Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
Tóm lược "HỒI ỨC 30/4/1975: NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ", KTS Nguyễn Hữu Thái

Ngày 28/04/2016, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển phối hợp Phòng Công tác Sinh viên tổ chức buổi "Hồi ức 30/04/1975: Nhân chứng Lịch sử" do KTS. Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn 1963-1964 trình bày. Mở đầu, các khách mời được nghe lại đoạn ghi âm thông báo giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn giải phóng Việt Nam của KTS. Nguyễn Hữu Thái và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh được phát trên Đài phát thanh Sài Gòn lúc 14h30 (giờ Sài Gòn, Hà Nội 13g30) ngày 30/4/1975. Lúc đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát “Nối vòng tay lớn”, một bài hát ra đời từ sau chiến dịch Mậu Thân 1968, nhưng ý tưởng và ca từ dường như được viết cho ngày 30/4/1975. KTS. Nguyễn Hữu Thái cho rằng đây là một bài hát đặc biệt vì được biết đến và được hát bởi rất nhiều các thế hệ người dân Việt Nam, ngày nay từ những em bé tiểu học đến các ông bà lớn tuổi, từ những người Việt Nam trong nước đến người Việt ở nước ngoài cũng đều hát bài “Nối vòng tay lớn”.

Theo KTS. Nguyễn Hữu Thái, lịch sử viết về sự kiện 30/4 còn khô khan, nặng về khía cạnh chiến thắng quân sự, ít nhắc đến yếu tố rất quan trọng là chiến tranh nhân dân, của toàn dân, kể từ Nam Bộ kháng chiến cho đến 1975. Cách tiếp cận sự kiện lịch sử cũng chưa hấp dẫn, thiếu người thật việc thật với hình ảnh sống động. Trong phần trình bày của mình, ông thuật lại một số sự kiện chính của ngày 30/4/1975 nhưng không nói về vấn đề chiến thắng hay không chiến thắng, mà nói về những nhân chứng thứ ba, như chính ông, không mặc quân phục giải phóng hay Việt Nam Cộng hòa. Theo ông, nhờ có những người quần chúng đứng giữa mà trận chiến ngày 30/4 có thể triển khai thuận lợi và kết thúc tốt đẹp, do vậy lịch sử nên nhắc đến chiến thắng này như chiến thắng của một cuộc chiến tranh nhân dân, của toàn dân Việt Nam.

KTS. Nguyễn Hữu Thái giới thiệu một số sách viết về sự kiện 30/4/1975 của các nhà báo Ý, Đức, Pháp để các khách mời có thể tìm hiểu thêm, bao gồm: “Sụp đổ và giải phóng Sài Gòn” của một nhà báo Ý Tiziano Terzani 1976, “Thành phố Hồ Chí Minh – Giờ khắc số 0” của nhà báo Đức Borries Gallasch, sách được xuất bản ngay trong năm 1975 nhưng đến năm 2010 mới được dịch ra tiếng Việt, và “Sài Gòn đã sụp đổ” (Saigon has fallen) xuất bản năm 2015 của nhà báo Peter Arnett người gốc Úc nhưng làm việc cho hãng tin Mỹ. Ngoài ra, KTS. Nguyễn Hữu Thái cũng viết một số sách về sự kiện này, trong đó quyển sách ưng ý nhất do cả gia đình ông cùng viết là “30/04/75 Saigon – Sự kiện và đối thoại của một gia đình” được xuất bản năm 2015.

Bằng các hình ảnh sinh động, KTS. Nguyễn Hữu Thái lần lượt giới thiệu những nhân vật và sự kiện trong ngày 30/4/1975, giúp khách mời hình dung được cảnh tượng tan rã của chế độ Việt Nam cộng hòa và sự rút lui của Mỹ khỏi Sài Gòn. Trước thời điểm 30/04/1975, từ miền Trung vào đến miền Nam, cả triệu quân lính cộng hòa tháo bỏ quân trang, xóa bỏ mọi giấu vết lính cũ và rời bỏ hàng ngũ vì lo sợ bị cách mạng bắt giữ. Ngày 22/4/1975, Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình tuyên bố từ chức, ngừng đánh do Mỹ ngừng tài trợ. Máy bay trực thăng Mỹ cũng đến đón những người từng cộng tác với Mỹ sang Mỹ trước ngày 30/4.


Hình 1 – Chiếc trực thăng cuối cùng rời Sứ quán Mỹ sáng sớm 30/4/1975

KTS. Nguyễn Hữu Thái cho biết, hình ảnh chiếc xe tăng tiến vào dinh Độc Lập với bộ đội ngồi xung quanh thường được đăng trên các báo chỉ là hình chụp cảnh diễn lại vào ngày hôm sau. Hình ảnh thực tế được một nữ phóng viên Pháp Francoise Demulder chụp lại và được đăng tải trên các tờ báo lớn của thế giới. Theo đó, chiếc xe tăng thực sự húc đổ cổng chính và tiến vào dinh Độc Lập đầu tiên là xe tăng 390, không phải xe tăng 843 của Bùi Quang Thận như nhiều người vẫn nhầm tưởng.


