Hiểm họa từ việc sử dụng tai nghe khi đang lái xe
20/04/2014
Có rất nhiều lý do để các chủ phương tiện muốn sử dụng tai nghe khi đang lái xe, ví dụ như nghe nhạc cho vui tai hoặc cho “phù hợp tâm trạng”, tranh thủ học tiếng Anh, nghe thông tin từ đài, nghe điện thoại khi có cuộc gọi…Một số người đôi khi không đặt mục đích nghe cái gì mà chỉ cần có âm thanh nào đó để che lấp đi sự ồn ào của đường phố hay giúp họ phần nào quên đi cái nóng bức hay cái rét buốt khi đi đường.
Chủ phương tiện vừa đi xe vừa sử dụng tai nghe là hình ảnh vẫn thấy nhiều trên đường phố. ( Ảnh: Zing)
Hầu hết những người sử dụng tai nghe khi đi đường đều cho rằng việc làm của họ là vô hại và cũng không vi phạm luật giao thông. Nhưng khi nhìn nhận vấn đề này sâu sát hơn, ta sẽ thấy rằng việc sử dụng tai nghe có thể gây ra va chạm, thậm chí tai nạn nghiêm trọng. Bởi vì khi sử dụng tai nghe, âm thanh sẽ vang vào tai với mức độ lớn. Điều này vừa làm người tham gia giao thông mất tập trung khi điều khiển phương tiện, vừa làm họ không thể nghe được còi xe của phương tiện khác, cũng không nghe được tín hiệu điều khiển của CSGT…Và trên thực tế, chiếc tai nghe đã từng mang tới cái chết cho người lái xe.
Điển hình như vụ tai nạn tàu hỏa ở Tp.HCM vào ngày 11/5/2011. Nạn nhân là anh Nguyễn Lương Hiệp ( 41 tuổi, ngụ ở phường 15, quận Gò Vấp). Vụ việc xảy ra khi anh đi xe máy qua giao điểm đường Thích Quảng Đức ở phường 5, quận Phú Nhuận, Tp.HCM. Do đeo tai nghe nhạc nên anh đã không nghe thấy tiếng còi cảnh báo để dừng lại cho tàu qua. Và hậu quả là xe và người phi thẳng vào tàu, làm anh tử vong tại chỗ.
Hiện trường vụ tai nạn anh Hiệp đâm vào tàu hỏa. (Ảnh: Dân Việt)
Còn các vụ va quệt, ngã xe do sử dụng tai nghe làm mất tập trung, bị lạc tay lái thì vẫn thường xảy ra trên các đường phố.
Nhiều người vì chủ quan tin rằng sẽ không gây vấn đề gì khi nghe tai nghe nên vẫn giữ thói quen này. Nhưng sự cẩn thận, phòng hộ khi tham gia giao thông không bao giờ là điều thừa. Bởi vì mỗi người khi có mặt trên đường, đều cần có trách nhiệm đóng góp sự an toàn chung cho tất cả mọi người.
Mặt khác, việc sử dụng tai nghe nhiều cũng không có lợi cho đôi tai của bạn. Bởi vì sức nghe của tai sẽ giảm nếu mọi người tiếp xúc với âm thanh có cường độ 85-90db liên tục trên hai giờ/ngày và kéo dài một đến hai năm. Hiện, hầu hết các máy nghe nhạc đeo tai đều có công suất cực đại đến 120db, gây ra nhiều áp lực âm thanh trực tiếp đến tế bào thần kinh.
Hơn nữa, theo khoa học chứng minh, mỗi ngày ta dành thời gian để đầu óc trống rỗng, không suy nghĩ gì cũng là cách để thư giãn, cân bằng tâm lý tốt. Vì vậy, khi bạn đi trên đường, bạn chỉ để tâm mình tập trung vào việc lái xe, không nghĩ ngợi, không bị chi phối bởi điều gì khác thì có nghĩa bạn vừa tranh thủ được một khoảng thời gian để tĩnh tâm, vừa chủ động nắm chắc sự an toàn.
Giao thông luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ. Do đó, khi mỗi người tham gia giao thông tự có trách nhiệm với bản thân mình và mọi người xung quanh thì sự an toàn sẽ nhiều hơn. Và sự an toàn đó có thể sẽ bắt đầu từ việc rất nhỏ của bạn, đó là tuyệt đối không sử dụng tai nghe khi lái xe trên đường.
Sử dụng tai nghe, thiết bị âm thanh khi lái xe (trừ thiết bị trợ thính) cũng là phạm Luật Giao thông đường bộ và bị xử phạt hành chính. Cụ thể, điểm h, khoản 1, điều 6 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm một trong các hành vi sau đây:
- Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt;
- Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”;
- Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ;
- Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ;
- Lùi xe mô tô ba bánh không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước;
- Sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều;
- Người đang điều khiển xe sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; người ngồi trên xe sử dụng ô. |
Hạnh Nhân