Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Đào tạo sau đại học
Đào tạo học thuật và nghề nghiệp

Nghề kế toán – kiểm toán yêu cầu học tập suốt đời vì đây là lĩnh vực mà kiến thức có mức độ thay đổi nhanh chóng. Các chuẩn mực và chế độ kế toán, các giao dịch tài chính mới được ban hành hoặc phát sinh liên tục. Có hai loại đào tạo khác nhau là đào tạo học thuật và đào tạo nghề nghiệp.

Đào tạo học thuật

Đào tạo học thuật chủ yếu được thực hiện tại các trường đại học và nằm trong hệ thống bằng cấp học thuật. Sau khi tốt nghiệp đại học, các bạn sinh viên có thể chọn các hướng tiếp tục học như sau:

  • Cao học là cấp học mang lại bằng Thạc sĩ. Các bạn có thể chọn ngành kế toán – kiểm toán để tiếp tục nghiên cứu về nghề nghiệp này. Tuy nhiên, một số bạn chọn các lĩnh vực liên quan như tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh nhằm phát triển theo một định hướng khác. Thời gian học ở cấp này ở Việt Nam thường từ 2 đến 3 năm.
  • Tiến sĩ là bằng cấp cao nhất về học thuật. Một số trường có đào tạo tiến sĩ trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán. Để đạt được bằng cấp này, các bạn sinh viên phải trải qua một số lớp học về phương pháp nghiên cứu và phải thực hiện một luận án trong khoảng 3-4 năm. Đa số hiện nay tại Việt Nam, các ứng viên đầu vào của chương trình Tiến sĩ là Thạc sĩ, tuy nhiên về mặt quy định, một sinh viên tốt nghiệp đại học được phép dự tuyển vào chương trình này nếu có năng lực nghiên cứu cao.

Đào tạo nghề nghiệp

Đào tạo nghề nghiệp chủ yếu phát triển khả năng hành nghề hơn là định hướng về nghiên cứu. Đào tạo nghề nghiệp không mang lại bằng cấp học thuật mà cung cấp cơ sở thừa nhận là thành viên của tổ chức nghề nghiệp hay quyền hành nghề.

Ở Việt Nam, một số hướng đào tạo nghề nghiệp phổ biến là:

Bồi dưỡng kiến thức kế toán trưởng là chương trình đào tạo bắt buộc để có thể đảm nhận vị trí kế toán trưởng doanh nghiệp. Thường sau 2 năm ra trường, các sinh viên kế toán có thể tham dự chương trình này để lấy chứng chỉ. Các trường đại học, các tổ chức nghề nghiệp như Hội kế toán Việt nam là nơi cung cấp các khóa đào tạo này.

Chứng chỉ hành nghề kế toán là một chứng chỉ bắt buộc phải có để được quyền hành nghề kế toán. Chứng chỉ này được cấp cho các ứng viên tốt nghiệp đại học lĩnh vực tài chính, kế toán có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm trở lên và trải qua kỳ thi do Bộ Tài chính tổ chức.

Chứng chỉ hành nghề kiểm toán (thường gọi là CPA ViệtNam) là điều kiện bắt buộc để có thể hành nghề kiểm toán. Để có chứng chỉ này, các ứng viên phải tốt nghiệp đại học lĩnh vực tài chính, kế toán có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm trở lên và trải qua kỳ thi do Bộ Tài chính tổ chức. Người có chứng chỉ hành nghề kiểm toán sẽ đương nhiên được hành nghề kế toán. Tổ chức nghề nghiệp tự nguyện của những người hành nghề kiểm toán Việt Nam là Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA).

Một con đường phát triển nghề nghiệp khác là tham gia thành viên các tổ chức nghề nghiệp quốc tế như Hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) hay Hội Kế toán Công chứng Australia (CPA Australia). Để trở thành một thành viên của các tổ chức này, ứng viên phải vượt qua các kỳ thi dựa trên các chương trình của mỗi tổ chức. Ứng viên có thể tự học hoặc tham gia các chương trình đào tạo của các trung tâm như FTMS, Hoa Sen, Smart Train… Khi đã trở thành thành viên của các tổ chức này, bạn có thể được cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán của Việt Nam sau khi vượt qua môt kỳ sát hạch về pháp luật Việt Nam.