Hình 2 – Xe tăng đầu tiên mang số 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975


Nữ phóng viên này cũng chụp cận cảnh bốn người có mặt trong xe tăng 390 và sau này đã bỏ công đi tìm lại những người này để chiến công của họ được ghi nhận.


Hình 3 – Những người bộ đội trên xe tăng 390 tại thềm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975


Thực ra, lúc bấy giờ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đã tự nguyện đầu hàng, lệnh cho các binh sĩ giao nộp vũ khí và không kháng cự khi bộ đội Việt Nam đến. Sau khi vào trong Dinh Độc Lập, đội trưởng đội xe tăng Bùi Quang Thận, GS. Huỳnh Văn Tòng (tiến sĩ sử học và chuyên viết báo chí thiên tả, thúc đẩy hòa hợp dân tộc) và KTS. Nguyễn Hữu Thái hạ cờ Việt Nam Cộng hòa và kéo cờ Giải phóng lên trên nóc dinh Độc Lập. Mặc dù lá cờ rất nhỏ nhưng việc kéo cờ Việt Nam trên Dinh Độc Lập – nơi được coi như phủ toàn quyền Đông Dương - có ý nghĩa rất lớn, là dấu mốc chấm dứt 117 năm cai trị của thực dân, đế quốc kể từ khi Pháp tấn công Đà Nẵng năm 1858.  Sự tình cờ thú vị là hôm ấy, 3 người đến từ 3 miền đất nước[1] đã cùng có mặt và kéo cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập đánh dấu sự kiện thống nhất đất nước.

Sau đó, đoàn quân đưa Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng. Lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh được soạn thảo bởi Chính ủy Bùi Văn Tùng và ghi âm bằng chiếc cát xét mượn của nhà báo Đức Gallasch, phóng viên thường trú tại Sài Gòn, đang có mặt tại dinh độc lập để phỏng vấn Dương Văn Minh đúng thời điểm Việt cộng tiến vào tiếp quản dinh Độc Lập. Để xóa bỏ nghi ngờ của người dân miền Nam đối với bộ đội miền Bắc lúc bấy giờ, đoạn phát thanh về sự kiện này và lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng được phát hoàn toàn bằng tiếng miền Nam (trừ tiếng miền Bắc của thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Vũ Văn Mẫn).


Hình 4 – Tướng Dương Văn Minh chuẩn bị lời tuyên bố đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975 (KTS. Nguyễn Hữu Thái đứng thứ hai từ phải sang)


Nhà báo Kỳ Nhân (công tác cho hãng tin AP Mỹ) là người đã chụp tấm hình trên vào thời điểm Dương Văn Minh chuẩn bị tuyên bố đầu hàng tại đài phát thanh. Chiếc bàn trong hình hiện vẫn được lưu giữ tại phòng truyền thống của đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM.

Tại thời điểm đó, lực lượng sinh viên từ các trường tại thành phố đóng vai trò khá quan trọng, đảm nhiệm nhiều công việc nhằm ổn định đời sống người dân thành phố sau giải phóng, từ điểu khiển giao thông, thu gom vũ khí, dọn dẹp vệ sinh đường phố đến phân phát gạo cho dân, nhận nhà của những người đã bỏ ra nước ngoài,…

Đến buổi chiều 30/4, đời sống của người dân Sài Gòn đã trở lại bình thường, không bị xáo trộn nhiều trước sự kiện này. Người dân sau khi nghe tin trên đài phát thanh đã hiếu kỳ kéo đến trước dinh Độc Lập quan sát tình hình và các hoạt động của bộ đội. Buổi gặp gỡ trước dinh Độc Lập cũng thu hút đông đảo quần chúng tham gia. KTS. Nguyễn Hữu Thái cảm nhận sự kiện chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu 30 năm mà trông giống như một cuộc đoàn tụ gia đình lớn.


Hình 5 – Nhân dân Sài Gòn ùa về Dinh Độc Lập chiều ngày 30/4/1975
sau khi nghe tin giải phóng hoàn toàn miền Nam    


Chính tướng Dương Văn Minh nói thật chân tình trong ngày nội các Việt Nam Cộng hòa được trả tự do 2/5/1975: “Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Tôi nghĩ rằng với hành động của mình, tôi đã góp phần tránh một cuộc đổ máu vô ích cuối cùng cho Sài Gòn. Đó là phần đóng góp cụ thể của tôi trong cuộc chiến đấu này. Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi 60 tuổi, trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập”.

Ngoài những nhân chứng được kể trên đây, một KTS. Nguyễn Hữu Thái cũng nhắc đến Thượng tọa Thích Trí Quang, hiện đang sống ở Huế, là người đã từng lãnh đạo phong trào Phật giáo năm 1963 làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm và nhiều lần tranh đấu cho hòa bình, hòa hợp hòa giải dân tộc; TS. Hà Thúc Huy (hiện đang giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên); TS. Nguyễn Nhã (sử gia, chuyên nghiên cứu về biển Đông và từng là chủ biên tập san Sử Địa) – người đã thu âm lại buổi phát thanh sự kiện tuyên bố đầu hàng của Việt Nam Cộng hòa. Kể lại những câu chuyện này, KTS. Nguyễn Hữu Thái mong rằng, các sự kiện lịch sử cần được viết và trình bày lại một cách chính xác, có minh chứng để các thế hệ con cháu sau này có thể am hiểu lịch sử một cách khách quan mà không kém phần tự hào về cuộc chiến đấu cam go giành hòa bình, độc lập  và thống nhất  của dân tộc.

 

THẢO LUẬN

Quan tâm đến sự khác biệt của TP.HCM trước và sau năm 1975, một khách mời muốn tìm hiểu rằng tại sao trước khi giải phóng thì Sài Gòn rất giàu và hiện đại ngang với các thành phố lớn trong khu vực nhưng sau khi giải phóng thì lại trở nên thua kém các thành phố khác rất nhiều? KTS. Nguyễn Hữu Thái cho biết, trước năm 1975, Sài Gòn có những cơ sở hạ tầng hiện đại là do sự viện trợ của Mỹ để biến Sài Gòn thành cơ sở hậu cần ở miền Nam, đồng thời viên chức, binh lính Sài Gòn lãnh lương cao nên tiêu dùng nhiều, tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại dịch vụ ở nơi đây. Những điều này tạo ra sự xa hoa, phát triển bề mặt cho Sài Gòn mang nhiều tính “phồn vinh giả tạo”, bản thân kinh tế Sài Gòn không phát triển về thực lực. Do vậy, chúng ta cần nhìn nhận đúng giá trị của từng giai đoạn lịch sử trước những luồng thông tin trái chiều. Tuy Sài Gòn hiện nay còn nhiều vấn đề, nhưng việc có được chủ quyền trong tay, được tự mình làm chủ ra quyết định về sự phát triển của đất nước là điều quan trọng nhất.

Một khách mời khác băn khoăn về việc tại sao bản thân KTS. Nguyễn Hữu Thái cũng như những nhân chứng vừa được ông giới thiệu trong phần trình bày vừa rồi lại không được nhắc đến trong các tài liệu lịch sử chính thức? KTS. Nguyễn Hữu Thái chia sẻ, có rất nhiều người tham gia phục vụ cách mạng, đặc biệt là những cơ sở  tình báo, vốn phải che giấu thân phận để hoạt động nên được rất ít người biết đến. Khi đất nước giải phóng hoàn toàn, nhiều nhân chứng đã hy sinh nên những nhân vật này càng không thể chứng minh được mình ở chiến tuyến nào trong thời gian chiến tranh. Do vậy, họ đành phải chấp nhận đứng sau các chiến công, thậm chí bị nghi ngờ là người của Việt Nam Cộng hòa và chịu nhiều thiệt thòi trong công việc, cuộc sống sau giải phóng. KTS. Nguyễn Hữu Thái chia sẻ rằng, những người như ông đã không quá đặt nặng vấn đề này và mong rằng đến nay, mọi người cũng không nên tiếp tục phân biệt người Việt đứng bên này hay bên kia chiến tuyến. Sinh ra ở miền Nam thanh niên phải đi lính Cộng hòa do bị bắt lính, ép buộc chứ không có sự lựa chọn, ở miền Bắc thì cũng đi bộ đội. Hơn nữa, cho dù ở chiến tuyền nào thì họ đều cùng là người Việt Nam và chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh nhân dân, mỗi người đều đã phải gánh chịu những mất mát riêng.

KTS. Nguyễn Hữu Thái rất tâm đắc với phát biểu của Chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn- Gia Định, Tướng Trần Văn Trà trong buổi lễ trao trả tự do cho nội các Việt Nam Cộng hòa ngay tối 2/5/1975: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là kẻ thắng ai là kẻ bại. Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng, chỉ có đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ chiến bại… Đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta”.



[1] Ông Bùi Quang Thận quê ở Thái Bình – miền Bắc, KTS. Nguyễn Hữu Thái quê ở Đà Nẵng – miền Trung và GS. Huỳnh Văn Tòng đến từ Tây Ninh – miền Nam.

Trích dẫn
  • Thomas A. Edison
    "Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm thấy 10 000 lần không thành công"
  • Adam Smith
    "Khoa học là liều thuốc giải vô cùng hữu hiệu cho sự nhiệt tình và mê tính"
  • Thomas A. Edison
    “Tôi sẽ không đầu tư vào những thứ không thể bán bởi lẽ doanh thu là minh chứng cho sự thỏa dụng, và sự thỏa dụng là chìa khóa để thành công”
  • Thomas A. Edison
    "Thiên tài là 1 % đam mê và 99% là rèn luyện"
  • Victor Hugo
    "Một địa ngục thông minh còn hơn là một thiên đường ngu ngốc"