TRAO ĐỔI VÀ THẢO LUẬN:
Theo diễn giả Ino Mayu, tư duy của người Nhật khi bắt đầu một dự án khởi nghiệp là: (1) Tạo ra thị trường hay một giá trị mới; (2) Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gắn với khu vực phát triển; (3) Sản phẩm làm ra hướng đến lợi ích của khách hàng; (4) Hoạt động xuất phát từ nhu cầu phát triển của địa phương. Theo chị, người Nhật bắt đầu khởi nghiệp là vì sự phát triển của cộng đồng nên yếu tố bền vững được quan tâm hàng đầu. Vậy để khởi nghiệp thì phải làm cách nào? Câu hỏi mà bất cứ người khởi nghiệp phải nghĩ đến khi hình thành ý tưởng: Đầu tiên là tìm thế mạnh của địa phương và phát huy thế mạnh này. Thứ hai, kết hợp giữa truyền thống và kiến thức/công nghệ mới để tạo giá trị mới. Cuối cùng, do có tính cộng đồng cao nên việc liên kết nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau trong địa phương hoặc các lĩnh vực khác để tạo ra sản phẩm mới là hết sức quan trọng.
Ngoài ra, khi xác định bắt đầu một công việc, người Nhật luôn xác định mục tiêu cần đạt đến, định vị sản phẩm sản xuất ra đang ở đâu trên thị trường và tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm đó để đạt được chất lượng tốt nhất. Sau khi có được những sản phẩm chất lượng, việc liên kết với cộng đồng tại địa phương là không thể thiếu trong chuỗi công việc “khởi nghiệp” này. Những hoạt động cộng đồng nhằm quảng bá và tiêu thụ những sản phẩm đặc trưng cho địa phương và góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm là một trong những khâu không thể thiếu trong định hướng khởi nghiệp.
Diễn giả chia sẻ các hoạt động của tổ chức Seed to Table tại Việt Nam, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, thúc đẩy hoạt động nông nghiệp sinh thái và tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương. Chính sách đổi mới bắt đầu thực hiện ở Việt Nam và đánh dấu bước chuyển dịch đầu tiên của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, khi Việt Nam đang trong giai đoạn đạt được sự tăng trưởng kinh tế đáng kể, thì sự chuyển đổi này cũng đem lại những tác động tiêu cực đến môi trường. Trong khi đó, Kinh tế và xã hội của Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn những nguồn giống bản địa là hết sức quan trọng vì chúng góp phần duy trì hệ sinh thái phong phú đa dang của địa phương.
- Thứ hai, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa của các cộng đồng địa phương nhằm bảo đảm sinh kế của người dân địa phương. Để duy trì cuộc sống và xã hội ở khu vực nông thôn, cộng đồng người dân phải liên tục phát triển kinh tế địa phương và bảo vệ hệ sinh thái đa dạng. Tuy nhiên, để làm được điều này việc nhận ra vai trò của văn hóa địa phương trong bảo tồn tri thức truyền thống và bản sắc dân tộc là rất quan trọng.
- Thứ ba, chế biến thực phẩm bằng việc sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương và do đó tạo cơ hội việc làm ở những vùng nông thôn. Khoảng 70% dân số Việt Nam sinh sống ở các vùng nông thôn và 60% dân số gắn liền với sản xuất nông nghiệp, mà hầu hết là nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Vấn đề quan trọng với nông dân Việt Nam hiện tại làm thế nào để quản lý ruộng đất quy mô nhỏ một cách đầy đủ và hiệu quả, làm thế nào để tận dụng những thứ sẵn có vào việc sản xuất và chế biến nông sản để tăng thêm giá trị kinh tế cho việc sản xuất. Khi đó thu nhập của người sản xuất sẽ tăng lên, tạo cơ hội cho họ tái đầu tư vào sản xuất hàng hoá nhất định. Đặc biệt là đối với khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, nơi có tỷ lệ người không có đất ở và sản xuất khá cao và dẫn đến nhu cầu việc làm phi nông nghiệp đang tăng lên đáng kể. Để tăng cường việc phát triển kinh tế bền vững tại vùng nông thôn, Tổ chức “Seed to Table” có những chương trình để nâng cao về khả năng và công nghệ của người sản xuất trong việc chế biến nông sản ngay tại địa phương. Do đó liên kết được những người nông dân sản xuất nhỏ với các hộ gia đình không có đất để tạo ra cơ hội việc làm cho cả nam giới và nữ giới tại địa phương.
- Cuối cùng, kết nối con người với con người, nông thôn với thành thị. Tổ chức Seed to Table cố gắng tạo ra một mạng lưới để kết nối người tiêu dùng với những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất bằng phương pháp nông nghiệp thân thiện với môi trường. Mạng lưới này gắn kết nông dân, người tiêu thụ, nhà phân phối và thậm chí những đầu bếp ở thành phố để xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau và sự hợp tác dựa trên một nền tảng bền vững. Bằng những việc này, không chỉ người tiêu dùng có lợi khi có thể tìm được những thực phẩm an toàn với chất lượng tốt mà nông dân cũng có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình. Với một lượng dân số thành thị khoảng 30 triệu người, mạng lưới này không những giúp thúc đẩy việc phát triển kinh doanh của nông dân tại những vùng nông thôn mà còn thúc đẩy lối sống lành mạnh và nhận thức của họ về vấn đề môi trường. Ngoài ra, Tổ chức “Seed to Table” còn mong muốn tạo ra cơ hội cho người nông dân cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, các hoạt động của tổ chức như “cầu nối” giữa người Nhật và người Việt để tăng cường sự hợp tác, tính hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau.
Với kinh nghiệm của một người từng làm, từng gắn bó với người nông dân Việt suốt 20 năm, Chị nhận thấy một số vấn đề thách thức mà tổ chức “Seed to Table” phải đối mặt trong thời gian tới là rất lớn, cụ thể như sau:
- Đặc điểm của người dân là thích làm những việc có quy mô lớn, có vốn đầu tư nhiều trong khi “Seed to Table” vẫn đang triển khai những dự án vừa và nhỏ và thực tế những dự án này rất có tiềm năng phát triển, ít tốn chi phí, dễ kiểm soát rủi ro và đem lại hiệu quả cao khi đưa vào hoạt động.
- Người dân quan tâm đến các công nghệ mới, ít tốn công sức nhưng chi phí cao. Họ bỏ qua các phương pháp truyền thống, phương pháp có thể tạo ra những sản phẩm độc đáo, đặc trưng.
- Người dân ngại liên kết làm cho việc kết nối cộng đồng trở nên khó thực hiện. Tổ chức đã phải trải mất một khoảng thời gian tiếp xúc, thuyết phục, thông qua cán bộ tại địa phương để có thể liên kết với người dân. Vì theo chị sản xuất nông nghiệp hiện nay nếu không có sự liên kết sẽ rất khó tồn tại và phát triển.
THẢO LUẬN:
Câu hỏi đầu tiên, khách mời quan tâm đến sự khác nhau giữa cách thức làm nông nghiệp hữu cơ giữa Việt Nam và Nhật Bản
Theo diễn giả, nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống nên về mặt kỹ thuật là giống nhau. Tuy nhiên, điều kiện canh tác ở Nhật Bản và Việt Nam thì có nhiều điểm khác nhau, do đó, áp dụng phương pháp cũng sẽ có sự khác nhau. Ví dụ, ở Việt Nam có thể kết hợp vườn, ao, chuồng để sản xuất. Trong khi ở Nhật quy định phải tách cây trồng và vật nuôi ra làm hai khu vực riêng. Nguyên nhân của việc tách biệt này là tránh những mầm bệnh có từ cây trồng/vật nuôi lây lan trong quần thể chung, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe của người sử dụng. Đối với cây trồng trong quá trình sinh trưởng cần có lượng phân bón để phát triển, nông dân Nhật sẽ sử dụng những loại phân bón hữu cơ có nguồn gốc và được cho phép sử dụng trong nông nghiệp.
Tiếp theo, một khách mời khác hỏi về những khó khăn của chị Mayu khi làm việc với nông dân địa phương, đặc biệt khi chị là người nước ngoài, có những khác biệt về văn hóa. Trong mối quan hệ này, người nông dân có ngại liên kết không?
Trả lời cho câu hỏi này, diễn giả khẳng định trong nông nghiệp hiện nay, nếu người dân không có sự liên kết sẽ rất khó khăn để tồn tại. Đặc biệt đối với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mang tính đặc trưng của khu vực nuôi trồng. Và để có thể liên kết với người nông dân với nhau nhất thiết cần một quá trình để họ hiểu. Còn việc chị là người nước ngoài khi đến Việt Nam phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng gặp một số trở ngại. Lúc mới bắt đầu, chị phải trải qua một thời gian khá dài để tìm hiểu về đặc điểm văn hóa, khí hậu, tình trạng đất đai, và các hoạt động sản xuất truyền thống của người dân. Từ những gì tích lũy được, chị định hướng những phương pháp phù hợp nhất để áp dụng cho từng khu vực sản xuất. Theo chị nếu áp dụng rập khuôn một kết quả từ nơi này đến nơi khác mà không có sự tìm hiểu những yếu tố trên là điều không thể.
Một số khách mời muốn được chị Mayu chia sẻ cảm nhận của chị về con người Việt Nam trong suốt thời gian dài sinh sống và làm việc.
Chia sẻ cho vấn đề này, Chị cho biết dù sống ở bất nơi đâu cũng sẽ có những điều vui và điều không vui. Gần 20 năm làm việc tại Việt Nam chị cũng có rất nhiều niềm vui và cũng không ít những vấn đề khiến chị phải suy nghĩ. Tuy nhiên, theo chị mọi vấn đề đều có thể giải quyết được khi có một cơ chế giải quyết tốt.
Tiếp đến, một khách mời khác hỏi về phương pháp phát huy hệ thống nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện nay có được đánh giá cao hay không? Điều kiện cần thiết để phát huy được nền nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam là gì?
Chị Mayu trả lời cho câu hỏi này: “Theo tôi, ở bất cứ ngành nghề nào mà người làm có quyết tâm, muốn tìm hiểu thông tin thì việc phát huy rất dễ dàng. Người nông dân quan tâm và tìm đến các tổ chức hoạt động hữu cơ để học hỏi về kỹ thuật, tổ chức phân phối,...thì kết quả đạt được sẽ rất cao, còn ngược lại, chắc chắn mục tiêu ban đầu sẽ không thể đạt được”.
Tìm hiểu về hoạt động của tổ chức Seed to Table, một khách mời khác mong muốn chị cho biết những khó khăn và thuận lợi từ khi tổ chức “Seed to Table” thành lập cho đến nay.
Theo Chị, việc khó nhất trong hoạt động của tổ chức Seed to Table khi làm việc với người dân là hiểu được tâm lý của họ theo từng giai đoạn. Ví dụ, ở giai đoạn đầu họ rất có quyết tâm để theo đuổi các phương pháp canh tác hữu cơ mà tổ chức yêu cầu phải tuân thủ. Nhưng khi bắt đầu tạo ra được sản phẩm và có hệ thống phân phối ổn định, người dân bắt đầu thay đổi trong suy nghĩ và không tuân thủ theo đúng những cam kết ban đầu. Chính điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của nhóm làm việc chung. Một điều đáng lưu ý nữa là những thành viên trong nhóm vì yếu tố tình cảm nên chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở mà không có biện pháp mạnh hơn cảnh báo những người cố tình vi phạm rằng những hành động không tuân thủ sẽ đem lại hậu quả không tốt. Để giải quyết cho những trường hợp đó cần thiết phải có những con người thật công tâm, có hệ thống giám sát chéo để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho sản phẩm được sản xuất ra. Đồng thời nghiêm túc xử lý những trường hợp vi phạm.
Cuối buổi, khách mời và diễn giả trao đổi thông tin và chụp ảnh lưu niệm