curricula of Vietnamese and Philippines Universities). Các dự án hợp tác quốc tế này đã góp phần nâng cao năng lực (capacity building) và góp phần khẳng định việc thực hiện sứ mạng, tầm nhìn của Trường. Nhiều hội thảo quốc tế được tổ chức hàng năm và thu hút đông đảo các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước tham dự, như VBER, OpenTESOL, …

 

Nhắc đến trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ cũng cần nhắc đến những giá trị gắn kết cộng đồng và hoạt động thiện nguyện cho sinh viên mà trường đã thực hiện và thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nếu như trước đây mới chỉ là những dấn ấn của người học thông qua các chương trình như Ánh sáng văn hóa hè – xóa mù chữ; Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh đến các vùng sâu vùng xa như núi rừng Trường Sơn với đường Hồ Chí Minh lịch sử thì nay hoạt động tình nguyện và gắn kết cộng đồng đã là hoạt động không thể thiếu của cả viên chức, công chức và cả tập thể trường. Đó là các hoạt động do Công đoàn trường tổ chức như tặng áo dài giáo viên, áo ấm cho trẻ em vùng cao; Phát động chương trình hành động vì môi trường giảm rác thải nhựa năm 2019; thực hiện hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường thông qua phim ảnh. Bên cạnh đó, đội ngũ viên chức trẻ hàng năm cũng rất tích cực trong hoạt động tình nguyện như tổ chức Lễ hội trung thu cho trẻ em, chương trình tình nguyện hè; Tổ chức chương trình tặng máy lọc nước cho vùng sâu vùng xa. Phối hợp cùng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Medic Hòa Hảo tổ chức chương trình đồng hành phòng, chống bệnh gan thông qua hoạt động xét nghiệm và tiêm phòng. Đặc biệt, Trường phát triển hệ thống các khóa học ngắn hạn miễn phí (VMOOCs) để phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực giáo dục.

 

Không chỉ phát triển mạnh mẽ trong nhiệm vụ giáo dục của mình, Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh còn là môi trường bồi dưỡng người lao động và đóng góp cùng xã hội trong công tác phát triển con người từ thực tiễn công việc. Đời sống viên chức và lao động tại Trường luôn được quan tâm và đảm bảo từ vật chất đến tinh thần. Thu nhập của viên chức và người lao động được chú trọng và phát triển trong trong những năm qua đã giúp viên chức và lao động an tâm tập trung trong công việc đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Đây là thành quả của việc phát triển các nguồn thu và kế hoạch chi tiêu hợp lý. Bên cạnh đó, với nguồn doanh thu tăng đều, số lượng học bổng dành cho người học ngày càng đa dạng hơn. Mỗi năm Trường chi gần 20 tỷ đồng học bổng cho người học ở các bậc hệ.

Với những thành quả đó, Trường đã vinh dự được nhiều đơn vị địa phương và trung ương khen tặng, nổi bật chính là Huân chương lao động hạng Nhì năm 2019. Sự ghi nhận thành quả và những phát triển vượt bậc trong thời gian qua của Trường chính là thành quả xuất phát từ tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và thống nhất trong mọi hành động của từng cá nhân cho một giá trị to lớn của tập thể. Tiến tới những năm tiếp theo, Trường tiếp tục phát huy các thành quả, duy trì triết lý giáo dục với các giá trị cốt lõi bám sát sứ mạng và tầm nhìn của trường.

Với sức mạnh ý chí, tinh thần đoàn kết cao, gắn liền với nhân bản, rộng mở, thực tiễn, hội nhập, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sớm trở thành trường đại học công lập đa ngành hàng đầu ở Việt Nam với định hướng ứng dụng, phổ cập kiến thức và gắn kết cộng đồng; trong đó hoạt động đào tạo từ xa phát triển ngang tầm khu vực Đông Nam Á.