Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
Tóm lược seminar "Tiếp cận các giải pháp xâm nhập mặn"- Ông Nguyễn Thanh Lâm

Mở đầu phần trình bày, ông Nguyễn Thanh Lâm đã có những chia sẻ thú vị về đặc điểm địa lý của sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo ông Lâm, dòng sông Mê Kong [1] bắt đầu từ Tây Tạng, có chiều dài 4200 Km và chảy qua 6 quốc gia Trung Quốc, Myanma, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, trong đó gần một nửa chiều dài sông Mêkong nằm ở Trung Quốc. Ở mỗi quốc gia, sông Mekong có những tên gọi khác nhau như Lan Thương (Trung Quốc), Việt Nam (Sông Tiền, Sông Hậu). Sông Mê Kong khi chảy vào Việt Nam được tách thành 2 sông, Sông Tiền và Sông Hậu. Sông Hậu còn được gọi là sông Ba Thắc bắt nguồn từ chữ Bassac (tên của dòng sông bắt đầu chảy từ Phnông Pênh về VN). Tuy nhiên, lượng nước của sông Ba Thắc đổ vào sông Hậu chỉ chiếm 15%, 85% lượng nước còn lại của sông Hậu được lấy từ sông Tiền qua Kênh Vàm Nao. Điều thú vị là ở chỗ Kênh Vàm Nao là con kênh được người Việt mở rộng từ một con rạch tự nhiên và đây cũng là nơi xảy trận thủy chiến thời chúa Nguyễn tiêu diệt 30 ngàn quân Xiêm. Ngoài ra, một điểm thú vị khác là khoảng 18% lượng nước đổ vào Sông Tiền và sông Hậu của Việt Nam được cung cấp từ 5 con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn (Krong No, Krong Ana ở Việt Nam, và 2 con sông khác ở Lào). Điều đó cho thấy vận mệnh của Sông Tiền và Sông Hậu nói riêng cũng như của ĐBSCL nói chung có mối quan hệ mật thiết với Tây Nguyên, người dân ĐBSCL sống được là nhờ trên Trường Sơn lành mạnh. Thế nhưng, vùng Đắk Lắk, Tây Nguyên, Gia Lai, Kontum,…bị phá rừng để khai thác gỗ và trồng cà phê. Theo ông Lâm, trồng cà phê, cao su không có lợi ích cho sinh thái. Nếu muốn trồng rừng có giá trị kinh tế cao thì có thể trồng gỗ Tek, chỉ 25 năm sau, 1 khối gỗ Tek bán được 3000-4000 USD.

Về việc phối hợp của các nước trong việc khai thác sông Mekong, theo Ông Lâm vấn đề này đã được các nước trong thuộc sông Mekong thấy từ rất lâu. Từ khoảng 50 năm nay, một Ủy ban Sông Mekong đã được thành lập. Tuy nhiên, thay vì phải có 6 nước thì chỉ có 4 nước tham gia là Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Lào. TQ và Myanmar không tham gia vì không muốn bị ràng buộc bởi các quyết định của Ủy ban sông Mekong (UBSM). Một trong những nguyên tắc quan trọng của UBSM là khi có vấn đề cần giải quyết thì phương án giải quyết phải dựa trên sự nhất trí của cả 4 nước. Tuy nhiên, Trong một kỳ họp vào năm 1990, Việt Nam đã phạm 1 sai lầm rất lớn. Việt Nam đã đồng ý một nguyên tắc là nếu có chỉnh trị sông Mekong, thì không cần phải có sự nhất trí giữa các thành viên thuộc UBSM nữa. Theo ông Lâm, đó là một trong những sai lầm cực kỳ lớn. Do không nghiên cứu kỹ về việc chính trị dòng sông nên chúng ta không lường trước được rằng sông Mekong vừa là con sông nuôi dưỡng chúng ta, nhưng cũng có thể là “quả bom nước”, và trở thành một nguồn tranh chấp. Hiện nay, cho dù được kêu gọi, TQ vẫn không tham gia, không chịu một sự ràng buộc nào hết của UBSM. Ông Lâm cho rằng việc đồng ý với nguyên tắc « không cần phải có sự thống nhất trong việc chỉnh trị sông Mekong » đã dẫn đến việc hình thành hàng trăm con đập thủy điện trên cả dòng chính lẫn dòng phụ của sông Mekong. Một điểm nữa mà ông Lâm cũng xin lưu ý thêm là trong tháng 03/2016, Việt Nam đã thông qua kênh ngoại giao yêu cầu Trung Quốc xả lũ để hỗ trợ công tác chống hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL và Trung Quốc đã đáp ứng đề nghị này bằng thông báo sẽ xả nước khẩn cấp từ ngày 15/03/-04/04/2016. Thoạt đầu thì tưởng là Trung Quốc xả lũ sẽ giúp ĐBSCL hết hạn hán, thế nhưng thực tế không phải vậy. Nước từ các đập ở Trung quốc về đến ĐBSCL thì mất khoảng 1 tháng. Lượng nước từ Trung Quốc đổ về ĐBSCL đã thất thoát rất nhiều do các nước Lào, Thái Lan, Campuchia (chủ yếu trữ nước ở hồ Tonlé Sap[2]) cũng tranh thủ tích trữ nước để chống hạn và phục vụ nhu cầu hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vì vậy,  lượng nước nếu có về đến Việt Nam thì cũng sẽ rất hạn chế.

Nối tiếp phần trình bày về sông Mekong, ông Nguyễn Thanh Lâm tiếp tục trình bày 11 bản đồ về ĐBSCL như đặc tính thổ nhưỡng, mật độ dân số, đường biên độ sâu, đỉnh cao mùa lũ, sử dụng đất, độ cao các vùng, v.v… Thông qua các bản đồ này, ông Nguyễn Thanh Lâm đã chỉ ra nhiều vấn đề mà người dân cũng như các cấp chính quyền ở ĐBSCL phải ý thức được và có chiến lược xử lý phù hợp.

1)     Bản đồ về thổ nhưỡng: Theo ông Lâm, ĐBSCL được bồi đắp bởi sông Mekong trong suốt 5000 năm. Vì vậy, đất ở ĐBSCL thuần túy là phù sa và phải đào sâu xuống khoảng độ 150 m thì mới có đá. Đây là một đặc điểm cần phải chú ý khi thực hiện các công trình xây dựng. Ngoài ra, qua thời gian, đất từ sông Mê Kong được tích mỗi vùng mỗi khác. Trong bản đồ, đất ở ĐBSCL được chia thành hơn 10 loại khác nhau. Ông Lâm cho rằng thông tin bản đồ này rất quan trọng cho việc quy hoạch trồng cây nông nghiệp của Việt Nam.

2)     Bản đồ về mật độ phân bố dân cư: Bản đồ này mô tả các tụ điểm dân cư sống rải rác khắp ĐBSCL. Hiện có khoảng 11 điểm dân cư có mật độ dân cư cao nhất, chủ yếu ở các thành phố. Theo ông Lâm các nhà khoa học hiện nay đang nghiên cứu là nên chăng có các vành đai gần như là vòng tròn để bao các khu dân cư quan trọng bao bọc lấy 11 điểm dân cư này. Các số liệu gần đây chỉ ra là trong số 18 triệu dân ở ĐBSCL hiện nay có 28% sống ở thành thị. Trong khi đó, mức độ thị hóa của Sài Gòn là 52%. Khuynh hướng ở ĐBSCL, kể cả sự chuyển dịch về kinh tế, mức đô thị hóa dự báo sẽ vượt 50% vào năm 2020. Điều đó cho thấy các thành phố lớn cần có những quy hoạch để đáp ứng không chỉ nhu cầu phát triển nhu cầu của xã hội mà còn có thể hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như lũ, và hạn. Vì vậy, việc xây dựng một « thành phố xanh » là rất quan trọng. Ngoài ra, không chỉ ở thành phố mà các khu vực khác cũng phải có giải pháp ứng phó phù hợp, trong đó chú trọng biện pháp trồng rừng. Ở các vùng ven biển, rừng ngập mặn Đước, Xú, Vẹt rất quan trọng, thế nhưng việc trồng rừng bị xem là viễn vông vì trồng rừng không thu được tiền. Trong khi bán ruộng, bán đất thì lợi ích kinh tế cao hơn. Người ta nếu thấy đất trống thì người ta nghĩ ngay đến làm ruộng. Tuy nhiên, một điểm mà ít người để ý đến là nếu làm ruộng, lượng metan thải ra không khí rất là lớn, tác động không thua gì CO2, CFC, những chất đang phá hại tầng ozon.

3)     Tiếp theo là bản đồ vùng lũ : Như chúng ta thấy trong bản đồ, vào mùa lũ các vùng màu xanh sẽ ngập hết. Điều này cũng cho thấy lũ đi từ thượng nguồn xuống từ từ. Tuy nhiên, đây cũng là một bản đồ cần phải nghiên cứu. Vì khi nước biển dâng thì các vùng này sẽ bị ngập. Nếu nước biển dâng lên 1 mét, thì 40% diện tích ĐBSCL chìm dưới nước. Chúng ta thấy việc xây đê rất khó nếu xây đê bọc tất cả các con sông này, chỉ cần vỡ đê, nước tràn vào. Sức nước tàn phá rất kinh hoàng. Người dân lại hay làm nhà gần đê, đục lỗ cho xe Honda vào nhà. Người dân không có ý thức về vấn đề bảo vệ đê. Ở các nước khác, họ làm đường xe đi dọc bờ đê.

4)     Về bản đồ về cơ sở hạ tầng của ĐBSCL : Ông Lâm cho rằng hiện chưa ai có một số liệu chính xác về kênh rạch của ĐBSCL. Thế nhưng, có một nguy cơ hiện nay là ở nhiều vùng kênh rạch người ta lấp đê để làm nhà, để làm cầu. Điều đó làm mất cân bằng hệ sinh thái. Tương tự ở quận 7 của Tp.HCM, chỉ cần san bằng 1000 ha đất, thì nước ở vùng đó tăng lên 1 cm. Nền đất ở Q.7 rất yếu, chủ yếu là đất của rừng Sác. Rừng Sác ở Cần Giờ giữ được nhờ là cây sú, vẹt nên dường như không biết được đất bên dưới ở quận 7 sẽ như thế nào. Nếu nước tiếp tục ăn sâu vào trong lòng đất thì một lúc nào đó nhà cao tầng tự nhiên nghiêng và đổ sụp. Theo ông Lâm, do ĐBSCL có nền đất yếu và chằng chịt kênh rạch nên việc xây dựng ở khu vực này phải rất cẩn trọng. Ngoài ra, một rủi ro khác cũng được đưa là hiện tượng khai thác quá mức các trên sông. Hiện tại, lượng cát do sông Mekong mang lại vào khoảng 75 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm ½ do cát sẽ lắng lại trong các hồ. Trên sông Đồng Nai hiện nay mức độ khai thác cát lên đến 100 triệu tấn /năm. Cát đóng vai trò làm giảm độ ma sát giữa nước và lòng sông. Nếu không còn cát thì nước không chảy một cách bình thường được và sẽ ăn vào đất làm sụt lở 2 bên bờ. Độ sâu trung bình của sông Cửu Long khi vào VN là 2,9m. Thế nhưng, độ sâu đã tăng lên 3-4 m, tức là lượng cát đã bị khai thác gần 1 m.

5)     Bản đồ Độ nhiễm mặn: Trong bản đồ cho thấy, các vùng bị nhiễm mặn trong thời gian qua. Hiện tại, chỉ còn vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp còn tương đối an toàn (độ nhiễm mặn 1g/L). Tỉnh còn lại như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre đều có nhiễm mặn rất cao (lến 30g/L). Với mức nhiễm mặn như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi tôm.

6)     Về bản đồ độ cao: Qua bản đồ có thể thấy là chiều dài của sông Hậu khi vào Việt Nam đến khi ra biển là khoảng 200Km, còn của sông Tiền là khoảng 250 Km. Tuy nhiên, độ chênh giữa điểm đi vào và điểm đổ ra biển không quá 1,5 m. Cho nên sông Cửu Long không thuận tiện cho việc đi lại bằng đường sông. Có thể dùng xà lan vận chuyển 1000 tấn hàng hóa tới Pnongpenh nhưng 3000 tấn trở lên là không được. Nếu như sông thuận lợi không gập gềnh, thì sự phát triển của tiểu vùng sông Mekong đã thay đổi rất nhiều. Ngoài ra, còn một điểm thú vị khác trong bản đồ cao độ này là hầu hết vùng ĐBSCL có cao độ dao động từ 0 - 1m so với mực nước biển, chỉ riêng vùng núi thuộc An Giang là có cao độ >400m. Điều này cho thấy ĐBSCL là vùng rất nhạy cảm với hiện tượng nước biển dâng.

7)     Về bản đồ rừng : Ông Lâm cho rằng ở Rừng U Minh hạ, U Minh thượng và vùng núi Thất Sơn còn quá ít rừng. Cách đây 40 năm nếu có ai đó nghĩ đến chuyện phải trồng rừng thì bây giờ mọi chuyện đã khác. Rừng là ngành kinh tế rất quan trọng và rất có lợi cho sinh thái. Thế nhưng, hiện nay diện tích đất ở ĐBSCL chủ yếu phục vụ canh tác đất nông nghiệp và nuôi tôm.

8)      Về bản đồ tầng nước ngầm và bản đồ tỷ lệ sụt lún: Cả 2 bản đồ này dường như có điểm tương đồng với nhau rất rõ. Trong bản đồ tầng nước ngầm cho thấy cho thấy vùng ĐBSCL có 2 điểm thất thoát nước ngầm rất nặng là (1) Vùng nằm giữa Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Gian và (2) Vùng giao nhau giữa Kiêng Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Để có nước ngầm 2 khu vực này phải đào từ 60 – 80m  mới có nước. Trong bản đồ tỷ lệ sụt lún, 2 vùng này là những khu vực có tỷ lệ sụt lún rất nặng ( khoảng 3 cm/năm). Ông Lâm cho rằng một trong những lí do của hiện tượng này là do 15 ngàn giếng bơm xin tài trợ của nước ngoài. Thay vì nước giếng phục vụ sinh hoạt, không ít người dân lại đổ ra ngoài đồng. Trung bình 3 m3 nước mới sản xuất được 1 kg gạo. Bây giờ chúng ta đang trả giá: sụp tầng nước ngầm. Mỗi năm bị nước biển dâng, rồi đất sụp xuống. Không đê nào có thể đáp được. Hiện tại, vùng bị sụt lún nặng nhất khoảng 3 cm/năm, vùng ít thì cũng từ 0,5 đến 0,6 cm. Bình quân đất ở ĐBSCL chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 1 m. Không bao lâu nữa nước biển sẽ tràn vô ĐBSCL các vùng trũng này

9)     Vể bản đồ các đơn vị hành chính của 13 tỉnh ĐBSCL : Theo ông Lâm, 13 tỉnh là quá nhiều, nên để 6 tỉnh như ngày xưa. Hoặc như bên Mỹ, chỉ cần thành lập thành 1 bang. Khi đó, không cần đặt vấn đề liên kết vùng. Công tác nghiên cứu cũng dễ dàng hơn. Hiện tại, tỉnh nào cũng muốn có sân bay. Bây giờ người ta đang bàn kế họach xây dựng sân bay An Giang. Trong khi đó, sân bay Cần Thơ chỉ sử dụng 10% công suất. Nếu quy họach, phải liên kết vùng. Phải có những nhà họach định chính sách cực giỏi dựa trên những nghiên cứu khoa học.

Về hiện tượng xâm nhập mặn, ông Nguyễn Thanh Lâm đã có những tổng kết khá thú vị. Đầu năm 2016, khi Tết vừa xong ĐBSCL đã trãi qua một đợt hạn hán rất gắt gao và đến cuối tháng 4 thì mới có mưa. Nếu ở Ninh Thuận bị hạn hán thì còn có thể hiểu được vì ở đó lượng mưa trung bình thấp nhất VN (chỉ có 660ml/năm). Trong khi so với ở Tây Nguyên hay Tây Bắc là 2700 ml/năm. Ở ĐBSCL, tùy theo mức độ mưa, lượng mưa trung bình khoảng từ 2000 – 2200 ml/năm. Ngoài ra, sông nước mênh mông như vậy mà ĐBSCL lại bị hạn hán. Theo ông Lâm, hạn hán một phần là do Elnino[3], nhưng còn lý do khác nữa như Trung Quốc và các nước trên sông Mekong xây dựng đập thủy diện, đập tưới tiêu để giữ nước hay hoạt động sản xuất nông nghiệp, người dân Việt Nam hiện nay sử dụng nguồn nước không hợp lý (sử dụng nước ngầm để làm ruộng như nêu ở trên là 1 ví dụ), việc xây dựng các công trình thủy lợi thiếu khoa học[4], v.v… Chính các yếu tố này làm giảm lượng nước sông trên Mekong và không thể đẩy mặn được. Trong bản đồ về độ xâm nhập mặn cho thấy, 3 tỉnh có tỷ lệ xâm nhập mặn nhiều nhất là Cà Mau, Kiên Giang, và Trà Vinh. Ngay cả Tiền Giang, thành phố Mỹ Tho độ mặn cũng lên 4 phần ngàn[5]. Ở một số khu vực trên sông Vàm Cỏ đoạn Long An, khu Bến Lức cũng có hiện tượng xâm nhập mặn. Điều này cho thấy nước mặn xâm nhập đến 70 Km. Một số khu vực khác nước trong xanh như ở ngoài biển, tức là nước sông không đủ để đẩy độ mặn ra ngòai. Đây là mức cực kỳ nguy hiểm. Vì nếu dùng nước này tưới cho cây sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cây ăn trái. Chất lượng của loại hoa quả như cam, bưởi không như mong muốn. Nếu các nhà nhập khẩu nước ngoài biết trái cây này được trồng trên vùng bị nhiễm mặn như vậy thì họ sẽ không mua. Thực ra, cách đây 10 năm các nhà khoa học Việt Nam đã tìm được giống lúa chịu được hạn mặn, nhưng chỉ ở mức độ tối đa là 2,5/1000.

Trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn vừa rồi, ĐBSCL thiệt hại tới 1 triệu tấn lúa. Đây là thiệt hại khá lớn. Hiện tại, có khá nhiều ý kiến cho rằng ở những vùng dễ bị nhiễm mặn nên chăng dùng những vùng đó để làm khu công nghiệp. Đây là một quyết định hệ trọng nên cần phải cân nhắc cẩn trọng, tất cả điều này đều phải tính toán. Theo ông Lâm, trong thời gian qua trên báo chí, có những thông tin rất phản khoa học như nếu nước nhiễm mặn thi đổi qua nuôi tôm. Thực ra, nuôi tôm cần phải có nước ngọt, chứ không thể nước mặn được. Nồng độ cỡ 2/1000 mà thôi. Nuôi tôm phải có những vuông tôm sâu. Chính những chất thải của tôm làm cho con tôm chết. Ngoài ra, tôm rất dễ dị ứng về độ Ph. Ví dụ nếu độ mặn đều và độ Ph đang là 7, chỉ cần một cơn mưa xuống độ Ph giảm xuống 6,5 là tôm chết hết. Vì vậy ông Lâm cho rằng các nhận định đưa ra trên báo chí phải rất cẩn trọng. Người đưa thông tin phải có trách nhiệm trong những phát biểu của mình. Bởi vì, người nông dân sẽ nghe và làm theo lời của họ. Một điểm cần phải lưu ý thêm là hiện nay, giá tôm trên thế giới tùy thuộc rất nhiều yếu tố và cạnh tranh rất khốc liệt. Nhất là với tôm của Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan. Đặc biệt, chỉ cần tỉ giá thay đổi ở các nước này thôi sẽ dẫn đến biến động giá tôm. Ví dụ như công ty Minh Phú, một công ty xuất khẩu nuôi trồng tôm lớn nhất nước, đang đạt mức xuất khẩu 800 triệu USD/năm. Trong đợt hạn mặn năm 2015, công ty bị sụt giảm 200 triệu USD. Dĩ nhiên, sự thiệt hại này được chuyển qua người nông dân hết. Người nông dân gánh hết tất cả xui xẻo của thời tiết.

Nối tiếp câu chuyện xâm nhập mặn của ĐBSCL, một số giải pháp xâm nhập mặn cũng được ông Lâm đề cập (1) Đê ven biển, (2) Cống điều hòa, (3) Đập ngăn mặn, dẫn ngọt (4) Rừng ngập mặn, (5) Hệ thống nước sinh hoạt. (6) Hệ thống hồ nhân tạo và đường ống. (7) Hệ thống thủy lợi (trên Trường Sơn). (8) Hồ Đồng Tháp Mười, U Minh. (9) Hệ thống nước thủy cục (10) Chính sách phát triển kinh tế nông thôn bền vững, dịch vụ, phân phối, (11) Đấu tranh và hợp tác chính trị sông Mekong. (12) Phát triển thủy sản nước mặn và nước lợ. (13) chống xâm thực bờ biển, (14) Nghiên cứu các giống chịu mặn và hạn hán nhẹ, (15) Nạo vét thường xuyên và phù hợp quy luật. (16) Mưa nhân tạo (17) Chuyển đổi canh tác lúa (18) Điện lưới quốc gia thông minh.

TRAO ĐỔI

Mờ đầu phần trao đổi, một khách mời đưa ra câu hỏi là trong các giải pháp xâm nhập mặn thầy nêu ra những giải pháp này đã làm tới đâu? Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết hiện chính phủ rất quan tâm đến chuyện này. Tuy nhiên, chính phủ muốn các nhà khoa học sẽ nghiên cứu sâu hơn. Trong kế hoạch Mekong delta plan, do Chính phủ Hà Lan tài trợ và đã được phê duyệt. Ngân hàng thế giới (Worldbank) sẽ chi 360 triệu USD để triển khai cho các dự án nhỏ với sự góp ý của chính quyền các tỉnh góp ý. Ngoài ra, vào khoảng tháng 11/2016, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có quy hoạch để ứng phó về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tiếc là họ đặt ra tầm nhìn đến năm 2050 là xa vời quá. Đối với các nhà khoa học thế giới, chỉ tính đến năm 2030 là được rồi. Tính xa vời quá thì khó sát với thực tế. Các nhà khoa học Hà Lan, khi nghiên cứu, đã xây dựng những kịch bản cụ thể, kỹ lưỡng, rất khoa học và có tính toán. Ví dụ như nước biển dâng từ 35 đến 57 cm, hoặc 65 đến 92 mm. Còn bên mình, ban cố vấn rất nhiệt tình nhưng điều kiện đi thực nghiệm quá ít do kinh phí eo hẹp, cũng không được đầu tư đúng mức. Ngoài ra, còn một điểm cũng rất hạn chế ở ĐBSCL là các chỉ số các chỉ số học vấn, tay nghề, .. dưới trung bình so với cả nước, trừ chỉ số tiêu thụ rượu.

Một khách mời đặt câu hỏi “Như vậy, những vấn đề này đã được nhìn thấy, gíao dục, giao thông, là vấn nạn ĐBSCL. Nếu không giải quyết được, thì các vấn đề lớn hơn ví dụ những giải pháp như vừa nêu thì theo thầy có khả thi không?”

Ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng thực ra các giải pháp này không khó. Vốn đầu tư không lớn. Vấn đề là thời gian. Làm mưa nhân tạo thì chỉ cần có máy bay, rải loại bột làm mưa nhân tạo xuống. Ở Thái Lan đã sử dụng hình thức này. Đợt hạn hán vừa rồi, Thái Lan có 28/77 tỉnh bị hạn hán và họ đã sử dụng mưa nhân tạo. Chỉ cần chúng ta đồng ý làm là có công ty bán. Quan trọng là chúng ta nhìn thấy và giải quyết vấn đề của chúng ta. Tự giải quyết vấn đề của bản thân, không thể dùng đó là cớ để đi xin tiền viện trợ. Còn nếu đặt vấn đề chuyển đổi thì phải chuyển đổi sao để người nông dân sống được. Phải hướng nghiệp cho người nông dân. Nếu tạo điều kiện thì người dân sẵn sàng chuyển đổi. Hiện tại, những người giàu từ lúa gạo lại là những nhà xuất khẩu gạo, lợi nhuận của họ đến từ việc mua lúa của người nông dân với giá thấp và xuất khẩu giá cao. Nếu có đơn hàng xuất khẩu thì còn thu mua, nhưng nếu không có thì người nông dân buộc lòng trữ lại và thua lỗ. Cơ chế hiện nay là thiếu trách nhiệm với người nông dân.

Ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng thực ra nông dân thì rất sáng tạo, rồi cũng sẽ tự xoay sở được. Tuy nhiên, giá như có sự hướng dẫn thì tốt hơn. Nhưng phải nghiên cứu thị trường, hướng dẫn, tổ chức thu mua. Ở đây trách nhiệm của những người hoạch định chính sách rất lớn. Đây không chỉ là chuyện mua một thứ đơn giản dùng cho cá nhân. Đây là vấn đề lớn của đất nước. Nhìn ra được vấn đề là tốt nhưng cũng phải thấy được cái nào là ưu tiên. Nhà nước phải biết quý tiền thuế dân đóng. Làm nhiều công trình tiền tỷ nhưng dân không hưởng được gì. Một ngày nào đó không có nước uống, không bán được lúa gạo. Người nông dân sẽ làm gì? Đó là mầm mống của những sai sót đó có thể nảy sinh xung đột. Vì vậy, tôi rất mong những người con của ĐBSCL suy nghĩ về điều đó. Từ bỏ bớt chuyện ở Sài Gòn, ứng dụng tài năng của mình giúp địa phương.

Nối tiếp phần thảo luận, một khách mời khác cho rằng việc những người có tài năng cống hiến cho địa phương cũng không dễ. Quan trọng là chính quyền có cơ chế hỗ trợ cho người tài hay không. Gần đây nhất là chuyện của ông nông dân không có bằng cấp nhưng sửa được xe tăng, làm ra máy bay trực thăng. Tuy nhiên, chính quyền lại coi đó là bí mật quốc gia, không cho làm. Thế là bác nông dân đó qua Camphuchia, sửa xe tăng cho Hunsen và được thưởng huân chương. Khách mời này cho rằng đó là hơi ép người tài. Nông dân ở đó rất sáng tạo, lại thật thà. Câu chuyện này cho thấy hình như các cấp chính quyền còn xem nhẹ người dân ở đó. Và các quan chức cấp tỉnh hình như mải lo chuyện khác chứ không chú ý đến những đều này. Theo khách mời này, trong 13 tỉnh ĐBSCL thì chỉ có Đồng Tháp là chú ý hỗ trợ các doanh nghiệp. Cấp chính quyền thành lập câu lạc bộ cà phê, doanh nghiệp kêu cái gì, thì tỉnh lo cái đó.

 Một khách mời khác chia sẻ “Chúng tôi là giảng viên, có tìm hiểu theo dõi thông tin và cũng thấy được nỗi lo này. Phần trình bày hôm nay có số liệu, minh chứng rất rõ ràng. Các giải pháp có vẻ khả thi. Nhưng phải bắt đầu từ đâu? Chúng tôi rất băn khoăn. Giá như các quan đầu tỉnh cùng ngồi lại nghe buổi chuyên đề này, cùng thẳng thắn trao đổi, để tìm ra cách giải quyết. Nhà trường sẵn sàng làm cầu nối để kết nối để những buổi nói chuyện như thế này được giới thiệu với các quan chức lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL”. Ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng vấn đề bi quan nhất hiện nay lã đội ngũ lãnh đạo. Nhiều lãnh đạo tốt, có tâm nhưng họ không biết làm như thế nào, một số khác thì chỉ tin vào con cháu của họ. Lãnh đạo làm sai thì người dân lãnh hậu quả. Chúng ta đã đặt ra các bậc thang giá trị không đúng, quá nặng về chính trị, ngọai giao, thành tích v.v… Dân không hưởng được gì, phải làm tất cả những gì có lợi cho dân từ chuyện nhỏ đến lớn. Từ góc độ bản thân, là nhà khoa học, hoạt động trong lĩnh vực thương mại kinh tế, bản thân tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn, mạnh dạn hơn.

Liên quan đến việc thu hút vốn đầu tư vào ĐBSCL, một khách mời đặt câu hỏi “Theo số liệu do thầy cung cấp, chỉ số vốn đầu tư FDI, vốn đầu tư trong nước vào ĐBSCL thấp.  Vậy thầy có đề xuất nào hoặc Nhà nước có giải pháp hay chính sách nào để thu hút vốn FDI, vốn trong nước vào ĐBSCL không?”

Để trả lời cho câu hỏi này, Ông Nguyễn Thanh Lâm kể lại câu chuyện tư vấn cho VCCI chi nhánh Cần Thơ (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) để tổ chức một chuyến đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Ông cho rằng những việc mời các doanh nghiệp của Mỹ và Canada đầu tư vào ĐBSCL là rất khó. Việc xúc tiến đầu tư nên tập trung nhiều vào 4 nước là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. 4 quốc gia này thiếu đất để sản xuất nông nghiệp và họ rất cần chúng ta. Chính sách của nhà nước phải làm sao để họ sử dụng đất, con người của mình, hỗ trợ các kiến thức nông nghiệp hiện đại, cùng chung tay xây dựng ĐBSCL. Sau chuyến đi xúc tiến đầu tư ở các nước, ông Võ Hùng Dũng, gíám đốc của VCCI cũng đồng ý với ông Lân về nhận định này. Vì vậy, đó là vấn đề khoa học. Phải nghiên cứu để biết ai là đối tác của mình. Và hướng hoạt động của mình về lối đó. Ví dụ như người Nhật muốn trồng gạo Nhật thì chúng ta phải quy hoạch vùng nào, tỉnh nào, miền nào, kết hợp bắt tay với họ làm. Gạo Nhật làm ra bán cả ngàn đô chứ không phải ba bốn trăm đô như bây giờ. Mà có người bao tiêu sản phẩm. Và công ty Nhật sẽ canh cho không ô nhiễm môi trường, hay dùng thuốc trừ sâu không phù hợp. Qua đó, chúng ta có thể học tập được người Nhật. Còn Singapore, họ không có đất. Nhưng họ mạnh về dịch vu, xây cất. Chúng ta nên hợp tác để làm. Người Hàn Quốc hiện nay có nhu cầu ra nước ngoài rất lớn qua VN chẳng hạn. Hiện nay có rất nhiều người Hàn ở VN. Chúng ta có thể tạo điều kiện để họ cùng chung tay xây dựng. Chúng ta phải nghiên cứu, đi đúng hướng rồi, chúng ta sẽ làm nên chuyện. Ông Lâm cho rằng còn nhiều chuyện phải tìm hiểu thấu đáo, sâu xa. Trong lịch sử VN, khi yêu cầu của xã hội cao hơn, mình không đáp ứng được thì đất nước đi xuống. Hiện nay, đối với vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta tìm giải pháp để thích ứng thôi, chứ không thể nói chống lại biến đổi khí hậu, chống hạn hán, chống lũ. Sống một cách hài hòa và thuận thiên. Đòi hỏi một nền tảng giáo dục vững chải, thể chế chính sách vững chãi, sáng suốt.

Buổi tọa đàm kết thúc với ý kiến của một giảng viên về vai trò của giới trẻ, những người chủ tương lai của đất nước. Theo khách mời này, hiện nay tình cảnh đất nước đang rất gặp nhiều vấn đề, thế nhưng giới trẻ dường như dửng dưng chỉ quan tâm đến các chương trình giải trí. Và hoàn toàn không nhận thức về tình cảnh của đất nước. Đây là một điều rất đáng buồn cho Việt Nam.


[1] Mekong có nghĩa là con sông mẹ.

[2] Tonlé Sap (Biển Hồ) có đặc điểm khá thú vị là hầu như tất cả con sông ở Campuchia đều đổ về Tonlé Sap. Vào mùa mưa, diện tích của Tonlé Sap có thể lên 16.000 Km2 với độ sâu 9 m. Trong mùa khô (đợt hạn hán đầu năm 2016 là một ví dụ), Tonlé Sap chỉ còn 3.000 Km2 với độ sâu còn 1 m. Theo ông Lâm, một điểm khá thú vị của Tonlé Sap là khi mực nước trong hồ dưới 3m, nước sẽ được giữ lại trong hồ, và trên 3m thì sẽ tiếp tục chảy về hạ lưu. Điều này cho phép Tonlé Sap trở thành một Hồ chứa nước ngọt tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á.

[3] Elnino trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là cậu bé hài đồng. Hiện tượng này thường xảy ra vào cuối mùa thu, gần Noel. Các nghiên cứu về khí tượng học chỉ ra rằng khi nước biển ở Peru, Chi Lê nóng lên và bốc hơi nhiều thì ở Đông Nam Á hạn hán. Và ngược lại, ở Peru, Chi Lê mà lạnh thì nước ở biển Đông nóng lên, lũ lụt. Thông thường có thể 10 năm mới có 1 chu kỳ.

[4] Một trong những ví dụ điển hình cho dạng sai lầm này là kênh T4 và T5. Mục tiêu của 2 kênh này là tách bớt nước, thoát lũ, cho ra biển Tây. Thế nhưng, sau khi đào xong mới thấy điểm tiếp giáp này là sai về mặt khoa học. Vì thủy triều ở đây rất đặc biệt. Độ thủy triều ở đây có thể chênh nhau đến 3 m. Vì vậy, nước sông thay vì nước đổ ra biển thì ngược lại nước biển lại tràn vào nên khu ở đây bị nhiễm mặn.

[5] nồng độ trung bình của nước biển là 35 phần ngàn, tức là 35 gram muối/1 lít nước.

Trích dẫn
  • Thomas A. Edison
    "Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm thấy 10 000 lần không thành công"
  • Adam Smith
    "Khoa học là liều thuốc giải vô cùng hữu hiệu cho sự nhiệt tình và mê tính"
  • Thomas A. Edison
    “Tôi sẽ không đầu tư vào những thứ không thể bán bởi lẽ doanh thu là minh chứng cho sự thỏa dụng, và sự thỏa dụng là chìa khóa để thành công”
  • Thomas A. Edison
    "Thiên tài là 1 % đam mê và 99% là rèn luyện"
  • Victor Hugo
    "Một địa ngục thông minh còn hơn là một thiên đường ngu ngốc"