Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin đào tạo
Chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo Trình độ đại học, loại hình đào tạo Chính quy, từ khóa 2015

Nguồn: Khoa Kinh tế và Quản lý công

Căn cứ Quyết định số 1869/QĐ-ĐHM ngày 31/12/2015 Quyết định về việc ban hành Chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo Trình độ đại học, loại hình đào tạo Chính quy, từ khóa 2015. Khoa Kinh tế và Quản lý công thông tin đến sinh viên khoa chuẩn đầu ra như sau:

1.1. Kiến thức

1.1.1.        Tri thức chuyên môn

Sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế nắm vững các nguyên lý kinh tế học và những quy luật của kinh tế thị trường; hiểu biết về kinh tế và chính sách kinh tế của Việt Nam.

1.1.2.        Năng lực nghề nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế có khả năng nghiên cứu, phân tích và đề xuất chính sách kinh tế vi mô hoặc vĩ mô.

1.2. Kỹ năng

1.2.1.        Kỹ năng cứng

Sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế có kỹ năng thu thập và xử lý dữ liệu kinh tế, đưa ra dự báo và đề xuất chính sách vi mô cho công ty hoặc chính sách vĩ mô cho cơ quan nhà nước.

1.2.2.        Kỹ năng mềm

-    Sinh viên được trang bị các kỹ năng như: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm....

-    Năng lực sử dụng ngoại ngữ: Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có chuẩn đầu ra đạt năng lực Tiếng Anh bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

-    Năng lực sử dụng công nghệ thông tin: Sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định hiện hành về Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

1.3. Thái độ

1.3.1.        Phẩm chất đạo đức, ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân

-    Hiểu biết và sống, làm việc theo pháp luật, có trách nhiệm đối với xã hội;

-    Trung thực trong nghiên cứu, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

1.3.2.        Trách nhiệm, đạo đức, tác phong nghề nghiệp, thái độ phục vụ

-    Tác phong làm việc chuyên nghiệp, thân ái với đồng nghiệp.

-    Thái độ phục vụ ân cần, lịch sự, tôn trọng đối với nhân dân hoặc khách hàng.

1.4. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc tại các đơn vị và học tập ở bậc cao hơn, cụ thể như sau:

1.4.1.        Làm việc tại các Doanh nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có thể làm việc ở nhiều vị trí trong doanh nghiệp: có thể trở thành nhà phân tích số liệu, chuyên viên nghiên cứu thị trường, giám đốc nghiên cứu, nhà tư vấn doanh nghiệp, nhà tư vấn tài chính, nhà phân tích tài chính, nhà phân tích đầu tư, nhà quản lý dự án đầu tư, nhà thống kê, … Những vị trí thuộc về lĩnh vực phân tích, dự báo, kế hoạch và nghiên cứu là những lĩnh vực đặc biệt mà doanh nghiệp thường chỉ tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế.

Việc sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế được trang bị tốt về tư duy logic, tư duy phản biện, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề … cũng giúp sinh viên có thể nắm bắt nhanh trong những chương trình huấn luyện của doanh nghiệp để từ đó có những bước phát triển vượt bậc trong nghề nghiệp.

1.4.2.        Làm việc tại các cơ quan nhà nước

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế đặc biệt thích hợp với các vị trí công việc trong khu vực nhà nước. Rất nhiều vị trí công việc có liên quan đến các lĩnh vực thuộc Kinh tế học quản trị công, quản lý đô thị, quản trị y tế, chuyên viên phân tích ngân sách, dự báo kinh tế, kinh tế quốc tế, kinh tế đầu tư… Các cơ quan chính phủ mà sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế có thể làm là các Ủy ban Nhân dân, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, …

1.4.3.        Làm việc tại các tổ chức quốc tế

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế học với kết quả xuất sắc có thể làm việc tại các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế cũng rất thích hợp để làm việc tại một số tổ chức phi chính phủ (NGOs).

1.4.4.        Làm việc tại các tổ chức nghiên cứu

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế học còn có thể tham gia làm việc tại các viện nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Kinh tế (ERI), Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững (IESD), Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Nghiên cứu phát triển (IDS), …

1.4.5.        Làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo

Những người tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế với kết quả xuất sắc có thể tham gia công tác giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, nếu muốn theo đuổi con đường giảng dạy và nghiên cứu thì sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên nên tiếp tục học tập ở bậc sau đại học.

1.5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế, sinh viên có thể tiếp tục theo học ở bậc sau đại học để lấy bằng Thạc sỹ hay Tiến sỹ về Kinh tế học hoặc những ngành có liên quan đến kinh tế ở các chương trình trong và ngoài nước. Trong nước, sinh viên có thể học các chương trình cao học trong nước tại các trường Đại học, Học viện có đào tạo sau đại học ngành Kinh tế học, hay học tại các chương trình liên kết với nước ngoài như Chương trình Cao học Việt Nam - Hà Lan đào tạo cao học Kinh tế phát triển, chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright đào tạo Thạc sỹ Chính sách công.

Việc tiếp tục học tập ở bậc học sau đại học cho phép người học có những cơ hội tiếp cận với những vị trí công việc thú vị khi làm việc tại các doanh nghiệp, các cơ quan khu vực công, giảng dạy hay nghiên cứu.

1.6. Các tài liệu, chương trình, chuẩn quốc tế mà Khoa tham khảo

Chương trình đào tạo được xây dựng có sự tham khảo của các chương trình đào tạo của các trường đại học và chương trình uy tín trong và ngoài nước như:

-    Chương trình đào tạo ngành Kinh tế của Trường đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh;

-    Chương trình đào tạo ngành Kinh tế của Trường đại học Kinh tế Quốc dân;

Chương trình đào tạo của chương trình Fulbright Việt Nam.