Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức; Nghề nghiệp
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Luật kinh tế

Được tuyển sinh từ khóa 2013, đến nay, Khoa Đào tạo đặc biệt đang đào tạo 2 khóa ngành Luật kinh tế. Trong quá trình tiếp xúc với sinh viên, Khoa Đào tạo đặc biệt nhận được rất nhiều câu hỏi thắc mắc của sinh viên về ngành học. Cụ thể như: Sinh viên ngành luật kinh tế khi học xong thì ra trường làm công việc gì? Học luật kinh tế ra trường thì có sợ thất nghiệp không? Cần chuẩn bị gì để có thể ra trường tìm được việc làm tốt? Tiếng Anh có quan trọng đối với ngành này không?... Nhằm giúp sinh viên hiểu rõ về ngành học, cơ hội việc làm và định hướng nghề nghiệp, chiều ngày 01/11/2014, Khoa Đào tạo đặc biệt tổ chức buổi báo cáo chuyên đề Định hướng nghề nghiệp ngành Luật kinh tế dành cho sinh viên ngành Luật kinh tế khóa 2013, 2014 của Khoa.

Buổi báo cáo diễn ra với sự có mặt và chia sẻ của Cô Vân Thị Hồng Loan, Phó Trưởng khoa Đào tạo đặc biệt, và những người có kinh nghiệm thực tế trong việc học và làm việc trong ngành luật kinh tế. Đó là chị Lý Thị Vân Quỳnh, Trưởng phòng pháp chế, kiêm Trưởng phòng kinh doanh, Công Ty TNHH Dịch Vụ Hàng Hải Jardine (Việt Nam) và anh Đồng Hoàng Nam, Cố vấn pháp luật của Công ty Samsung Vina.

Trong buổi gặp gỡ, cô Hồng Loan đã cùng với chị Vân Quỳnh anh Hoàng Nam đã lần lượt chia sẻ với sinh viên kinh nghiệm học tập và hành trang cần chuẩn bị để khi ra trường có công việc tốt và phát triển nghề nghiệp. Dưới đây là một số câu hỏi trao đổi giữa sinh viên và báo cáo viên trong buổi báo cáo.

Sinh viên ngành luật kinh tế ra trường có thể làm việc ở đâu? Đây là câu hỏi mà hầu hết tất cả sinh viên ngành luật kinh tế đều quan tâm và vẫn còn mơ hồ về nghề nghiệp. Theo tư vấn của chị Quỳnh và anh Nam, sinh viên ngành Luật kinh tế sau khi ra trường thường có 2 lựa chọn: đó là phụ trách các công tác pháp chế của doanh nghiệp hoặc hành nghề luật sư. Đối với công tác pháp chế của doanh nghiệp, các bạn có thể lựa chọn làm việc tại các công ty tư vấn luật, ở vị trí trợ lý luật sư hoặc làm chuyên viên pháp chế của các doanh nghiệp. Các bạn cũng có thể làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước có các mảng liên quan đến luật kinh tế. Nếu muốn theo đuổi nghề luật sư thì ngành học của các bạn là phù hợp kết hợp với một số điều kiện khác.  

 

Tốt nghiệp cử nhân Luật kinh tế thì có được làm luật sư ngay không? Câu trả lời là được nhưng nếu chỉ có bằng cử nhân Luật thì chưa đủ. Nếu muốn làm luật sư thì sau khi có bằng Cử nhân luật, bạn cần tham gia 1 lớp đào tạo Nghề luật sư của Bộ Tư Pháp kéo dài khoảng 6 tháng. Sau khi hoàn thành lớp học này, bạn cần đi tập sự ở các văn phòng luật sư có đăng ký hợp pháp từ 1,5 - 2 năm, sau đó thi đạt đầu ra để có chứng chỉ hành nghề luật sư và lúc đó có thể xin gia nhập Đoàn Luật sư. Tổng cộng thời gian từ lúc bắt đầu học đại học đến khi hành nghề luật sư khoảng 7 năm.

 

Học ngành Luật kinh tế thì có cần tìm hiểu sâu vào mảng luật khác không? Thực tế, trong quá trình làm việc, phụ trách mảng pháp lý của bất kỳ vụ việc hay doanh nghiệp nào thì cũng đòi hỏi người làm mảng pháp chế/luật sư cho doanh nghiệp biết tất cả các mảng luật pháp liên quan để xử lý vụ việc phát sinh. Các vấn đề phát sinh có thể liên quan đến các luật kinh tế và các luật khác. Chính vì vậy mà dù học luật kinh tế nhưng trong chương trình đào tạo không chỉ cung cấp cho sinh viên các luật về kinh tế mà có cả các luật cơ bản của Việt Nam như luật dân sự, luật hình sự, luật hiến pháp… Nếu các em đã xác định được định hướng nghề nghiệp mình muốn theo đuổi thì các em học sâu và tìm hiểu kỹ về mảng luật của định hướng đó. Tuy nhiên, lời khuyên cho sinh viên là nên tìm hiểu hết tất cả mọi luật, đặc biệt là nếu định hướng tương lai mong muốn làm luật sư. Vì nhiệm vụ của luật sư không chỉ trả lời câu hỏi của khách hàng đưa ra mà dựa những câu hỏi đó để gợi ý, tìm ra khúc mắc thật sự của khách hàng là gì. Khách hàng là người không chuyên về pháp lý, không am hiểu về luật pháp, không biết rắc rối thật sự của họ nằm ở đâu, kinh doanh, dân sự hay hình sự, do vậy bạn phải biết kết hợp mọi thứ. Nếu bạn làm chuyên về 1 mảng nào đó thì cũng nên tìm hiểu kỹ luật có liên quan.

 

Một công ty có thể có bao nhiêu luật sư nội bộ? Còn tùy vào nhu cầu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, các ngành nghề cần tuân thủ luật pháp chặt chẽ (như trong các ngân hàng), kinh doanh lĩnh vực nhạy cảm nhưng không cấm… thì doanh nghiệp đó có số lượng luật sư nội bộ càng nhiều. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì số lượng luật sư thường cao hơn các doanh nghiệp trong nước.

Thuật ngữ tiếng Anh trong ngành luật có thể tìm ở đâu? Sinh viên có thể tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm với từ khóa “Legal Dictionary”, từ đó xem và lựa chọn từ điển tốt nhất cho mình.

Có website nào chuyên cho ngành luật không? Tùy thuộc vào vấn đề bạn muốn quan tâm. Ví dụ liên quan đến việc ban hành luật, sinh viên có thể tham khảo trên các website của Quốc hội Việt Nam, Chính phủ, các Bộ ngành… Với các vụ việc, tư vấn, sinh viên có thể xem trên các website của các công ty tư luật nổi tiếng như Baker McKenzie, Mayer Brown (Mỹ)…

Nên học chứng chỉ nghề luật sư hay học thạc sĩ luật? Tùy vào định hướng của mỗi người mà lựa chọn học tiếp chứng chỉ nghề luật sư hay học thạc sĩ luật. Việc học tiếp theo hướng hành nghề luật sư hoặc thạc sĩ luật khác nhau về mục đích nên không thể so sánh được. Cử nhân/thạc sĩ luật có nhiệm vụ bảo vệ pháp lý còn luật sư thì ngoài nhiệm vụ bảo vệ pháp lý nói chung còn có thể tranh luận khi ra tòa. Nếu làm việc trong môi trường doanh nghiệp, đặc biệt ở các công ty nước ngoài thì các đơn vị này thường ưu tiên người có bằng luật sư hơn trong tuyển dụng. Tuy nhiên, đối với người làm trong lĩnh vực giáo dục thì thạc sĩ luật là bằng cấp bắt buộc người giảng viên phải có, và trong các cơ quan nhà nước thì thạc sĩ luật là bằng cấp được ưu tiên trong việc phấn đấu lên vị trí cao hơn…

 

Muốn học thạc sĩ luật của nước ngoài thì phải làm sao? Theo anh Nam, kinh nghiệm của bản thân cho thấy trước tiên phải giỏi tiếng Anh và có điều kiện kinh tế để trang trải chi phí học ở nước ngoài. Nếu xác định muốn học tiếp ở nước ngoài thì trong quá trình học, sinh viên cần cố gắng học đạt kết quả cao và trang bị tiếng Anh đủ tốt để dễ dàng tìm kiếm suất học bổng của nước ngoài. Đối với ngành luật, người Việt Nam đi du học không nhiều. Quá trình học luật ở nước ngoài chủ yếu là học hệ thống thông luật, học hỏi cách lập luận khi ra một tiền lệ luật. Các lý lẽ được học này rất thuyết phục, sâu sắc. Nếu tiếng Anh không giỏi thì rất khó để hiểu, thảo luận, tranh luận với các sinh viên bản ngữ. Đặc biệt, trong ngành luật, việc tham gia thảo luận là rất cần thiết. Nếu trong quá trình học, sinh viên rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy và kỹ năng phân tích, nhìn nhận vấn đề xử lý tình huống… thì việc ra trường làm việc, học tiếp sẽ dễ dàng hơn.

 

Sinh viên ngành luật thì có thể xin thực tập/xin việc ở đâu? Sinh viên có thể xin thực tập tại các công ty tư vấn luật lớn, các công ty tư nhân (các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có các ngành nghề kinh doanh đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt  những luật riêng…), ngân hàng, các cơ quan nhà nước… Sau khi ra trường, sinh viên có thể làm trợ lý luật sư (para legal) ở những văn phòng tư vấn luật. Sau khoảng 2 năm, nếu có bằng luật sư thì nếu có nhu cầu và tích lũy đủ kinh nghiệm thì có thể làm ở vị trí luật sư nội bộ cho các công ty…

 

Có thể giới thiệu một số công ty luật nổi tiếng ở Việt Nam? Một số công ty như YKVN (Việt Nam), Gide (Pháp), Baker McKenzie (Mỹ), Mayer Brown (Mỹ), Dũng Association (Việt Nam), Vilaf (Việt Nam): Chuyên về lĩnh vực hàng hải, giao nhận, xuất nhập khẩu…, Roude (Anh): Chuyên về lĩnh vực sở hữu trí tuệ… Sinh viên có thể tìm kiếm thông tin của các công ty này trên các công cụ tìm kiếm.

           

Kinh nghiệm thực tế nào của các báo cáo viên muốn chia sẻ trong việc chuẩn bị cho nghề nghiệp của mình? Lời khuyên là sinh viên đang giai đoạn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thì nên tự tìm hiểu hết vì rất nhiều luật, thậm chí có rất nhiều luật không được học trong trường. Trong quá trình học, sinh viên nên xác định hướng đi của mình, từ đó xác định các môn học, nội dung mình cần nghiên cứu kỹ. Không cần đợi đến học kỳ thực tập, sinh viên cũng có thể xin thực tập không lương và thực hiện từ những công việc nhỏ nhất. Ngoài việc thực tập thực tế, lời khuyên cho sinh viên là cần tích lũy kinh nghiệm thông qua nhiều cách như đọc và lưu tất cả các câu hỏi ở mục tư vấn luật trên báo/internet vì mình chưa biết chi tiết và cụ thể pháp luật  về vấn đề đó nhưng có thể học cách luật sư tư vấn và trả lời trên báo đọc để nghiền ngẫm học cách người ta tư vấn… Ngoài ra, có thể tham khảo trên các website khi các luật được lấy ý kiến sửa đổi, đang soạn thảo… Khi đó có thể nghiên cứu các ý kiến thảo luận, góp ý… Lúc luật ban hành thì sẽ nắm vững hơn. Ngoài ra, nếu có điều kiện thì có thể cập nhật bằng cách mua dữ liệu từ các trang web như thuvienphapluat, luatvietnam… Khi có dự thảo, văn bản mới, vấn đề pháp lý… thì các dữ liệu sẽ chuyển về người mua. Ngoài ra, sinh viên có thể cập nhật từ các website trên mạng, ví dụ như VCCI chuyên lấy ý kiến của các chuyên gia về dự thảo về luật và các văn bản mới… Có thể đọc được quan điểm của những người am hiểu về luật và tích lũy kiến thức dần dần. Hiểu biết về luật, ngay cả không làm về luật vẫn giúp người sử dụng lao động/khách hàng đánh giá cao và có lợi thế trong mọi lĩnh vực, giúp tự tin hơn trong việc xử lý công việc. Nếu có mong muốn làm việc trong mảng lĩnh vực nước ngoài thì ngoài kiến thức, ngoại ngữ là một yếu tốt rất quan trọng.  Các doanh nghiệp nước ngoài/có vốn đầu tư nước ngoài… tại Việt Nam luôn có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý trong việc ngăn ngừa, xử lý tranh chấp… hơn các doanh nghiệp Việt Nam. Chi phí trả cho việc sử dụng những dịch vụ này cũng cao hơn nhiều so với công ty Việt Nam. Do vậy, muốn có thu nhập tốt thì sinh viên cần trang bị tiếng Anh. Điều quan trọng, bạn phải hoạch định tương lai của mình sau 5 hay 10 năm nữa, hình ảnh của bạn là gì thì bạn phải đầu tư để theo đuổi ước mơ ấy.

 

Công thức chung để dễ thành công trong ngành luật: Trang bị kiến thức luật vững + Thực hành, tích lũy các kỹ năng mềm (thuyết phục, thương lượng, đàm phán…) + Thông thạo Anh ngữ + Học hỏi suốt đời (tự học, tự trang bị kiến thức) + Đầu tư kiến thức chuyên ngành trong lĩnh vực mình muốn theo đuổi (ví dụ tư vấn cho ngân hàng thì các nghiệp vụ trong ngân hang phải biết…)