Chuyển đổi số trong khu vực công - Một góc nhìn mới của sinh viên sau khi tham quan cơ quan nghiên cứu, tham mưu chính sách
19/12/2024
Sáng ngày 4
tháng 12 năm 2024, gần 35 sinh viên và giảng viên ngành Quản lý công có chuyến
tham quan tại Trung tâm Mô
phỏng và Dự báo Kinh tế - Xã hội TP. Hồ Chí Minh (CSSF) trực thuộc
Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS), buổi tham qua thực tế nằm
trong khuôn khổ môn học Chính phủ điện tử của lớp DH22PM01.
Học tập tại một trong bốn trụ cột
Đề án Đô thị thông minh của Thành phố
Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh
tế - Xã hội được UBND Thành phố thành lập năm 2019 là đơn vị sự nghiệp công lập
có chức năng, nhiệm vụ chính là xây dựng mô hình phân tích, dự báo và mô
phỏng đối với các vấn đề có liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ
yếu, và các vấn đề trong nước - quốc tế mà Thành phố quan tâm. CSSF là kết quả
của quá trình triển khai 4 trung tâm thuộc Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô
thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.
Xây dựng Chính phủ điện tử hướng
đến Chính phủ số là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ nhằm
đưa đất nước bứt phá, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới. TP. Hồ Chí Minh
đã xác định chuyển đổi số là một trong những thành tố chủ đề của năm 2024. Tại
phần đầu của buổi tham quan, ThS. Nguyễn Trúc Vân – Giám đốc CSSF đã trình bày
chuyên đề “Chuyển đổi số của TP. Hồ
Chí Minh” nhằm giới thiệu cho sinh viên những định hướng lớn và thực
trạng chuyển đổi số của Thành phố trong thời gian qua.
ThS. Nguyễn Trúc Vân cho biết TP.
Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tiên phong của cả nước trong chuyển
đổi số. Chương trình chuyển đổi số của Thành phố đặt ra nhiều mục tiêu quan
trọng như: đến năm 2025, đóng góp của kinh tế số trong GRDP đạt 25%, tầm nhìn
đến năm 2030 đạt 40%, là địa phương dẫn đầu về chính phủ số và trở thành đô thị
thông minh. Thành phố cũng đã tích cực thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ và giải
pháp để thực hiện chương trình, trong đó có việc thành lập Trung tâm Chuyển đổi
số.
ThS. Nguyễn Trúc Vân – Giám đốc CSSF trình bày chuyên đề
“Chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh”. Ảnh: Khoa Kinh tế và Quản lý công
Phần trình bày
chuyên đề đã giúp sinh viên và giảng viên hiểu thêm về định hướng chuyển đổi
số, xây dựng đô thị thông minh đến năm 2030. Theo ý kiến của một số sinh viên,
Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố không chỉ thể hiện tầm nhìn phát triển
mà còn cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Thành phố về cả con người, công nghệ
và chính sách.
Dự báo tốt để góp phần xây dựng
Thành phố thông minh
Sau khi xem clip
giới thiệu về Trung tâm CSSF, đoàn tham quan thấy được vai trò của phân tích dữ
liệu và dự báo trong việc phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành, ra quyết định
của Thành phố. Nếu như dữ liệu mở và khai thác dữ liệu là “trái tim” của chuyển
đổi số thì sứ mệnh của CSSF là giúp Thành phố tận dụng và khai thác hiệu quả
nguồn lực này thông qua những phân tích và dự báo xu hướng từ dữ liệu; đồng
thời tham mưu kịp thời cho Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố về chính sách góp
phần thực hiện mục tiêu “chuyển đổi kép” của Thành phố.
Tại buổi kiến
tập, sinh viên và giảng viên được xem trình diễn minh họa mô phỏng và dự báo
đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của
Thành phố. Dựa trên nền tảng mô phỏng do Trung tâm CSSF phát triển, người dùng
có thể cập nhật các thông số kinh tế - xã hội đầu vào để xây dựng kịch bản tăng
trưởng kinh tế của TP.HCM, đồng thời phân tích kết quả theo ngành, thời gian và
so sánh với các địa phương khác.
Anh Hồ Nguyễn Thái Bão – Chuyên viên Trung tâm CSSF trình
diễn mô phỏng xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế của TPHCM. Ảnh: CSSF
TP. Hồ Chí
Minh những năm qua đã bắt đầu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ
liệu lớn (Big Data) để cải thiện chất lượng sống của người dân và ứng phó với
những thách thức của một đô thị lớn thông qua xây dựng hệ thống quản trị thông
minh của Thành phố. Qua các ứng dụng cụ thể do chuyên viên CSSF trình bày như:
bản đồ số thành phố, hệ thống phản hồi ý kiến công dân, các bạn sinh viên nhận
thấy công nghệ không còn là điều xa vời mà đã trở thành công cụ thiết yếu trong
việc quản lý đô thị. Ngoài ra, nền tảng Internet vạn vật (IoT), nền tảng chuỗi
khối (blockchain) và nền tảng định danh điện tử (eID) là những nền tảng số phát
triển đang được thực hiện tại Thành phố.
Qua phần Mô
phỏng phát triển không gian kinh tế ban đêm trên địa bàn Quận 1 tại phòng Mô
phỏng Kinh tế - xã hội (SocioEcon Lab),
sinh viên hiểu rõ hơn hơn về vai trò của công nghệ và dữ liệu trong quản lý và
phát triển xã hội. Với sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ, thành phố có thể
khai thác mạnh mẽ các dịch vụ giải trí, du lịch, mua sắm và ẩm thực vào ban
đêm, tạo ra thêm nguồn thu lớn cho ngân sách và nâng cao đời sống người dân.
Anh Nguyễn Như Ý – Chuyên viên CSSF hướng dẫn sinh viên trao
đổi, thảo luận. Ảnh: CSSF
Góc nhìn mới về đơn vị sự nghiệp
công lập
Không chỉ ấn tượng với không khí
làm việc chuyên nghiệp, hiện đại và phong cách trình bày rất cuốn hút, dễ hiểu
và giàu thông tin thực tiễn, nhóm sinh viên Khoa Kinh tế và Quản lý công còn
cảm nhận được sự cởi mở, chân tình từ các chuyên viên, nghiên cứu viên của CSSF.
Đặc biệt, các anh chị rất nhiệt tình khi giải đáp thắc mắc của sinh viên và trao
đổi các dự án nghiên cứu, công nghệ được ứng dụng trong các hoạt động của Viện.
Như cảm nhận của một bạn sinh viên, môi trường ở CSSF rất khác với những đơn vị
sự nghiệp công lập khác mà bạn từng tiếp xúc trước đây.
“Các anh chị còn đưa ra những lời
khuyên bổ ích về việc phát triển sự nghiệp và trau dồi kiến thức chuyên môn
trong ngành, giúp em thêm phần tự tin trên con đường học tập và làm việc sau
này” – bạn Lê Huỳnh Kim Tuyền chia sẻ.
Xuất phát từ câu hỏi của 1 bạn
sinh viên về những khó khăn trong hoạt hoạt động của Trung tâm. ThS. Nguyễn
Trúc Vân chia sẻ việc chưa có chính sách nổi trội về đầu tư hạ tầng, thu hút
nguồn nhân lực chất lượng cao…là những khó khăn để Trung tâm thực hiện nhiệm vụ
và phát triển. Tuy nhiên, để “bù đắp” lại, lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển
và Trung tâm CSSF cố gắng xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và văn hóa
công sở thân thiện để giữ chân người lao động. “Ở Trung tâm, các bạn chuyên
viên khi được cử đi học có trách nhiệm chia sẻ, chuyển giao những điều đã học
để mọi người cùng học hỏi và vận dụng trong công việc.”
Hiện nay CSSF là đơn vị chuyên môn
được Viện Nghiên cứu phát triển lựa chọn để thí điểm mô hình sinh viên kiến tập
và chương trình liên kết nghiên cứu. Năm vừa qua, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều
lượt sinh viên các trường Đại học trên địa bàn Thành phố đến kiến tập, thực tập
tại đơn vị và đạt được nhiều kết quả khả quan. Sau buổi tham quam, ThS. Nguyễn
Trúc Vân cũng đánh giá cao sự cởi mở và nhiệt tình trao đổi của sinh viên
Trường Đại học Mở TP.HCM tại buổi kiến tập và hy vọng các bạn đã thu hoạch được
nhiều thông tin và kinh nghiệm bổ ích sau chuyến đi.
Lớp DH22PM01 là lớp sinh viên
ngành Quản lý công khóa đầu tiên của Trường Đại học Mở TP.HCM, các hoạt động
đưa sinh viên đi tham quan, kiến tập trong học kỳ 1 năm học 2024-2025 được Bộ
môn Quản lý công tổ chức nhằm đáp ứng phương châm đào tạo lý thuyết gắn kết với
thực tiễn và 4 triết lý giáo dục của trường “Nhân bản – Rộng mở - Thực tiễn –
Hội nhập”. Ngay tại buổi tham quan,
nhiều sinh viên cho biết chuyến đi không chỉ giúp các bạn có những thông tin
thực tế sau những giờ học lý thuyết của môn Chính phủ điện tử mà còn mang lại
những trải nghiệm sâu sắc và đầy ý nghĩa. Như lời một bạn sinh viên chia sẻ: “em cảm thấy rất may mắn khi được học hỏi từ
thực tế và điều này đã truyền cho em động lực mạnh mẽ để tiếp tục theo đuổi con
đường nghiên cứu trong tương lai”.
Một số hình ảnh
tại buổi tham quan, kiến tập: