Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
Tổng hợp ý kiến trao đổi và thảo luận buổi Xem phim & Tọa đàm "Nhiệt điện than ở Việt Nam: Hiểm họa môi trường và giải pháp thay thế ngày 22/10/2016

TỔNG HỢP Ý KIẾN TRAO ĐỔI VÀ THẢO LUẬN BUỔI XEM PHIM & TỌA ĐÀM "NHIỆT ĐIỆN THAN Ở VIỆT NAM: HIỂM HỌA MÔI TRƯỜNG VÀ GIẢI PHÁP THAY THẾ", NGÀY 22/10/2016

Chiều ngày 22/10/2016, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trường Đại học Mở TP.HCM kết hợp với Trung tâm Liên kết và Hành động vì Phát triển và Môi trường (CHANGE) đã tổ chức buổi chiếu phim và tọa đàm với chủ đề "NHIỆT ĐIỆN THAN Ở VIỆT NAM: HIỂM HỌA MÔI TRƯỜNG VÀ GIẢI PHÁP THAY THẾ". Nội dung của bộ phim[1] cho thấy khắp nơi trên thế giới, người ta đang quay trở về với than như là một nguồn năng lượng chủ yếu vì than rẻ, dễ khai thác. Đứng đầu trong xu thế này là Trung Quốc với 3 600 triệu tấn than một năm chiếm 45% sản lượng thế giới, kế đến là Ấn Độ, Ba Lan và cuối cùng là Đức. Ở một góc độ khác, than chiếm đến 44% khí thải carbonic trên hành tinh, một loại khí chủ yếu gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Theo Viện Sức khỏe của Mỹ, hàng năm than đã khiến gần 2 triệu người chết trên thế giới, chủ yếu qua đường hô hấp. Than là nguồn năng lượng giết người nhiều nhất hiện nay, giết những ai phải hít khói bụi ô nhiễm chứa khí carbonic, và giết cả những ai làm công việc khai thác nó tại mỏ. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu là mạch nước ngầm sẽ bị ô nhiễm đến cả ngàn năm vì mỏ than này. Người ta khai thác, bóc lột thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên một cách quá mức.


Ảnh 1: Quang cảnh buổi xem phim tọa đàm


Sau khoảng 1 giờ xem phim, PGS.TS Lê Anh Tuấn, khách mời của chương trình đã trình bày chuyên đề: “Vì sao nhiệt điện than bị nhiều nơi phản đối?” với 2 nội dung chính (1) Tác động môi trường của nhiệt điện than gồm những gì? (2) Những giải pháp nào giúp thay thế nhiệt điện than. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, một nhà máy nhiệt điện than sẽ tạo nên nhiều loại ô nhiễm như ô nhiễm không khí với CO2 (khí gây hiệu ứng nhà kính), SO2, các loại khí oxide nitơ (NOx). Ngoài các loại khí trên, trong không khí xung quanh các nhà máy nhiệt điện than còn có vô số các hạt bụi lơ lửng (PM2,5; PM10). Các hạt bụi với kích thước nhỏ này không rơi xuống đất mà lơ lửng trong không khí dễ dàng bị hít vào hệ hô hấp của người gây ra các bệnh hô hấp mãn tính và có thể dẫn đến ung thư phổi. Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard năm 2015[2] (Burden of disease from rising coal emissions in Southeast Asia), nếu tiếp tục phát triển nhiệt điện than như hiện nay, đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 người chết do ô nhiễm từ nhiệt điện than gây ra. Các loại bụi than hay xỉ than kích thước to hơn sẽ gây ra ô nhiễm đất trồng ở các môi trường sống xung quanh nhà máy. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà máy này làm mát hệ thống bằng nước nên nước thải ra sau khi sản xuất với nhiệt độ cao (40oC) làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu vực sông và biển nơi nhận dòng nước thải.

