Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
Tổng hợp ý kiến trao đổi và thảo luận buổi xem phim & Tọa đàm: "Người nông dân sinh thái: Mắt xích cho một xã hội lành mạnh"

TỔNG HỢP Ý KIẾN TRAO ĐỔI VÀ THẢO LUẬN BUỔI XEM PHIM & TỌA ĐÀM: “NGƯỜI NÔNG DÂN SINH THÁI: MẮT XÍCH CHO MỘT XÃ HỘI LÀNH MẠNH”

09h00 ngày 26/02/2017, Trung tâm nghiên cứu Phát triển – Trường đại học Mở Tp.HCM đã tổ chức buổi chiếu phim và tọa đàm với chủ đề: “Người nông dân sinh thái: Mắt xích cho một xã hội lành mạnh” và thu hút hơn 130 khách mời quan tâm tham dự, buổi chiếu phim tọa đàm diễn ra rất sôi động. Bộ phim được tổng hợp từ 03 phim là: “Vườn Rừng hay sự sống trong tương hợp năng lượng” (Life in syntropy); “Nước tiểu - vàng xanh” (Dưỡng chất hữu cơ cho đất); “Quyền năng của nước tiểu” (Dưỡng chất hữu cơ cho đất); “Giải pháp địa phương cho cuộc khủng hoảng toàn cầu” (Đất sống) [1]. Phim có 04 trích đoạn liên quan đến bốn chủ đề khác nhau, chủ yếu hướng về nền nông nghiệp sinh thái sử dụng những phương pháp cho phép tái tạo và giữ gìn hệ sinh thái như trồng rừng, không làm đất (cày bừa), trồng đa canh, thuận tự nhiên,.v.v. Trong mô hình này, đất luôn được bồi đắp để giàu dinh dưỡng mà không cần phân bón hóa học, người nông dân tự chủ, sống cùng hệ sinh thái và tận hưởng công dụng của nó một cách tự nhiên và bền vững nhất. Sản phẩm của họ được phân phối hoặc qua các kênh đặc biệt, hoặc thẳng tiến đến các hộ gia đình, sao cho tránh áp lực từ vòng quay năng suất và giá cả của thị trường, bằng phương pháp sản xuất và phân phối sản phẩm như vậy, người nông dân sẽ xác định được chỗ đứng của mình ở đâu trong xã hội hiện đại ngày nay?

Chị Mai Thị Thúy Hằng - XanhShop


Chị Ino Mayu - Đại diện tổ chức "Seed to Table"

Ông Nguyễn Hữu Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cát Phù Sa

TS. Trần Thị Thủy Tiên – Vườn rau Vòng Lâm Viên Garden


Toàn cảnh buổi xem phim

[1] Xem phim tại: https://www.youtube.com/watch?v=A1YaF3VGUVo

Sau khi xem phim, bắt đầu buổi tọa đàm, Chị Mai Thị Thúy Hằng mời các diễn giả giới thiệu và phát biểu cảm nghĩ về bộ phim.

Chị Ino Mayu: Tôi có gần 20 năm sống và làm việc tại Việt Nam. Hiện nay, tôi đang làm việc cho tổ chức Seed to Table, là một tổ chức phi chính phủ. Seed to Table hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 cho đến nay, chủ yếu tại hai tỉnh Hòa Bình và Bến Tre. Tổ chức hiện đang trợ giúp cho người nông dân Việt Nam tiếp cận với các kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ và triển khai các kế hoạch giúp người dân phát huy thế mạnh của các giống cây bản địa, tạo nét văn hóa đặc trưng cho mỗi khu vực.

Theo tôi, bộ phim đã thể hiện các phương pháp canh tác nông nghiệp hữu truyền thống. Chúng ta có thể vận dụng các phương pháp này để phát triển nông nghiệp sinh thái. Hi vọng với cách phát triển này chúng ta sẽ có một môi trường tốt hơn cho thế hệ tương lai.

Trước đây, khi sống tại Hòa Bình, tôi thấy người nông dân sản xuất nông nghiệp hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ (như việc tạo phân ủ, làm đất,...). Tuy nhiên trong vòng 5 năm trở lại đây khi điện, đường sá, nhà máy, khu công nghiệp phát triển thì người dân bắt đầu thay đổi cách thức canh tác; họ bắt đầu sử dụng các sản phẩm hóa học để xử lý đất, dùng thuốc xịt cỏ liều cao, trồng các giống cây cho năng suất cao hơn (các đồng ngô cao sản ào ạt được triển khai). Chính bản thân họ cũng chia sẻ rằng khi sử dụng phương pháp canh tác này đất đai bị bạt màu, đất xấu đi và hàng năm muốn có năng suất cao tương tự năm trước thì phải đầu tư nhiều hơn năm trước. Tôi nghĩ rằng xã hội Việt Nam đang dần có sự thay đổi, người dân bắt đầu quan tâm và hiểu được ý nghĩa của nông nghiệp sinh thái là tốt cho chính bản thân họ, tốt cho môi trường sống. Còn về việc phân phối và tiêu thụ sản phẩm, để người sản xuất hữu cơ có thể tồn tại được thì bắt buộc họ phải nghĩ về sức khỏe của người tiêu dùng và người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ cũng phải nghĩ đến công sức mà người sản xuất bỏ ra, mối quan hệ đó như một gia đinh (thể hiện qua mô hình kết nối trực tiếp từ người nông dân đến người tiêu dùng).

Chị Trần Thị Thủy Tiên đến từ Trại rau Vòng Lâm Viên Garden, Đà Lạt: Hiện tại, tôi đang canh tác vườn rau hữu cơ với diện tích nhỏ, khoảng 2000m2. Với diện tích này, vườn rau của tôi có thể cung cấp rau các loại cho khoảng 50 hộ gia đình, 50% tại địa phương và 50% tại hai thành phố lớn là Tp.HCM và Cần Thơ. Mô hình là loại vườn mở, mọi người có thể đến giao lưu, ở lại vườn và tham gia cùng các thành viên của vườn. Mục đích của mô hình này là mong muốn mọi người gắn bó với nông nghiệp sạch và nhận biết được giá trị những sản phẩm mà mình tiêu dùng.

Chị Mai Thị Thúy Hằng: Khó khăn lớn nhất đối với Thủy Tiên khi bắt đầu làm nông nghiệp là gì?

Chị Trần Thị Thủy Tiên: Khi bắt đầu làm nông nghiệp, khó khăn lớn nhất đối với tôi có lẽ là con người. Một phần do quan niệm xã hội cho rằng các bạn có học thức tại các thành phố lớn phải đi làm tại các công ty, xí nghiệp lớn, phải ngồi trong các văn phòng cao cấp. Một phần do tư tưởng của các bạn suy nghĩ nghề nông là một nghề thấp kém, không thể gắn bó lâu dài. Khi làm việc với các bạn, tôi phải liên tục làm công tác tư tưởng, động viên các bạn rất nhiều.

Chị Mai Thị Thúy Hằng: Sứ mệnh mà Thủy Tiên xác định cho Vòng Lâm Viên là gì?

Chị Trần Thị Thủy Tiên: Khi về làm vườn, tôi luôn mong muốn xây dựng được một vườn gia đình, tạo nên vòng tròn yêu thương, kết nối mọi người lại với nhau (từ người sản xuất đến người tiêu dùng) như những người bạn đồng hành, cùng chia sẻ. Tôi mong muốn gửi đến tất cả mọi người rằng: “Hạnh phúc luôn đến từ những gì giản dị nhất”. Với tôi, việc kinh doanh rau chỉ là phương tiện, là bước đệm để tôi có thể truyền tải thông điệp này đến mọi người.

Ông Nguyễn Hữu Huy (Chủ tịch HĐQT công ty CP Cát Phù Sa): Hiện tại tôi đang làm công ty chuyên về lĩnh vực nông nghiệp. Về ý tưởng hình thành, tôi thiên về lĩnh vực nông nghiệp đơn giản, về chất lượng sản phẩm tôi theo đuổi chính sách chuỗi giá trị tương thích; nghĩa là sản phẩm nông nghiệp làm ra, ai cũng có thể sử dụng mà không phải lo lắng về chất lượng sản phẩm mà mình dùng có độc hại hay không.

Xem xong bộ phim, tôi đồng ý với cách làm nông nghiệp mà bộ phim nói đến. Tuy nhiên, có một vấn đề nhỏ mà tôi cảm thấy lo ngại là việc sử dụng chất thải hữu cơ từ con người để trực tiếp tưới cho cây. Thiết nghĩ, đây là chất thải nên sẽ chứa nhiều vi khuẩn có hại, nhất là đối với các loại cây ăn lá trực tiếp. Vậy nên theo tôi, những chất thải này cần qua công đoạn xử lý để triệt tiêu các mầm bệnh tiềm ẩn (có thể bằng các biện pháp đun sôi, tách chất hoặc ủ trong thời gian đủ dài,...) thì sẽ an tâm hơn khi sử dụng để sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, vấn đề mà tôi quan tâm nữa là về hạt giống mà chưa thấy bộ phim nhắc đến. Theo tôi, một người đã đi theo hướng sản xuất hữu cơ sẽ không quá chú trọng đến năng suất mà chủ yếu họ quan tâm đến giá trị sản phẩm làm ra, để xác định được giá trị này, vấn đề đầu tiên phải là hạt giống tốt. Khi công ty tôi hoạt động, tôi luôn khuyến khích những người làm việc trong hệ thống lựa chọn những giống cây bản địa có khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi với môi trường sống, kháng được các loại sâu rầy, đặc biệt hơn tạo ra được những sản phẩm đặc trưng của khu vực và có giá trị dinh dưỡng cao.

Khách mời tham dự, hỏi: Theo dõi bộ phim, tôi thấy đây là một bộ phim nói về cách làm rau sạch, tuy nhiên khi gói rau cho khách hàng họ lại dùng một tờ báo để gói. Tôi cũng nghe thông tin từ báo đài nói rằng trong mực in từ các tờ báo có chứa hàm lượng chì rất cao và rất nguy hiểm. Tôi cho rằng như vậy là khâu chế biến chưa phù hợp. Vậy các diễn giả có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hữu Huy: Đúng là tôi cũng có thắc mắc tương tự. Tôi nghĩ tờ báo được làm từ giấy thì bản thân nó không có vấn đề nhưng mực in lại là một vấn đề lớn nếu như nó là loại mực in thông thường. Giải đáp vấn đề này, chị Mayu cũng cho tôi biết: tại Nhật người ta sử dụng mực in được chiết xuất từ đậu nành. Thêm vào đó, thời gian vận chuyển từ nông trại đến tay người tiêu dùng rất ngắn, chỉ khoảng 5 – 10 phút thì cũng không có ảnh hưởng nhiều. Theo tôi, khâu chế biến này cũng chưa thực sự sạch triệt để, tại sao mình đã cất công làm đồ sạch rồi lại để một vấn đề nhỏ ảnh hưởng? Tại sao mình không tạo ra một loại giấy chuyên biệt dành cho gói các sản phẩm này, vừa đẹp mắt lại an toàn, một loại giấy có tính năng chịu nước và có thể phân hủy sinh học. Có thể đây là một tiềm năng rất lớn cho một chuỗi sản phẩm sạch.

Chị Mai Thị Thúy Hằng: Tôi nghĩ cần phân biệt khái niệm “tạo thêm giá trị gia tăng” và “ “phức tạp hóa vấn đề”. Để gói rau, chúng ta có thể dùng các loại lá có trong vườn như lá chuối, lá sen hay bất kỳ một loại lá có kích cỡ lớn để sử dụng, vừa tốt cho môi trường lại không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chị Mayu đã chia sẻ là ở Nhật báo được in bằng loại mực in có nguồn gốc từ đậu nành và thời gian vận chuyển ngắn từ trang trại đến bàn ăn như thế thì gói giấy báo như trong phim là một giải pháp tốt.

Khách mời tham dự: Xem phim tôi thấy người ta sử dụng nước tiểu để tưới cho cây, theo tôi được biết thì nước tiểu có thành phần chủ yếu là muối và các khoáng chất khác, mà trong môi trường này có rất ít hoặc không có các vi khuẩn có hại. Đó là lý do khi thu thập nước tiểu, người ta đã tách biệt thành phần phân và nước tiểu ra riêng. Các yếu tố hóa học có trong nước tiểu sẽ được phân rã khi ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên dùng nước tiểu đậm đặc để tưới trực tiếp cho cây vì lượng muối quá cao, có thể làm cho cây chết. Tùy từng loại cây, chúng ta có thể pha loãng để tưới cho cây, như vậy cây sẽ dễ dàng hấp thu mà không bị tổn hại gì.

Khách mời tham dự: Tôi rất cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu Phát triển đã cho chúng tôi xem một bộ phim rất sâu sắc và cũng dí dỏm. Theo tôi, mỗi một khách mời trong khán phòng này hãy là những người đưa thông tin đến cho những bạn trẻ hoặc nhóm cộng đồng để họ có thể tiếp nhận được những kiến thức này. Tôi nghĩ rằng, những bạn trẻ trong khán phòng này hiểu được nông nghiệp hữu cơ là gì nhưng rất nhiều những bạn trẻ khác chưa có cơ hội hiểu về điều đó. Bản thân tôi là một người phân phối thực phẩm hữu cơ, tôi rất vui mừng vì đã có những người trẻ mong muốn được làm và tiếp cận thực sự với sản phẩm hữu cơ. Rất hi vọng những thông tin hữu ích từ bộ phim có thể lan tỏa để nhiều người hơn nữa hiểu về thực phẩm sạch và đánh lùi những sản phẩm bẩn đang tràn lan ngoài xã hội.

Khách mời tham dự, hỏi: Đối với loại đất chết, đặc biệt là đất chết lâu năm thì các diễn giả có thể chia sẻ kinh nghiệp làm sao trong thời gian ngắn nhất để cải tạo thành đất sống?

Chị Trần Thị Thủy Tiên: Theo tiêu chuẩn PGS (Tiêu chuẩn của hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam), trong vòng 2-3 năm sau lần cuối sử dụng đầu vào có hoá chất tổng hợp vào sản xuất thì bắt dầu có thể được cấp chứng nhận hữu cơ. Theo như tiêu chuẩn này thì có thể hiểu rằng các hoá chất thường dùng trong nông nghiệp sẽ phân huỷ tới mức không còn nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng sau 2-3 năm canh tác không hoá chất. Bên cạnh việc chờ đất tự phục hồi theo thời gian, các biện pháp bạn có thể sử dụng song song bao gồm đa dạng các loại cây trồng, trồng cây họ đậu để cải tạo đất bằng sinh khối và thế mạnh cố định đạm của loại cây này, và hạn chế cày xới đất quá sâu làm ảnh hưởng cấu trúc đât và hệ vi sinh vật có lợi trong đất.

Chị Ino Mayu: Theo tôi, đối với từng loại đất cần có bước kiểm tra cấu trúc của chúng để có phương pháp cải tạo đất phù hợp. Có thể dùng các biện pháp cải tạo đơn giản như dùng phân ủ để bồi đắp dinh dưỡng lại cho đất, kết hợp trồng các cây họ đậu, các loài cây có nhiều lá dùng làm sinh khối tự phân hủy trên nền đất. Đối với đất nhiễm kim loại nặng, cần trồng các loại cỏ có khả năng hút các kim loại này ra khỏi đất. Bước sau cùng là kiểm tra đất lại xem đất đã đủ tiêu chuẩn để sản xuất nông nghiệp hữu cơ hay chưa.

Ông Nguyễn Hữu Huy: Đối với đất chết, cần có thời gian để cải tạo, làm cho đất sống. Tùy từng loại đất mà bạn sẽ có phương pháp phục hồi đất phù hợp. Ví dụ như đất dẻ, cần trồng các loại cây có nhiều tầng rễ để tạo hệ thống dẫn tự nhiên cho đất, làm cho đất tơi xốp, tạo môi trường có các vi sinh vật có trong đất tiến sâu hơn làm chức năng cải tạo đất. Còn đối với đất ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm kim loại cần lựa chọn các loại cây phù hợp để hút chất kim loại này ra khỏi đất, sau đó thu gom chúng để tiêu hủy tập trung, tránh làm ô nhiễm các khu vực quanh đó. Song song quá trình cải tạo đất thì phải kiểm tra đất định kỳ nhằm xác định mức độ ô nhiễm của đất, xác định tốc độ cải thiện như thế nào, cần thời gian bao lâu nữa. Có thể trong quá trình cải tạo làm đất sống, mình cũng trồng các loại cây không bị nhiễm chất độc ô nhiễm để cải thiện kinh tế.

Khách mời tham dự: Theo tôi, đất trồng bị thoái hóa, mệt mỏi không chỉ vì một vài chất mà còn do thiếu dưỡng chất, dưỡng chất này chính là hệ vi sinh vật có lợi cho đất. Vậy việc cải tạo đất thì việc quan tâm hàng đầu là phải tạo môi trường phù hợp để hệ vi sinh vật có trong đất phát triển. Chúng ta có thể trồng các loại cây, cỏ dại bản địa để tạo môi trường cho đất hoặc lấy vùng vi sinh vật sạch để cải tạo vùng đất xấu, đất chết.

Tham dự buổi tọa đàm hôm nay, tôi có góp ý về tiêu đề của buổi tọa đàm, chính xác là cụm từ “Nông dân sinh thái”, theo tôi, cụm từ này chưa thực sự phù hợp vì còn rất nhiều người chưa có đầy đủ khái niệm về sinh thái, do vậy cần sử dụng một từ khác thay thế tương đối rõ nghĩa hơn. Một vấn đề nữa là chúng ta đang nhìn nhận người làm nông nghiệp là “nông dân”; theo tôi, đã nhìn nhận là nông dân thì khái niệm tự chủ sẽ không thể đi kèm. Nếu muốn tự chủ, họ phải có khả năng nắm bắt được khoa học kỹ thuật canh tác, phải có quyền trong việc quyết định quyền sở hữu của chính họ. Vậy ai là người có khả năng tự chủ? Đó là những nông gia, nông gia thực thụ, họ có quyền quyết định trên chính mảnh đất của họ. Là  những người sẽ ra quyết định trồng cây gì, nuôi con gì trên đó mà không bị chi phối bởi thể chế, chủ trương chính sách khác.

Chị Mai Thị Thúy Hằng: Tôi đồng ý những vấn đề từ lúc bắt đầu chương trình đến giờ chúng ta đưa ra bàn luận đều là những điều xưa cũ. Tuy nhiên, ngày nay rất ít người nông dân sản xuất “thuận tự nhiên” mà đa phần đều sản xuất theo cách cần nhiều năng lượng hóa thạch hơn. Việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến thế hệ sau của chúng ta. Qua buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi mong muốn có thể giới thiệu với mọi người về cách thức sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.

