BÀI PHÁT BIỂU CỦA HIỆU TRƯỞNG
TRONG BUỔI LỄ KỶ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý, các đại biểu.
Lời đầu tiên, cho phép tôi thay mặt Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường xin nhiệt liệt chào mừng và bày tỏ sự kính trọng cao nhất tới quý đại biểu, các thầy cô lãnh đạo Trường qua các thời kỳ, toàn thể các cán bộ, giảng viên của Trường, những người đã và đang có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp trồng người dưới mái trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh yêu quý.
25 năm là khoảng thời gian không dài đối với một trường đại học. Nhưng với khoảng thời gian ấy, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh đã từng bước khẳng định sự tồn tại có ý nghĩa và sức vươn lên của một ngôi trường trẻ trung mang trong mình nhiều khát vọng.
Cách đây 25 năm, vào ngày 15/6/1990, Viện Đào tạo mở rộng TP. Hồ Chí Minh ra đời với nhiệm vụ được giao là: “Liên kết với các Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng địa phương để hình thành một mạng lưới trường, lớp của hệ đào tạo mở rộng trong toàn quốc”. Viện hoạt động theo phương thức: “Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tự hạch toán, gắn thu bù chi”.
Khi mới thành lập, Viện chỉ có 13 cán bộ viên chức trong biên chế, cơ sở vật chất ban đầu là một khu nhà cấp 4 đã xuống cấp tại số 97 Võ Văn Tần, TP. Hồ Chí Minh, được phép đào tạo mở rộng tập trung 03 ngành là Quản trị kinh doanh, Ngoại ngữ, Tin học.
Sau 3 năm hoạt động, đã có trên 20 ngàn sinh viên ghi tên theo học hệ mở rộng tập trung thuộc 8 ngành: Quản trị kinh doanh, Tin học, Công nghệ sinh học, Đông Nam Á học, Kiến trúc, Công thôn, Ngoại ngữ và Phụ nữ học. Riêng hệ đào tạo từ xa đã có hơn 1.300 học viên đăng ký học. Bộ khung quản lý gồm 48 người và 400 cộng tác viên, trong đó khoảng gần một nửa có trình độ trên đại học.
Với sự phát triển nhanh chóng và nhu cầu học tập của xã hội, theo đề nghị của Bộ Giáo Dục và Đào tạo, ngày 26/7/1993 Thủ Tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Trường Đại học Mở bán công TP. Hồ Chí Minh trên cơ sở Viện Đào tạo mở rộng TP. Hồ Chí Minh, với chức năng là đào tạo từ xa, đào tạo tại chỗ, đào tạo tại các điểm vệ tinh, … nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội, góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật cho đất nước.
Trường Đại học Mở bán công TP. Hồ Chí Minh là mô hình trường đại học đầu tiên ở nước ta hoạt động theo qui chế bán công và đào tạo theo phương thức mở nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các loại hình đào tạo theo tinh thần Nghị quyết TW2 (khóa VIII) về “Định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và Nhiệm vụ đến năm 2000”.
Đến đầu năm 2006 (sau 13 năm hoạt động), Trường Đại học Mở bán công TP. Hồ Chí Minh đã là một trường đại học ngang tầm với các trường đại học khác trong nước và là đối tác tin cậy của một số trường đại học trên thế giới. Cơ sở học tập, ngoài cơ sở tại số 97 Võ Văn Tần, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, đã phát triển thêm 2 cơ sở mới tại: Bình Dương và Khánh Hòa với trang thiết bị đáp ứng tốt cho nhu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên. Ngoài ra, Trường còn được cấp 32 ha đất để xây dựng trường tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai.
Ngày 22/6/2006, Thủ Tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 146/2006/QĐ-TTg chuyển loại hình một số trường đại học và cao đẳng bán công, dân lập. Theo quyết định này, Trường Đại học Mở bán công TP. Hồ Chí Minh được chuyển sang trường đại học công lập và có tên gọi là Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.
Việc chuyển đổi loại hình này đã tạo nên một lợi thế lớn cho Trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng Trường cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về công tác tổ chức và tài chính. Là trường tự chủ tài chính hoàn toàn, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ rất ít, nhưng mức thu học phí phải thực hiện theo quy định của Nhà nước. Với mức thu học phí này, không đủ chi phí để nâng cao chất lượng đào tạo và không thể đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ yêu cầu giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh vẫn nỗ lực phát triển đi lên và làm tốt vai trò của mình.
Nhìn lại 25 năm qua, Trường Đại mở TP. Hồ Chí minh có thể tự hào với những gì mình đã làm được, thể hiện qua các mặt:
1. Hệ thống đào tạo linh hoạt hướng đến phục vụ xã hội học tập, bao gồm cơ cấu đào tạo hợp lý; chương trình đào tạo thực tiễn và có tính liên thông cao; phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm; hệ thống học liệu phong phú; hệ thống đánh giá thúc đẩy chất lượng đào tạo; và hệ thống đảm bảo chất lượng hữu hiệu.
a). Đào tạo đại học: Từ 03 ngành đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt ban đầu, đến nay Trường đã có 17 ngành, với hơn 35 chuyên ngành đào tạo.
Từ năm 2006, Trường thí điểm tổ chức Chương trình đào tạo đặc biệt. Từ 01 ngành ban đầu, đến nay Chương trình đã đào tạo 06 ngành với hơn 2.000 sinh viên theo học. Các sinh viên tốt nghiệp từ Chương trình này đã được các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia tuyển dụng, nhiều sinh viên được tuyển dụng ngay trong thời gian đi thực tập.
b). Đào tạo thạc sĩ trong nước: được thực hiện từ năm 2003. Ban đầu với 01 ngành đào tạo là Quản trị kinh doanh đến nay đã có 05 ngành đào tạo gồm: Quản trị kinh doanh, Kinh tế học, Tài chính – Ngân hàng, Lý luận và phương pháp dạy học tiếng Anh, Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp.
Đào tạo thạc sĩ liên kết với nước ngoài được thực hiện rất sớm và phát triển nhanh. Từ 01 Chương trình liên kết với Vương quốc Bỉ (năm 1995) đến nay đã tăng lên 08 Chương trình liên kết, gồm: 03 với Bỉ, 03 với Úc, 01 với Pháp và 01 với Đức.
Nhờ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, Trường đã trở thành đơn vị đào tạo sau đại học có uy tín, số lượng thí sinh thi tuyển đầu vào mỗi năm một tăng. Tính đến nay, Trường đã đào tạo và cấp bằng cho 1.067 thạc sĩ của chương trình cao học trong nước và 1.413 thạc sĩ của các chương trình liên kết.
Với những kết quả đã đạt được cùng với những điều kiện năng lực hiện có, ngày 24/10/2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh được đào tạo trình độ tiến sĩ. Đến nay, Trường đã chiêu sinh được 02 khóa nghiên cứu sinh.
c). Hình thức đào tạo từ xa được thực hiện từ năm 1993. Từ 01 ngành đào tạo đầu tiên (Quản trị kinh doanh), đến nay Trường đã tổ chức đào tạo 08 ngành, với mạng lưới đào tạo tại 25 tỉnh, thành phố từ miền Trung đến miền Đông và Tây Nam Bộ. Quy mô sinh viên hệ từ xa hiện nay là trên 40.000 học viên. Trường hiện là trung tâm đào tạo từ xa đứng đầu tại khu vực phía Nam.
2. Hoạt động nghiên cứu khoa học hiệu quả trên các phương diện nghiên cứu phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu phục vụ cho cộng đồng.
a). Nghiên cứu khoa học của giảng viên phát triển mạnh, nhất là trong những năm gần đây. Chỉ tính trong 05 năm từ 2010 - 2015 đã có 84 đề tài NCKH được nghiệm thu, trong đó có 75 đề tài NCKH cấp trường, 05 đề tài NCKH cấp Bộ và 04 đề tài NCKH cấp tỉnh – thành phố.
Hoạt động viết giáo trình, tài liệu học tập cũng phát triển nhanh. Đã có gần 150 tài liệu giáo trình học tập đã được viết và lưu hành với những hình thức khác nhau như tài liệu học tập, tài liệu lưu hành nội bộ, tài liệu giảng dạy trực tuyến, … góp phần đa dạng hóa phương thức tiếp cận kiến thức cho người học.
Từ năm 2009 đến nay, Tạp chí Khoa học của Trường đã xuất bản được 42 số tiếng Việt và 14 số tiếng Anh; trong đó có trên 650 bài báo nghiên cứu thuộc các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị, giáo dục, xã hội đã được chọn đăng.
b). Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên phát triển mạnh. Số lượng đề tài đăng ký ngày càng tăng, chất lượng cao, đã đạt được nhiều giải thưởng. Chỉ riêng trong giai đoạn 2010-2014, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đã đạt các giải thưởng:
- 31 giải thưởng Tài năng nghiên cứu khoa học trẻ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có 01 giải nhất, 06 giải nhì, 11 giải ba và 13 giải khuyến khích. Trường đã được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.
- 43 giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức, trong đó có 06 giải luận văn xuất sắc, 10 giải nhất, 05 giải nhì, 03 giải ba và 19 giải khuyến khích. Trường được xếp trong nhóm 05 trường đại học đạt nhiều giải thưởng Euréka hàng năm nhất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, được Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka”.
3. Nhà trường gắn bó với cộng đồng, bao gồm các hoạt động hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức khác; các hoạt động hợp tác quốc tế; và các hoạt động vì lợi ích xã hội.
a). Hoạt động hợp tác quốc tế của Trường gồm các chương trình hợp tác đào tạo sau đại học và đào tạo đại học, trao đổi giảng viên và sinh viên giữa các trường, hội thảo quốc tế....
b). Hoạt động hợp tác trong nước đa dạng về đối tượng, phong phú về nội dung. Ngoài việc hợp tác với các địa phương để đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện các dự án phục vụ cộng đồng dân cư, cộng đồng nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện môi trường sống tại địa phương,...Trường còn hợp tác với các ngành để nghiên cứu, đề xuất về các chính sách. Đặc biệt, là mở rộng quan hệ hợp tác với các hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp để tạo cơ sở tốt cho sinh viên thực tập, là nơi sẽ tiếp nhận các sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp, và là tài trợ để xây dựng Quỹ học bổng cho sinh viên.
4. Về nguồn nhân lực:
Đội ngũ cán bộ, viên chức và giảng viên của Trường không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Khi mới thành lập, tổng số cán bộ, viên chức, giảng viên của Trường là 13 người. Hiện nay là 587 người. Số giảng viên có trình độ sau đại học là 395 (04 Giáo sư, 14 Phó Giáo sư, 75 Tiến sĩ, 302 Thạc sĩ). Ngoài ra, Trường còn thu hút đội ngũ giảng viên thỉnh giảng trên 250 người.
Trường hiện có 11 khoa, 09 phòng, 03 ban, 05 trung tâm, Thư viện, Tạp chí khoa học, Trạm y tế và 03 Cơ sở trực thuộc.
Trường đã xây dựng được đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ đáp ứng yêu cầu giảng dạy; đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên phục vụ năng động, chuyên nghiệp, có trách nhiệm, có trình độ chuyên môn phù hợp với các hoạt động của Trường. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ rất được chú trọng. Công tác tuyển dụng được thực hiện đúng quy định, quy trình, công khai, dân chủ.
5. Về cơ sở vật chất:
Từ cơ sở vật chất ban đầu được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao là dãy nhà cấp 4 tọa lạc trên khu đất 2.484 m2 ở tại số 97 Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Sau 25 năm hoạt động, ngoài cơ sở này Trường đã phát triển thêm 4 cơ sở mới gồm:
- Cơ sở 2 tại phường Long Bình Tân, TP. Biên hòa, tỉnh Đồng Nai có diện tích đất là 324.321 m2.
- Cơ sở 3 tại số 68 Lê thị Trung, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương có diện tích đất là 13.507 m2.
- Cơ sở 4 tại số 35-37 Hồ Hảo Hớn, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, có diện tích đất là 1.354 m2.
- Cơ sở 5 tại thôn 8, thị trấn Ninh hòa, tỉnh Khánh Hòa có diện tích đất là 97.085 m2.
Các Phòng thí nghiệm từng bước đã được trang bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, thí nghiệm và nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên. Thư viện thường xuyên được bổ sung tài liệu, phù hợp với nhu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu của giảng viên, sinh viên và cán bộ, viên chức.
ĐÁNH GIÁ CHUNG
Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh trong 25 năm qua đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đã đào tạo và cung cấp cho đất nước gần 100 nghìn cử nhân, kỹ sư, 2.480 thạc sĩ. Từ chỗ, chỉ có hơn 1.000 sinh viên với 13 cán bộ, viên chức, đến nay quy mô đào tạo trên 54.000 sinh viên (chính quy: 14.000 sinh viên; Từ xa và Vừa làm vừa học: trên 40.000 sinh viên) và với gần 590 cán bộ, viên chức, giảng viên. Trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, được xã hội đánh giá cao, được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng ba (năm 2005), Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2010), Bức trướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Cờ truyền thống của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2010), 04 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007, 2010, 2012, 2013), 02 Bằng khen của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh (2009, 2013), đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc các năm học 2005 – 2006, 2006 – 2007, 2008 – 2009, 2009 – 2010. Ngoài ra, Trường còn nhận được nhiều Bằng khen của Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Tháp, Cà Mau, Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, Đăk Nông, Kon Tum,… vì có những đóng góp thiết thực cho các địa phương này.
Có được những thành tựu đó là do công lao của các thế hệ cán bộ, viên chức, giảng viên và sinh viên của Trường, trong đó đội ngũ các thầy cô giáo có vai trò hết sức to lớn. Thế hệ các thầy cô giáo của Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh trước đây đã và mãi là những tấm gương sáng vượt qua mọi khó khăn, đưa Trường từng bước phát triển vững chắc trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn. Thế hệ các thầy cô giáo hiện nay đang kế tục xứng đáng truyền thống các thế hệ đi trước, đã và đang đưa Trường từng bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà. Cống hiến của các thầy cô giáo của Trường trong 25 năm qua đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý, gồm:
- Tập thể: 02 đơn vị được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 13 đơn vị được tặng bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, 21 đơn vị được tặng bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, 47 đơn vị được công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.
- Về cá nhân: 02 cá nhân được tặng Huân chương lao động hạng hai, 05 cá nhân được tặng Huân chương lao động hạng ba, 14 cá nhân được được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 79 cá nhân được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, 81 cá nhân được tặng bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, 21 cá nhân được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Bộ, 2 cá nhân được công nhận danh hiệu thi đua cấp Thành phố. Đây là những vinh dự to lớn, niềm tự hào và hãnh diện cho tập thể thầy và trò Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.
Thay mặt cho lãnh đạo Trường, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng các tập thể và cá nhân đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý và mong muốn các đơn vị, các thầy/cô, cán bộ, viên chức tiếp tục cống hiến, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Trường trong giai đoạn sắp tới.
Trong buổi lễ trang trọng này, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu tôi cũng xin chân thành cảm ơn Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh; các ban, ngành từ Trung ương tới địa phương đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho Trường trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển vừa qua.
Kính thưa các vị khách quý, các đại biểu.
Những gì Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh đã đạt được rất đáng ghi nhận và trân trọng, tuy nhiên để phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam nói chung và của Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh nói riêng ngang tầm khu vực và thế giới, Trường còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Chiến lược phát triển Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2023 đã vạch ra con đường mà Trường sẽ đi và vươn tới đích. Với sự đoàn kết nhất trí cao trong suy nghĩ và hành động; với sự tận tâm, tinh thần cầu tiến và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của tập thể cán bộ, nhân viên và giảng viên, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh tin tưởng chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.
Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý, các đại biểu, thầy/cô, cán bộ, viên chức cùng các bạn học viên, sinh viên nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
Xin cám ơn.