Sáng ngày 27/12/2012, Chương trình Đào tạo Đặc biệt có tổ chức buổi báo cáo chuyên đề “Khủng hoảng nợ công châu Âu – Một sự xem xét lại” tại hội trường 601, do thầy Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright – trình bày.
Buổi báo cáo tập trung xem xét hai quan điểm chủ yếu hiện nay về nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng nợ công châu Âu và từ đó liên hệ với tình hình của Việt Nam. Quan điểm đầu tiên được phát biểu bởi Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble, người cho rằng khủng hoảng nợ công là hệ quả của sự chi tiêu vô độ của nhà nước (Hi Lạp và các nước phụ cận: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ai Len, Ý). Ngược lại với quan điểm này, quan điểm thứ hai cho rằng nguyên nhân khủng hoảng nợ công là do năng lực quản lý khủng hoảng yếu kém của Liên minh châu Âu.
Bài báo cáo của diễn giả hơi nghiêng về quan điểm thứ hai nhưng cũng không phủ định hoàn toàn quan điểm đầu tiên: nợ công ở Hy Lạp có thể là nguyên nhân bắt đầu nhưng nợ công ở các nước phụ cận thì không phải, và cần phải xem xét lại năng lực và cơ chế quản lý của Liên minh châu Âu. Để chứng chứng minh nhận định này, diễn giả đã đưa ra một số lập luận và dẫn chứng như sau.
Trước năm 2009 – thời gian bắt đầu khủng hoảng, trong các nước vùng phụ cận, chỉ có Hy Lạp có nợ công cao (trung bình trên 100% GDP), cao hơn mức trung bình khu vực châu Âu (xấp xỉ 70% GDP). Còn các nước phụ cận khác như Ai Len, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đều có mức nợ công tương đương trung bình châu Âu hoặc thấp hơn. Cụ thể là Bồ Đào Nha có mức nợ công tương đối gần với trung bình châu Âu còn Tây Ban Nha và đặc biệt là Ai Len có mức nợ công rất thấp chỉ vào khoảng trung bình 35% trong các năm trước khủng hoảng. Điều này cho thấy tỷ lệ nợ công trên GDP không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khủng hoảng nợ công, ít nhất là nó không đúng trong trường hợp các nước phụ cận ngoại trừ Hy Lạp.
Trong quy ước giữa các nước thuộc EU thì tỷ lệ nợ công phải giữ dưới mức 60% và thâm hụt chi tiêu ngân sách phải dưới 3-5% (3% là báo động đèn vàng, 5% là báo động đèn đỏ). Trên thực tế, các nước vùng lõi như Pháp và Đức hiện tại có mức nợ công lần lượt là 85% và 82% nhưng vẫn không bị khủng hoảng. Thêm vào đó, thống kê về cán cân ngân sách trên GDP trung bình từ 2000-2007 cho thấy tuy Hy Lạp và Bồ Đào Nha có mức thâm hụt ngân sách vượt quá 3% (báo động đèn vàng) nhưng hai nước phụ cận khác là Tây Ban Nha và Ai Len thực chất có thặng dư ngân sách trong các năm này. Như vậy, không thể hoàn toàn nhận định rằng chi tiêu vô độ của nhà nước là nguyên nhân của khủng hoảng nợ công.
Sau khi xem xét qua quan điểm thứ nhất, diễn giả đã đưa một số lập luận và dẫn chứng cho quan điểm thứ hai: năng lực quản lý yếu kém là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng nợ công.
Diễn giả đã đưa ra chuỗi lập luận phân tích dẫn đến sự hình thành của nợ công và thâm hụt ngân sách. Liên minh châu Âu có chung đồng tiền nhưng không có cùng chính sách tài chính và tài khóa. Các trái phiếu do các nước trong EU phát hành được ngân hàng đánh giá là có mức độ tín nhiệm giống nhau, nhưng lợi suất trái phiếu tại các nước phụ cận thì lớn hơn một chút. Do được đánh giá cùng mức rủi ro nhưng có lợi nhuận cao hơn nên dẫn đến dòng vốn đổ vào các nước vùng phụ cận. Dòng vốn này sẽ vào hai khu vực chính là khu vực sản xuất và khu vực phi sản xuất (bất động sản và chứng khoán).
Với hiệu ứng của cải (welfare effect) khi dòng vốn chảy vào khu vực phi sản xuất, con người cảm thấy giàu có hơn tuy giá trị thực của tài sản vẫn không đổi, điều này dẫn đến chi tiêu nhiều hơn và vay nợ nhiều hơn. Ngân hàng cũng chấp nhận cho vay vì cho rằng giá trị tài sản cao hơn. Như vậy sẽ gia tăng nợ công.
Ngoài ra, khi dòng vốn chảy vào cũng làm thâm hụt cán cân vãng lai do tiết kiệm nhỏ hơn đầu tư và thâm hụt cán cân thương mại do tài sản cố định được nhập nhiều hơn nhưng không thể tạo ra của cải do năng lực cạnh tranh yếu (chi phí lao động trong các vùng phụ cân cao hơn nhiều so với các nước vùng lõi).
Các phân tích và lập luận trên cho thấy do không có chính sách tài chính đồng nhất trong EU dẫn đến việc đánh đồng hệ số tín nhiệm của các trái phiếu các nước phát hành làm cho dòng vốn di chuyển không đúng chỗ. Sẽ hợp lý hơn nếu EU có thể tự phát hành trái phiếu và sử dụng nó để giải quyết vấn đề nợ công ở các nước phụ cận. Tuy nhiên, điều này không được sự đồng thuận của nước Đức.
Thêm vào đó, do ở trong liên minh, nên các nước phụ cận không thể phá giá đồng tiền để cải thiện thâm hụt cán cân vãng lai nhưng lại không thể cải thiện cán cân vãng lai bằng cách gia tăng xuất khẩu do năng lực cạnh tranh yếu.
Sau khi chứng minh quan điểm của mình, diễn giả cũng đưa ra một số nhận định về các chính sách để giải quyết vấn đề nợ công châu Âu. Thứ nhất, về giải pháp cho Hy Lạp rời khỏi liên minh, diễn giả cho rằng điều này sẽ tạo sức ép lên các nước còn trong khu vực phụ cận do đó không khả thi.
Thứ hai, về việc có nên hỗ trợ các nước bị khủng hoảng hay không, như chứng minh ở trên, khủng hoảng nợ công có mang tính hệ thống nên các nước trong EU nên thực hiện hỗ trợ. Giải pháp như đã đề cập ở trên: nếu các nước này không thể phát hành trái phiếu với lãi suất thấp, EU có thể đại diện để phát hành.
Tuy nhiên, điều này không được sự đồng thuận của chính phủ Đức. Việc này dẫn đến giải pháp thứ ba: có nên cho Đức ra khỏi liên minh hay không. Diễn giả nhận định một trong những mục tiêu khi hình thành liên minh EU là nhằm đưa Đức vào trong một liên minh để tránh các rủi ro quân sự như Thế chiến II. Do đó, việc đưa Đức ra khỏi liên minh là không thể thực hiện được.
Thứ tư, diễn giả cho rằng giải pháp “thắt lưng buộc bụng” cũng không thực sự hiệu quả. Do tiết kiệm thì tốt trên phương diện cá nhân nhưng lại không tốt cho cả nền kinh tế vì điều này sẽ làm giảm sức cầu của nền kinh tế và gián tiếp làm giảm đầu tư và giảm tăng trưởng GDP. Như vậy sẽ hạn chế khả năng trả nợ của các nước.
Về tình hình nợ công ở Việt Nam, diễn giả trình bày nghiên cứu của mình chia làm hai nội dung chính: tình trạng của Việt Nam và các nhận định từ kết quả nghiên cứu.
Từ năm 2001 đến nay, tỷ lệ nợ công của Việt Nam có xu hướng tăng qua các năm từ 31,6% GDP năm 2001 hiện tại đã vượt qua 50%. Vấn đề là ở chỗ ngưỡng nợ công an toàn do chính phủ đề xuất cũng được tịnh tiến qua các năm. Khi mức nợ công là 30% thì ngưỡng an toàn là 40%, khi nợ công là 40% thì ngưỡng là 50%, và hiện tại khi nợ công lên trên 50% thì ngưỡng an toàn lại được cho là 60%. Sự chủ quan khi đề xuất ngưỡng an toàn có thể đẩy Việt Nam vào tình trạng tương tự như Hy Lạp. Mức nợ công của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á hiện tại chỉ đứng sau 3 năm Lào, Malaysia và Singapore.
Ngoài ra, trong cơ cấu nợ công của Việt Nam thì nợ nước ngoài chiếm trên 60% trong đó nợ khu vực chính phủ chiếm khoảng 80%, phần còn lại là nợ khu vực tư nhân. Điều này dẫn đến hai vấn đề. Thứ nhất, khu vực công được thường được đánh giá là sử dụng và quản lý nợ không được hiệu quả như khu vực tư nhân, do vậy rủi ro nợ xấu sẽ cao với tỷ trọng nợ lớn ở khu vực chính phủ. Thứ hai, tỷ trọng nợ nước ngoài cao ngoài việc chịu rủi ro về lãi suất còn tạo nên rủi ro về tỷ giá. Chính sách tỷ giá có thể sẽ gặp phải tình trạng tiến thoái lưỡng nan: giảm tỷ giá làm giảm nợ và lãi vay nhưng sẽ làm Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh trong việc cải thiện cán cân thương mại.
Trong nghiên cứu về mức nợ công an toàn, diễn giả cho rằng mức nợ công an toàn tùy thuộc vào 3 biến số: tỷ lệ nghịch với lãi suất vay thực hiệu dụng, tỷ lệ thuận với mức ngân sách thặng dư (%GDP) và khả năng in tiền (%GDP). Thông qua phân tích nhiều kịch bản, mô hình của diễn giả đã đưa ra một số kết quả sau.
Nếu lãi suất (vay) thực hiệu dụng là 2% và khả năng in tiền 1,4% GDP hàng năm, ngưỡng nợ công an toàn có thể lên đến 120% GDP. Tuy nhiên, nếu lãi suất là 4% thì ngưỡng nợ công an toàn sẽ giảm còn 60%. Đặc biệt trong điều kiện ngân sách không thể tiết kiệm được (chỉ cân bằng), ngưỡng nợ công an toàn sẽ không quá 35%. Trên thực tế, ngưỡng an toàn cũ 50% của Việt Nam chỉ được xem là an toàn khi ngân sách tiết kiệm 1% GDP, in tiền 1% GDP với lãi suất thực hiệu dụng 4%/năm.
Nhìn chung, từ kết quả nghiên cứu, diễn giả đưa ra một số kết luận sau. Thứ nhất, nợ công sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới. Thứ hai, ngưỡng nợ công an toàn hàng năm phải được điều chỉnh dựa trên sự thay đổi của các biến số. Cuối cùng, giải pháp mà chính phủ có thể thực hiện hiện nay là tránh chi tiêu hoang phí và thực thi kỷ luật tài khóa để tạo ra thặng dư ngân sách. Do hai biến còn lại – lãi suất và khả năng in tiền – không có nhiều cơ hội cho chính phủ điều chỉnh: lãi suất vay chịu ảnh hưởng từ thế giới, không thể in tiền quá nhiều do nước ta vẫn đang trong giai đoạn chống lạm phát.
TuanDTA_FETP_Euro Crisis.pdf