Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức; Hội thảo - Báo cáo chuyên đề
BCCĐ “ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN ĐANG THEO HỌC NGÀNH NGÔN NGỮ ANH TẠI KHOA ĐÀO TẠO ĐẶC BIỆT”
           Chủ Nhật, vào lúc 08h00 ngày 21/08/2016, tại phòng 601 trường Đại học Mở TPHCM, 97 Võ Văn Tần đã tổ chức buổi báo cáo chuyên đề với chủ đề: “Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên đang theo học ngành Ngôn ngữ Anh tại khoa Đào tạo Đặc biệt”.

Buổi báo cáo có sự tham gia diễn thuyết của thạc sỹ Bùi Đỗ Công Thành, giảng viên trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh và cô Tống Thị Nhị Hà, giám đốc nhân sự Khách sạn New World TP. Hồ Chí Minh. Bắt đầu với các số liệu cụ thể về thị trường lao động nước ta hiện nay, thầy Bùi Đỗ Công Thành cho biết số lượng công việc dành cho sinh viên mới ra trường thực sự không thiếu, và có thể dễ dàng ứng tuyển thông qua các website như hrvietnam.com, vietnamworks.com, … Qua thống kê, nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất lần lượt là Kinh doanh – bán hàng; Dịch vụ phục vụ; Công nghệ thông tin; Dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn và Dịch vụ thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng.

Thầy Bùi Đỗ Công Thành cũng chia sẻ rằng sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh khi ra trường có rất nhiều ngành nghề thích hợp để lựa chọn, điển hình là Marketing – quan hệ công chúng hay Dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn, và đặc biệt là Giảng dạy tiếng Anh vốn đang rất cần thiết ở các địa phương. Tuy nhiên, để có được một công việc lý tưởng thì mỗi sinh viên phải biết trau dồi năng lực làm việc cá nhân ở nhiều phương diện:  thái độ làm việc, kỹ năng, kiến thức chuyên môn và cả ngoại hình, phong thái chuyên nghiệp.

Đến với phần giải đáp thắc mắc, sau các câu hỏi về nghề nghiệp của sinh viên khoa Đào tạo Đặc biệt, cô Tống Thị Nhị Hà, giám đốc nhân sự khách sạn New World đã nhận xét thẳng thắn rằng các bạn sinh viên vẫn còn lấp lửng, chưa định hướng được rõ ràng con đường đi của mình. Đồng thời cô có một số lời khuyên rất cụ thể dành cho các bạn đang dự định theo nghề phiên dịch, đó chính là các bạn phải có ý thức sử dụng ngôn ngữ nghiêm chỉnh, câu cú mạch lạc ngay cả trong sinh hoạt hàng ngày, phải biết quan sát, đọc sách báo để cập nhật thông tin và tìm hiểu kỹ về lĩnh vực phiên dịch mà công việc yêu cầu. Người làm nghề phiên dịch phải thành thạo ít nhất hai ngôn ngữ (nghe - nói - đọc - viết), có trí nhớ tốt, kiến thức rộng và không ngừng học tập suốt đời, có ý chí vươn lên, thử sức với nhiều tài liệu thuộc các chuyên ngành khác nhau. Áp lực của nghề phiên dịch rất lớn nên các bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ càng về nội dung, thuật ngữ có thể xuất hiện trong cuộc đàm thoại, không nóng nảy, hấp tấp khi phiên dịch.

Sự có mặt đông đủ của các sinh viên cùng các thầy cô của Khoa Đào tạo Đặc biệt đã góp phần giúp cho buổi báo cáo thành công tốt đẹp. Rất hy vọng thầy Bùi Đỗ Công Thành và cô Tống Thị Nhị Hà sẽ chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn bổ ích cho sinh viên của Khoa Đào tạo Đặc biệt trong các buổi chuyên đề tiếp theo.

 Hình./ Thầy Bùi Đỗ Công Thành và  Cô Tống Thị Nhị Hà trả lời các thắc mắc của sinh viên