Thị trường tài chính phái sinh là một khái niệm mới, rất mới ở Việt Nam nên việc tìm được một môi trường thực tiễn để các bạn sinh viên có thể áp dụng những kiến thức được học trên lớp về môn Thị trường tài chính phái sinh vào là không hề đơn giản. Lý thuyết suông nhưng thiếu thực hành dẫn đến cảm giác mơ hồ, khó hiểu không tránh khỏi cho các bạn trong quá trình học tập.
Do đó, để hỗ trợ hiệu quả nhất, Tiến sĩ Võ Hồng Đức, giảng viên trường Đại học Western Australia đã có một buổi diễn giải thật cụ thể về tình hình thị trường tài chinh phái sinh ở Việt Nam cho các bạn sinh viên năm 3 ngành Tài chính – Ngân hàng tại phòng 601, Đại học Mở TPHCM.
Hình 1. Tiến sĩ Võ Hồng Đức
Thầy Võ Hồng Đức cho biết, hiện nay trên thế giới, thị trường tài chính phái sinh đã phát triển rất mạnh với các nghiệp vụ phái sinh cực kỳ đa dạng, đem lại nguồn lợi dồi dào cho hệ thống tài chính toàn cầu. Thế nhưng ở Việt Nam, doanh nghiệp vẫn còn quá xa lạ với những công cụ phái sinh, vốn được xem như tấm khiên phòng tránh mọi rủi ro cho hoạt động kinh doanh trước những biến động của thị trường, giúp làm giảm chi phí và tăng suất sinh lợi một cách hiệu quả nhất.
Bằng cách sử dụng các công cụ tài chính phái sinh là các hợp đồng tài chính được bắt nguồn từ các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số chứng khoán, lãi suất hoặc tỷ giá, các Ngân hàng cũng như Doanh nghiệp có thể phòng tránh, phân tán rủi ro, bảo vệ, tạo lợi nhuận, chống biến động giá trị hoặc đầu cơ thu lợi nhuận. Các công cụ trên thị trường tài chính phái sinh rất đa dạng, nhưng nhỉn chung có 4 công cụ chính là Hợp đồng kỳ hạn; Hợp đồng tương lai; Hợp đồng quyền chọn và Hợp đồng hoán đổi.
Hình 2. Sinh viên trả lời câu hỏi
Hình 3. Sinh viên đặt câu hỏi
Buổi báo cáo ngoài sự góp mặt đông đủ của các sinh viên còn có sự tham dự của các thầy cô của Khoa ĐTĐB đã góp phần giúp cho buổi báo cáo thành công tốt đẹp. Rất hy vọng thầy Vũ Hồng Đức sẽ chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn bổ ích cho sinh viên của Khoa Đào tạo đặc biệt trong các buổi chuyên đề tiếp theo.