Thói quen xấu (P3): Vượt đèn vàng
06/06/2014
Đèn đỏ thì dừng, đèn vàng thì được đi
Cho tới nay, rất nhiều người nghĩ rằng khi tới giao lộ có hệ thống đèn tín hiệu giao thông thì phương tiện chỉ phải dừng khi đèn đỏ, còn đèn vàng là khuyến cáo không nên đi, nhưng theo quy định thì không cấm vượt qua. Vì vậy, như một phản xạ, hễ khi thấy đèn xanh chuyển sang màu vàng, những người điều khiển xe đang ở gần vạch dừng sẽ phóng xe thật nhanh để không phải chờ đèn đỏ.
Hành vi này không chỉ có với những người không biết về quy định phải dừng lại trước vạch dừng khi đèn có tín hiệu vàng, mà ngay cả những người đã biết nhưng vẫn cố tình vượt đèn vàng. Khi được hỏi (với yêu cầu giấu tên, địa chỉ), nhiều người đã thừa nhận rằng nếu ở ngã tư không có CSGT thì họ sẽ không ngại ngần tăng tốc, phóng xe vượt đèn vàng. Họ nghĩ vượt đèn vàng không gây nguy hiểm như vượt đèn đỏ. Bởi vì lúc đó, các phương tiện ở các hướng khác chỉ chuẩn bị có đèn màu xanh nên các phương tiện dù có đi cũng sẽ đi với vận tốc chậm, không thể “chạm trán” với xe của họ. Như thế, ngay cả khi họ vượt đèn vàng thì cũng không gây trở ngại cho các đối tượng giao thông khác. Hơn nữa, nếu không vượt đèn vàng, thì họ sẽ mất thời gian để chờ đèn đỏ.
Tình trạng vượt đèn vàng xảy ra khá phổ biến. (Ảnh: Autopro)
Cũng do thói quen này của nhiều người đi đường mà một số chủ phương tiện phải chịu sự bực bội, thậm chỉ chửi mắng một cách rất “oan ức”.
Anh Nguyễn Văn Hà, đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, Cần Thơ chia sẻ: “Tôi biết rằng theo quy định không được vượt đèn vàng. Khi có đèn vàng thì người điều khiển phải giảm tốc và dần cho xe dừng lại trước vạch dừng. Nhưng có hôm, tôi đứng dừng đèn vàng thì người điều khiển xe ở đằng sau bấm còi inh ỏi, nói tôi khùng hay sao mà dừng đèn vàng”.
Tình huống dở khóc dở cười như của anh Hà cũng là sự đồng cảm của nhiều người khác. Khi cho xe dừng chờ đèn vàng theo đúng quy định nhưng họ lại bị “chửi” bằng còi, mắng bằng lời là “hâm, khùng, dở hơi” bởi các chủ phương tiện đi sau muốn vượt đèn vàng. Và nguy hiểm hơn, không chỉ dừng lại ở thái độ hay những câu nói, hành động vượt đèn vàng của nhiều người đã từng gây tai nạn nghiêm trọng cho người đi đường xung quanh.
Nguy hiểm khi vượt đèn vàng
Tai nạn xảy ra có thể ở hai tình huống: thứ nhất, nếu người vượt đèn vàng ở giao lộ lớn sẽ va chạm với những người ở tín hiệu đèn xanh của tuyến đường khác (nhất là trong nhiều trường hợp, vượt đèn vàng không kịp, rất dễ tới vượt đèn đỏ khi tới vạch dừng); thứ hai là có những người cùng lưu thông chấp hành tín hiệu đèn vàng đi chậm lại để dừng đèn đỏ, nhưng một số người đi phía sau lại tranh thủ đèn vàng chạy vượt lên, sẽ xảy ra va chạm.
Nỗi đau của người mẹ mất con ngày nào ở ngã tư Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, Tp.HCM) vẫn còn là nỗi ám ảnh với những người chứng kiến.
Tai nạn thương tâm xảy ra vào lúc 6 giờ 30’ sáng ngày 6/3 vừa qua. Trong dòng xe đông nghẹt vào giờ cao điểm buổi sáng, một phụ nữ chở 2 con trai đến trường bằng xe máy BKS 59D1 215.33 lưu thông trên đường Phan Đăng Lưu theo hướng ngã tư Phú Nhuận về Bình Thạnh.
Đến giao lộ Phan Xích Long đèn tín hiệu giao thông chuyển màu vàng. Xe gắn máy dừng lại. Bất ngờ, từ sau xe buýt BKS 53N 4204 tuyến đường Công viên phầm mềm Quang Trung – Khu công nghệ cao Thủ Đức cố tình vượt qua đã húc vào xe máy.
Cú va chạm mạnh khiến cả 3 mẹ con ngã xuống đường. Người mẹ và đứa con ngồi ngoài cùng văng khỏi xe rơi vào khoảng trống chỉ bị xây xát nhẹ. Riêng cháu bé ngồi giữa tên Nguyễn Đức Bảo Trác (12 tuổi học sinh lớp 6 trường THCS Hà Huy Tập 2) rơi vào đúng lằn bánh bị xe buýt cán ngang đầu chết tại chỗ.
Tại hiện trường, người mẹ gào khóc đau đớn trước sự ra đi đột ngột của con trai mình...(Ảnh: Afamily)
Trước đó, vào lúc 9 giờ 30' ngày 4/3, tại giao lộ Trường Chương – Phan Văn Hớn (Q.12, Tp.HCM), một vụ tai nạn nghiêm trọng cũng xảy ra do hành động vượt đèn vàng của một người điều khiển xe gắn máy.
Cụ thể, khi đến giao lộ trên, do muốn vượt đèn vàng nên khi gần tới vạch dừng, đèn chuyển từ vàng sang đỏ, nhưng thanh niên (tên Phương, SN 1994, quê Bến Tre) vẫn tăng ga cố vượt qua. Ở tuyến đường có tín hiệu đèn xanh, anh Đỗ Hoàng Phong (SN 1980, ngụ Hóc Môn) điều khiển xe máy chạy tới và xảy ra va chạm, làm Phong bị thương nặng.
Sau va chạm, chiếc xe của nạn nhân bị hư hỏng nặng. (Ảnh: VOV)
Hai vụ việc kể trên chỉ là một trong rất nhiều các vụ tai nạn do vi phạm vượt đèn vàng của nhiều chủ phương tiện. Từ những phân tích trên, mong rằng người tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm túc theo tín hiệu của hệ thống đèn giao thông, đó là khi tới đèn vàng sẽ cho xe giảm tốc và dừng lại trước vạch dừng. Đó không chỉ một nét đẹp trong văn hóa giao thông mà còn là quy tắc để đảm bảo an toàn.
Luật Giao thông đường bộ quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có tín hiệu đèn giao thông. Quy tắc cụ thể như sau:
- Tín hiệu xanh là được đi.
- Tín hiệu đỏ là cấm đi.
- Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, khi đèn vàng đã bật sáng mà còn cho xe đi tiếp là thuộc vào hành vi vi phạm: "Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông". Và khi thực hiện vi phạm này, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng; người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. |
Chân Khoa