Hũ gạo chống đói
Sau khi giành được chính quyền cách mạng về tay nhân dân, đất nước ta đứng trước nạn đói vô cùng nghiêm trọng. Trên một triệu người dân kiệt sức vì đói. Trước tình hình đó, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ đầu tiên ngày 3/9/1945, Bác nêu lên 6 vấn đề cấp bách nhất, trong đó Người phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói.
Trong khi chờ đợi thu hoạch ngô, khoai (khoảng ba, bốn tháng) sẽ mở một cuộc quyên góp. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa (mỗi bữa một bơ gạo). Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người đói. Bác thực hiện đúng như vậy và tới lấy phần gạo của mình, tự tay đổ vào hũ gạo chống đói.
Một hôm, đúng vào bữa cơ quan nhịn ăn gom gạo thì Tiêu Văn (Tiêu Văn là Trưởng ban Chính trị Quân đội Tưởng Giới Thạch) mời Bác đến dự chiêu đãi. Khi Bác về anh em trong cơ quan báo cáo đã đem phần gạo của Bác đổ vào hũ gạo chống đói rồi. Bác vẫn quyết định nhịn ăn một bữa vào ngày hôm sau.
Cái gì dùng được nên dùng, bỏ đi không nên
Bác sống rất giản dị, thanh bạch, ăn uống chi tiêu bao giờ cũng rất tiết kiệm. Chiến sĩ Cảnh vệ chúng tôi được ở gần Bác không thấy Bác lãng phí một thứ gì.
Ngày ở chiến khu, có đôi tất rách đã vá đi vá lại mấy lần thế mà Bác không bỏ, cũng không dùng tất mới. Bác nói: "Cái gì dùng được nên dùng, bỏ đi không nên…". Có một cái tất bị rách chưa kịp vá, chúng tôi đưa đôi tất mới để Bác dùng, nhưng Bác vẫn không đồng ý, Bác xoay chỗ rách vào bên trong rồi cười xí xóa: "Đấy! Có trông thấy rách nữa đâu?".
Lời nói và việc làm của Bác làm chúng tôi thật xúc động. Một vị lãnh tụ tối cao thế mà cuộc sống giản dị như những người dân lao động vậy!
Ai cho các chú may thêm
Bác Hồ mặc rất giản dị, Người chỉ có hai bộ quần áo kaki dùng khi tiếp khách. Ở nhà Bác thường mặc bộ bà ba. Có lần Bác đi thăm nước bạn, nhân dân yêu quý họ tung hoa làm áo Bác bị ố, giặt là không kịp. Các đồng chí phục vụ đã may thêm một bộ giống như bộ Bác đang dùng nhưng không cho Bác biết. Tuy đã giặt nhiều lần cho cũ đi nhưng khi mặc Bác vẫn phát hiện ra đó là quần áo mới may. Bác phê bình ngay: "Ai cho các chú may thêm, Bác chỉ cần hai bộ. Nhân dân ta còn đang thiếu vải mặc, Bác dùng như vậy là đủ rồi".
Thấy trời nóng mà khi tiếp khách Bác vẫn mặc áo bằng vải kaki, anh em phục vụ đề nghị Bác cho may hai chiếc sơ mi để Bác thay đổi cho đỡ nóng. Bác nói: "Tiếp khách mà mặc áo đại cán là tôn trọng khách rồi, không cần dùng áo sơ mi nữa". Quả thật Bác không có áo sơ mi. Ngoài hai bộ kaki quen thuộc, Người chỉ còn một bộ áo len dạ do Chính phủ Tiệp Khắc tặng. Bác thường dùng khi đi thăm các nước xứ lạnh.
Một mình Bác ở như vậy là vừa rồi
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao cùng các cơ quan Trung ương, Chính phủ rời căn cứ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng.
Những ngày đầu về Thủ đô, Bác ở và làm việc tại một ngôi nhà trong nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội). Đến tháng 12/1954 thì Trung ương mời Bác Hồ về khu Ba Đình và ở Phủ Chủ tịch (ngôi nhà Phủ toàn quyền cũ) để tiện chủ trì các cuộc họp của Chính phủ, tiếp khách trong nước và nước ngoài.
Khi nghe Trung ương báo cáo ý định này, Bác đến xem trước. Khi xem ngôi nhà, Người khen to và đẹp nhưng quyết định không ở và cho tu sửa lại căn nhà ba gian gần bờ ao cách Phủ Chủ tịch khoảng 300 mét để ở. Căn nhà này vốn là nơi ở của người thợ điện làm việc cho chế độ cũ. Người nói: "Một mình Bác ở như vậy là vừa rồi, lại gần Phủ Chủ tịch nên khi hội họp, tiếp khách đi bộ sang cũng tiện".
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ Công an bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960).
|
Hãy mang đến cho các chú thương binh
Thời gian Bác Hồ ở ngôi nhà của người thợ điện phục vụ trong Phủ Toàn quyền cũ, phòng ở hẹp nên mùa hè rất nóng. Bác Hồ thường dùng chiếc quạt làm bằng lá cọ. Anh em ở Bộ Ngoại giao thương Bác ở nóng bức nên đã mua biếu Bác chiếc máy điều hòa nhiệt độ.
Nhân một hôm Bác đi công tác, anh em phục vụ cho lắp máy điều hòa vào phòng của Bác. Vừa về đến nhà, bước chân vào phòng, Bác đứng lại hỏi đồng chí Cảnh vệ: "Này chú! Hôm nay nhà mình có mùi gì "hôi" quá" (chả là khi lắp chiếc máy điều hòa các đồng chí phục vụ còn để lọ nước hoa khô cho thơm phòng). Biết không giấu được Bác, các đồng chí phục vụ phải trình bày lý do về chiếc máy điều hòa.
Không thấy Bác nói gì, mọi người ai nấy đều vui mừng. Nhưng chỉ đến buổi chiều, Bác gọi đồng chí phục vụ đến, Người nói: "Các chú hãy mang chiếc máy điều hòa này cho anh em thương binh ở Hàng Bột. Hôm Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần".
Thế là ngay chiều hôm ấy anh em phục vụ phải chuyển chiếc máy điều hòa cho anh em thương binh theo yêu cầu của Bác.
Ai thích sang thì đi xe mới
Từ ngày về tiếp quản Thủ đô, Bác vẫn dùng chiếc xe Pô-vê-đa để đi lại. Đây là quà của Chính phủ Liên Xô tặng Bác. Chiếc xe dùng lâu đã cũ. Anh em phục vụ định đổi chiếc khác mới và tốt hơn. Thấy vậy, Bác hỏi: "Xe Bác đang dùng đã hỏng chưa?" Đồng chí lái xe báo cáo thật với Bác, xe chưa hỏng nhưng muốn đổi xe khác tốt hơn để đi nhanh Bác đỡ vất vả. Bác nói luôn: "Thế thì chưa đổi, ai cần đi nhanh thì dùng xe khác, ai thích sang thì đi xe mới, còn Bác vẫn dùng xe này vì nó chưa hỏng".
Tuy vậy, anh em lái xe vẫn muốn đổi xe mới để Bác dùng. Một hôm các đồng chí phục vụ bàn với đồng chí lái xe, lúc đánh xe đưa Bác đi công tác thì cố gắng làm cho xe trục trặc không nổ máy được. Đồng chí lái xe trình bày với Bác lý do vì xe cũ nên nóng máy là không nổ được. Bác vẫn không đồng ý đổi xe mới. Bác ân cần căn dặn lái xe: "Lần sau chú phải sửa chữa cho cẩn thận kẻo nhỡ việc của Bác".
Thế là chiếc Pô-vê-đa cũ kỹ ấy, Bác dùng cho đến ngày Bác đi xa
(Theo hồi ký của các đồng chí cán bộ lão thành Cảnh vệ, lưu tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ)