Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
Tóm lược seminar "Chúng ta sẽ làm gì sau phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982"-GS.Ngô Vĩnh Long

Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thường trực[1] (PCA) đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines và Trung Quốc[2]. Theo đó, Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý cho "đường chín đoạn" hay “đường lưỡi bò”. Sau đó, Tân Hoa xã phát đi tuyên bố “Trung Quốc sẽ không chấp nhận hay công nhận phán quyết này. Đây là một phán quyết vô căn cứ và không có hiệu lực ràng buộc[3]. Phía Việt Nam thì hoan nghênh phán quyết này và thông báo rằng Việt Nam sẽ có tuyên bố chính thức về sự phán quyết của PCA. Nhưng đến thời điểm này, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa có một thông báo nào liên quan. Vậy Việt Nam sẽ làm gì sau phán quyết này khi mà Việt Nam là một bên có quyền lợi liên quan đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Đây là một chủ đề mang tính thời sự, sẽ được trình bày bởi giáo sư Ngô Vĩnh Long.

Mở đầu buổi trình bày, GS. Ngô Vĩnh Long cho rằng phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam là chưa phù hợp. Sau khi hoan nghênh phán quyết của PCA, người phát ngôn lại khẳng định chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tuyên bố có đầy đủ chứng cứ lịch sử để chứng minh. Đây là thông báo đi ngược lại phán quyết của PCA. Bởi vì, Tòa đã phủ nhận quyền lịch sử của Trung Quốc. Với các nước là thành viên của UNCLOS, quyền lịch sử đã bị bãi bỏ. Và theo ông, vấn đề biển Đông nói chung, Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng, liên quan chủ yếu đến chính trị chứ không phải là lịch sử. Yếu tố quan trọng trong phán quyết của PCA là phủ quyết quyền lịch sử của Trung Quốc ở biển Đông. Vì vậy, « đường lưỡi bò » không có hiệu lực. Đồng thời, phán quyết cũng khẳng định vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển. Đây là vấn đề quan trọng nhất.

Với nội dung phán quyết về vùng đặc quyền kinh tế này, Việt Nam là nước có lợi nhất. Vì nước chúng ta có đường bờ biển dài nhất trong biển Đông, từ 200 hải lý cho đến 350 hải lý. Với các đảo, quần đảo, vùng đặc quyền của Việt Nam còn có thể được mở rộng ra hơn nữa.Theo Giáo sư Long, các tài nguyên có trong cùng đặc quyền kinh tế thì không thể bị xâm phạm bởi các nước khác. Ví dụ, không được đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, chỉ có thể được đánh cá theo kiểu truyền thống xung quanh các đá, bán kính 12 hải lý. Tòa nói rằng không có một thực thể nào ở khu vực Trường Sa có thể gọi là đảo. Theo định nghĩa của UNCLOS, “Đảo” là nơi con người có thể sinh sống dài hạn được. Nếu nơi đó không sinh sống thường xuyên được thì gọi là đá. Đá có lãnh hải 12 hải lý xung quanh. Còn các thực thể chìm nổi theo thủy triều thì không có lãnh hải.

Trong vùng đặc quyền kinh tế, có thể xây dựng các công trình, ví dụ như trạm nghiên cứu, ngọn hải đăng,..và  được quyền có vùng an ninh 500m xung quanh đó. Tuy nhiên, trên các bãi chìm nổi thì không được xây cất. Ví dụ như trường hợp Trung Quốc dùng cát bồi đắp làm nhà cửa, xây đường băng cho máy bay,..Đây là hành vi không những vi phạm luật biển quốc tế mà còn gây hại cho môi trường. Như vụ tranh chấp đảo Scarborough[4]. Đảo này cũng có vùng lãnh hải 12 hải lý. Ngư dân Trung Quốc, Việt Nam, Philippines cũng thường đến đây đánh bắt cá. Dù cho đảo này có quốc gia nào thì quốc gia đó cũng không được cấm đánh bắt cá theo kiểu truyền thống.  Hoặc với trường hợp tàu ngư dân Việt Nam đến đảo Phú Lâm[5] đánh cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm, Việt Nam có thể đưa vấn đề này ra Tòa án quốc tế và xin ý kiến. Nhờ đó, chúng ta gián tiếp đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra công luận quốc tế.

GS. Ngô Vĩnh Long cũng giải thích thế nào là đánh cá truyền thống. Theo ông, đánh cá truyền thống là dùng các dụng cụ truyền thống để đánh bắt cá. Trong khi đó, Trung Quốc đánh cá kiểu công nghiệp. Họ dùng lưới to bắt hết các loại cá, giết hại các động vật khác. Tàu cá được tàu tuần dương hộ tống. Đây là một lý do có thể kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế. Đưa ra những thông tin trên, GS. Long muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo vệ đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc ỷ mạnh sẽ tiếp tục ngoan cố chống đối phán quyết. Việt Nam phải khôn ngoan, hợp tác với các nước ven biển xung quanh bảo vệ quyền lợi lẫn nhau, đồng thời vận động sự ủng hộ của thế giới, cho các nước khác thấy được sự an ninh khu vực biển Đông có lợi cho toàn thế giới, nhất là việc chuyên chở, mậu dịch vì có đến 50% hàng hóa thế giới được chuyên chở qua biển Đông.

GS. Long cũng cho rằng, ngoài việc Việt Nam phải coi trọng vấn đề đấu tranh ngoại giao bảo vệ vùng đặc quyền lãnh thổ, Việt Nam còn thực hiện đấu tranh chính trị. So với Philippines, Việt Nam có vị thế quan trọng hơn trong cuộc đấu tranh này. Đối với thế giới, Philippines là thuộc địa của Mỹ từ rất lâu. Do đó, không có gì lạ khi Philippines đứng về phía Mỹ. Tuy nhiên, ai cũng biết là Việt Nam và Mỹ đã từng là kẻ thù của nhau, đã thiệt hại rất lớn trong cuộc chiến tranh giữa 2 nước.  Nhưng giờ đây, vì bảo vệ  an ninh chung trong khu vực,  Việt Nam và Mỹ cùng bắt tay nhau, cùng ngồi lại và hợp tác với nhau. Chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng CSVN qua Mỹ cũng nhằm mục đích nói chuyện với dân chúng Mỹ, trong đó có Việt kiều Mỹ về sự hợp tác, cùng chung tay bảo vệ lợi ích chung dù khác nhau về ý thức hệ. Như vậy, Việt Nam phải tận dụng cơ hội này, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, trong đó có Mỹ, để đấu tranh bảo vệ đặc quyền kinh tế và an ninh khu vực.

TRAO ĐỔI

Hỏi. Như Giáo sư đã nói, chúng ta nên nhân cơ hội này, tiếp tục đấu tranh để bảo vệ đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, tôi có nghe nói là đang có một trật tự an ninh mới, phía Mỹ cho rằng không nên phản ứng quá mạnh, tránh Trung Quốc gây ra phản ứng tiêu cực. Phán quyết vừa rồi của PCA có liên quan đến Trường Sa. Vậy bây giờ, chúng ta có nên đưa chuyện Hoàng Sa ra Tòa án quốc tế hay không?

Đáp. Nước Mỹ hiện nay đang trong thời kỳ sắp thay đổi tổng thống. Vì vậy, họ chưa vội phản ứng gì vì sách lược có thể thay đổi nếu có 1 vị tổng thống khác lên. Thứ hai, vì nước Mỹ muốn thể hiện sự hòa khí của mình. Nếu Trung Quốc vẫn phản ứng gay gắt thì đó là cái cớ để Mỹ lên tiếng. Thứ ba, Mỹ khuyên các nước khác nhưng cũng ngấm ngầm ám chỉ Trung Quốc không nên phản ứng tiêu cực.

Với vấn đề có nên đưa Hoàng Sa ra Tòa án quốc tế hay không, GS. Long cho rằng việc này không dễ dàng. Phán quyết này không phải chỉ cho Trường Sa, mà áp dụng cho luật biển nói chung. Đây là tuyên bố khẳng định một số vấn đề về công ước biển. Đồng thời, phán quyết cũng làm rõ là nếu Trung Quốc hay nước nào đó cố tình không tuân thủ phán quyết thì sẽ bị xử lý. Đối với vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, chúng ta sẽ kiện về chủ quyền ở đâu? Trung Quốc lấy đảo Phú Lâm, Gạc Ma bằng biện pháp quân sự, đó là chiến tranh. Vấn đề chiến tranh sẽ đưa ra đâu để giải quyết? Nếu muốn lấy lại chủ quyền, mình phải đi đường vòng. Ví dụ như chuyện Trung Quốc đánh chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam trong vùng lãnh hải được phép đánh cá truyền thống, chúng ta có thể dựa vào công ước này để đưa vấn đề này ra thắc mắc ở Tòa quốc tế.

Hỏi. Trong công ước về luật biển năm 1982 cũng như phán quyết vừa rồi không đề cập đến vấn đề chủ quyền. Vậy theo giáo sư, Việt Nam nên có biện pháp gì để đòi lại chủ quyền?

Đáp. Theo tôi, việc đòi lại chủ quyền là rất khó. Không có cơ quan nào ở tầm thế giới để giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền. Mỹ, một quốc gia lớn, trong 2,3 thập kỷ vừa qua không hề nói gì đến chuyện chủ quyền và chỉ đề cập đến an ninh trên biển. Chúng ta khó mà có sự ủng hộ của các nước trên thế giới về chuyện này. Dù chúng ta có đầy đủ chứng cứ, giấy tờ. Người dân Việt Nam bị « ru ngủ » trong suy nghĩ là chúng ta có thể giành lại chủ quyền, chúng ta phải giành lại chủ quyền,…

Hỏi. Đối với Chính phủ Philippines, trước đây và hiện nay, đường lối của họ không nhất quán. Vị tổng thống trước muốn đưa sự việc ra Tòa án quốc tế. Trong khi vị tổng thống mới thì có vẻ rụt rè. Không biết Philippines có thông đồng với Trung Quốc không ?

Ý kiến thứ hai của khách mời là hiện nay nền kinh tế Việt Nam rất phụ thuộc vào Trung Quốc[6]. Vậy nếu nước ta thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, thì sẽ như thế nào? Vậy có thể vì những lý do này mà đến bây giờ Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa tuyên bố gì về phán uyết của PCA?

Đáp. Philippines là một quốc gia thân Mỹ. Từ đầu thế kỷ 19 đến bây giờ, Philippines luôn nhờ cậy Mỹ về nhiều mặt. quan trọng. Cách đây 20 năm, dầu và hàng hóa được vận chuyển qua eo biển Malaca, đi thẳng qua Hoàng Sa. Sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, người ta chuyển hướng đường chở dầu qua sát bờ Tây của Philippines, qua vịnh Scarborough. Sau đó, Trung Quốc chiếm đảo Scarborough, nhằm đe dọa các nước khác. Ban đầu, Mỹ nhân nhượng. Nhưng khi xuất hiện 2 vấn đề: ảnh hưởng đến đồng minh của Mỹ là Philippines, và ảnh hưởng đến dầu, nguồn năng lượng quan trọng cho nhiều nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản,..đều ở phe thân Mỹ, thì Mỹ không thể ngồi yên. Đảo Scarborough lại là vùng đặc biệt quan trọng về khoáng chất và các nguồn tài nguyên khác. Như vậy, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, Philippines kiện Trung Quốc và thắng kiện. Trong tương lai, Philippines sẽ dần lôi kéo Mỹ, Nhật và các nước khác, tiếp tục kiện Trung Quốc về việc phá hoại môi trường, tấn công ngư dân. Đồng thời, các nước cũng đang im ắng để chờ đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tổng thống mới lên sẽ có những chính sách và đường lối mới.

Về chuyện nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc. Rõ ràng là chúng ta phụ thuộc vào Trung Quốc trong rất nhiều lĩnh vực từ hàng gia dụng, nông sản cho đến may mặc, giày dép hay các công trình xây dựng. Nhưng nếu nhìn về phía Trung Quốc, họ cũng phụ thuộc vào nền kinh tế chúng ta vì giá trị giao thương giữa 2 nước rất lớn. Nếu Việt Nam tìm được các cơ hội làm ăn với các quốc gia khác thì Trung Quốc cũng thiệt hại.

Hỏi. Theo bản đồ thì chúng ta thấy Trường Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vậy ngư dân Việt Nam có được đánh cá ở đó không? 

Đáp. Theo luật biển, nếu là bãi đá thì có bán kính 12 hải lý. Ngư dân Việt Nam đã đánh cá từ xưa ở đó thì bây giờ vẫn có thể tiếp tục được. Nhung nếu đó là những thực thể chìm, nổi (low-tide elevation) thì Việt Nam không có quyền chiếm giữ. Nếu như những low-tide elevation không phải của Philippines thì chúng thuộc về của chung.

Một ý kiến của khách mời là luật sư, cho rằng bãi chìm, nổi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines sẽ thuộc  sở hữu của Philippines. Trong khi đó, trong quần thể Trường Sa, không có cấu trúc nào gọi là đảo. Trong số 21 điểm mà Việt Nam đang chiếm giữ, có thể có mộ số điểm là đá, có lãnh hải 12 hải lý, có một số là bãi chìm, nổi. Vì vậy, chúng ta nên nghĩ đến vấn đề khai thác chung.

Ngoài ra, khách mời luật sư cũng cung cấp thêm thông tin về luật biển của Việt Nam. Đó là trong luật biển Việt Nam chưa làm rõ khái niệm về đảo. Vì vậy, sắp tới cần phải thay đổi một số nội dung. Đồng thời, trong luật biển Việt Nam cũng quy định là nếu những nội dung nào trái với luật biển quốc tế thì phải tuân theo luật biển quốc tế. (Vì Việt Nam là thành viên của UNCLOS).

Luật sự cũng nói thêm là phán quyết vừa qua của Tòa cũng tạo không gian biển cho sự hợp tác của các quốc gia. Với các điểm gọi là “đá” do Việt Nam chiếm giữ, có lãnh hải, ngư dân có thể thoải mái đánh cá. Nhưng với các điềm khác, có thể thuộc cùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Mà cá không bơi một chỗ. Ngư dân trong quá trình đánh bắt có thể chạy theo luồng cá, và có thể xâm phạm vào vùng chủ quyền của Philippines, gây rắc rối lớn. Cho nên, Việt Nam, Philippines và cả Malaixia có thể thỏa thuận vùng đánh cá chung, hình thành một ngư trường lớn hơn để khai thác.

Tiếp lời khách mời, GS. Long cũng gợi ý rằng Việt Nam vẫn nên tạo cơ hội và duy trì hợp tác với Lào và Camphuchia. Mặc dù, thời gian qua, Lào và Campuchia cũng nhận được sự hỗ trợ khá lớn từ Trung Quốc. Nhưng chúng ta vẫn nên thúc đẩy quan hệ tốt với 2 nước láng giềng này. Điều này sẽ giúp củng cố vị trí của Việt Nam ở biển Đông.

Hỏi. Thời gian qua, ngư dân Việt Nam ra biển đánh cá bị tàu Trung Quốc ngăn cản, phá hoại, đâm chìm. Dư luận trong nước rất bức xúc. Nhưng Chính phủ dường như chưa có một giải pháp nào. Vậy chúng ta có thể kiện Trung Quốc không? Chúng ta nên làm gì để bảo vệ ngư dân và chấm dứt tình trạng này?

Để trả lời câu hỏi này, theo vị khách mời luật sư, ông cho rằng, trong công ước biển có quy định đối xử nhân đạo với ngư dân. Chúng ta có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về vấn đề này. Tuy nhiên, chỉ có Chính phủ mới có thể đứng ra khởi kiện. Còn nếu muốn kiện Trung Quốc về vấn đề nhân quyền thì chưa có hướng giải quyết.

Để bảo vệ ngư dân, cần phải có nhiều giải pháp mang tính toàn diện. Mặc dù bị tàu Trung Quốc ức hiếp, nhưng chúng ta vẫn phải động viên ngư dân ra biển. Vì nếu không có ngư dân Việt Nam ở đó thì chúng ta đã trao quyền kiểm soát cho phía Trung Quốc. Chúng ta không thể đưa tàu quân sự ra đó. Vì nếu có dấu hiệu quân sự, tức là có xung đột quân sự và có thể dẫn đến chiến tranh. Vì thế phải luôn có sự hiện diện của ngư dân Việt Nam ở ngoài biển.

Hỏi. Vừa rồi, Trung Quốc lấy cát xây dựng 6,7 đảo nhân tạo trên các bãi chìm nổi. Việc này làm giết hại các sinh vật biển, phá hại môi trường. Có thể kiện Trung Quốc không?

Theo GS.Long, theo tinh thần của phán quyết, Việt Nam nên phối hợp với các nước trong khu vực, đưa chuyện này ra công luận quốc tế. Phải có sự hợp tác, để cho quốc tế thấy, kêu gọi sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Cũng theo GS. Long, vai trò của những người trí thức rất quan trọng. Cùng phối hợp, nghiên cứu với các quốc gia khác. Và Chính phủ cũng nên tạo điều kiện cho sự hợp tác, phối hợp này để cùng phát triển. Đồng thời, nên tận dụng những chính sách ngoại giao khéo léo, khôn ngoan, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, của dư luận các nước với những vấn đề tranh chấp trên biển Đông và bảo vệ quyền lợi kinh tế biển của mình./.

 



[1] Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)

[2] Vào năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện lên PCA, phản đối tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, vốn nuốt trọn gần cả Biển Đông. Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố phớt lờ phán quyết, cho rằng PCA không có quyền tài phán, đồng thời đẩy mạnh chiến dịch truyền thông phản đối phán quyết của PCA trong tuần qua. Philippines từng nhấn mạnh Manila không muốn nhờ tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, chỉ muốn PCA ra bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Manila khẳng định “đường lưỡi bò”, cái mà Bắc Kinh gọi là “quyền lịch sử” dựa vào những bản đồ cũ xưa, là không có cơ sở pháp lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Philippines còn tố Trung Quốc vi phạm UNCLOS khi ngăn cản tàu cá Philippines đánh bắt tại ngư trường truyền thống ở bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này Trung Quốc chiếm từ tay Philippines vào năm 2012. (http://thanhnien.vn/the-gioi/toa-trong-tai-quoc-te-bac-bo-chu-quyen-lich-su-cua-trung-quoc-o-bien-dong-722506.html.)

[3]http://vneconomy.vn/the-gioi/phan-quyet-vu-kien-bien-dong-nhin-tu-phan-ung-cac-ben-20160712090851276.htm

[4] Bãi cạn Scaborough/đảo Hoàng Nham nằm cách bờ tây đảo lớn của Philippines 230 km và cách Trung Quốc hơn 800 km về phía bắc. Đây là một cụm san hô và đá ngầm, nằm cách bờ biển phía bắc đảo Luzon của Philippines hơn 220 km và cách lãnh thổ Trung Quốc hơn 800 km. Philippines khẳng định bãi cạn nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này, theo Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng đây là một phần lãnh thổ của nước này, ít nhất là từ thế kỷ 13, và họ còn đưa ra các bản đồ cổ làm bằng chứng. Nơi này thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. (https://vi.wikipedia.org/wiki/Tranh_ch%E1%BA%A5p_b%C3%A3i_c%E1%BA%A1n_Scarborough).

[5] Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa, và là đảo tự nhiên lớn nhất trong cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đảo Phú Lâm là một trong hai đảo lớn nhất thuộc nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group), thuộc quần đảo Hoàng Sa  Biển Đông(đảo lớn thứ hai là đảo Linh Côn). Đảo có nhiều cây cối tươi tốt nên mang tên Phú Lâm. Đây là đảo quan trọng nhất của nhóm đảo An Vĩnh và quần đảo Hoàng Sa. Cả Việt Nam  Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Phú Lâm. Hiện nay, Trung Quốc đang quản lý hòn đảo này.

[6] Xem thêm các chỉ số về mức độ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Chương trình  “Tìm hiểu Kinh tế Việt Nam qua Chỉ số” của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển.


Trích dẫn
  • Thomas A. Edison
    "Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm thấy 10 000 lần không thành công"
  • Adam Smith
    "Khoa học là liều thuốc giải vô cùng hữu hiệu cho sự nhiệt tình và mê tính"
  • Thomas A. Edison
    “Tôi sẽ không đầu tư vào những thứ không thể bán bởi lẽ doanh thu là minh chứng cho sự thỏa dụng, và sự thỏa dụng là chìa khóa để thành công”
  • Thomas A. Edison
    "Thiên tài là 1 % đam mê và 99% là rèn luyện"
  • Victor Hugo
    "Một địa ngục thông minh còn hơn là một thiên đường ngu ngốc"