Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức; Kỹ năng nghề nghiệp; Hội thảo - Báo cáo chuyên đề
Talkshow “ kỹ năng chinh phục nhà tuyển dụng”

Nhiều thống kê cho thấy bạn chỉ có 6 – 20 giây ngắn ngủi để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng vào CV của mình. Tương tự như vậy với cuộc phỏng vấn trực tiếp. Bạn không có nhiều hơn 5 – 10 phút để tạo ấn tượng ban đầu tích cực và hãy chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn này vì bạn sẽ không có cơ hội thứ hai để tạo ấn tượng đầu tiên. Và qua buổi talkshow tối 21/1 vừa qua với hai diễn giả là anh Trần Tịnh Minh Triết và chị Phạm Thị Lan Khanh đã đem đến nhiều bài học về kỹ năng chinh phục nhà tuyển dụng cho các bạn sinh viên năm cuối Khoa Đào tạo biệt, Trường Đại học Mở Tp.HCM. Một kỹ năng không thể thiếu với mỗi người, đặc biệt là với các bạn sinh viên năm cuối thì kỹ năng này lại càng quan trọng và cấp thiết hơn khi ngày tốt nghiệp đã cận kề.

Việc tìm việc làm luôn là những trăn trở với nhưng bạn sinh viên năm cuối hay thậm chí việc tham dự phỏng vấn tuyển dụng làm bạn âu lo đến toát cả mồ hôi? Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là cho đến nay chưa có ứng viên nào “gục ngã” vì quá hồi hộp trong lúc phỏng vấn! Và trong buổi trao đổi vừa qua, hai anh chị đã đưa ra những bài học và lời khuyên đắt giá cho các bạn sinh viên trong con đường tìm kiếm việc làm như thế nào và phỏng vấn ra sao?.

Một câu hỏi mà bất kì sinh viên nào cũng thắc mắc không lời đáp là “em chưa ra trường làm gì mà có kinh nghiệm”. Anh Triết cũng đã góp ý với những bạn sinh viên nếu chưa có kinh nghiệm làm việc hay chuyên môn trong suốt thời gian học thì đừng nên quá kì vọng vào những vị trí tuyển dụng đòi hỏi kinh nghiệm. Mà thay vào đó, hãy nhìn nhận các vị trí ở các công ty Star up, hay các vị trí công việc vừa tầm vì đây là những vị trí đòi hỏi tiêu chí không gắt gao như các công ty lớn. Những công ty này sẽ rất cần nguồn nhân lực là sinh viên ra trường và chấp nhận đào tạo. Còn nếu năng lực chưa đủ thì hãy tạm gác các công ty lớn như Unilever hay P&G, những vị trí họ tuyển dụng thường có tiêu chí rất gắt gao, chúng ta hãy tạm làm việc ở một số vị trí công việc khác để bổ sung kiến thức và kinh nghiệm cho mình. Và chị Lam Khanh cũng đã nhấn mạnh dù làm ở vị trí nào, công việc có như mong đợi của bạn không thì cũng hay làm việc hết mình, tập thái độ nghiêm túc và nhất là rút ra cho mình được kinh nghiệm riêng nào. Vì đó sẽ là căn cứ cho bước xin việc tiếp theo của bạn nếu có.

Và để chuẩn bị đi xin việc thì sinh viên cần bổ sung kiến thức và kỹ năng gì?, đây là những bước chuẩn bị mà anh Triết và chị Lam Khanh muốn các bạn sinh viên lưu ý:

