Skip Ribbon Commands
Skip to main content
TCXD Đoàn
 Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
Kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 
(26/3/1931 - 26/3/2013)


___



Năm 2013 đánh dấu chặng đường 82 năm lịch sử vẻ vang của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và của tuổi trẻ Việt Nam, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần X và Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tp. Hồ Chí Minh lần IX, nhiệm kỳ 2012 - 2017. Đây là dịp quan trọng để mỗi đoàn viên, thanh niên thành phố tự hào về truyền thống hào hùng của tổ chức Đoàn; là dịp để chúng ta thể hiện sức trẻ, tinh thần xung kích, tiên phong và tinh thần trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy truyền thống, đề ra những phương hướng, giải pháp mới, sáng tạo, hiệu quả nhằm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Thành phố Xã hội Chủ nghĩa

 

I-  SỰ RA ĐỜI CỦA ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH


Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3/2/1930, và chỉ một năm sau ngày thành lập, Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức Đoàn. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai, họp từ ngày 20 đến ngày 26/3/1931 tại nhà số 236, đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) do đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì đã giành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên, ra quyết định “cần kịp tổ chức ra Cộng sản thanh niên Đoàn” và chỉ thị cho tổ chức Đảng ở các địa phương phải quan tâm đến việc xây dựng  Đoàn thanh niên. Tại hội nghị này, Đoàn thanh niên Công sản Đông Dương đã được thành lập và từ đó trải qua các giai đoạn với các tên gọi khác nhau: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương, Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương, Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Xuất phát từ sự kiện đặc biệt đó, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III, họp từ ngày 22 - 25/3/1961 tại Hà Nội, đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là Ngày thành lập Đoàn.


Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn bao gồm những thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Được xây dựng, rèn luyện và trưởng thành qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Đoàn đã tập hợp đông đảo thanh niên phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ mới, Đoàn tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc và bản chất tốt đẹp của mình, kế tục trung thành, xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng; tổ chức động viên đoàn viên, thanh niên cả nước đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


II- ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH - 82 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH


Ngay sau khi thành lập, Đoàn Thanh niên cộng sản Đông dương đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô - viết Nghệ Tĩnh. Từ phong trào cách mạng giai đoạn này đã xuất hiện nhiều gương thanh niên đấu tranh oanh liệt, tiêu biểu là người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng trước tòa án kẻ thù: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.


Tháng 7/1936, Hội nghị Trung ương Đảng đã định ra đường lối chuyển hướng nhiệm vụ từ đấu tranh bí mật, bất hợp pháp sang đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp. Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông dương tiếp nối truyền thống của Đoàn TNCS Đông Dương, tích cực vận động thanh niên đấu tranh chống thực dân, đế quốc, phản động tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, trong tình hình mới, tổ chức Đoàn phải chuyển vào hoạt động bí mật và xây dựng tổ chức chặt chẽ với tên mới là Đoàn thanh niên phản đế Đông dương.


Mùa xuân năm 1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5 năm 1941, Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương VIII tại Pắc Bó (Cao Bằng). Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam ra đời tiếp nối sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các tổ chức thanh niên trước đó do Đảng, Bác Hồ tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, Đoàn thanh niên Cứu quốc và tuổi trẻ cả nước đã xung kích cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vùng lên tiến hành thành công Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng, đoàn viên, thanh niên là lực lượng hăng hái đi đầu trong phong trào chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Thời gian độc lập không được bao lâu, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cả dân tộc lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh. Tiêu biểu cho những ngày đầu kháng chiến là tuổi trẻ Sài Gòn - Chợ Lớn đã thành lập các đội Thanh niên xung phong cảm tử, thanh niên tự vệ kiên quyết đánh trả kẻ thù. Tại Thủ đô Hà Nội suốt 60 ngày đêm, nhiều chiến sĩ với tuổi đời còn rất trẻ đã ôm bom ba càng chặn xe tăng giặc ngay trên đường phố...


Sau gần 20 năm hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại Đại Từ - Thái Nguyên từ ngày 7 đến ngày 14/2/1950 với chủ đề “Chiến đấu và xây dựng tương lai”. Phát huy thành công của Đại hội, hàng vạn nam nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch, phong trào “Tòng quân giết giặc lập công” phát triển khắp mọi nơi. Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, tháng 5/1954, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường, dũng cảm như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Họ thật xứng đáng đại diện cho một lớp trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.


Ngày 19/10/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II, từ ngày 25/10 đến ngày 4/11/1956, Bác Hồ đã ân cần căn dặn: “Đảng và Chính phủ ta có thể tự hào đã tạo nên một thế hệ thanh niên dũng cảm như các cháu, và mong các cháu tiếp tục phấn đấu hăng hái cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà”. Từ sau Đại hội, tuổi trẻ miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới. Hàng vạn thanh niên tham gia xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang phục hóa đất đai; hàng triệu thanh niên hăng hái theo học các lớp bổ túc văn hóa... Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, học sinh, sinh viên tuy bị đế quốc Mỹ và tay sai đàn áp dã man song không hề nao núng. Trong những ngày đồng khởi, các đội “Trung kiên”, “Xung phong” do thanh niên đảm nhận đã được thành lập ở khắp mọi nơi, tiến hành vây đồn, lấy bốt, trừ gian, phá ấp chiến lược... Tiêu biểu cho tinh thần ấy là chị Trần Thị Lý, người con gái anh hùng đất Quảng nhiều lần bị địch bắt, mang trong mình nhiều vết thương, nhưng người con gái ấy không hề nhụt chí trước quân thù.


Từ ngày 23 đến ngày 25/3/1961, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III được triệu tập tại Hà Nội, Đại hội đã phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”. Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc, tuổi trẻ Thủ đô đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đoàn, phong trào đã phát triển sâu rộng trong cả nước. Ở miền Bắc, hàng triệu đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” nêu cao quyết tâm chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “Chưa thắng giặc Mỹ, chưa về quê hương”.


Tháng 2/1965, Đại hội Đoàn thanh niên toàn miền Nam đã phát động phong trào “Năm xung phong”, sau một thời gian ngắn, có hàng vạn đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào này. Từ phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân với những chiến công xuất sắc như: Bảy dũng sỹ Điện Ngọc (Quảng Nam) anh dũng đánh trả một tiểu đoàn địch; Tạ Thị Kiều tay không đoạt bốt giặc; Lê Thị Hồng Gấm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng không chịu đầu hàng giặc; Dũng sỹ diệt Mỹ - Anh hùng Lê Mã Lương với lẽ sống “Cuộc đời đẹp nhất là ở trên trận tuyến chống quân thù”; câu nói bất hủ của người thợ điện trẻ tuổi Nguyễn Văn Trỗi “Còn giặc Mỹ thì không có hạnh phúc” đã gây xúc động cho tuổi trẻ và nhân dân tiến bộ khắp 5 châu; lời hô của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!” đã trở thành hiệu lệnh thúc giục quân và dân ta xông lên tiêu diệt quân thù.


Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, thanh niên cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra quyết định: Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam được  mang tên Đoàn thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên một đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong chiến thắng vĩ đại ấy, có sự đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên trên khắp các mặt trận. Đảng ta, nhân dân ta, Đoàn ta đã giáo dục, rèn luyện một thế hệ thanh niên Việt Nam vô cùng dũng cảm, thông minh, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết chiến, quyết thắng. Sau ngày thống nhất nước nhà, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) đã ra quyết định Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh mang tên Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.


Từ ngày 20 đến ngày 22/11/1980, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV đã được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Ba xung kích” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vào thời điểm này, hàng triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể”; gần 9 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; hàng chục vạn thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Tiếp đó là các phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” đã thu hút gần 6 triệu đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia và “Hành quân theo chân Bác” đã có 10 triệu thiếu niên nhi đồng tham gia.


Từ ngày 27 đến ngày 30/11/1987, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V đã phát động phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI diễn ra từ ngày 15 đến 18/10/1992; Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VI (tháng 2 năm 1993) đã quyết định triển khai 2 phong trào lớn là: “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII từ ngày 26 đến ngày 29/11/1997 đã quyết định tiếp tục phát triển và nâng hai phong trào trên lên một tầm cao mới. Từ thời điểm này phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển mới, đi vào thực tiễn, được đông đảo các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên tham gia, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về lớp thanh niên Việt Nam của thời kỳ mới. Tổ chức Đoàn các cấp đã chủ động đề xuất và đảm nhận hàng ngàn chương trình, dự án kinh tế - xã hội quan trọng, tiêu biểu như Dự án xóa cầu khỉ, xây cầu mới vùng đồng bằng Nam bộ xây dựng Đảo thanh niên; làm đường Hồ Chí Minh; xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp... Phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo để chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, khoa học công nghệ mới; sinh hoạt chính trị “Tuổi trẻ Việt Nam tiến bước dưới cờ Đảng”, “Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh”... đã thu hút hàng triệu thanh thiếu niên tham gia. Từ trong phong trào của tuổi trẻ đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực công tác.


Với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện”, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII từ ngày 8 đến ngày 11/12/2002 đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đại hội đã phát động phong trào lớn “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam cùng xiết chặt tay dưới lá cờ vinh quang của Đoàn, nguyện đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Phong trào mới với sức sống mới, hàng triệu thanh niên thi đua học tập, tiến quân vào khoa học - công nghệ thi đua lao động sáng tạo để lập thân lập nghiệp; xung phong tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Các cuộc vận động, phong trào mới được triển khai như: “Sáng tạo trẻ”, “Bốn mới” (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới), “Cán bộ công chức trẻ với cải cách hành chính”, “Học tập tốt, rèn luyện tốt”, “Trí thức trẻ tình nguyện”... đã góp phần khơi sức thanh niên trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo từ thực tiễn.


Đặc biệt sinh hoạt chính trị “Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi”, diễn đàn “Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích”, cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”  đã được các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên triển khai thực hiện nghiêm túc, có sức lôi cuốn và lan toả mạnh mẽ, tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng và niềm tin cho thế hệ trẻ. Năm 2007, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động, Đoàn thanh niên các cấp chủ động, sáng tạo triển khai thực cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, tạo thành phong trào học tập và làm theo lời Bác rộng khắp trong đoàn viên, thanh niên.


Đại hội Đoàn toàn quốc lần IX diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 17 đến 21/12/2007. Đại hội đã khẳng định: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới toàn diện, phấn đấu thực sự trở thành người bạn thân thiết của thanh niên, định hướng cho thanh niên đến với lý tưởng cách mạng và những giá trị cao đẹp, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Những nội dung này được thể hiện qua việc phát động 2 phong trào lớn “5 xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc” (gồm: Xung kích thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị Xung kích, tình nguyện vì cộng đồng; Xung kích giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa; Xung kích thực hiện cải cách hành chính; Xung kích hội nhập kinh tế quốc tế), và phong trào “4 đồng hành cùng thanh niên trên con đường mưu sinh, lập nghiệp” (gồm: Đồng hành với thanh niên trong học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đồng hành với thanh niên trong mưu sinh lập nghiệp; Đồng hành với thanh thiếu nhi trong việc nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống văn hóa tinh thần; Đồng hành với thanh niên trong việc nâng cao kỹ năng thực hành xã hội và xây dựng nếp sống văn minh đô thị). Các phong trào, các cuộc vận động và các hoạt động của Đoàn đều phải hướng tới mục tiêu tập hợp, đoàn kết, giáo dục thanh niên, tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho thanh niên rèn luyện và tự khẳng định, vì sự tiến bộ của thanh niên và sự phát triển của đất nước.


Đại hội toàn quốc lần X diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 11 đến ngày 14/12/2012 với 999 đại biểu ưu tú, đại diện cho trí tuệ , nhiệt huyết, sức trẻ của hơn 7 triệu doàn viên và hơn 25 triệu thanh niên cả nước. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng của tuổi trẻ Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, là Đại hội của khát vọng tuổi trẻ dựng xây đất nước. Đại hội xác định mục tiêu chung của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2012 - 2017 là “góp phần xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức cách mạng và lối sống đẹp, có ước mơ, hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên, có tri thức, sức khỏe, kỹ năng xã hội, năng lực chuyên môn, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại. Tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên; phát huy vai trò xung kích cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.


Để thực hiện mục tiêu quan trọng đó, Đại hội đã khẳng định tiếp tục phát động việc thường xuyên tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát động 2 phong trào lớn trong toàn hệ thống tổ chức Đoàn đó là phong trào “Xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và phong trào “Đồng hành cùng thanh niên trên con đường mưu sinh, lập nghiệp”. 

Trải qua 82 năm hình thành và phát triển, Đoàn đã xây dựng và hun đúc nên những truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam:


- Truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng, gắn bó sống còn với lợi ích của dân tộc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.


- Truyền thống xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, không ngại hy sinh gian khổ, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.


- Truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái và nhân đạo cao cả.


- Truyền thống hiếu học, ham hiểu biết, có ý chí vượt khó, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có hoài bão lớn.

III- TRUYỀN THỐNG CỦA ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


Trong những năm đầu sau ngày thành lập, Đoàn Thanh niên Cộng sản tại thành phố Sài Gòn - Gia Định được tổ chức và hoạt động theo tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, cho đến năm 1967, Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định mới được thành lập do Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, sau này là Thành ủy Sài Gòn - Gia Định trực tiếp lãnh đạo. Tiền thân của Thành Đoàn là các lớp sinh viên học sinh hoạt động chống Mỹ và chế độ Ngụy quyền Sài Gòn dưới danh nghĩa công khai là Hội Liên hiệp Thanh niên - học sinh - sinh viên giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Sau ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Thành Đoàn tiếp tục hoạt động và tổ chức nhiều phong trào, vận động, tập hợp và tổ chức cho thanh thiếu nhi tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định đã có những đóng góp quan trọng, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Phát huy truyền thống anh hùng, hơn 35 năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh thể hiện vai trò xung kích, năng động, sáng tạo, tổ chức thành công các phong trào hành động cách mạng của thanh niên, đạt được những thành tích xuất sắc trong công tác thanh niên, góp phần đắc lực trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố và đất nước.


Năm 1986, thực hiện chủ trương đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Đoàn TNCS thành phố đã triển khai thực hiện nhiều phong trào hành động cách mạng của thanh niên. Các phong trào nổi bật trong thời kỳ này là phong trào về nguồn với các hoạt động du khảo tìm về các căn cứ kháng chiến, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng; phong trào “Mưu sinh lập nghiệp” với việc ra đời các loại quỹ giúp thanh niên làm kinh tế, quỹ khởi nghiệp, thành lập Trung tâm Thông tin Tư vấn Kinh tế Thanh niên, triển khai quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm và nhiều nguồn quỹ khác của địa phương giúp thanh niên làm kinh tế, Hội Doanh nghiệp trẻ được thành lập là những mô hình mang tính đột phá đầu tiên trong cả nước. Phong trào “Tuổi trẻ giữ nước” với các hoạt động giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền, biên giới, hải đảo, vận động thanh niên tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự gắn với công tác giới thiệu và giải quyết việc làm cho bộ độ xuất ngũ, đặc biệt là chương trình hành động “Vì Trường Sa thân yêu” do Đoàn TNCS thành phố phát động.


Trong hơn 25 năm qua, tính từ thời điểm 1986, thành tựu nổi bật trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố là phong trào thanh niên tình nguyện được định hình và không ngừng phát triển. Khởi đầu là Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè năm 1994 với hoạt động xóa mù chữ cho thanh thiếu nhi vùng sâu vùng xa. Năm 1997, Chiến dịch Ánh sáng Văn hóa hè được đổi tên thành Chiến dịch Mùa hè xanh, phát triển với quy mô lớn. Từ năm 2000, Chiến dịch Mùa hè xanh được Trung ương Đoàn nhân rộng trên phạm vi cả nước, trở thành hoạt động tình nguyện hàng năm được tổ chức với quy mô lớn, mỗi năm huy động hàng trăm ngàn thanh niên tham gia, đóng góp hàng triệu ngày công, làm ra giá trị kinh tế - xã hội trên hàng chục tỷ đồng. Cùng với Chiến dịch Mùa hè xanh, các hoạt động tình nguyện như: Kỳ nghỉ hồng, Hoa phượng đỏ, Hành quân xanh, chiến dịch trật tự an toàn giao thông, Ngày Chủ nhật xanh, Ngày thứ bảy tình nguyện, Xuân Tình nguyện… tạo môi trường giáo dục, rèn luyện và trưởng thành cho thanh niên, tạo hình ảnh đẹp của thanh niên trong trong xã hội và trong chính thanh niên. Từ thực tiễn phong trào, các hoạt động công tác xã hội, về nguồn, Chiến dịch Mùa hè xanh và phong trào tình nguyện đã được Trung ương Đoàn và các tỉnh, thành bạn nghiên cứu nhân rộng, tạo sức lan tỏa trên phạm vi cả nước. Ghi nhận và tuyên dương những thành tích của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi thành phố, năm 2008, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí Minh.


Bên cạnh các hoạt động phong trào, tổ chức Đoàn từ cấp thành đến cơ sở luôn chú trọng công tác xây dựng Đoàn. Nhằm nâng cao chất lượng và tính chính trị trong đoàn viên, Thành Đoàn định hướng các nội dung sinh hoạt chi đoàn chủ điểm định kỳ hàng năm, với các chủ đề cụ thể như “Viết tiếp truyền thống vẻ vang 80 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”, chủ đề “Tự tin hội nhập - Hành trang ra biển lớn”, “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương”. Nhiều chi đoàn đã gắn kết việc tổ chức sinh hoạt chủ điểm với ngày đoàn viên cùng hành động khá tốt. Bên cạnh đó, các đơn vị còn tăng cường các đợt học tập 6 bài Lý luận chính trị (sửa đổi, bổ sung) theo chỉ đạo từ Trung ương Đoàn, đặc biệt công tác kết nạp đoàn viên vào các dịp kỷ niệm của đất nước, của tổ chức Đoàn được thực hiện tốt. Trong công tác xây dựng Đoàn, các cơ sở Đoàn đã tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ mới kết hợp với thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”; chỉ đạo tổ chức thí điểm thực hiện Ngày đoàn viên cùng hành động tại các cơ sở Đoàn bước đầu tạo được hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn. 

Thành Đoàn cũng tăng cường tổ chức lớp bồi dưỡng các bộ Đoàn theo chức danh, theo đối tượng, theo chuyên đề cụ thể góp phần nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn – Hội – Đội, hướng dẫn quy trình công tác quy hoạch nhân sự cán bộ Đoàn chủ chốt; phát động Hội thi làm đoạn phim với chủ đề “Sức sống Chi đoàn”; sơ kết 2 năm việc thực hiện chương trình rèn luyện đoàn viên, 1 năm chương trình dự bị đoàn viên giai đoạn 2009 – 2012 và sơ kết cuộc vận động xây dựng “chi đoàn mạnh” thông qua việc thực hiện Chi đoàn theo tiêu chí “3 nắm – 3 biết – 3 làm” giai đoạn 2007 – 2010…

Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh lần VIII (2007 - 2012) đề ra mục tiêu công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn mới: “Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu luôn là người bạn thân thiết của thanh niên, người phụ trách thân yêu của thiếu niên, nhi đồng, là đội ngũ dự bị tin cậy của Đảng bộ thành phố. Tập trung xây dựng đạo đức và lối sống đẹp, nâng cao ý thức công dân trong thanh thiếu niên; định hướng và bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên; phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của thanh niên trên tất cả các lĩnh vực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng hành với thanh niên trên con đường mưu sinh lập nghiệp; đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh thiếu nhi, xây dựng Đoàn vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền; góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh - thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.


    Trong suốt nhiệm kỳ, toàn thể đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên thành phố, các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn; các đơn vị sự nghiệp doanh nghiệp Thành Đoàn đều chung một mục tiêu, đồng lòng và quyết tâm cao nhất để hoàn thành những nội dung đã đề ra. Riêng năm 2012, năm quan trọng đối với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tp. Hồ Chí Minh cả nước. Vì đây là năm tổ chức Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tp. Hồ Chí Minh lần IX và Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần X, nhiệm kỳ 2012 - 2017. Đồng thời Ủy ban nhân dân Thành phố chọn chủ đề năm 2012 là “Năm An toàn giao thông”. 

    Ban Thường vụ Thành Đoàn đã công bố với toàn xã hội thành quả của một năm phấn đấu: 8,798 triệu lượt thanh niên thành phố tham gia các hoạt động do các cấp bộ Đoàn - Hội trên địa bàn Thành phố tổ chức, trong đó có hơn 2,3 triệu lượt thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện; 150.556 lượt thanh niên được tư vấn, giới thiệu việc làm; Xây dựng mới 215 căn và tu sửa 386 căn nhà tình bạn; thực hiện 599 công trình thanh niên mang lại giá trị kinh tế - xã hội cao; kết nạp 107.404 đoàn viên mới; xây dựng mới 2.036 chi đoàn, 854 Chi hội…
    
    Đặc biệt, 10 sự kiện tiêu biểu, thành công trong năm Đại hội năm 2012 được thể hiện qua những con số, công trình, hoạt động đầy ấn tượng mà tuổi trẻ Thành phố đã thực hiện:

1. Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí Minh lần IX (2012 - 2017) diễn ra từ ngày 3-5/11/2012 với sự tham dự của 449 đại biểu, đại diện cho ý chí và quyết tâm của hơn 2,4 triệu thanh thiếu nhi thành phố. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 61 thành viên, thảo luận và đề ra chương trình hành động trong 5 năm tới với chủ đề “Tuổi trẻ thành phố yêu nước, nâng cao ý thức công dân, trau dồi lý tưởng cách mạng, rèn đức, luyện tài, vì thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”; đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới gồm hai phong trào Xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp; công tác xây dựng Đoàn vững mạnh và xác định 10 công trình, chương trình của tuổi trẻ thành phố giai đoạn 2012 - 2017. Đây là sự kiện mang dấu ấn trong kế hoạch tổ chức đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn thành phố lần IX và Đại hội Đoàn toàn quốc lần X, nhằm thảo luận, xác định mục tiêu, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn 2012 - 2017.

2. Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác TP. Hồ Chí Minh năm 2012 là ngày hội tôn vinh 294 đại biểu trong số hàng ngàn thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác từ cấp thành đến cơ sở, đánh dấu 5 năm thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”. Đại hội thể hiện tình cảm và lòng quyết tâm của tuổi trẻ thành phố trong việc học tập và làm theo lời Bác, tích cực, tự giác học tập, rèn luyện và cống hiến, phấn đấu vượt qua khó khăn, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong năm, đoàn viên, thanh thiếu nhi thành phố cũng nỗ lực thực hiện chuyên đề “Phấn đấu vượt qua khó khăn, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân” của Thành ủy; tổ chức đa dạng các hoạt động “làm theo lời Bác” từ cấp thành đến cơ sở, tuyên dương, nhân rộng điển hình “Thanh niên làm theo lời Bác”, “Tập thể làm theo lời Bác”, tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”đối với giáo viên, giảng viên trẻ tuyên dương “Sinh viên 5 tốt”, tuyên dương “Học sinh 3 rèn luyện”, chiến sĩ trẻ, giỏi, bí thư chi đoàn dân quân phường, xã, thị trấn và Bí thư chi đoàn Quân sự Quận – Huyện tiêu biểu, cán bộ - công chức trẻ, giỏi, thân thiện, gương cảnh sát, công an thành phố trẻ, giỏi… Tại cơ sở, có 100% các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành Đoàn, 95% Đoàn các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Trung học phổ thông, Trung học cơ sở có tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ Tuổi trẻ Việt Nam”, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, hoài bão vươn lên, khát vọng cống hiến của đoàn viên, thanh niên. 

3. Liên hoan Thiếu nhi vượt khó, học giỏi toàn thành năm 2012 chủ đề “Hoa thơm dâng Bác”
 là ngày hội tôn vinh 300 em là Cháu ngoan Bác Hồ, thiếu nhi vượt khó, học giỏi, tuyên dương 40 gương điển hình “Thiếu nhi vượt khó, học giỏi” toàn thành năm 2012; Thành ủy tặng học bổng với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Năm 2012, công tác Đội và phong trào thiếu nhi thành phố tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Hội Đồng Đội Thành phố tiếp tục triển khai tốt việc thực hiện cuộc vận động “Thiếu nhi Thành phố làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, thực hiện “Nhật ký của em làm theo lời Bác”, sổ tay “Hoa thơm dâng Bác”qua đó tập trung giáo dục lòng yêu nước, yêu đồng bào cho các em thiếu nhi; Đẩy mạnh việc thực hiện việc tốt trong học tập như tổ chức các phong trào thi đua học tốt, sáng tạo, rèn luyện đức tính chuyên cần, xây dựng ý thức tự học và phương pháp học tập tốt, tính trung thực trong thi cử cho đội viên, học sinh, tổ chức và vận động các em tham gia tích cực các hội thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi; các chương trình “Nụ Cười hồng” giúp bạn có hoàn cảnh khó khăn; phát động cho thiếu nhi tham gia thực hiện ngày “Chủ nhật xanh vì môi trường”, tổ chức các cuộc thi sáng tạo…

4. Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP. Hồ Chí Minh lần 3 năm 2012 diễn ra từ 5-7/10/2012 tại Nhà văn hóa Thanh niên thu hút hơn 500 sản phẩm, mô hình sáng tạo khoa học kỹ thuật của sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Ngày hội là cơ hội để tuổi trẻ thành phố giới thiệu đến đông đảo người dân, thanh thiếu nhi về những mô hình, ý tưởng sáng tạo của các cá nhân, tập thể tiêu biểu. Đặc biệt, ngày hội còn triễn lãm thiết kế mô hình “Cây sáng tạo” được kết tinh từ 1.000 ý tưởng sáng tạo của Tuổi trẻ thành phố. Đây cũng là sân chơi giữa các đội nhóm học thuật, những bạn trẻ yêu thích nghiên cứu, sáng tạo; diễn đàn khoa học trẻ “Ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu”, vẽ tranh cổ động với chủ đề “Thanh thiếu nhi thành phố với biển đảo quê hương”, tọa đàm “Sở hữu trí tuệ và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học”, thời trang sáng tạo…

5. Khánh thành 2 công trình lớn của Đoàn về hướng nghiệp, việc làm và đào tạo cán bộ Đoàn. Trong Tháng Thanh niên 2012, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã khánh thành Công trình Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên với tòa nhà 5 tầng, diện tích sử dụng 5.000 m2, có thể phục vụ cho các hoạt động dạy nghề, sàn giao dịch việc làm, Hội thảo cùng lúc cho hơn 1.500 thanh niên. Công trình Trường Đoàn Lý Tự Trọng khánh thành ngày 30/4 có diện tích xây dựng 15.200m² với các khối công trình hành chính, giảng đường, lớp học, hội trường quy mô 700 chỗ ngồi là công trình phục vụ đắc lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ Đoàn. Trong năm 2012, phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” được Thành Đoàn phát động ở tất cả các khu vực, đối tượng, nổi bật là cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo trẻ” lần III với nhiều đề tài dự thi mang ý nghĩa thiết thực trong việc bảo vệ môi trường, quản lý đô thị, giải quyết tai nạn và ùn tắc giao thông; cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu nhi thành phố” lần 7 đã thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ đối với các vấn đề như cải thiện môi trường, đảm bảo an toàn giao thông; Hội thi tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh”, cử đội tuyển Tin học trẻ thành phố tham gia Hội thi Tin học trẻ toàn quốc với thành tích 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba, 2 giải khuyến khích, 8 sản phẩm tiêu biểu tham dự cuộc thi sáng tạo dành cho Thanh thiếu nhiên và nhi đồng toàn quốc lần 8 năm 2012.

6. Đợt hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống thanh niên công nhân TP. Hồ Chí Minh (15/10/1982 - 15/10/2012) chủ đề “Dấu ấn thanh niên công nhân TP - 30 năm rèn luyện, cống hiến, trưởng thành” là dịp để tuổi trẻ ôn lại truyền thống hào hùng của thanh niên công nhân thành phố, đồng thời phát huy vai trò, nhiệm vụ của lực lượng thanh niên công nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Dịp này, Ban Thường vụ Thành Đoàn tổ chức lễ tuyên dương, trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi lần V năm 2012 cho 27 thanh niên công nhân có thành tích xuất sắc. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn còn tổ chức một chuỗi nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: đợt thi đua 30 ngày đêm lao động, sản xuất lập thành tích chào mừng Đại hội Đoàn thành phố lần IX, tọa đàm về phong trào 3 trách nhiệm, phong trào CKT trong thanh niên công nhân; tổ chức các hội thi “Tài xế trẻ giỏi, thân thiện, an toàn” lần I năm 2012;“Ý tưởng thời trang trẻ”;“Bàn tay vàng ngành xây dựng”; tổ chức “Hành trình về với quê hương anh Trỗi”, Liên hoan Thủ lĩnh thanh niên công nhân Thành phố lần I năm 2012. 

7. Các chiến dịch tình nguyện hè năm 2012 gồm chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, Hành quân xanh, Kỳ nghỉ hồng, Hoa Phượng đỏ, chương trình Tiếp sức mùa thi thu hút hơn 100.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia, phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đất nước. Điểm nhấn của các chiến dịch tình nguyện hè 2012 là các hoạt động tình nguyện quốc tế tại Lào và Campuchia, Ngày hội của những người tình nguyện lần VI, chương trình  “Những người tình nguyện - Vì sức khỏe cộng đồng”, chương trình “Những người tình nguyện - Vì an sinh xã hội”, chương trình “Những người tình nguyện - Vì biển đảo quê hương”, cuộc thi và triển lãm ảnh “Khoảnh khắc tình nguyện” hè 2012… 

8. Báo Tuổi Trẻ khánh thành công trình “Góp đá xây Trường Sa”
 đầu tiên tại đảo Đá Tây A, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trị giá 17 tỷ đồng, là công trình kết nối hàng triệu tấm lòng yêu nước, ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của đoàn viên, thanh niên và nhân dân cả nước thông qua chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của báo Tuổi Trẻ. Kể khi phát động đến nay, chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của báo Tuổi Trẻ đã tiếp nhận hơn 50 tỷ đồng của bạn đọc, được Trung ương Đoàn tuyên dương là chương trình tiêu biểu của tuổi trẻ ca nước năm 2012.

9. Đám cưới tập thể của 120 cặp cô dâu chú rể là thanh niên công nhân
 với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân thành phố tổ chức là lễ cưới tập thể lớn nhất từ trước đến nay, tạo được sự đồng tình, quan tâm của dư luận. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đây là nỗ lực của tổ chức Đoàn trong việc quan tâm, chăm lo đến đời sống, hạnh phúc của thanh niên công nhân.

10. Liên hoan dạy tốt, học tốt lần I năm 2012 quy tụ 221 đại biểu là giáo viên, giảng viên, sinh viên, học sinh; trong đó có 32 “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp thành, 20 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Ở mỗi tấm gương được tuyên dương là tinh thần, nghị lực vượt khó học tốt, có những sáng kiến trong giảng dạy và học tập, các công trình, sáng kiến, ý tưởng, phương pháp và các gương điển hình “Dạy tốt - Học tốt” hiệu quả của các tập thể, cá nhân để các đơn vị học tập, nhân rộng. Điểm nhấn liên hoan là Chương trình tuyên dương 30 điển hình “Thanh niên thi đua Dạy tốt - học tốt” lần I năm 2012, giới thiệu phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt của thanh niên thành phố, trao đổi về đổi mới phương pháp học tập và phương pháp giảng dạy, giao lưu các gương tiêu biểu trong giảng dạy và học tập. Đây là dịp phát hiện, biểu dương, tôn vinh và nhân rộng các điển hình Thanh niên đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn Thành phố. Tại liên hoan, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã tuyên dương 15 thầy cô và 15 học sinh, sinh viên tiêu biểu trong phong trào thi đua “dạy tốt - học tốt”.



*****


Hơn 80 năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau viết nên những truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Đảng, gắn bó chặt chẽ với lợi ích dân tộc, với nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; truyền thống xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, sẵn sàng đón nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; truyền thống hiếu học, cần cù, sáng tạo; truyền thống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Nối tiếp truyền thống, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay vững bước dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, với hoài bão cách mạng đang ngày đêm phấn đấu, đem sức trẻ, nhiệt tình ra sức cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Suốt chặng đường rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS thành phố có những đóng góp không ngừng. Trong đấu tranh giành độc lập, tuổi trẻ thành phố xung kích đối mặt trực diện với kẻ thù. Từ phong trào của thanh niên đã liên tục tiến công vào kẻ thù với những cuộc xuống đường biểu tình đòi dân sinh dân chủ, phản đối leo thang chiến tranh; phong trào đốt xe tăng Mỹ, “Hát cho đồng bào tôi nghe” đến phong trào khắc phục hậu quả chiến tranh sau ngày thành phố giải phóng.


Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tuổi trẻ thành phố không ngừng sáng tạo, đề ra nhiều phong trào có ý nghĩa thực tiễn cao, được đúc kết và nhân rộng trong cả nước. Từ phong trào rèn tay nghề, thi thợ giỏi những năm 1980 đến phong trào thanh niên mưu sinh lập nghiệp những năm 1990. Mỗi giai đoạn, thanh niên thành phố đều ghi dấu ấn năng động, sáng tạo trong việc định hình và phát triển các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ. Đặc biệt, từ năm 1994, với sự ra đời của chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè, phong trào thanh niên tình nguyện đã liên tục phát triển, trở thành chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh, rồi mở rộng ra các phong trào tình nguyện Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh, Hoa phượng đỏ, Tiếp sức mùa thi. Có thể nói, phong trào tình nguyện đã làm nên diện mạo của thanh niên trong thời kỳ mới, là sự tiếp nối và phát huy sáng tạo lịch sử, truyền thống của Đoàn hơn 80 năm qua.


Kỷ niệm 82 năm Ngày Thành lập Đoàn là một dịp quan trọng để mỗi tổ chức cơ sở Đoàn, đoàn viên, thanh niên ôn lại truyền thống vẻ vang của Đoàn, đồng thời tự mình nâng cao nhận thức và hành động, góp sức xây dựng Đoàn vững mạnh. Được tiếp lửa từ truyền thống, mỗi đoàn viên, thanh niên hôm nay cần ý thức phải trang bị hành trang tri thức, rèn đức, luyện tài, xây dựng tinh thần tình nguyện và lối sống đẹp trong cộng đồng, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp sức trẻ vì sự phát triển bền vững của  đất nước và thành phố thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. 

                                                                    BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ĐOÀN

Untitled 1
THÔNG BÁO NHANH
  • Triển khai hệ thống Hành chính nội bộ
    Từ ngày 01/10/2014 tất cả các Văn bản triển khai của Đoàn - Hội sẽ được chuyển về hệ thống hành chính nội bộ của Đoàn trường và HSV trường. Mục Văn bản trên website là các biểu mẫu phục vụ công tác.
  • THÔNG TIN RÚT SỔ ĐOÀN VIÊN
    Ban tổ chức Đoàn trường thông tin đến các bạn Đoàn viên - sinh viên hệ Đại học khóa 2011  nhanh chóng liên hệ văn phòng Đoàn trường P106 - cơ sở 97 Võ Văn Tần ( trong giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6) để làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đoàn và rút sổ Đoàn từ hôm nay đến hết 30/12/2016.
    Trân trọng!
  • Mời bạn đến nhận thư
    Hiện nay thư của tất cả các bạn sinh viên trường nếu để địa chỉ là 97 Võ Văn Tần. Đều được chuyển về P.106 tại lầu 01. Các bạn chú ý đến nhận thư nhé !
    
LIÊN KẾT VÀ QUẢNG BÁ