Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
“Nhà xã hội học tương lai” không lo thất nghiệp

Thí sinh thi vào ngành xã hội học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM năm 2012

Không ít học sinh quan tâm đến ngành xã hội học nhưng vẫn băn khoăn về cơ hội việc làm sau khi ra trường. Trong cuộc sống hiện đại, con người ngày càng thấy được tầm quan trọng của việc nghiên cứu các hiện tượng xã hội, những ứng dụng của lĩnh vực này và vai trò của người làm công tác xã hội học ngày càng được đón nhận rộng rãi.
ThS. Ngô Thị Kim Dung (Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cho rằng, có rất nhiều tổ chức mà những người học xã hội học khi tốt nghiệp có thể tìm việc làm phù hợp, ứng dụng kiến thức và kỹ năng đã tích lũy. Đó là những doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, tổ chức dịch vụ xã hội, đoàn thể xã hội, các cơ quan lập kế hoạch - phát triển - đào tạo - quản lý nguồn nhân lực, quan hệ công nghiệp, tiếp cận thị trường, quan hệ công chúng, tổ chức nghiên cứu, kinh doanh quốc tế, tổ chức phi chính phủ.
Cụ thể, tại các công ty, khi doanh nghiệp có nhu cầu hiểu những thói quen của khách hàng, những ưu tiên của họ trước sự thay đổi trên thị trường thì cần thiết có những cuộc nghiên cứu về khách hàng. Xu hướng doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến vấn đề này. Nhà xã hội học đặc biệt thích hợp cho những dạng nghiên cứu khách hàng như vậy. Đối với doanh nghiệp, một số nhà xã hội học đóng vai trò như chuyên gia quan hệ lao động, người trung gian hòa giải các tranh chấp trong công việc.
Với tư cách là chuyên gia tư vấn, nhà xã hội học làm việc ở các cơ quan nghiên cứu, tham gia vào phân tích và phát triển tổ chức. Họ nghiên cứu và lập kế hoạch chiến lược ở các bộ phận nhân sự, quan hệ công nghiệp, quan hệ công chúng, tiếp thị. Họ cũng có thể trở thành nhà phân tích chính sách, người quản lý nhân sự, quản lý chương trình. Kiến thức nền về xã hội học giúp các nhà lãnh đạo, nhà kinh doanh, các nhà quản lý nguồn nhân lực có nhiều ưu thế khi giải quyết công việc với người lao động tại nơi làm việc. Từ đó, có thể tránh được việc đối đãi không đúng mức hoặc làm tổn thương người lao động.           
Sinh viên tốt nghiệp ngành xã hội học có các khả năng nhận biết xu hướng và các kiểu dạng tiêu dùng, viết báo cáo chính xác. Bên cạnh đó, còn nhiều kỹ năng khác như: Thuyết trình, giao tiếp, phỏng vấn, thu thập - phân tích - giải thích dữ liệu, quản lý, tổ chức, lập kế hoạch…
Nhà xã hội học có khả năng nắm bắt các cơ hội thị trường. Khả năng này dựa trên nguyên tắc những hiện tượng nhất định tạo nên các điều kiện ảnh hưởng đến các nhóm người. Chẳng hạn, một nhà lãnh đạo việc kinh doanh có thể căn cứ vào điều kiện một đất nước trước đây bị chiến tranh hay bệnh tật tàn phá và nhận biết rằng nhân dân quốc gia đó cần những trợ giúp cơ sở hạ tầng cơ bản, tiếp cận được giáo dục, các phương tiện y tế. Đây sẽ là cơ hội cho công ty chuyên cung cấp thiết bị y tế.
Xã hội học còn là nền tảng cơ bản đối với bộ phận quan hệ công chúng ở bất kỳ công ty lớn nào. Đơn cử, khi công ty tiến hành kinh doanh ở những vùng đất khác của thế giới, nhân viên quan hệ công chúng phải nắm lịch sử, văn hóa của vùng đó để tạo ra những thông điệp và hình ảnh phù hợp.
Ở khu vực phi lợi nhuận, nhiều nhà xã hội học tự thành lập các tổ chức từ thiện. Bản chất liên ngành của bộ môn xã hội học giúp học thành công trong lĩnh vực này. Ngoài ra, nhà xã hội học còn có thể nghiên cứu hoặc giảng dạy tại các trường ĐH.
Thục Trân (Báo Giáo dục Tp Hồ Chí Minh)
THÔNG TIN LIÊN HỆ

Số điện thoại: 08.38386616

Email:khoaxcd@ou.edu.vn