  • Tiếng Anh: trong xã hội hiện nay thì dù làm việc gì, ở ngành nghề nào thì tiếng Anh luôn là công cụ bổ trợ quan trọng nhất. Anh Triết cho biết các doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng đầu tư nhiều vào Việt Nam và thậm chí các công ty trong nước cũng đã và đang hợp tác rất nhiều với nước ngoài nên kỹ năng này yếu kém thì lợi thế việc làm của bạn đã mất đi gần 50%.
  • Thái độ: kỹ năng chuyên môn và tiếng Anh tuy tốt nhưng thái độ của chúng ta chưa thể hiện tốt thì sẽ mất điểm với người tuyển dụng. Chị Khanh cho biết các bạn sinh viên hiện nay cần cải thiện thái độ của mình trước nhà tuyển dụng rất nhiều, họ chưa thấy được sự tâm huyết, chính chắn của bạn khi tham gia tuyển dụng. Thể hiện tốt sự thân thiện, nhiệt huyết và động lực nghề nghiệp mạnh mẽ sẽ gây thiện cảm tốt với nhà tuyển dụng
  •  Luyện tập ngôn ngữ cử chỉ. Những cử chỉ sau giúp bạn thể hiện sự tự tin: tư thế đứng thẳng, sự giao tiếp bằng mắt và cái bắt tay chắc chắn. Ấn tượng không lời đầu tiên có thể mở ra một khởi đầu tốt đẹp hoặc đặt dấu chấm hết cho buổi phỏng vấn của bạn. Vì vậy, bạn cần luyện tập để tạo phong thái tự tin chững chạc ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên.
  • Trang phục chuyên nghiệp. Vẻ ngoài chỉn chu và chuyên nghiệp thể hiện sự tôn trọng bạn dành cho nhà tuyển dụng và sự nghiêm túc với công việc ứng tuyển. Trang phục công sở thường phù hợp với những buổi phỏng vấn. Trang trọng nhất bạn có thể mặc vest. Ngoài ra, nếu vị trí bạn ứng tuyển cần thể hiện nổi bật cá tính, bạn có thể chọn trang phục ít trang trọng hơn.
  • Lắng nghe. Khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ cung cấp thông tin một cách trực tiếp hay gián tiếp về công việc, đồng nghiệp/sếp của bạn hay văn hóa công ty… Để có cái nhìn bao quát về công việc mình đang ứng tuyển bạn cần chú ý không bỏ qua thông tin nào và hãy hỏi lại nếu có điều chưa rõ hoặc không hiểu.
  • Kỹ năng giao tiếp tốt bao gồm cả khả năng lắng nghe và cho nhà tuyển dụng biết bạn đang lắng nghe họ bằng cách đặt những câu hỏi khai thác sâu về đề tài đang nói. Ví dụ, nhà tuyển dụng trao đổi với bạn: “Môi trường làm việc tại công ty chúng tôi luôn tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi và phát triển”, bạn có thể đạt câu hỏi: “Anh/chị có thể chia sẻ thêm về những chương trình đào tạo của công ty? Các tiêu chí đánh giá kết quả làm việc của nhân viên cụ thể như thế nào?” Qua câu hỏi này, bạn không những lắng nghe mà còn thể hiện sự quan tâm thực sự đến vị trí ứng tuyển.
  • Nói vừa đủ. Trả lời lan man, không tập trung vào vấn đề nhà tuyển dụng muốn biết sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá không tốt về kỹ năng giao tiếp của bạn. Để “nói đúng và nói đủ”, bạn cần nắm rõ phần mô tả công việc, yêu cầu công việc là gì, những điểm mạnh của bạn phù hợp với yêu cầu đó ra sao. Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu trước về công ty và những câu hỏi phỏng vấn cơ bản để không bất ngờ hay nói lạc đề khi trả lời.
  • Giữ khoảng cách phù hợp. Phỏng vấn là buổi gặp mặt nghiêm túc để nói về công việc chứ không phải là cơ hội để kết bạn. Do vậy, bạn nên điều chỉnh mức độ thân thiện cho phù hợp với thái độ của nhà tuyển dụng. Truyền năng lượng và sự nhiệt huyết của bạn vào các câu trả lời là rất quan trọng, tuy nhiên đừng vượt quá giới hạn cần thiết.
  • Sử dụng ngôn từ lịch sự. Bạn cần thể hiện sự chuyên nghiệp và lịch thiệp của mình trong từng lời nói. Luôn ghi nhớ rằng, việc dùng tiếng lóng hay nhận xét không phù hợp liên quan đến tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tôn giáo và chính trị sẽ khiến bạn phải sớm nói lời “tạm biệt” nhà tuyển dụng.
  • Biết mình, biết ta. Thái độ ứng xử trong buổi phỏng vấn là yếu tố quan trọng dẫn bạn đến cánh cửa thành công. Bạn cần cân bằng giữa sự tự tin, tài năng và lòng khiêm tốn. Đừng để tính tự mãn “lấn át” ngay cả khi bạn đang nhấn mạnh thành tích của mình.
  •  “Phỏng vấn” nhà tuyển dụng. Đừng bao giờ trả lời “không” khi nhà tuyển dụng hỏi “Bạn có câu hỏi nào không?” vào cuối buổi phỏng vấn. Đây là cơ hội để bạn thể hiện sự quan tâm đến công việc và công ty. Đặt câu hỏi cũng giúp bạn đánh giá mức độ phù hợp giữa khả năng của bạn và vị trí đó. Lắng nghe kỹ những gì nhà tuyển dụng nói sẽ giúp bạn đặt câu hỏi phù hợp. Những câu hỏi về văn hóa công ty, cơ hội học hỏi, phát triển… sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng.
  • Giữ thế chủ động. Khi tham dự phỏng vấn với suy nghĩ “Làm ơn, xin hãy tuyển tôi!”, bạn sẽ cảm thấy thiếu tự tin và tuyệt vọng. Hãy thể hiện phong thái điềm tĩnh, tự tin và lạc quan trong suốt buổi phỏng vấn. Một khi bạn tin bạn là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí đó, bạn sẽ tìm được cách chứng minh điều đó với nhà tuyển dụng!

Bên cạnh việc trao đổi anh chị còn giả lập buổi phỏng vấn dành cho các bạn sinh viên, giúp  các bạn hình dung được buổi phóng vấn như thế nào, có những lưu ý gì đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn. Qua đó, không những bạn tham gia mà các bạn khác cũng có thể thấy được những bài học riêng cho mình trong buổi phỏng vấn.

Cuối buổi chia sẻ là phần giải đáp câu hỏi giúp các bạn nắm và hiểu rõ các kỹ năng chinh phục nhà tuyển dụng thế nào. Giải quyết các tình huống éo le và cực kì khô khan trong buổi phỏng vấn cùng cũng câu hỏi xoay quanh định hướng nghề nghiệp đã giúp các bạn nắm được bức tranh toàn cảnh trên con đường tìm kiếm việc làm như thế nào.

Một vài hình ảnh của buổi talkshow: