BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ VỀ XU HƯỚNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM
01/08/2024
Bài và tổng hợp ảnh: Nguyễn Thị Phúc Doang
Năng lượng từ lâu đã được xem như là một yếu
tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Tại Việt
Nam, muốn GDP tăng 6% thì năng lượng phải tăng thêm 10%. Chính vì vậy, việc
sử dụng và phát triển nguồn
năng lượng đóng vai trò rất
quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội, tuy nhiên, nó cũng là một trong những nguyên nhân
chính gây ra biến đổi khí hậu ngày
nay. Việt Nam đang đứng trước
tình trạng thiếu điện, vậy làm thế nào để phát triển các dự án năng lượng để
cung ứng đủ, ổn định cho nhu cầu của nền kinh tế nhưng phải chú trọng đến môi
trường bên cạnh những vấn đề của kinh tế khác như nguồn vốn, lãi suất…? Quy hoạch
về phát triển điện của Việt Nam hiện nay như thế nào? Dự án nào nên được triển
khai, những khó khăn và thách thức khi triển khai các dự án đó ra sao?...
Để giúp cho sinh viên tiếp cận với các kiến
thức thực tiễn đó, sáng ngày
30/7/2024, tại phòng D.21, báo cáo chuyên đề “Các dự án năng
lượng trong bối cảnh thế giới và biến đổi khí hậu hiện
nay” đã được tổ chức cho sinh viên ngành Kinh tế.
Diễn giả chia sẻ chủ đề này là ông Lê Trung Nam, người có rất nhiều năm công
tác trong lĩnh vực đầu tư, thi công, phát triển các dự án năng lượng.
.
Hình 1: Đôi nét thông tin về diễn giả Lê
Trung Nam
Trong buổi báo cáo, ông Nam đã trình bày về số liệu
xuất nhập khẩu, GDP của Việt Nam và vai trò của năng lượng đóng góp trong sự
phát triển đó. Bên cạnh đó tình hình lãi suất của Hoa Kỳ và những động thái của
Cục Dự trữ liên bang Fed có khả năng ảnh hưởng lãi suất trên thị trường vốn vay
của thế giới. Sở dĩ lưu ý vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn vốn để triển
khai các dự án năng lượng hiện nay. Bên cạnh đó, ông còn điểm qua về sự biến đổi
của nhiệt độ trên trái đất, sự phát triển các nguồn năng lượng trên toàn cầu
cũng như tỷ trọng đóng góp của các nguồn năng lượng như nhiên liệu hoá thạch,
năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Tỷ trọng sử dụng nhiên liệu hoá thạch
trên đầu người của Việt Nam cao hơn các nguồn năng lượng tái tạo, tuy nhiên so
với trung bình chung của thế giới thì tỷ lệ này vẫn thấp hơn (Theo Statistical
Review of World Energy, 2022). Chính điều này mà Việt Nam vẫn thuộc quốc gia có
nguồn năng lượng thải Carbon cũng như cường độ CO2 /kwH tương đối thấp
so với nhiều nước.
Hình 2: Một vài thông tin chia sẻ về nguồn
sử dụng năng lượng trên đầu người của Việt Nam so với thể giới
Ông Nam cũng trình bày về cơ cấu điện trong quy hoạch
điện 7, giai đoạn 2011-2020 và quy hoạch điện 8, giai đoạn 2021 – 2030 của Việt
Nam. Theo số liệu thống kê thực tế về cơ cấu nguồn điện Việt Nam năm 2020, sự
phát triển điện năng lượng mặt trời của Việt Nam là cao hơn rất nhiều so với
quy hoạch điện 7. So với Texas – Mỹ, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Philipin,
Malaysia thì phát triển điện năng lượng mặt trời của Việt Nam cũng là cao nhất
trong các nước/bang được liệt kê (theo IEA,
2021). Sự phát triển nóng của điện năng lượng mặt trời phần nào giúp gia tăng
nguồn điện thiếu hụt nhưng hệ luỵ khi phát triển nóng điện mặt trời là sự ổn định
cho lưới điện do phụ thuộc vào thời tiết nên sản lượng điện không đồng đều.
Trong buổi báo cáo, ông Nam cũng chia sẻ về tiềm năng phát triển điện gió và điện
mặt trời của Việt Nam nhưng để đảm bảo về tính ổn định về nguồn điện thì 2 nguồn
điện này không nên vượt quá 30%. Những thông tin về đầu tư năng lượng tái tạo,
sự thu hút vốn FDI vào năng lượng tái tạo, xu hướng xe điện và kinh tế hydrogen
cũng được chia sẻ.
Hình 3: Cơ cấu năng lượng thực tế so với quy hoạch
điện 7 và cơ cấu nguồn điện quy hoạch 8
Hình 4: Một số dự án đơn vị báo cáo viên
thi công
Trong buổi báo cáo, ông Nam cũng chia sẻ những
thách thức của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang sản xuất xanh hơn,
cũng như chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và đưa ra nhiều
lời khuyên thiết thực cho sinh viên về chuẩn bị ra trường và tìm kiếm cơ hội việc
làm tốt.
Trong buổi chia sẻ, nhiều sinh viên cũng đặt ra
các câu hỏi cho diễn giả về xử lý pin xe điện, sóng điện, khai thác đất hiếm
cũng như hành trình làm nghề của diễn giả và cần chuẩn bị gì để tìm việc trong
lĩnh vực năng lượng. Các câu hỏi sinh viên đặt ra cũng được ông Nam trao đổi,
chia sẻ và đưa ra những lời khuyên bổ ích.
Một số hình ảnh khác của buổi báo cáo chuyên đề:
Hình 5. Ông Lê Trung Nam đang chia sẻ trên lớp
Hình 6. Sinh viên đặt câu hỏi và trao đổi về chủ đề
của buổi báo cáo
Hình 7. Sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả