Skip Ribbon Commands
Skip to main content
ATGT
Thói quen xấu (P4): Đi sai làn đường
“Một chiếc xe ô tô dừng ở phía trước. Xe phía sau thấy vậy cũng dừng lại, bấm còi để xin đường” – Đó là tình huống giao thông thường thấy ở các bộ phim nước ngoài. Còn ở nước ta, nếu rơi vào trường hợp đó, hầu hết xe ô tô phía sau sẽ không đợi mà… lấn sang làn đường khác để đi!
Bỏ mặc biển chỉ dẫn phân làn xe, bỏ mặc vạch kẻ đường, nhiều người điều khiển xe vẫn tự chọn cho mình một phần đường riêng, không theo một quy tắc nào. Hễ khi thấy làn đường nào có khoảng trống, họ sẽ điều khiển theo lối đó. Khi vượt xe, nhiều phương tiện cũng thường lấn sang làn đường khác sai quy định. Hoặc với họ, đôi khi việc đi theo làn đường nào là do… thời tiết quyết định! Nếu thời điểm đó, nắng chiếu mạnh vào làn đường dành cho phương tiện của họ, họ sẽ “dạt” sang làn đường dành cho xe khác, hay như không may làn đường của họ bị gió bụi nhiều, họ cũng cho xe “lánh tạm” ở làn đường kế cận.
 
Thói quen xấu (P4): Đi sai làn đường 1
Nhiều phương tiện xe máy đi vào làn đường dành cho ô tô. (Ảnh Sưu tầm)
 
Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ chủ ý của các chủ phương tiện thì một số người điều khiển xe chưa có ý thức cũng như nắm được các kiến thức về việc đi đúng làn đường. Nhiều người chia sẻ rằng, họ không chú ý vào các biển chỉ dẫn phân làn xe (nhất là với những người từ vùng quê lên thành phố) và ngay cả dù có chú ý, họ cũng không hiểu hết ý nghĩa của biển chỉ dẫn, vạch kẻ đường.

Ví dụ như rất nhiều người vẫn nghĩ rằng nếu không có biển chỉ dẫn thì không phải tuân theo làn đường ở vạch kẻ đường. Trong khi đó, theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ” được ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGTVT, vạch kẻ đường khi sử dụng độc lập thì mọi người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của vạch kẻ đường.
 
Thói quen xấu (P4): Đi sai làn đường 2
Nhiều chủ phương tiện đến khi bị CSGT xử phạt mới biết mình đi sai làn đường. (Ảnh minh họa)

Và cũng từ rất nhiều lý do như kể trên mà người đi ô tô đi vào làn xe máy và ngược lại, người đi xe đạp đi vào làn xe máy và ngược lại. Ngoài ra, một sai phạm thường thấy của người đi đường trong quy tắc sử dụng làn đường, đó là đứng sai làn đường khi chờ đèn đỏ, nghĩa là định đi thẳng nhưng lại đứng vào làn đường dành cho xe rẽ phải và ngược lại.

Việc đi, dừng chờ ở sai làn đường như vậy gây rất nhiều khó khăn cho người đang đi ở đúng làn đường. Nguy hiểm có thể đến với họ ngay cả khi đang di chuyển cùng chiều hoặc ngược chiều với chủ phương tiện lấn làn đường. Với các trường hợp không kịp thời xử lý, tai nạn rất dễ xảy ra.

Trong thực tế, các vụ tai nạn do đi sai làn đường dường như được lặp đi lặp lại ở từng tháng, từng quý. Có vụ là vì xe máy đi sang làn đường dành cho ô tô và bị ô tô cùng chiều đâm từ phía sau. Đôi khi là do ô tô đi sang làn đường của xe ngược chiều và đã có cuộc “đối đầu thảm khốc” với xe khác. Rồi ở tình huống khác, xe đạp đi sang làn đường ô tô, bị ngã và bị ô tô cán chết…Còn xảy ra va chạm do đi sai làn đường, thì dường như đã trở thành sự cố quen thuộc trên các tuyến đường vào mỗi ngày.
 
Thói quen xấu (P4): Đi sai làn đường 3
Hiện trường một vụ tai nạn do ô tô đi sai làn đường. (Ảnh: Thanh Tra)

Để đảm bảo an toàn, mỗi chủ phương tiện cần nâng cao ý thức chấp hành quy tắc sử dụng làn đường, tuân theo sự chỉ dẫn của biển chỉ dẫn phân làn xe, vạch kẻ đường. Chúng ta không nên vì một thói quen xấu, xuất phát từ một chút thuận tiện trước mắt mà có thể bị chuốc lấy những tai họa khôn lường, và tai họa đó không chỉ cho chính mình mà còn cho người khác. 

Về quy tắc sử dụng làn đường, Luật Giao thông đường bộ quy định như sau:

1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.

3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
 
Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, một số quy định xử phạt liên quan tới vi phạm đi sai làn đường được quy định như sau:

- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

+ Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng, riêng với người điều khiển xe thực hiện vi phạm trên đường cao tốc thì sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong 01 tháng.

+ Đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng, đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong 01 tháng.

- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:

+ Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước: Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

+ Đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. 

Chân Khoa
Untitled 1
THÔNG BÁO NHANH
  • Triển khai hệ thống Hành chính nội bộ
    Từ ngày 01/10/2014 tất cả các Văn bản triển khai của Đoàn - Hội sẽ được chuyển về hệ thống hành chính nội bộ của Đoàn trường và HSV trường. Mục Văn bản trên website là các biểu mẫu phục vụ công tác.
  • THÔNG TIN RÚT SỔ ĐOÀN VIÊN
    Ban tổ chức Đoàn trường thông tin đến các bạn Đoàn viên - sinh viên hệ Đại học khóa 2011  nhanh chóng liên hệ văn phòng Đoàn trường P106 - cơ sở 97 Võ Văn Tần ( trong giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6) để làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đoàn và rút sổ Đoàn từ hôm nay đến hết 30/12/2016.
    Trân trọng!
  • Mời bạn đến nhận thư
    Hiện nay thư của tất cả các bạn sinh viên trường nếu để địa chỉ là 97 Võ Văn Tần. Đều được chuyển về P.106 tại lầu 01. Các bạn chú ý đến nhận thư nhé !
    
LIÊN KẾT VÀ QUẢNG BÁ