Thói quen xấu (P2): Không lắp gương chiếu hậu khi lái xe máy
27/05/2014
Trên một diễn đàn, một phụ huynh (ở Thái Bình) chia sẻ rằng, bác có mua ba chiếc xe máy cho ba người con học và làm việc ở Hà Nội. Tuy nhiên, cả ba chiếc xe máy đều không có gương chiếu hậu. Bác hỏi các con mình tại sao lại không lắp gương cho xe. Bác nói rất nhiều về tác dụng của gương chiếu hậu, nhất là khi chuyển hướng và quan sát xe phía sau. Và sự đáp lại của các con mà bác được nhận lại là: “Con không quen nhìn qua gương. Nếu có sang đường, thì con quay lại nhìn thôi, như thế tiện mà”, “Lắp gương chiếu hậu chỉ làm vướng xe, mà trông cứ quê quê, mất dáng của xe”, “Khi nào mà con nghe có đợt CSGT xử phạt mạnh về thiếu gương chiếu hậu thì con mới lắp, chứ tự dưng lắp gương làm gì. Giờ có ai người ta đi xe máy mà lắp gương đâu”.
Và câu chuyện mà bác phụ huynh kể nhận được rất nhiều quan tâm, phản hồi của những người trong diễn đàn. Ý kiến chủ yếu chia làm hai ngả đối ngược, một bên ủng hộ các con của bác, một bên thì bày tỏ sự băn khoăn, ngạc nhiên giống như bác khi không hiểu tại sao nhiều người lại không lắp gương chiếu hậu trong khi nó có rất nhiều lợi ích, chưa kể đó là một trong các quy tắc tham gia giao thông.
Tỷ lệ người lắp gương chiếu hậu và không lắp gương gần như bằng nhau. (Ảnh minh họa, Nguồn: VOV)
Có thể thấy rằng hiện nay, số lượng xe gắn máy không lắp gương chiếu hậu lưu thông trên đường là khá nhiều. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên chủ yếu xuất phát từ những suy nghĩ giống như ba bạn trẻ trong câu chuyện của bác phụ huynh kể trên, đó là thấy gương chiếu hậu không thực sự cần thiết khi tham gia giao thông, có gương làm xe cồng kềnh, mất dáng xe, mất thời trang…Và ngay cả khi có lắp gương, nhiều người cũng thừa nhận rằng họ làm vậy cốt cũng chỉ để cho có và yên tâm sẽ không bị CSGT xử phạt, còn họ cũng không có thói quen quan sát đường qua gương. Dù có gương, nhưng khi cần chuyển hướng, họ vẫn chọn cách quay đầu lại để nhìn. Như vậy, gương chiếu hậu lúc này chỉ như là …"bù nhìn"!
Không lắp gương chiếu hậu hay không quan sát qua gương chiếu hậu đều là thói quen xấu của nhiều người điều khiển xe gắn máy. Các chủ phương tiện tự tin có thể quan sát đường khi chuyển hướng bằng cách ngoái đầu nhìn phía sau. Nhưng khi lưu thông bình thường, nếu không có gương, người điều khiển xe sẽ không thể quan sát tín hiệu rẽ sang đường hoặc xin vượt xe của xe phía sau. Chưa kể cách quay đầu để nhìn đường khi chuyển hướng rất dễ làm người cầm lái bị hạn chế tầm nhìn, không thể ứng phó kịp với các sự cố bất ngờ xảy ra. Khi đó, chủ phương tiện có thể gây ra va chạm với các đối tượng tham gia giao thông khác. Trong thực tế, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra do người điều khiển xe thiếu quan sát và có nguyên nhân gián tiếp từ việc người điều khiển xe môtô, xe gắn máy không có gương chiếu hậu.
Không lắp gương chiếu hậu là một trong những vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. (Ảnh Internet)
An toàn giao thông có được là dựa trên các quy tắc cụ thể mà mỗi người phải tuân thủ chấp hành. Và chiếc gương chiếu hậu, dù rất nhỏ nhưng cũng là một trong những quy tắc ấy. Vì vậy, các chủ phương tiện xe gắn máy cần lắp gương chiếu hậu theo đúng quy định và tập thói quen quan sát qua gương.
Luật Giao thông đường bộ quy định xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển.
Điểm a, Khoản 1, Điều 17, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi thực hiện hành vi vi phạm: “Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng”. |
Chân Khoa