Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức; Nghề nghiệp
ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP NGÀNH XÂY DỰNG

Phỏng vấn sơ bộ sinh viên ngành xây dựng của Khoa Đào tạo đặc biệt cho thấy có rất nhiều lý do sinh viên chọn học ngành xây dựng. Ví dụ như có ý kiến sinh viên chọn học vì cho rằng kỹ sư xây dựng dễ xin việc hơn các ngành khác, thu nhập ổn định, một số khác vì thích học các môn tính toán nên chọn học ngành này, hoặc có người thân làm nghề này nên có thể hỗ trợ việc làm sau khi ra trường, thích đi đây đi đó… Tuy nhiên chưa có nhiều sinh viên tìm hiểu kỹ về nghề xây dựng cũng như được tư vấn nghề nghiệp đúng đắn để học và chuẩn bị hành trang tìm việc khi ra trường. Do vậy, sáng ngày 30/12/2014, tại hội trường 601 của trường Đại học Mở TP.HCM, Khoa Đào tạo đặc biệt đã tổ chức báo cáo chuyên đề Định hướng nghề nghiệp ngành Xây dựng. Báo cáo chuyên đề này được PGS.TS Lưu Trường Văn chia sẻ với sinh viên ngành xây dựng các khóa của Khoa Đào tạo đặc biệt.

 


 

Qua gần 4 tiếng trao đổi, chia sẻ và giao lưu với sinh viên, Thầy Lưu Trường Văn đã cho sinh viên thấy bức tranh tổng quan ngành xây dựng hiện nay, cơ hội việc làm cho người tốt nghiệp ngành xây dựng, hướng dẫn sinh viên làm thế nào học tốt ngành xây dựng và hành trang cần chuẩn bị gì khi ra trường, cũng như chia sẻ vài kinh nghiệp rút ra từ bản thân thầy

Ngành xây dựng là một ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế. Nó có liên đới với nhiều ngành khác của nền kinh tế và đóng góp lớn cho GDP của cả nước. Theo thống kê từ các số liệu gần đây nhất, ngành xây dựng là ngành trục tiếp và gián tiếp đào tạo việc làm cho khoảng 15% lực lượng lao động của cả nước. Với một quốc gia mà nông nghiệp chiến đa số lực lượng lao động thì tỉ lệ 15% của ngành xây dựng không phải là con số nhỏ. Qua phân tích SWOT của ngành, sinh viên cũng thấy được điểm mạnh, yếu của ngành, cũng như những cơ hội và thách thức của ngành trong thời gian tới.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nhu cầu xây dựng nhà ở vẫn đang tăng trưởng, kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng…, đối với mảng ngành xây dựng, cụ thể là ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, cơ hội việc làm cho người tốt nghiệp ngành xây dựng là rất cao.

 


Theo số liệu thống kê không chính thức của thầy đối với các sinh viên tốt nghiệp ngành xây dựng của trường ĐH Mở TP. HCM, khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp đi làm cho các công ty thi công xây dựng, trong khi đó làm cho các công ty tư vấn xây dựng khoảng 14%, cho các cơ quan nhà nước khoảng 9%, cho các bộ phận xây dựng  khác 2%, và có khoảng 5% làm ngành nghề khác.

Từ các số liệu thống kê trên, sinh viên nên cân nhắc định hướng mảng việc làm cho mình khi ra trường để có sự chuẩn bị hồ sơ kỹ càng. Lời khuyên của thầy là vì ngành học là ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp nên làm cho các công ty thi công xây dựng là hợp lý.

Nếu sinh viên không có năng khiếu trong giao tiếp với nhân công, ngại làm việc thường xuyên ngoài trời… thì có thể chọn công ty tư vấn xây dựng.

Ở các cơ quan nhà nước thì sinh viên có thể tìm việc tại các Sở ban ngành có liên quan đến ngành xây dựng như Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (bộ phận liên quan đến thủy lợi), Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ở các huyện… Sinh viên ngành xây dựng ra trường cũng có thể vào làm ở các Sở Tài chính, Kho bạc… với các công việc liên quan đến phê duyệt các thanh quyết toán liên quan đến xây dựng, hoặc những đơn vị nhà nước khác có liên đới với ngành xây dựng như phòng Quản lý đô thị, Phòng kinh tế… Tuy nhiên, sinh viên nên cân nhắc vì những mảng ngành liên quan đến xây dựng có tuyển nhưng số lượng tuyển ít, chỉ chuyên làm các chức năng phụ của cơ quan thì khó có thể thăng tiến cao hơn trong nghề nghiệp.

Một lời khuyên khác của thầy là có thể cân nhắc lựa chọn các tỉnh thành phát triển mạnh, việc làm về xây dựng nhiều như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… để làm việc nếu như ở quê hương không có cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Trong buổi báo cáo, thầy cũng đưa ra một số lời khuyên chung để học tốt ngành xây dựng.

Lắng nghe thầy cô giảng bài trên lớp. Thoạt nghe, sinh viên có thể có ý kiến trái chiều, ví như giảng viên dạy “chán”, môn học “vớ vẩn”… nhưng ngoài kiến thức, sinh viên có thể học cách giảng viên truyền đạt… Đây là một trong những kỹ năng quan trọng khi đi làm việc ở các công trường.

Đọc sách trước khi đến lớp. Sinh viên Việt Nam nói chung không có thói quen này. Tuy nhiên, muốn hiểu bài tốt thì sinh viên nên tập kỹ năng này.

Thảo luận với bạn bè về những nội dung mà bản thân mù mờ. Đôi khi giảng viên dùng ngôn ngữ hàn lâm, sinh viên không hiểu được nhưng nếu có bạn trong lớp hiểu và diễn đạt lại bằng ngôn ngữ đơn giản hơn thì dễ hiểu bài hơn.

Làm bài tập nhiều với các môn học liên quan đến tính toán. Sinh viên học tốt các môn toán, lý thì sẽ dễ dàng học các môn ngành xây dựng hơn. Tuy nhiên, nếu bản thân học không tốt lắm, thì việc thực hành nhiều các dạng bài tập sẽ giúp sinh viên làm việc tốt sau này.

Học nhóm là chìa khoá quan trọng. 

Làm tổng kết từng chương vào cuối tuần

Cuối tháng ôn lại những gì đã học trong tháng. Việc làm này giúp sinh viên hệ thống hóa bài học dễ dàng hơn, nắm vững bài học và thi cử tốt hơn.

Nên đọc nhiều sách khác nhau để so sánh và đối chiếu.

Thực tập khi có thể và đừng coi thường quá trình thực tập.  Không nhất thiết phải đợi đến khi trường có đợt đi thực tập mới đi. Sinh viên có thể tự xin vào các công trường học việc, đứng xem cách công nhân họ thực hiện thao tác. Kết nối các kiến thức đã học với quá trình học lý thuyết trên lớp và giải thích tại sao lại có sự khác biệt (nếu có). Quan sát tỉ mỉ các hoạt động thi công xây dựng… Đôi khi chính những quan sát nhỏ vậy sẽ giúp cho sinh viên khi ra trường trả lời tốt các câu phỏng vấn tìm việc. Đôi khi, chính thái độ làm việc năng nổ, quan sát kỹ lưỡng, không ngại được giao việc… dù chỉ mới thực tập nhưng đã có nhiều sinh viên được nhận làm việc dù chưa ra trường.

Có định hướng rõ về nghề nghiệp.  

Lời khuyên riêng nữa là trong các môn học, sinh viên nên học chắc các môn như sức bền vật liệu, cơ học kết cấu… Đối với từng nhóm lĩnh vực riêng thì các môn kết cấu bê tông cốt thép, kết cấu thép… nên học vững nếu định hướng làm mảng này. Các môn thủy lực, cơ chất lỏng, cấp thoát nước… nếu học chắc thì sẽ làm việc mảng này tốt. Không nên có tâm lý học cho qua môn. Nếu đã học qua môn nào mà vẫn còn chưa nắm vững thì nên đọc lại.

Để ra trường có việc làm tốt, sinh viên ngành xây dựng cần chuẩn bị kỹ hành trang để dễ dàng tìm việc.

Tự đánh giá bản thân xem mình yêu thích, phù hợp với lĩnh vực nào trong ngành xây dựng. Từ việc đánh giá bản thân yêu thích lĩnh vực nào, sinh viên học chắc, vững lĩnh vực đó. Chuyên tâm thực tập vào mảng lĩnh vực mình yêu thích để tích lũy kinh nghiệm và làm dày kinh nghiệm trong CV.

Viết CV thật ấn tượng. Hầu như nhà tuyển dụng không biết bạn là ai khi mới chỉ nhận CV. Một CV ấn tượng giúp họ có cái nhìn thiện cảm với bạn khi mời bạn phỏng vấn. Một bạn sinh viên yêu thích được đi đây đó và ghi trong CV là có thể đi bất cứ nơi đâu làm việc ở lãnh thổ Việt Nam sẽ được đánh giá cao nếu đây là đơn vị thi công hay di động ở các công trường.

Trau dồi ngoại ngữ. Thực tế cho thấy các sinh viên có ngoại ngữ tốt sau khi ra trường làm việc tại các công ty nước ngoài, ngoài việc tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp, lương thường cao gấp 2-3 lần sinh viên không có ngoại ngữ tốt. Khi Việt Nam gia nhập WTO, các công ty xây dựng nước ngoài vào Việt Nam khá nhiều, đặc biệt các dự án lớn thì thường các công ty nước ngoài trúng thầu. Đặc biệt, năm 2015 thị trường lao động mở cửa, việc học tốt ngoại ngữ không chỉ giúp có công việc tốt mà còn cạnh tranh với lao động từ các nước khác vào Việt Nam.

Tích lũy các kỹ năng mềm.

Tận dụng cơ hội khi thực tập. Có thể nhà tuyển dụng sẽ tuyển dụng bạn nếu bạn thể hiện tốt.

 

Cuối buổi báo cáo chuyên đề, như một sự chia sẻ về bản thân, thầy Văn đã có một vài kinh nghiệm bản thân muốn chia sẻ cùng sinh viên.

Đừng bao giờ nghĩ khi ra trường mình sẽ được “chỉ tay 5 ngón” ngay lập tức

Lăn xả vào công việc

Tập trung hoàn thành mọi việc dù là việc đơn giản với toàn bộ “cái tâm” của mình

Tích cực học ngoại ngữ

Cố gắng đừng để đồng tiền cám dỗ rồi hành động sai trái

Khiêm tốn đặt lên hàng đầu

Tích cực học hỏi từ đàn anh

Tự tin và bản thân khi làm nhiệm vụ

Gia tăng kết nối “thêm bạn bớt thù”

Mỗi người đều bình đẳng khi có 24h/ngày. Ai tận dụng tốt thời gian để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm càng nhiều, càng dễ thành công.