Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Kế toán

Kế toán

Cơ hội nghề nghiệp

Kế toán là lĩnh vực thu hút rất lớn lao động tay nghề cao trong nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Sau khi ra trường, các bạn sinh viên chuyên ngành kế toán có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp.

Kế toán doanh nghiệp

Với hàng trăm ngàn doanh nghiệp tại TPHCM hiện nay và với hàng trăm doanh nghiệp được thành lập mỗi tháng, công việc kế toán tại các doanh nghiệp là một thị trường lao động rộng lớn cho sinh viên chuyên ngành kế toán – kiểm toán. Các công việc chủ yếu là:

Kế toán tài chính và kế toán thuế. Doanh nghiệp ở quy mô nào cũng cần có bộ phận kế toán. Trong những doanh nghiệp nhỏ, có thể chỉ có một nhân viên đảm trách công việc này nhưng ở những công ty lớn, Phòng Kế toán có thể có hàng chục nhân viên. Ở các tập đoàn, tổng công ty lớn, đội ngũ kế toán có thể lên đến hàng trăm người. Bộ phận kế toán tài chính và kế toán thuế thường đảm nhận:

  • Ghi chép và cập nhật số liệu về tình hình kinh doanh tại doanh nghiệp thông qua hệ thống số sách kế toán. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đã trang bị phần mềm kế toán để hỗ trợ cho quá trình này.
  • Lập và trình báo cáo tài chính phản ảnh tình hình của doanh nghiệp định kỳ qua đó giúp Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc điều hành kinh doanh cũng như các bên đối tác (nhà đầu tư, ngân hàng, nhà cung cấp…) có cơ sở tiến hành các giao dịch quan trọng (đầu tư, cho vay, cung cấp tín dụng…).
  • Lập các báo cáo thuế cho Nhà nước.

Kế toán quản trị. Những công ty trung bình và lớn thường có một bộ phận kế toán quản trị với chức năng cung cấp và phân tích thông tin cho việc điều hành hoạt động doanh nghiệp của nhà quản lý. Trong xu thế cạnh tranh hiện nay, vai trò của bộ phận này ngày càng quan trọng, các kế toán viên quản trị giúp doanh nghiệp:

  • Tổ chức việc tính toán chi phí và giá thành sản phẩm dịch vụ, hàng hóa. Các thông tin được phân tích nhằm tìm cách tiết kiệm chi phí hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
  • Lập dự toán ngân sách cho doanh nghiệp; thực chất là một bộ kế hoạch tài chính hoàn chỉnh từ khâu doanh thu – chi phí cho đến tài sản – công nợ và cuối cùng là các dòng tiền.
  • Thiết lập và duy trì các hệ thống đánh giá thành quả hoạt động của từng bộ phận trong doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như tiến hành các chính sách khuyến khích, khen thưởng nội bộ.
  • Thu thập và phân tích các thông tin nhằm đưa các quyết định ngắn hạn (thí dụ sản xuất hay mua ngoài một bộ phận của sản phẩm) cho đến các quyết định chiến lược (thí dụ sắp xếp cấu trúc công ty hay chính sách cạnh tranh).

Kế toán khu vực công

Khu vực công bao gồm các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, các tổ chức đoàn thể, các trường học, bệnh viện công lập… cũng đòi hỏi phải có bộ phận kế toán hữu hiệu để quản lý nguồn tiền từ ngân sách cấp cũng như các khoản thu học phí, viện phí, tài trợ. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, kế toán khu vực công cũng hết sức phát triển, đặc biệt là khi các chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế đi vào cuộc sống. Các công việc kế toán chủ yếu trong lĩnh vực này bao gồm:

Kế toán các đơn vị hành chính công. Các cấp chính quyền phường, xã, quận huyện, tỉnh, thành phố  đều có bộ phận kế toán với các chức năng:

  • Ghi chép và cập nhật số liệu về các khoản được ngân sách cấp và chi tiêu ngân sách.
  • Lập và quyết toán các báo cáo thu chi ngân sách theo chính sách, chế độ của Nhà nước.
  • Tham gia giám sát việc chi tiêu đúng chính sách, chế độ và phân tích thông tin phục vụ cho lãnh đạo trong điều hành tài chính của đơn vị.