Theo xem xét của ông trên các báo cáo Đánh giá tác động môi trường của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải có nhiều vấn đề chưa thực sự đúng với thực tế. Ví dụ như thay đổi xả thải từ công nghệ ướt sang công nghệ khô,  hay bán kính phát tán bụi không phài 2 km mà lên đến ít nhất 5km. Ngoài các vấn đề trên, nguồn nguyên liệu than để đáp ứng cho ngành năng lượng này tại Việt Nam là không đủ. Việt Nam sẽ phải nhập than từ Trung Quốc, Úc và Indonesia nếu tiếp tục xây dựng những nhà máy nhiệt điện than như kế hoạch thì đến  năm 2030 số lượng nhà máy sẽ là 70. Một thực tế đáng ngạc nhiên khác là theo nghiên cứu của ông, hiện tại ở Việt Nam từ 2010 – 2014, lượng điện sản xuất nhiều hơn nhu cầu sử dụng. Trên thế giới hiện nay, nhiệt điện than được xem là ngành năng lượng gây ô nhiễm. Ở Mỹ, đang đóng cửa dần các nhà máy nhiệt điện than, bắt đầu từ 2015 cho đến 2022.

Như vậy, nếu muốn tăng lượng điện sản xuất mà không dùng nhiệt điện than thì Việt Nam có thể chọn lựa các giải pháp nào khác hay không?

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, với hơn 4000km bờ biển và với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa hầu như cả năm đều có nắng, năng lượng gió và năng lượng mặt trời là hai giải pháp rất phù hợp cho Việt Nam. Các giải pháp khác có thể dùng như năng lượng sinh học hay năng lượng dòng chảy (thủy điện). Ông còn nói thêm, các giải pháp thay thế này hầu như không gây ô nhiễm môi trường và không gây hại cho sức khỏe còn người. Vốn đầu tư ban đầu hơi cao so với nhiệt điện than nhưng chi phí trong quá trình vận hành thấp hơn nhiều. Với những số liệu thực tế, chi tiết về ngành nhiệt điện than, các vấn đề môi trường, xã hội và sơ lược kế hoạch phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam của chính phủ, chuyên đề đã thực sự gây sửng sốt và cung cấp cho khán giả cái nhìn khách quan và đầy đủ nhất về nhiệt điện than nói chung và nhiệt điện than tại Việt Nam nói riêng.

Sau báo cáo chuyên đề, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho khách mời xoay quanh nhiệt điện than, hiểm họa nhiệt điện than, giải pháp thay thế và sự hợp lý của kế hoạch phát triển nhiệt điện than của chính phủ đến năm 2030.


Ảnh 2: PGS.TS Lê Anh Tuấn trình bày tham luận


Đầu tiên là câu hỏi “Tại sao Việt Nam trong tương lai lại phát triển nhiệt điện than, đây có phải là giải pháp bắt buộc?”

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Câu hỏi này nếu được Chính phủ hay Bộ Công Thương trả lời sẽ hợp lý hơn. Theo tôi, khi có các chính sách quan trọng như chính sách về năng lượng, Chính phủ cần có sự tham khảo nghiêm túc và lắng nghe tư vấn của các Nhà khoa học (Năng lượng, Môi trường, Xã hội). Tuy nhiên thực tế khi ra kế hoạch lại không có sự tham khảo cần thiết chỉ quan tâm đến quyền lợi của một nhóm thay vì toàn xã hội.

Hỏi: Trước đây khi có chủ trương xây dựng nhà máy lọc dầu, hay cho Formosa vào Việt Nam, nhà nước bất chấp sự cảnh báo từ các nhà khoa học. Hiện nay là đối với nhiệt điện than. Tại sao nhà nước vẫn thực hiện, có phải do lợi ích thiểu số và không quan tâm đến sự ảnh hưởng của nó đến tương lai?

PGS.TS Lê Anh Tuấn đáp: Hiện nay với kế hoạch 14-15 nhà máy nhiệt điện than tại Đồng Bằng Sông Cửu Long khi được thực hiện xong sẽ gây hậu quả nặng nề về môi trường và xã hội cho khu vực này. Các cuộc đấu tranh của các nhà khoa học cần mạnh mẽ hơn nữa. Phải giúp cho mọi người trong xã hội hiểu vấn đề, đặc biệt là lực lượng nhà báo. Đồng thời kết hợp vận động các tỉnh có dự án nhiệt điện than hủy bỏ dự án. Vừa rồi, tỉnh Bạc Liêu đã vận động bỏ 1 trong 2 dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than. Tỉnh Long An dự kiến trình chính phủ xem xét hủy bỏ không triển khai 2 dự án nhiệt điện than tại đây.

Hỏi: Theo trình bày của thầy từ 2010 – 2014, sản xuất điện và sử dụng điện của Việt Nam có sự chênh lệch. Xin thầy nói rõ phương pháp thu thập số liệu để có kết quả này.

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Tôi thu thập số liệu từ các Hội nghị khoa học, các báo cáo và lấy số liệu từ các nguồn quen biết của cá nhân.

Hỏi: Tác hại của nhiệt điện than với con người và môi trường rất nhiều, như vậy nếu không xây dựng nhà máy nhiệt điện than Việt Nam có giải pháp nào?

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Theo tốc độ phát triển hiện nay, Việt Nam không nhất thiết phải xây dựng tập trung hàng loạt nhà máy nhiệt điện than. Tổng thống B. Obama khi đến thăm Việt Nam đã đề cập đến việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam  xây dựng nhà máy điện gió với công suất 1000MW, như trường hợp ở tỉnh Bạc Liêu. Các nghiên cứu khác trên thế giới cũng có nhận xét rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Hỏi: Sau khi tiếp cận nhà máy nhiệt điện than Duyên Hải, Trà Vinh, thầy có chia sẻ gì thêm về tác hại đối với xã hội do nhân công Trung Quốc và công nghệ Trung Quốc gây ra cho Việt Nam hay không?

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Khi tôi tham quan nhà máy, người hướng dẫn chỉ nói về lợi thế của nhà máy. Các thông tin thực tế phải thu thập từ khảo sát và khai thác từ người quen. Trong bán kính từ 5-7km xung quanh nhà máy vẫn nhận thấy sự hiện diện của bụi than không giống như kết luận trong báo cáo Đánh giá tác động môi trường. Nhà máy không thông báo cho người dân tác hại từ nhà máy, các báo cáo này đáng lẽ phải được công bố công khai với cộng đồng. Cộng đồng được nói đến ở đây bao gồm người chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp từ nhà máy và cả những người quan tâm đến vấn đề trên.

Một câu hỏi dành cho đại diện CHANGE: Xin hỏi CHANGE, Trung tâm có gặp khó khăn gì khi làm phóng sự về vấn đề này tại Bình Thuận không?

Đại diện CHANGE trả lời: là một đơn vị phi lợi nhuận về môi trường. Tập trung vào các dự án nâng cao nhận thức của người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Nhiệt điện than càng phát triển thì môi trường càng bị ô nhiễm (không khí, đất, nước), ảnh hưởng đến người dân ở gần và xa nhà máy. Trước khi CHANGE đến Bình Thuận thực hiện phóng sự trên, đã có nhiều nhà báo đến để làm phóng sự và đưa tin. Tuy nhiên, mọi việc sau đó vẫn không có biến chuyển khiến người dân cảm thấy thất vọng. Chính điều này lại gây khó khăn cho CHANGE vì người dân không còn muốn hợp tác và chia sẻ thông tin nữa.

Hỏi: Qua những gì chúng ta thảo luận, tôi nhận thấy quyền tiếp cận thông tin của người dân là một vấn đề khá quan trọng, mặc dù trong thời gian qua rất hạn chế. Tuy nhiên sau khi có thông tin, người dân phải làm gì để nhà nước thay đổi?

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Đầu tiên là cần sự quan tâm của tất cả các tầng lớp người dân. Sau đó các tác nhân tích cực hơn là các nhà báo, nhà khoa học. Để thuyết phục mọi người cần có cơ sở khoa học vững chắc, lý luận và bằng chứng cụ thể. Ngoài ra, cũng cần xem xét phát biểu và chủ trương của nhà nước để biết tính xác thực. Trong một lần nói chuyện gần đây, tôi có trao đổi với một quan chức Bộ Công Thương về lí do vì sao phát triển nhiệt điện than ở ĐBSCL thì được trả lời là Nhà máy nhiệt điện sẽ cần đặt ở nơi có kinh tế phát triển như Đồng bằng sông Cửu Long vì Nhà máy nhiệt điện sẽ cung cấp năng lượng cho ĐBSCL đồng thời cũng giảm tiêu hao năng lượng trong quá trình truyền dẫn.  Tuy nhiên, ĐBSCL là khu vực phát triển nông nghiệp không cần nhiều năng lượng như các khu công nghiệp ở khu vực miền Đông (như Đồng Nai, Sông Bé, Bình Dương) hoặc Saigon, Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc phát triển nhiệt điện than ở ĐBSCL phải cân nhắc cẩn trọng.


