Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Tin tức
Tổng hợp ý kiến trao đổi và thảo luận buổi Chiếu phim & Tọa đàm "Một xã hội vị tha đang tiến bước?"

Trưa ngày 13/10/2017, tại hội trường 601 Trường Đại học Mở Tp.HCM, Trung tâm nghiên cứu phát triển đã tổ chức buổi chiếu phim tọa đàm với chủ đề “Một xã hội vị tha đang tiến bước?”, chương trình diễn ra với sự tham gia của 03 khách mời bàn tròn là Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Tiến sĩ, nhà giáo ưu tú Lê Vinh Quốc và Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bảo Lâm và hơn 100 khách mời xem phim.

Ảnh 1: Tiến sĩ Bùi Trân Phượng1

Ảnh 2: Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Lê Vinh Quốc 2

Ảnh 3: Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bảo Lâm 3

Phim “Một xã hội vị tha đang tiến bước?” nêu lên vấn đề về “lòng vị tha” mà tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, nó thường được gói gọn trong tôn giáo hoặc gia đình. Từ vài năm nay những nhà khoa học uy tín quốc tế bắt đầu chú trọng và đưa nó vượt ra hỏi khuôn khổ trên để đi đến nhà trường và khắp nơi trong xã hội. Hai tác giả người Pháp, Sylvie Gilman và Thierry de Lestrade đã làm khảo sát nghiên cứu tại những trường đại học nghiêm túc nhất trên thế giới, từ Havard, Stanford, Yale, Chicago, Delaware, Kansas, Wiscosin, Emory tại Mỹ đến Max Planck Institut ở Leipzig, Đức. Mọi nghiên cứu đều có cùng kết luận: lòng vị tha ở con Người luôn hiện hữu; nó được biểu hiện từ rất sớm, từ vài tháng tuổi trong cuộc đời.

Kết luận trên làm bật gốc cơ sở lý luận của Kinh tế học Vi Mô là môn căn bản trong ngành kinh tế, làm lung lay tư duy «tối ưu hóa» lợi nhuận hoặc năng suất như mục tiêu trong công cuộc kiến thiết quốc gia. Quan trọng hơn, những nghiên cứu ấy không dừng lại ở bàn giấy hoặc bài báo khoa học mà được chuyển thành chương trình giáo huấn, thực hành - trong đó Thiền được xem là một công cụ hữu hiệu để hoán chuyển cảm xúc tiêu cực thành tích cực và vun trồng lòng vị tha - tại nhiều trường công lập và cơ sở giáo dục đặc biệt ở nhiều quốc gia phát triển.

Thế giới đang dấn bước Giáo Dục vào con đường xây dựng một xã hội vị tha, xem đây là giải pháp của sự bế tắc, là mệnh lệnh của thời đại. Vậy đã đến lúc Giáo dục Việt Nam phải đồng hành với xu thế tiến bộ này chưa? Nếu đã đến lúc cấp bách thì làm thế nào để chúng ta thực hiện nó?

Sau hơn 1 giờ xem phim có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho khách mời xoay quanh các vấn đề về việc làm thế nào để giáo dục lòng vị tha, ở Việt Nam đã đến lúc phải đưa nó vào nhà trường hay chưa, cách thức nào để đưa giáo dục lòng vị tha vào nhà trường,...

Ảnh 4: Quang cảnh buổi chiếu phim – tọa đàm

Hỏi: Đã đến lúc Việt Nam phải đưa giáo dục lòng vị tha vào nhà trường hay chưa?

Cô Bùi Trân Phượng trả lời: Thay vì hỏi rằng bây giờ đã đến lúc chưa? Nếu không thì chuyện gì xảy ra? Tôi xin lật lại câu hỏi một chút và thuật lại một câu chuyện có thật tại Trường Hoa Sen vào khoảng 7 – 8 năm trước. Thực tế, chúng tôi đã bắt đầu đưa việc giáo dục lòng vị tha vào giảng đường từ đề xuất của một cô giáo trẻ tốt nghiệp từ Mỹ. Đề tài đầu tiên cô muốn đăng ký nghiên cứu tại trường Hoa Sen là “Có thể dạy người ta hạnh phúc hay không?”. Khi đưa ra hội đồng xét duyệt, có nhiều quan điểm cho rằng đề tài này không thực tế và không khả thi nhưng riêng tôi cảm thấy nó thực sự có ý nghĩa khoa học. Người nghiên cứu đề tài đưa ra rất nhiều luận cứ khoa học phù hợp và tôi cho đó là một trong những điểm nổi bật chứng minh đề tài có thể thực hiện được. Vậy nên, tôi đã lên tiếng ủng hộ cho đề tài này được tiếp tục thực hiện và cũng nhận được rất nhiều lời chỉ trích. Tuy nhiên tôi vẫn kiên quyết bảo vệ và đề tài đã nghiệm thu thành công. Sau đó, cô giảng viên lại đề xuất một dự án kết hợp nghiên cứu và hoạt động giáo dục thực tiễn mang tên “Dự án hạt giống hạnh phúc”. Mục tiêu của dự án là đưa vào hoạt động của sinh viên với chi phí khoảng 500 triệu đồng, trong đó nặng nhất là mời chuyên gia nghiên cứu từ Mỹ để chia sẻ các nghiên cứu họ đã thực hiện thành công như thế nào trên đất Mỹ. Tuy nhiên, sau đó cô giáo trẻ đã mời được một giáo sư người Pháp gốc Việt là thầy Hà Vĩnh Thọ. Thầy có kinh nghiệm dạy học nhiều năm ở Mỹ và được đức vua Bhutan mời về đảm nhận chức vụ Viện trưởng Viện nghiên cứu chỉ số hạnh phúc quốc gia của Bhutan. Do vậy chi phí cho dự án cũng thấp hơn rất nhiều so với  chi phí dự kiến. Và cũng nhờ đó dự án cũng kết nối được với mạng lưới nghiên cứu của thầy Thọ ở Huế. Thầy đã thực hiện việc đưa Thiền vào một số trường tiểu học công lập ở Huế để giáo dục cảm xúc cho học sinh. Ngoài việc đưa Thiền vào trường học, thầy còn lập Tịnh Trúc Gia để chăm sóc trẻ tự kỷ bằng phương pháp Thiền giống như bộ phim đưa ra. Đây thực sự là một kết quả rất rõ ràng. Những môn đệ của thầy đã nhận thức được sự quan trọng của dự án và tự nguyện bỏ ra kinh phí để đến Buhtan học những khóa học của thầy, sau đó họ trở về Việt Nam lập trường mẫu giáo và tổ chức những hoạt động khác. Họ áp dụng lý thuyết giáo dục lòng nhân ái cho trẻ và khi giáo dục lòng nhân ái đồng nghĩa với việc chúng ta dạy cho người ta biết sống hạnh phúc và góp phần vào hạnh phúc của người khác.

Nhờ vào rất nhiều nỗ lực, thầy Thọ đã duy trì được hệ thống trường tiểu học công lập ở Huế, một Tịnh Trúc Gia nuôi dạy trẻ đặc biệt nay đã tự chủ được về kinh tế và các môn đệ ở các trường mẫu giáo đang thực hành giáo dục lòng nhân ái. Lúc bấy giờ, Trường Đại học Hoa Sen không vì lợi nhuận đã tự nguyện gia nhập vào hệ thống để thực hành nghiên cứu. Mặc dù công việc của chúng tôi gãy đổ giữa chừng, tuy nhiên những con người đã tham gia vào dự án đó vẫn còn và theo tôi họ đã thay đổi theo chiều hướng rất tích cực. Vậy nên với tình hình nền giáo dục hiện tại có ảm đạm tới đâu tôi vẫn tin rằng nếu chúng ta khởi làm một điều gì rất tích cực thì vẫn sẽ cho ra kết quả rất tốt đẹp.

Hỏi: Sau khi bị phiền trách vì đã ủng hộ cho “Dự án hạt giống hạnh phúc”, cô có cảm thấy hạnh phúc của mình bị kém đi không?

Cô Bùi Trân Phượng: Tôi không cảm thấy hạnh phúc của mình bị ảnh hưởng gì. Theo tôi quyết định tại thời điểm đó là một quyết định hoàn toàn công tâm, không có bất kỳ một sự ưu ái thiên vị nào và kết quả dự án đạt được thực sự rất khả quan. Đến ngày hôm nay, cô giáo trẻ điều hành dự án đã rời khỏi trường Hoa Sen khi mục tiêu của trường thay đổi theo một hướng khác, tuy nhiên, sự thay đổi tích cực của những con người tham gia dự án đã cho chúng tôi thấy công việc của chúng tôi không hề vô nghĩa.

Hỏi: Thầy Lê Vinh Quốc từng làm trong môi trường sư phạm, thầy có suy nghĩ và mong muốn gì để mọi người hạnh phúc hơn hoặc một dự án nào đó có thể làm thay đổi con người giống như cô Phượng đã chia sẻ hay không?

Thầy Lê Vinh Quốc: Tôi xin phép trở lại câu hỏi trước là đã đến lúc phải đưa giáo dục lòng vị tha vào nhà trường hay chưa? Theo tôi, một đức tính mà con người cần phải có và có thể giáo dục để hình thành trong mỗi con người là lòng vị tha. Nhưng ngoài lòng vị tha, con người còn rất nhiều đức tính cần phải rèn luyện và đó phải xuất phát từ triết lý của nền giáo dục. Một nền giáo dục nhân văn hay một nền giáo dục khác thì triết lý  giáo dục cũng sẽ quyết định mục tiêu giáo dục như vậy. Tôi có một người bạn đồng nghiệp là TS. Giáp Văn Dương, là người rất quan tâm đến triết lý giáo dục và ông ấy đưa ra một kết luận rất hay về câu chuyện giáo giáo dục ở nước ta như thế này: Đã làm giáo dục thì phải có triết lý giáo dục, phải giải quyết được câu hỏi “Chúng ta đào tạo ra những con người tự do hay đào tạo ra con người công cụ? Nếu chúng ta hướng mục tiêu để đào tạo ra những con người công cụ và lấy đó làm triết lý thì chúng ta đang biến họ thành công cụ cho nhà cầm quyền và sẽ đẩy nền giáo dục theo triết lý đào tạo con người công cụ”. Khi ấy, lòng vị tha sẽ không có ý nghĩa trong nền giáo dục. Vậy nền tảng của một nền giáo dục chính là triết lý giáo dục. Một triết lý giáo dục nhân văn thì mới tạo ra những con người có tâm hồn cao thượng kèm theo đó là lương tri, họ sẽ biết nhìn nhận lẽ phải để sống tử tế và có lòng vị tha. Trong lịch sử, khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được một lực lượng trí thức Tây học đông đảo để bảo vệ và xây dựng đất nước. Họ được đào tạo trong trong nền giáo dục nhân văn, là những con người rất tự do, nên tất cả những khái niệm về lòng yêu nước, lòng yêu thương con người, tất cả những gì nhân bản nhất kể cả lòng vị tha đều có trong họ. Theo tôi, họ là một thế hệ vàng của trí thức Việt Nam.

Trở lại với câu hỏi Đã đến lúc phải đưa giáo dục lòng vị tha vào nhà trýờng hay chưa? Tôi xin thưa với quý vị rằng triết lý giáo dục ở Mỹ đã đưa vào nhà trường từ rất lâu nay, và từ tất cả các cấp học. Vậy tại sao Việt Nam chưa đưa vào nhà trường? Vấn đề nền giáo dục nước ta là gì? Có nên xây dựng lại nền giáo dục hay không? Hiện tại, nước ta đã nhiều lần xây dựng lại nền giáo dục, tuy nhiên, theo tôi vẫn chưa thể hiện được triết lý giáo dục. Từng tham gia nhiều chương trình đổi mới giáo dục, song tôi vẫn thấy vấn đề ở các chương trình là thiếu nền tảng triết lý để dẫn dắt cho một nền giáo dục.

Nói về các dự án có thể làm thay đổi con người, tôi cũng từng thiết kế một giáo trình mang tên “Đổi mới giáo dục theo khoa học giáo dục hiện đại”, trong giáo trình này có những triết lý và những định hướng nhằm thay đổi con người. Hình thức thiết kế dưới dạng các chuyên đề để đưa vào giảng dạy ở nhà trường. Tôi đã dùng bộ giáo trình này để bồi dưỡng cho giáo viên ở cơ sở, song, họ phản hồi rằng trong tình hình hiện tại, các trường đang thực hiện theo sự chỉ đạo từ trên xuống nên rất khó khăn để đưa một giáo  trình mới vào áp dụng.

Ảnh 5: Diễn giả thảo luận cùng khách mời tham dự chương trình

Hỏi: Thông qua ý kiến Thầy Quốc, tôi có nghe thầy đề cập đến một vấn đề là triết lý giáo dục, đào tạo con người công cụ hay con người tự do. Và khi nhắc đến con người tự do, thiết nghĩ đây có liên quan đến khái niệm cũ nhưng mới trong thời điểm hiện tại là giáo dục khai phóng. Cô Phượng có thể chia sẻ một chút cho khách mời trong khán phòng này được biết không?

Cô Bùi Trân Phượng: Theo tôi, một nền giáo dục bình thường đã là nhân văn, bản chất của nó đã là khai phóng vì đó không phải là một chọn lựa. Cũng giống như chúng tôi hiểu rằng để an toàn cho xã hội thì giáo dục tư nên là không vì lợi nhuận, về bản chất giáo dục là như thế. Như vậy một nền giáo dục khai phóng là gì? Theo tôi hiểu, khai phóng có nghĩa là phải mở trí cho người học, làm cho người ta biết suy nghĩ hơn, nhìn rộng ra hơn. Nếu chúng ta làm khác đi, tức là chúng ta đang bẻ cong nền giáo dục để biến nó thành một công cụ của chính trị. Khi làm như vậy thì giáo dục sẽ bị méo mó. Ngày nay, người ta lại bắt đầu trở lại với thuật ngữ khai phóng, thuật ngữ này xuất phát chủ yếu từ những người làm thực tế. Với tôi, công việc giáo dục có thực sự là giáo dục hay không là do chính những nhà giáo có còn bản chất là một nhà giáo hay không. Và sự thay đổi này phải xuất phát từ bên dưới, những người đang thực hành công việc giáo dục, điều đó sẽ bảo đảm cho kết quả mà chúng ta mong muốn.

Thầy Lê Vinh quốc: Tôi cũng cho rằng giáo dục có phải là giáo dục hay không thì chính nhà giáo là những người quyết định, để làm được thì họ phải là những nhà giáo đúng nghĩa. Để trở thành một nhà giáo đúng nghĩa, trước hết nhà giáo ấy phải là một con người tự do. Họ phải dạy học trò bằng tư duy, bằng nhận thức của chính mình, và đương nhiên là kiến thức, là khoa học. Theo tôi thuật ngữ khai phóng chính là triết lý giáo dục.

Hỏi: Nhân nói về lòng vị tha, giáo dục khai phóng. Trong tác phẩm “Nghĩa vụ học thuật” do nhà xuất bản Tri Thức phát hành có một câu rất hay “Thiên chức của giảng viên đại học là nói ra sự thật”. Vậy thì nói ra sự thật có dễ hay không, nhất là đối với bộ môn khoa học xã hội? Đối với chương trình giáo dục hiện tại làm cách nào để chúng ta đưa giáo dục lòng vị tha vào từng môn học, từng bài học?

Sau câu hỏi này là hàng loạt những chia sẻ và những câu hỏi của khách mời.

Khách mời thứ 1: Tôi rất đồng ý với ý kiến môi trường bên ngoài làm cho con người thay đổi, có những thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng cũng có thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Tôi cho rằng nhà trường có trách nhiệm đối với việc giáo dục, tuy nhiên, chỉ ở mức độ vừa phải. Theo tôi, khi hình thành nhân cách một con người có nhiều yếu tố giả định và các yếu tố xã hội khác. Tôi đưa ra ví dụ về một đứa trẻ tham gia giao thông cùng bố mẹ em, mặc dù ở trường em được dạy phải dừng lại khi đèn đỏ và chỉ được phép lưu thông khi đèn xanh. Nhưng trong trường hợp này bố hoặc mẹ em thường xuyên vượt đèn đỏ, vậy thì khi lớn lên liệu em có thực hành theo đúng những gì đã được học ở nhà trường hay không?

Một trường hợp khác là các em sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, tôi thấy được ở các em sự nhiệt huyết, tính kỷ luật và trách nhiệm. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc thì bản tính này mất đi. Lý do là gì? Có phải rằng lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, lòng vị tha trong các em đã bị thay đổi khi va chạm với môi trường xã hội? Theo tôi, vấn đề đưa giáo dục lòng vị tha vào nhà trường phải kèm theo các yếu tố khác để các em đủ bản lĩnh, đủ vững vàng đối phó các yếu tố tiêu cực, góp phần cải tạo xã hội.

Khách mời thứ 2: Bằng những nghiên cứu và đúc kết từ bản thân, tôi cho rằng con người luôn tồn tại 2 hạt giống phát triển song song với nhau, một mầm thiện và một mầm ác. Vấn đề của chúng ta là chúng ta vun trồng cho mầm nào để nó phát triển? Nếu toàn xã hội tập trung để vun trồng cho mầm thiện thì chúng ta sẽ nhìn cái thiện và cho rằng nó là bản chất ngay từ đầu khi sinh ra. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ có câu chuyện mầm ác át đi mầm thiện bởi do cách vun trồng. Chính vì những lý do này, tôi rất ủng hộ đưa giáo dục lòng vị tha vào nhà trường, nó như một sự chăm sóc, tạo điều kiện cho mầm thiện phát triển.

Ngoài chia sẻ trên, tôi cũng có một câu hỏi dành cho thầy Quốc như sau: sự tự do và tính vị tha có liên quan gì với nhau không? Giả sử như câu trả lời là có, vậy khi chúng ta đưa vào chương trình giáo dục thì cái gì có thể tạo ra tính tự do? Ví dụ như tư duy phản biện, hay cái gì đó khác hơn làm cho con người độc lập suy nghĩ để có tính vị tha.

Khách mời thứ 3: Tôi cũng xin chia sẻ một vài câu chuyện và một câu hỏi nhỏ dành cho diễn giả. Khi tôi đi học cũng có nghiên cứu và đọc rất nhiều sách, tôi thấy rằng khi nói đến vị tha thì người ta nghĩ đến việc vì người khác hay vị tha nhân. Trong xã hội có một nhóm người hoạt động về tôn giáo hoặc các nhà công tác xã hội họ cũng muốn thúc đẩy để có một xã hội tốt đẹp hơn, mọi người vì nhau hơn. Tuy nhiên, lại có một số nghiên cứu cho thấy rằng sau một thời gian dốc lòng để phục vị cộng đồng thì những con người đó trở nên cáu gắt, họ bất bình với xã hội, họ cảm thấy không hài lòng và bản thân không cảm thấy hạnh phúc. Vậy căn nguyên của những việc này là từ đâu? Có phải họ đã quá nhấn mạnh thể hiện vị tha đối với người khác mà quên đi rằng chính bản thân mình cũng cần sự vị tha. Theo tôi, bản chất cuộc sống là bất toàn, chỉ khi nào chúng ta cảm thấy yêu quý bản thân mình ngay cả khi chúng ta mắc phải sai lầm, lúc đó chúng ta mới có thể vị tha đối với người khác. Câu hỏi tôi muốn dành cho diễn giả là khi nhấn mạnh yếu tố vị tha, có nên chăng mọi người cũng vị tha đối với chính bản thân mình.

Khách mời thứ 4: Thứ nhất, chi sẻ về bộ phim, tôi thú vị ngay từ tựa đề phim. “Một xã hội vị tha đang tiến bước?” hàm ý sự lạc quan đối với xã hội hiện tại. Đặc biệt qua nghiên cứ và trình bày trong phim thì cái gọi là vị tha thuộc về bản năng, gốc rễ của con người. Nếu chúng ta được nuôi dưỡng trong môi trường tốt thì nó sẽ khơi dậy được bản chất này. Ngoài ra, phim còn nhắc tới một khái niệm gọi là Thiền. Tôi nghĩ Thiền chính là sự tương tác giữa con người với nhau. Thứ hai, cũng chia sẻ rằng tôi là người xuất thân từ ngành giáo dục. Một nhà giáo nên trong quá trình giảng dạy chúng tôi đã đưa vào khảo sát để tìm hiểu suy nghĩ của các em. Nhờ đó, các em cũng mạnh dạn chia sẻ và chúng tôi biết mình nên làm gì để giúp các em nhiều hơn. Ngoài ra trong quá trình tổ chức lớp học, chúng tôi tạo cho các em không gian để hoạt động, đặc biệt là cho các em tìm hiểu một cách tự do và được quyền nói theo suy nghĩ của bản thân, theo tôi ở mức độ nào đó đã có tư tưởng khai phóng. Tôi nghĩ rằng với một chương trình học mặc định nhưng bản thân người dạy có ngọn lửa đam mê thì chắc chắn sẽ tìm được lối ra.

Khách mời thứ 5: Tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của tôi đồng thời cũng muốn làm rõ một số vấn đề nhập nhằn hoặc hơi sai lệch trong việc hiểu như thế nào về vị tha. Vị tha nhân (vì người khác) nhưng rất nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn rằng từ bi, từ thiện là vị tha. Theo tôi, cốt lõi của vị tha là sự công bằng và chính trực. Vị tha nhân, làm cái gì đó ở cương vị của mình thì phải nghĩ đến người khác. Từ thiện là một biểu hiện của lòng vị tha nhưng đó không phải cốt lõi của vị tha. Chỉ cần trước khi đưa ra quyết định mọi người hãy nghĩ đến việc quyết định của mình đã công bằng với tất cả mọi người hay chưa. Có như vậy thì xã hội sẽ bớt bất công, bớt nghèo khổ và khi ấy cũng không cần thiết phải làm từ thiện để giúp đỡ ai khác. Từ thiện là một hành động tốt tuy nhiên một xã hội càng có nhiều người từ thiện điều đó có nghĩa là xã hội đó chưa hiểu về lòng vị tha một cách đúng mực.

Khách mời thứ 6: Tôi có nghe thầy Quốc trăn trở về vấn đề nền giáo dục đào tạo con người tự do hay con người công cụ, tuy nhiên, quan điểm của tôi là cảm nhận bộ phim từ góc độ một nhà giáo. Theo tôi, đây là một bộ phim thức tỉnh lòng người. Tôi thì lại nghĩ vấn đề trăn trở của thầy đơn giản là chúng ta có đủ bản lĩnh thực thi để đào tạo ra con người tự do chứ không phải con người công cụ hay không? Trong suy nghĩ tôi luôn cố gắng để là một nhà giáo theo kiểu con người tự do và dạy cho sinh viên của mình trở thành những con người tự do. Thực tế tôi đã hành động và cảm nhận những sinh viên của tôi hiểu được điều đó, tức là lòng vị tha thể hiện qua việc giúp đỡ học trò. Tuy nhiên, có ý kiến trái chiều nào đó nghĩ rằng tôi đang giả dối hay không? Đáng lo ngại hơn là việc thức tỉnh lòng vị tha trong chính bản thân mình có được đồng nghiệp khác ủng hộ hay không, hay họ sẵn sàn tấn công khi mình gặp vấn đề? Nếu trong nền giáo dục có những con người sẵn sàng dấn thân thì đồng nghiệp của họ suy nghĩ gì? Liệu họ có nghĩ đó là vật cản trên đường thăng tiến của họ?

Ảnh 6: Khách mời hỏi và chia sẻ

Ảnh 7: Khách mời hỏi và chia sẻ

Cô Bùi Trân Phượng trả lời một số ý kiến: Tôi nghĩ rằng chúng ta đã có những thảo luận hết sức sôi nổi và sinh động. Một số ý kiến ở đây đã được các anh chị trong khán phòng giải thích rất rõ. Lúc nãy có bạn rất băn khoăn dường như mọi người đang đưa ra một bức tranh hết sức ảm đạm trong thực tại và cũng có anh chị chứng minh bằng những điểm sáng. Với câu hỏi đầu tiên tôi đã trình bày một điểm sáng tại trường Hoa Sen và dự án thực hành của thầy Hà Vĩnh Thọ. Từ minh chứng đã có, tôi khẳng định giáo dục lòng nhân ái là hoàn toàn có thể và nó đã được thực hiện ở nhiều nơi.  Những người chia sẻ ở đây đừng xem mình là ngọn lửa cô đơn, hãy cùng tôi tin rằng chúng ta là những người đủ bản lĩnh để làm thay đổi bức tranh ảm đạm này và đem lại lợi ích cho xã hội. Chúng ta hãy xem mình là những người thầy đang nỗ lực làm nghĩa vụ của người thầy.

Có một số ý kiến tranh luận về định nghĩa lòng vị tha, theo tôi nếu như chúng ta quan tâm theo dõi các tài liệu cũng như phim “Một xã hội vị tha đang tiến bước?” chúng ta được nhắc nhở mình phải biết yêu thương và trân trọng bản thân mới có thể giúp được người khác. Nếu hiểu đúng khái niệm từ bi của đạo Phật hay khái niệm đồng cảm, lòng trắc ẩn thì hành động hoặc suy nghĩ sẽ không hề khắc nghiệt với bản thân. Tôi cũng đồng ý với ý kiến của vị khách mời, rằng vị tha hoàn toàn khác từ thiện. Từ thiện chỉ là biện pháp chữa cháy và đó không phải bản chất của lòng vị tha. Theo tôi, lòng vị tha có nghĩa là đừng vì tiền bạc, đừng vì lợi ích vật chất tư lợi cho bản thân, tư lợi cho nhóm lợi ích mà chà đạp lên lẽ công bằng chính trực, vi phạm quyền làm người của người khác, nghĩ đến người khác khi hành động hoặc đưa ra một quyết định.

Một điều khác quan trọng hơn là nên dạy sinh viên hay dạy người khác ở lứa tuổi nào thì vừa, dạy như thế nào để khi các em va chạm trong xã hội sẽ ứng dụng những điều được học. Gần đây, chúng tôi có một buổi tọa đàm mang tên “Dạy con từ quá khứ”, một bạn trẻ trong buổi tọa đàm đã nêu ra câu hỏi “Người ta dạy con từ lúc nào?”. Một danh nhân từng nói rất đúng rằng “Người ta dạy con từ 20 năm trước khi đứa trẻ chào đời”. Điều đó có nghĩa là những người làm cha làm mẹ đã không được giáo dục tốt, đã không hiểu được trách nhiệm làm người thì khó có thể dạy con mình một cách tử tế. Hình thành nhân cách của một con người là quá trình lâu dài và điều đáng vui mừng là bộ não con người hoàn toàn có khả năng thích ứng, thay đổi theo chiều hướng tích cực. Về bản chất con người là hoàn toàn tự do và ở bất cứ hoàn cảnh nào nếu chúng ta làm chủ được bản thân thì bộ não hay đạo đức đều có thể thay đổi được. Và tôi nghĩ rằng tự thân mỗi người cũng nên tự giáo dục, tự khai sáng mình trước, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào những người thầy.

Thầy Lê Vinh Quốc: Lúc nãy, một vị khách mời có trích dẫn câu “Thiên chức của một giáo viên đại học là nói lên sự thật”, câu nói rất hay và chính xác. Muốn nói lên sự thật được thì người giảng viên đó phải là một con người tự do. May mắn cho chúng ta là internet ngày nay rất phát triển, mỗi người có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng. Chỉ cần người tiếp nhận thông tin chắt lọc thông tin hữu ích để tự giáo dục mình đã là một trong những điều kiện giúp xã hội phát triển. Ngoài ra, trong buổi tọa đàm hôm nay chúng ta đi vào rất nhiều thuật ngữ, ví dụ như thiện và ác. Chúng ta không thể đào tạo ra một con người mà chỉ có mặt thiện mà không có ác, chỉ có điều chúng ta cố gắng hướng thiện cho họ và bản chất của giáo dục là phải hướng thiện.Trong buổi thảo luận hôm nay có nhắc đến vấn đề con người bị tác động của môi trường xã hội và tôi hoàn toàn nhất trí với điều đó. Ngoài ra, tôi còn thấy có những điểm sáng trong giáo dục qua chia sẻ của các anh chị, điều đó cho phép tôi tin rằng nền giáo dục nước ta vẫn có hướng phát triển tích cực.

Thầy Lê Bảo Lâm: Theo tôi, cái đáng quý nhất của con người chính là lòng nhân ái. Nhưng đáng tiếc rằng nhu cầu xã hội càng cao, con người vì nhu cầu cá nhân thực hiện cái này lại đánh mất cái kia, chấp nhận đánh đổi. Và xã hội càng tiện nghi thì con người ta càng đánh mất nhiều thứ hơn. Tuy nhiên đã sống thì chúng ta phải tích cực, phải lạc quan. Chúng ta vẫn phải tiếp tục hi vọng, tiếp tục cố gắng, cố gắng tự mỗi người thay đổi, kết nối cùng nhau thắp lên ngọn lửa hi vọng và tìm cách lan tỏa ngọn lửa này đi xa hơn.

------------------------------------------------------------------------------------------

1 TS. Bùi Trân Phượng – Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen Tp.HCM

2 TS, Nhà giáo ưu tú Lê Vinh Quốc – Nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm Tp.HCM

3 PGS.TS. Lê Bảo Lâm – Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mở Tp.HCM

Trích dẫn
  • Thomas A. Edison
    "Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm thấy 10 000 lần không thành công"
  • Adam Smith
    "Khoa học là liều thuốc giải vô cùng hữu hiệu cho sự nhiệt tình và mê tính"
  • Thomas A. Edison
    “Tôi sẽ không đầu tư vào những thứ không thể bán bởi lẽ doanh thu là minh chứng cho sự thỏa dụng, và sự thỏa dụng là chìa khóa để thành công”
  • Thomas A. Edison
    "Thiên tài là 1 % đam mê và 99% là rèn luyện"
  • Victor Hugo
    "Một địa ngục thông minh còn hơn là một thiên đường ngu ngốc"