Khách mời tham dự: Theo tôi, để phát triển được nông nghiệp sạch, sản xuất bền vững  thì nhất thiết phải xây dựng được những câu lạc bộ nông gia quan tâm đến môi trường sống. Đặc biệt là cần những chuyên gia cung cấp, hướng dẫn kiến thức chuyên ngành cho họ. Khi làm mà các bạn không nắm được kiến thức cốt lõi, sẽ khó để đạt được kết quả tốt nhất. Một vấn đề nữa là vấn đề chính sách, quản lý xã hội phải thật rõ ràng vì điều đó sẽ quyết định công việc chúng ta sẽ làm.

Khách mời tham dự: Ngày nay, rất nhiều người sống ở đô thị muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô nhỏ. Vậy các diễn giả cho biết họ có thể áp dụng mô hình sinh thái như trong bộ phim để sản xuất hay không hay chỉ có thể áp dụng được bằng phương pháp thủy canh thông thường? Một vấn đề nữa là nguồn nước tại Tp.HCM có thể sử dụng thích hợp cho những loại cây nào?

Khách mời tham dự: Theo tôi, canh tác theo mô hình sinh thái thì diện tích tối thiểu cần có khoảng 2000 m2. Với diện tích đất nhỏ, rất khó cho việc làm hệ thống canh tác tự nhiên. Bên cạnh đó, khi tiến hành canh tác chúng ta cũng cần có biện pháp che chắn tránh các tác động từ môi trường có thể làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. Đối với nguồn nước tại Tp.HCM là nguồn nước đã được xử lý, tôi nghĩ nước này không nên dùng để tưới cây, bạn có thể sử dụng nguồn nước mưa tích trữ để dùng dần, áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt để cây phát triển và tiết kiệm nước.

Hỏi: Hiện nay tôi gặp vấn đề về tưới tiêu vào mùa khô gây ra một số hiện tượng lan thấm, tăng tuyến trùn trong đất, làm cho đất bị nhiễm nấm có hại. Tôi xử lý bằng cách cày đất, phơi đất dưới nắng để diệt nấm. Tuy nhiên, khi xem phim, tôi thấy trong phim không thực hiện việc cày bừa vì như vậy sẽ làm thay đổi cấu trúc của đất. Như vậy các anh chị cho biết quan điểm của các anh chị trong việc tưới tiêu vào mùa khô là như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Huy: Đất bị nhiễm nấm có thể là do môi trường sinh thái chưa cân bằng do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không xuất phát từ việc tưới tiêu. Để giải quyết, bạn cần tạo lớp thực vật đủ dày để giải quyết việc mất nước. Như vậy, cây trồng vẫn có thể phát triển mà không cần đến việc tưới tiêu. Tùy theo từng loại đất mà bạn có thể áp dụng biện pháp cày sâu, đồng thời trộn thêm lớp hữu cơ (có thể là phân ủ, lớp sinh khối) vào tầng bên dưới của đất. Sau đó cho đất nghỉ bằng cách trồng các loại cây họ đậu để bù lớp hữu cơ trên bề mặt đất.

Cuối cùng là chương trình trao đổi hạt giống do XanhShop chủ trì.

Chương trình trao đổi hạt giống

Người tham dự trao đổi thông tin                                               

Ngọc Linh

Trích dẫn
  • Thomas A. Edison
    "Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm thấy 10 000 lần không thành công"
  • Adam Smith
    "Khoa học là liều thuốc giải vô cùng hữu hiệu cho sự nhiệt tình và mê tính"
  • Thomas A. Edison
    “Tôi sẽ không đầu tư vào những thứ không thể bán bởi lẽ doanh thu là minh chứng cho sự thỏa dụng, và sự thỏa dụng là chìa khóa để thành công”
  • Thomas A. Edison
    "Thiên tài là 1 % đam mê và 99% là rèn luyện"
  • Victor Hugo
    "Một địa ngục thông minh còn hơn là một thiên đường ngu ngốc"