Ảnh 3: PGS.TS Lê Anh Tuấn trả lời câu hỏi thảo luận


Hỏi: Mối tương quan của Bộ công thương và địa phương như thế nào trong các chính sách xây dựng nhà máy nhiệt điện than?

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Từ trước đến nay, chính sách từ cấp trên đưa xuống bên dưới thực hiện, hầu như không có sự phản bác thực chất. Chiều phản hồi từ địa phương lên Trung ương hạn chế. Người Việt Nam cần tập sự phản biện với các vấn đề trong xã hội. Từ nhà trường nên tập cho sinh viên có suy nghĩ độc lập. Các cơ quan ban ngành ở Trung ương không phải lúc nào cũng đúng. Nếu các nhà Khoa học không phản biện mạnh mẽ để chỉ ra các sai sót thì có thể sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho kinh tế và xã hội Việt Nam.

Hỏi: Khó khăn trong việc sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam là gì?

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Khi phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đầu tiên sẽ phải đầu tư một nguồn kinh phí lớn. Ngoài ra giá bán điện bị mua thấp so với đầu tư. Nhiều kiến nghị từ các nhà khoa học về việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời sau đó đưa lên lưới điện nhưng chưađược đồng ý. Hiện nay, những gì tôi làm được rất nhỏ, cần có sự góp sức của tất cả mọi người.

Hỏi: Xỉ than có thể ngoài việc đưa vào sản xuất vật liệu xây dựng còn cách nào giải quyết khác hay không?

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Xỉ than có thể dùng làm vật liệu xây dựng khi trộn với xi măng, bê tông  nhưng lại làm giảm độ cứng vật liệu và  làm tăng chi phí. Nhiều nơi chọn giải pháp chôn lấp, tuy nhiên giải pháp này vẫn gây ô nhiễm đất tại nơi chôn lấp và phát tán ra xung quanh do gió, sự di chuyển của người và phương tiện chuyên chở ra vào khu vực chôn lấp. Ở một số nơi đổ xuống sông, biển gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Xử lý các loại chất thải từ sản xuất nhiệt điện than rất khó và cần chi phí rất cao. Để phát triển toàn diện kinh tế và xã hội, khi đánh giá sự tăng trưởng GDP cần quan tâm đến tác hại môi trường đi kèm.

Hỏi: Có nhiều giải pháp thay thế, giải pháp nào phù hợp nhất cho Việt Nam?

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Có rất nhiều loại năng lượng thay thế, tuy nhiên thiếu chính sách và thiếu đầu tư thì không thực hiện được. Giải pháp khác là tiết kiệm điện bằng cách sử dụng các thiết bị ít tiêu thụ điện năng, thay thế bằng sản xuất xanh.

 



[1] Xem phim tại https://www.youtube.com/watch?v=0k04UtYqdJY&list=PLw73kZcMIQPFiwEmSL2bKaZPzr5UVtCCJ&index=12

[2] Link download http://acmg.seas.harvard.edu/presentations/2015/koplitz_japan_symposium_20150529.pdf

Trích dẫn
  • Thomas A. Edison
    "Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm thấy 10 000 lần không thành công"
  • Adam Smith
    "Khoa học là liều thuốc giải vô cùng hữu hiệu cho sự nhiệt tình và mê tính"
  • Thomas A. Edison
    “Tôi sẽ không đầu tư vào những thứ không thể bán bởi lẽ doanh thu là minh chứng cho sự thỏa dụng, và sự thỏa dụng là chìa khóa để thành công”
  • Thomas A. Edison
    "Thiên tài là 1 % đam mê và 99% là rèn luyện"
  • Victor Hugo
    "Một địa ngục thông minh còn hơn là một thiên đường ngu ngốc"