Kế toán trường học, bệnh viện và các đơn vị sự nghiệp khác. Các trường học từ cấp tiểu học cho đến đại học, các bệnh viện từ trung ương đến địa phương, các nhà văn hóa, khu vui chơi… là các đơn vị sự nghiệp vừa có nguồn ngân sách cấp vừa có các khoản thu học phí, viện phí, tiền vé… rất lớn. Kế toán các đơn vị này có chức năng:

  • Ghi chép và cập nhật hoạt động thu chi các khoản từ ngân sách cấp đồng thời với các khoản thu của đơn vị như học phí, viện phí… cũng như các khoản tài trợ từ xã hội hay nước ngoài.
  • Lập các báo cáo cho các cơ quan chức năng về hoạt động, trong đó quyết toán từng nguồn riêng biệt.
  • Lập các báo cáo thuế trong các lĩnh vực phải chịu thuế của đơn vị.
  • Thu thập và phân tích thông tin giúp lãnh đạo đánh giá hiệu quả hoạt động.

Kế toán ngân hàng và các tổ chức tài chính khác.

Ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm … là những loại hình doanh nghiệp đặc biệt hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Về cơ bản, kế toán tại các đơn vị cũng thực hiện các chức năng kế toán tài chính, kế toán thuế và kế toán quản trị với những đặc điểm sau:

  • Các giao dịch phức tạp hơn, thí dụ các giao dịch mua bán ngoại tệ, chứng khoán…
  • Hệ thống thông tin hiện đại, thí dụ phần lớn cácngân hàng đều trang bị hệ thống mạng trực tuyến nối kết tất cả các chi nhánh…

Quá trình phát triển nghề nghiệp

Sau khi ra trường, các bạn sinh viên thường trải qua các bước phát triển nghề nghiệp sau:

Nhân viên kế toán.

Đầu tiên, các bạn sẽ là ứng viên vào vị trí nhân viên kế toán các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp với công việc kế toán chi tiết như kế toán kho, kế toán thanh toán.

Các yếu tố quyết định thành công trong tuyển dụng là kiến thức vững vàng về chuyên môn, các kỹ năng về máy tính, tổ chức công việc, làm việc theo nhóm, giao tiếp và trình bày... Kinh nghiệm đã có trong quá khứ như đi thực tập hay tham gia các công việc ngoài giờ liên quan đến kinh doanh (bán hàng, kế toán…) cũng là một yếu tố quan trọng.

Kế toán tổng hợp

Kế toán tổng hợp là người có khả năng phối hợp số liệu của các bộ phận để lập ra báo cáo tài chính. Để được đưa vào vị trí này, người kế toán cần có sự hiểu biết bao quát toàn bộ quy trình kế toán của đơn vị, sự am hiểu các quy định về báo cáo tài chính và thuế cũng như khả năng phối hợp công việc các nhân viên trong bộ phận kế toán.

Kế toán trưởng

Kế toán trưởng không chỉ là người đứng đầu bộ phận kế toán mà còn là một chức danh chính thức được quy định theo Luật Kế toán. Kế toán trưởng chịu trách nhiệm điều hành công tác kế toán trong tổ chức, lập báo cáo tài chính và thực hiện các quy định về tài chính, kế toán trong tổ chức. Theo quy định hiện hành, kế toán trưởng phải có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên đối với người tốt nghiệp đại học và phải qua lớp bồi dưỡng chứng chỉ kế toán trưởng.

Trong thực tế, nhiều kế toán trưởng sau một số năm kinh nghiệm với hiểu biết về hoạt động tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp đã trở thành các nhà quản lý cấp cao trong doanh nghiệp như Giám đốc tài chính hoặc Giám đốc điều hành.